|
Trung tướng Trần Văn Độ - Ảnh: Việt Dũng |
Bên lề buổi thảo luận về dự án Luật tổ chức điều tra hình sự và dự án Luật tạm giam tạm giữ và trong bối cảnh Quốc hội nghe báo cáo, thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự..., trung tướng Trần Văn Độ nói: “Đã đến lúc chúng ta thay đổi quan niệm án hình sự, đụng một chút là giam người. Chúng ta phải thực hiện quyền của người bị kết tội là quyền suy đoán vô tội. Cho nên biện pháp cưỡng chế trước khi phán quyết của tòa án chỉ phục vụ cho hoạt động tố tụng hiệu quả chứ đấy không phải là hình phạt”.
Hỏi cung, phải có mặt bên thứ ba
* Theo ông, nên cân nhắc thế nào trong việc tạm giam, tạm giữ một con người?
- Tạm giam, tạm giữ phải có căn cứ rõ ràng. Vấn đề là anh có tiếp tục phạm tội hay không, anh có cản trở điều tra, có mua chuộc nhân chứng, ép buộc nhân chứng hoặc hủy chứng cứ thì mới tạm giam. Ở Việt Nam, một người chưa bị kết án nhưng bị tạm giam là cả hàng xóm, láng giềng đã bàn tán. Bố mà bị bắt lên đồn là hôm sau con cái đi học bị xa lánh, đồn ầm lên cả trường, các bạn đều biết. Tôi nghĩ không nên lạm dụng tạm giữ, tạm giam.
* Đối với quá trình điều tra, cần quy định thêm thế nào để bảo toàn và tránh thất lạc chứng cứ, giảm oan sai, thưa ông?
- Theo tôi, cần phải mở rộng những cơ quan có thẩm quyền điều tra ban đầu. Khi vụ án xảy ra thì các cơ quan đó có quyền xác minh, có dấu hiệu thì khởi tố vụ án. Còn truy tố bị can thì phải là cơ quan có chuyên môn sâu quyết định. Có nghĩa là có thể sẽ có nhiều cơ quan được quyền điều tra, khởi tố vụ án, xác minh, lấy lời khai, bảo vệ hiện trường... Sau đó phải chuyển cho cơ quan điều tra. Và điều tra ban đầu thì không được hỏi cung, không đi sâu vào chuyện điều tra. Các cơ quan này cũng không có điều tra viên mà mở rộng như vậy là nhằm bảo vệ chứng cứ để tránh thất lạc, phục vụ cho công tác điều tra sau này.
* Về việc trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình trong hỏi cung, ông có cho rằng cần thiết?
“Sử dụng các biện pháp luật cấm, nằm ngoài tố tụng để đạt được mục đích là không phù hợp với nhà nước pháp quyền, đụng chạm rất lớn đến quyền con người” |
Đại biểu Quốc hội, trung tướng Trần Văn Độ |
- Đó là những biện pháp nên làm, ít tốn kém, dễ trang bị. Ngoài sự có mặt của người bào chữa, theo tôi còn cần có cả kiểm sát viên với tư cách kiểm sát điều tra cũng rất quan trọng. Khi có mặt người thứ ba thì những trường hợp đáng tiếc trong điều tra rất khó xảy ra. Việc này để tránh bức cung, nhục hình là một lẽ nhưng còn một khía cạnh khác thủ thuật, nghiệp vụ để bắt bị can khai báo theo ý điều tra viên thì cũng phải khó. Cho nên nếu có luật sư, kiểm sát viên có mặt thì sẽ tốt hơn, tránh được oan sai.
* Có lo ngại là nếu bổ sung quy định chặt sẽ gây khó khăn, làm bó tay cơ quan điều tra?
- Tôi không nghĩ đó là việc làm bó tay cơ quan điều tra. Bởi vì việc điều tra phải bằng con đường hợp pháp. Các biện pháp điều tra đã được Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật khác quy định. Và nghĩa vụ của điều tra viên và những người tiến hành tố tụng khác là bắt buộc phải tuân thủ pháp luật. Còn sử dụng các biện pháp luật cấm, nằm ngoài tố tụng để đạt được mục đích là không phù hợp với nhà nước pháp quyền, đụng chạm rất lớn đến quyền con người.
Nhiều thẩm phán chỉ phụ thuộc vào hồ sơ
* Oan sai xảy ra có thể không hẳn do tiêu cực mà còn do bệnh thành tích, do yếu chuyên môn nghiệp vụ, ông đánh giá thế nào?
