TNc: Sau khi đi dọc chiều dài đất nước, hôm nay 25-5-2015 đại hội nhà văn khu vực Hà Nội đã khép lại cuộc việt dã ngoạn mục. Như vậy 9 đại hội khu vực đến hôm nay kết thúc để BTC lo liệu cho ngày Đại hội toàn quốc. Các lá phiếu giới thiệu nhân sự BCH và chức danh Chủ tịch, các phó chủ tịch đã niêm phong đưa về Văn phòng Hội.
Hà Nội sau vụ cây xanh bị hạ bỗng nắng lên khá dữ dội. Ha ha có lẽ cụ Trời chơi quả thử thách sức chịu đựng con dân đất kẻ chợ...
Nắng vậy mà Đại hội khu vực Hà Nội không kém đông vui, đã có 49 nhà văn trên tổng số 74, vắng 25 quý vị. Nhiều lão tướng lừng danh như Xuân Thiêm, Nguyễn Xuân Khánh, Ông Văn Tùng, Lý Thị Trung, Lê Khả Sỹ. Nhiều nhà văn bệnh trọng vẫn tươi vui có mặt như Tân Linh...
Chủ tịch đoàn là những gương mặt khả ái Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Thu Huệ, Trần Gia Thái, Lại Hồng Khánh. Hiềm một nỗi chật quá các vị ngồi sát sàn sạt vào nhau. Trời nóng chỉ e ngan ngát "hương thầm". Ha ha tếu vui chút nhé...Thư kí đoàn là người đẹp Lê Hồng Nguyên và Bùi Việt Mỹ...
Vẫn theo thông lệ các báo cáo tổng kêt nhiệm kỳ, kiểm điểm BCH khóa 8. Cái mới là đọc dự thảo Điều lệ sửa đổi lần này do Phan Thị Thanh Nhàn chứ không do người của BTC.
Phần thảo luân nhà thơ Đặng Huy Giang nổ phát đầu tiên ăn giải nhanh nhạy. Ông cho rằng Ban vận đông VĐĐL có tuyên ngôn, có trang web mà chưa được phép là tổ chức bất hợp pháp rồi, Tây Tầu đều thế đâu chỉ nước mình. Tôi đồng tình với trả lời của Chủ tịch Hữu Thỉnh trên báo Văn nghệ. Tự do là do mình, có khi ngồi tù vẫn tự do ! (Ý này rất độc đáo) Nhà Phật cũng nói thế ! Gần đây có một vài trang mạng chửi Hội Nhà văn thậm tệ, tôi đề nghị Hội phải có công văn chính thức phản đối. Về nhân sự có vùng miền nam nữ. Ai đi không vững thì không nên vào chấp hành, BCH mà đọc văn không hiểu thì sao thẩm định văn chương hội viên được. Chủ tịch hội đồng là BCH thế nếu không biết ngoại ngữ có làm chủ tịch hội đồng dịch hay không ? Giải thưởng NN ối người chả có tác phẩm gì đáng kể.
Nhà thơ trào phúng Lê Khả Sỹ ngoại 80 nhanh nhẹn bước lên bục. Ông ngợi ca BCH khóa 8 làm nhiều việc. Ông chê mặt LLPB thì tụt đến đáy. Thụ động, né tránh quan to. Sao lại bốc thơm Hoàng Quang Thuận quá mức như vậy ? Tôi xấu hổ đến mức không dám nhận mình là hội viên...
Sao GS Vũ Khiêu lại ủng hộ thô thiển hóa Truyện Kiều ? Ngày Thơ cứ thả thơ lên trời những câu thơ vớ vẩn thì thật kì cục cho Hội mình. Lần này ta bầu cho Nguyễn Quang Thiều. (bác PR công khai phết).
Nhà dịch giả khả kính Ông Văn Tùng lên tiếng. Ông nói dọc con đường từ Vinh lên Nam Đàn từng cây số đều có các danh nhân Hồ Chí Minh, Mai Hắc Đế, Ông Văn Tùng...Quả là vùng địa linh nhân kiệt. Ông kể tôi ở đâu cũng bị đánh chỉ đến Hội Nhà văn là không. Ôi chao sao lắm người chơi bác thế ! Tôi khổ về cái họ Ông của tôi suốt từ khi đi học đến giờ...Tất cả có thể quên nhưng Nguyễn Du, Lý Bạch, Ta go...thì không thể quên. Tôi dịch hàng trăm cuốn và không ai chửi. Chả hiểu sao bác lại nhắc đến câu thơ cũ mèm từ thời nảo thời nào "nhà văn An Nam khổ như chó".
Đàm Khánh Phương mong sẽ bầu được một BCH xứng đáng đại biểu cho những người cầm bút. Việc bầu một nửa số hội viên đi dự vì chuyến bay chỗ ngồi có hạn chứ còn chúng ta ai cũng xứng đáng. Tôi đã 73 tuổi nhưng chắc còn chờ vài ba kỳ đại hội nữa đi dự cũng không sao. ( Xin lỗi nhà thơ Đàm Khánh Phương vì nhầm lẫn do tuổi già nên lúc trước viết không đúng lời phát biểu của anh )
Nhà thơ Chử Văn Long giọng khàn khàn nói rằng văn chương đang nhiều bụi bặm. Mơ ước một thời văn chương trong sáng. Văn chương hãy an ủi những thân phận đau khổ. Hình như văn chương bây giờ như đun nước bằng ấm siêu tốc, nhanh sôi đấy nhưng cũng không còn ngon ngọt...Tập thơ tuyển giai đoạn chống Mỹ mất công bằng, tùy tiện. Cuối cùng ông tấu lên một bài thơ tình với sự trầm mặc và run rảy.!
Bước vào bầu cử và giới thiệu nhân sự. Khối Hà Nội được chọn 50 đại biểu đi dự Đại hội 9. Cách bầu khoanh tròn vào số thứ tự người mình bầu lại được áp dụng. Sáng kiến tuyệt vời này rất nên nhân rộng cho các hội đoàn và đề nghị Hội đăng kí tác quyền kẻo anh nào nó thuổng mất. Ha ha...
Ảnh: 1- Nhà văn lão thành Xuân Thiêm và Văn Lừng
2- Nữ sỹ Phan Thị Thanh Nhàn đọc sửa đổi Điều lệ
3- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Đinh Nam Khương