Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 28/5.
Báo cáo của Bộ Nội vụ mới đây gửi đến Quốc hội có đề cập vấn đề lương của khối cán bộ công chức hiện nay. Một nhận xét khái quát được đưa ra là lương thấp nên đời sống của những người làm việc trong khu vực công, hưởng lương từ ngân sách nhà nước rất khó khăn khi lương đến cấp Bộ trưởng cũng chỉ 14,4 triệu đồng/tháng. Ông bình luận gì về thông tin này?
Phải nói thẳng, một cách thực chất, thu nhập của cán bộ, công chức ở Việt Nam là một lĩnh vực không kiểm soát được. Gần như ai cũng có thể hiểu lý do vì sao người Việt Nam thường dùng cụm từ ghép “lương”đi với “lậu”, “lương”đi với “bổng”, tức là có rất nhiều yếu tố, nguồn thu nhập và rõ ràng không có ai sống thật bằng đồng lương cả, kể cả người lao động bình thường cho đến những quan chức ở cấp bậc cao. Chưa nói đến những yếu tố tiêu cực mà chỉ cần nhìn ở những khoản thu nhập được coi là chính đáng, chính thức hiện nay thì tôi nghĩ thu nhập của quan chức cũng đến mức ổn rồi.
Còn việc dư luận phản ứng với thông tin lương Bộ trưởng “khó sống” thì phải đặt vấn đề thế nào là “sống”? Nếu là thu nhập15 triệu/tháng thì rõ ràng là rất thấp vì luật cho phép lương của một lãnh đạo DNNN dưới quyền quản lý của Bộ trưởng đã tới vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng mà.
Vậy nên, tôi thấy chắc chắn một điều là thu nhập của các Bộ trưởng rất cao, cứ trông cách sống của họ là biết. Vậy nên nói “Bộ trưởng… khó sống”, người dân dễ phản ứng. Thu nhập của người lao động bình thường là 2 -3 triệu đồng/tháng, công chức cũng chỉ 4-5 triệu đồng/tháng thôi người ta vẫn sống thì 14-15 triệu đồng/tháng sao bảo là khó.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: "Bộ trưởng giàu - có gì là xấu?" (ảnh: Việt Hưng).
Có những ý kiến cho rằng, Bộ trưởng xứng đáng có một mức lương, mức đãi ngộ ưu việt hơn, thực chất hơn để yên tâm làm việc, cũng là để “dưỡng liêm”?
Bộ trưởng xứng đáng được hưởng một mức chi trả cao hơn để đảm bảo yên tâm phục vụ, cống hiến nhưng không nên có một khoảng cách quá lớn so với toàn dân. Như ở các nước, Bộ trưởng có thể là một nhà tư bản, một người làm kinh doanh, một chính khách chuyên nghiệp và họ cũng không sống chỉ bằng lương công chức mà bằng nhiều nguồn thu nhập khác. Nguồn thu có thể đến từ các đảng phái, các tổ chức xã hội và những việc đó được công khai. Vấn đề là ở chỗ đó.
Còn ở ta, nếu cứ bám vào những lập luận như bạn đề cập để đòi tăng lương thì lại sinh ra những bất cập xã hội khác. Về phương tiện làm việc của Bộ trưởng thì nên tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể phát huy hết khả năng cho công việc nhưng còn lương thì nên có chuẩn mực nhất định, tỷ lệ tương xứng với khối cán bộ công chức khác trong bộ máy.
Tóm lại, lương không phải là nguồn duy nhất của thu nhập và người ta có thể sống được mà không cần có lương.
Ông nhắc tới việc học hỏi mô hình của nước ngoài thì có thể nói đến “tấm gương” thành công gần gũi Việt Nam nhất là Singapore. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tổ chức một hệ thống cơ quan điều hành nhà nước mà các Bộ trưởng đặc biệt được đề cao, được trả lương rất hậu hĩnh, thậm chí là cao hơn nhiều lương của Thủ tướng. Ông Lý nói là trả lương xứng đáng để các Bộ trưởng toàn tâm cho công việc, không còn phải nghĩ đến những nguồn kiếm thêm bên ngoài?
