<<< Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương (Ảnh: Tuấn Nam).
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương - người nổi tiếng với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù” - đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với PV Dân trí.
Phóng viên: Xin hỏi cảm xúc của ông thế nào khi theo dõi những thông tin liên tiếp về các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là việc điều các hệ thống vũ khí, trong đó có cả những mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới tới đảo Hải Nam và sẵn sàng đáp trả vũ lực nếu Mỹ và các quốc gia khẳng định chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục yêu cầu nước này chấm dứt các hoạt động cải tạo? Thậm chí gần đây nhất, hình ảnh do máy bay trinh sát của Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc còn mang cả hệ thống pháo tới đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trái phép trên Biển Đông để kiểm soát các đảo kế cận?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tôi thấy gần đây thái độ của nhân dân chúng ta với Biển Đông có gì đó hơi khác trước. Nhân dân đã nhìn nhận vấn đề bình tĩnh, sáng suốt hơn, thể hiện trách nhiệm trong việc đóng góp vào nền hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới hơn. Nhưng ở một khía cạnh khác, tôi cũng thấy tâm trạng nhân dân hết sức lo lắng, đặc biệt nghĩ đến những vị đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cho đến bây giờ chưa có một tiếng nói chung, thống nhất. Hay nói cách khác, nhân dân đang ngóng chờ một nghị quyết về vấn đề Biển Đông thể hiện thái độ lên án với hành động của Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để Quốc hội thể hiện mình trước nhân dân. Thế giới đã có thái độ rõ ràng với Trung Quốc như vậy thì Việt Nam cũng phải thể hiện thái độ một cách rạch ròi, rõ ràng.
Trung Quốc là một nước láng giềng và trong lịch sử quan hệ hai nước có lúc thăng, lúc trầm. Chúng ta rất hiểu Trung Quốc và Trung Quốc cũng rất hiểu chúng ta. Với Trung Quốc, chúng ta luôn mong muốn hòa bình, nhưng hòa bình hữu nghị ấy phải đứng trên góc độ tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Khi mà nguy cơ đe dọa đến an ninh, chủ quyền, lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam thì Quốc hội phải thể hiện rõ ràng thái độ của mình trước tình hình ở Biển Đông. Đó là điều mà hiện nay nhân dân đang hết sức quan tâm. Chúng ta phải coi vấn đề ở Biển Đông bây giờ là vấn đề số 1. Chúng ta phải thể hiện sự thẳng thắn, rạch ròi, sòng phẳng với những vấn đề Trung Quốc đã thể hiện trên Biển Đông. Sự kiên nhẫn của con người nói chung, sự kiên nhẫn của nhân dân Việt Nam nói riêng có giới hạn của nó, không thể kiên nhẫn tới mức tới hạ mình. Lịch sử dân tộc Việt Nam không có thói quen như vậy.
Ông có thường xuyên nhận được những câu hỏi, thắc mắc của bà con hàng xóm, trong khu dân cư về tình hình trên Biển Đông hiện nay không?
Rất nhiều. Bạn bè, những người đồng đội, bà con lối xóm biết tôi quan tâm tới những vấn đề trong nước, quốc tế, thường xuyên tiếp xúc với báo chí và đi ra nước ngoài nhiều nên trong những lần tiếp xúc, trò chuyện cuối cùng bao giờ cũng đều hỏi về Biển Đông. Họ hỏi tôi là chúng ta nên xử lý thế nào trước những thái độ hung hăng của Trung Quốc? Tại sao đến bây giờ Quốc hội vẫn chưa ra nghị quyết về Biển Đông?...
Nhưng để làm rõ những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, thể hiện rõ Nhà nước đã thực hiện những công việc để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, thì trong kỳ họp Quốc hội này, Quốc hội cần tỏ thái độ rõ ràng thông qua việc ban hành một nghị quyết về Biển Đông.
Nghị quyết về Biển Đông liệu có giải tỏa ngay được những tâm trạng của người dân lúc này?