- Yêu cầu của quá trình tố tụng là không để làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm. Đó là một sức ép, đạt được hai mục đích là rất khó. Nếu làm oan một người vô tội là không chấp nhận rồi, nhưng những vụ án giết người cướp của man rợ... không điều tra ra được lại là có tội với nhân dân. Nên phải nhìn nhận để thông cảm với các cơ quan tố tụng. Tất nhiên không phải vin vào đó mà để xảy ra những vi phạm quyền con người.
* Trong cải cách tư pháp, chúng ta đang lấy khâu tranh tụng làm khâu đột phá. Là người công tác 30 năm trong ngành tòa án, ông có hiến kế giải pháp gì để biến khâu này thật sự thành khâu đột phá?
- Một vấn đề cố hữu của chúng ta là tố tụng hoàn toàn từ góc độ thẩm vấn và xét xử trên hồ sơ vụ án. Vì thế, xưa nay chúng ta quan tâm đến hồ sơ nhiều hơn là kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa nên có thể dẫn đến tình trạng oan sai. Cho nên nghị quyết 49 của Đảng đã ghi nhận một trong những khâu đột phá trong cải cách tư pháp là tranh tụng tại tòa.
Hiến pháp 2013 cũng đã ghi nhận tranh tụng không chỉ tại phiên tòa mà tranh tụng trong tất cả quá trình tố tụng: từ khởi tố vụ án cho đến khi bản án có hiệu lực thi hành. Một trong những vấn đề quan trọng là xác định sự thật để phán quyết đúng. Mà sự thật khách quan đó phải đến từ tranh luận của hai bên, tòa án đứng giữa phán quyết. Chỉ khi xác định được sự thật, tòa án mới phán quyết đúng.
* Nhiều người cũng băn khoăn vị thế độc lập và khả năng phán quyết cuối cùng của tòa án. Quan điểm của ông như thế nào?
- Thẩm phán độc lập nhưng phải tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, trình độ hiện nay theo thói quen từ xưa đến nay, rất nhiều thẩm phán phụ thuộc vào hồ sơ, quá trình xét xử. Khi ra tại phiên tòa mà kết quả tranh tụng khác đi thì gặp lúng túng trong vấn đề xử lý, cái đó là có. Tòa án cũng làm quen dần đi với vị trí là người trọng tài, đứng giữa để phán quyết.
* Nhưng hiện nay trong phần tranh tụng nhiều khi đại diện Viện kiểm sát chỉ nói một câu là “bảo lưu quan điểm” mà không nói gì thêm?
- Cái đó đúng là mang thói quen thẩm vấn vào đây rồi. Kiểm sát viên chỉ nhận ủy quyền của viện trưởng đến chỉ bảo vệ cáo trạng của viện kiểm sát nên họ không thể nói khác được. Nhưng bây giờ phải khác đi, phải tăng quyền cho kiểm sát viên tại phiên tòa. Có kiểm sát viên ký vào cáo trạng tại phiên tòa, phải trách nhiệm và có thể thay đổi cáo trạng của anh tại phiên tòa. Luật tố tụng phải có đổi mới.
Cái gì mới sẽ khó nhưng không bắt đầu thì không bao giờ thực hiện được.
* Xin cảm ơn ông!
Có vụ án dùng bức cung, nhục hình mà hồ sơ vụ án rất đẹp * Chủ tịch Quốc hội có nói là oan sai giai đoạn nào thì bộ phận phụ trách giai đoạn đó phải chịu trách nhiệm. Ông nghĩ sao về sự rành mạch này? - Luật bồi thường nhà nước đã quy định cơ quan nào ra phán quyết cuối cùng mà xảy ra oan sai thì cơ quan đó chịu trách nhiệm. Còn trách nhiệm về chính trị, trách nhiệm về nghề nghiệp thì tất cả những người tham gia tố tụng đều phải chịu trách nhiệm chứ không đơn thuần là cơ quan ra phán quyết cuối cùng mà tất cả những người tham gia giải quyết vụ án: điều tra, kiểm sát, tòa án. Đặc biệt trong cơ chế tố tụng thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa dựa vào hồ sơ do cơ quan công an lập thì rõ ràng tác động từ hồ sơ vụ án là lớn. Đặc biệt có những vụ án dùng bức cung, nhục hình mà hồ sơ vụ án rất đẹp, ra tòa bị cáo vẫn nhận tội. Cho nên cũng phải thông cảm với rất nhiều thẩm phán. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa anh làm oan thì không phải chịu trách nhiệm. Ở góc độ nào đó có xem xét nhưng phải chịu trách nhiệm. Đã làm việc liên quan đến số phận con người là phải cẩn trọng. Thật cẩn trọng! Và quan niệm của tôi phải buộc được tội mới kết tội. Có thể bỏ lọt nhưng không thể buộc tội oan. |
Nguồn TTO
VIỄN SỰ gh