Tôi không hiểu mô hình của Singapore lắm nhưng bàn chuyện ở Việt Nam thì khi mà ta chưa kiểm soát được nguồn thu nhập, mọi giao dịch chưa vận hành thông qua các công cụ quản trị tài chính thì đừng nghĩ rằng đồng lương là quan trọng. Anh có tăng lương mấy thì người ta cũng vẫn vậy thôi, năng lực người ta như vậy, người ta vẫn làm như thế.
Có thể là ông Lý Quang Diệu tính trả lương Bộ trưởng theo hiệu quả công việc, còn chúng ta, có cơ chế nào để tính toán, để đong đo được hiệu quả công việc của Bộ trưởng hay việc đánh giá chủ yếu mới chỉ dựa trên… cảm giác?
Hơn nữa, về tâm lý, tạo ra mức chênh lệch quá lớn trong xã hội cũng khó, kể cả là thực tế hay thậm chí là thực dụng đi nữa, với xã hội vẫn còn đòi hỏi sự cào bằng, đồng đều thì việc tạo khoảng cách lớn là không hợp lý.
Bộ trưởng càng giàu càng tốt!
Như ông nói nghĩa là chúng ta cần phải tiếp tục chấp nhận chế độ lương đi với bổng đã tồn tại trong đời sống của các quan chức ngày xưa?
Ở đâu, thời nào thì anh cũng phải tạo điều kiện làm việc cho người ta. Những thu nhập của quan chức, như đã nói, có thể được trả dựa trên hiệu quả công việc chứ.
Tôi còn nhớ câu chuyện về một vị quan trong triều đình nhà Nguyễn đã từng viết một cuốn sách, vạch ra 108 hiện tượng được coi là không chính đáng, bản chất là nhận hối lộ, tiêu cực, tham nhũng và 5 trường hợp là những khoản thu nhập người ta có thể nhận. Ví dụ, một viên quan trấn trị một bến cảng mà việc điều hành của ông ta mang lại lợi ích cho các chủ tàu thì các chủ tàu cho tiền ông ta cũng là việc bình thường.
Nhưng chấp nhận tiếp tục chế độ lương không đủ sống còn bổng lại thênh thang thì có phải là mâu thuẫn với quan điểm kiểm soát thu nhập, tài sản mà ông đã đề cập ở trên?
Nếu tất cả các giao dịch, khoản thu nhập đều thông qua tài khoản thì không vấn đề gì. Tôi vẫn đặt câu hỏi là tại sao chúng ta không ngừng hô hào chống tham nhũng nhưng một công cụ để chống tham nhũng tốt nhất là việc quản lý tài chính thì lại không làm, vẫn kéo dài tình trạng sử dụng tiền mặt như hiện tại, sao không áp dụng các công cụ kiểm soát giao dịch như tài khoản, thẻ… Ở các nước, nói thật, muốn mua sắm một tài sản nào đó, anh mang tiền đến thì họ cũng hỏi tiền ở đâu ra trong khi ta vẫn cứ kê khai tài sản một cách rất hình thức. Nếu làm việc này, quan chức có thể có quyền nhận thu nhập từ mọi nguồn khác một cách minh bạch, chính đáng, từ hoạt động kinh doanh của gia đình, từ đầu tư bất động sản, chứng khoán… một cách đàng hoàng, nộp thuế đầy đủ. Khi những chuyện đó công khai, ta có thể xác định ngay nguồn thu nhập đó là hợp pháp hay không hợp pháp và nếu hợp pháp không lý gì người ta không thể nhận. Bộ trưởng càng giàu càng tốt chứ có gì xấu đâu.
Nhưng với cơ chế của chúng ta hiện nay, có khoản thu nhập nào khác của Bộ trưởng ngoài lương được coi là hợp pháp, được chấp nhận?
Bởi vì chúng ta cứ tự quy việc này việc khác là không hợp pháp thôi. Vì dụ, được một người biếu tiền thì trong việc này, không phải trường hợp nào cũng không chính đáng. Vấn đề là những giao dịch đó có kiểm soát được không chứ. Nếu không, tại sao lương thấp vậy người ta vẫn muốn làm Bộ trưởng. Có thể lý giải một phần do động cơ phấn đấu chính trị của họ nhưng quan trọng hơn là họ có những khoản thu nhập khác chứ (có thể là hợp pháp, có thể là không hợp pháp). Và hiện không ai kiểm soát được việc đó.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)