Nếu Quốc hội ra được nghị quyết chuyên đề về Biển Đông với thái độ thẳng thắn, rạch ròi thì chắc chắn sẽ thu phục được lòng dân, giải tỏa được bức xúc trong nhân dân. Bởi cái mà nhân dân rất mong thì bây giờ Quốc hội chưa thể hiện một thái độ rõ ràng. Nghị quyết chắc chắn sẽ giải tỏa được tâm lý của nhân dân, làm nhân dân tin tưởng hơn. Quốc hội phải thấy điều đó và sớm thể hiện thái độ của mình.
Tiếng nói mạnh mẽ đó sẽ tạo nên sự đoàn kết trong nhân dân, tạo nên một sức mạnh. Khi nhân dân đã hiểu, cảm thông với Quốc hội, Nhà nước và đồng lòng với Nhà nước, Quốc hội thì khó khăn như thế nào đi nữa chúng ta cũng sẽ kiên trì giữ được một nền hòa bình, chuẩn bị và sẵn sàng cho cả những tình huống xấu nhất.
Trung Quốc đang cấp tập xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông (Ảnh: EPA)
Việt Nam cần phải tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế để gây sức ép đối với những hành động ngang ngược, ngày càng leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, thưa ông?
Vấn đề trên Biển Đông bây giờ không chỉ của Việt Nam và Trung Quốc nữa rồi, nó là của cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và cả thế giới rồi. Trở thành vấn đề của cả thế giới có nghĩa là Trung Quốc đang hành động một cách đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang ngược thể hiện mình trên Biển Đông. Điều đó khiến Biển Đông dậy sóng, mất ổn định, tác động cả với thế giới. 3/4 lượng hàng hóa giao lưu với thế giới qua khu vực này nên Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Úc, Canada đã thấy được sự đe dọa an ninh biển của Trung Quốc, nên đã tác động, lên tiếng mạnh mẽ rồi. Đây là lúc Việt Nam phải thể hiện quan điểm của mình.
Tôi rất tâm đắc bài phát biểu của bà Ursula von der Leyen - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức tại Đối thoại Shangri-La. Bà nói về nước Đức hòa nhập, lớn mạnh như hiện nay đó là do đã giao thoa với thế giới, hòa nhập với thế giới, tranh thủ hòa bình để hợp tác với các nước trong khu vực với thế giới. Một nước Đức có nền tự do, người dân có thể đi khắp thế giới để tạo ra sự ảnh hưởng, góp phần xây dựng ảnh hưởng của nước Đức lớn hơn so với nước Đức trong chiến tranh thế giới của quá khứ.
Theo phán đoán của tôi sẽ không có một cuộc chiến tranh ở Biển Đông trong tương lai gần, bởi đến một mức độ nào đó Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh chiến lược Biển Đông của mình, chứ không thể mãi ngang ngược như vậy. Điều này có cơ sở, khi mà ngay ở Liên Hợp Quốc cũng đã đưa vấn đề Biển Đông ra để có ý kiến với Trung Quốc rồi. Trung Quốc hoàn toàn ý thức được vấn đề đó.
Điều tôi mong muốn bây giờ là phải khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc - điều mà bao nhiêu thế hệ cha ông ta đã đổ xương máu đề giữ gìn. Cho nên hơn bao giờ hết Quốc hội phải hết sức tỉnh táo, thể hiện mình là đại biểu của nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
“Hội nghị Shangri-La vừa kết thúc đã không còn gói gọn trong phạm vi của Châu Á - Thái Bình Dương nữa mà nó đã trở thành hội nghị quốc tế hóa, trong đó hầu hết các bài phát biểu quan tâm tới vấn đề Biển Đông. Quan tâm tới Biển Đông thì cũng quan tâm nhiều tới thái độ của đại diện Trung Quốc dự họp. Qua hội nghị vừa rồi càng thấy rõ thái độ của Trung Quốc: Bất chấp dư luận quốc tế và giải thích vòng vo, trốn tránh những câu hỏi được đặt ra. Hầu hết những người đại diện của Trung Quốc đều tránh né trả lời thẳng vào câu hỏi và hầu như đọc một bài viết sẵn. Đó là điều mà dư luận quốc tế và những người trực tiếp dự họp không hài lòng, không thể chấp nhận được”- Thiếu tướng Lê Mã Lương nói. |
Thế Kha - Tuấn Hợp (thực hiện)