Với tôi, làm ở vị trí lãnh đạo tròn 21 năm từ vị trí chủ tịch qua bí thư là quá lâu. Nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá.
Cứ “đường xưa lối cũ em về” như vậy mãi làm cho thành phố không bứt phá được, chưa kể là sẽ cản trở sự đi lên của anh em. Mình ngồi đó, anh em sẽ không lên được.
Mình làm lâu sẽ trở thành lão làng, hạn chế tư duy của anh em. Ngồi trước mặt mình, anh em cũng khó nói lên được những điều mới. Mình trở thành chỗ dựa cho anh em, dựa mãi lại hình thành thói quen ỷ lại”.
* Trong khi nhiều người đến tuổi nghỉ hưu vẫn muốn tại chức, còn ông vẫn đang sung sức sao phải nghỉ sớm?
- Tôi quan niệm rằng chủ tịch hay bí thư, vị trí lãnh đạo không phải là gia tài điền sản do ông bà, cha mẹ để lại cho mình mà nó là của xã hội. Vị trí cũng do xã hội đặt anh lên, Đảng giao cho anh. Tôi không muốn làm kẻ tư duy lá chuối. Cây nào đến mùa cũng thay lá non, duy nhất chỉ có cây chuối là tàu lá nó chết còn bám trên cây, người ta phải cắt đi.
Tôi không muốn như vậy. Đã đến lúc mình cần rời vị trí thì phải rời. Một đoạn đường 21 năm với cương vị chủ chốt của thành phố, bây giờ mình đặt gánh xuống trao lại cho anh em có nghĩa là mình rời cái gánh lo toan rất nhẹ nhàng.
Chứ không phải đặt gánh xuống ban ân huệ cho anh em, cũng không phải mình để lại vàng không đâu, mà cả thau lẫn rác trong đó.
Tôi đã suy nghĩ rất nghiêm túc về điều này trước khi quyết định. Nếu nói về được, tôi được quá nhiều, không phải là được danh hay lợi mà là có môi trường, có vị trí để thực hiện sở nguyện của mình trên mảnh đất này. Ngoài ra, mình cũng để lại được một chút gì đó trong lòng mọi người khi mình làm việc.
Người ta có thể ghét, oán, chê mình về mặt trình độ nhưng mình không làm gì để người ta khinh mình. Mình giữ bản thân một cách trọn vẹn để đến hôm nay mình trở về một cách thanh thản.
Xét về góc độ xã hội, mình cũng được quá nhiều, anh em góp vô cho mình nhiều lắm. Xét về mặt gia đình, bản thân so với cha mẹ mình thôi, cuộc đời của mình cũng được quá nhiều. Do đó, mình thấy vui khi mình trở về, không nặng nề gì hết.
* Nhiều ý kiến cho rằng nếu Nguyễn Sự không làm nữa, Hội An khó mà giữ được như hiện nay. Ông nghĩ sao về điều đó?
- Đội ngũ lãnh đạo kế cận của Hội An đã được chuẩn bị dù rằng vẫn còn một số vấn đề, nhưng nhìn chung anh em đủ sức đảm nhận được nhiệm vụ này.
Tôi tin rằng anh em sẽ làm được việc, thậm chí làm tốt hơn mình do được học hành đến nơi đến chốn, có kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm. Điều quan trọng là anh em phải rèn từng bước và phải có bản lĩnh, dũng khí.
Tâm có thể tốt, có thể hiểu biết nhiều, nhưng phải có bản lĩnh để chịu đựng, để đấu tranh vượt qua những cám dỗ, rủ rê sai trái. Thậm chí phải đấu tranh với cấp trên trước những điều không phù hợp với địa phương mình. Xã hội hiện nay cũng dễ làm con người tha hóa, nên phải có dũng khí.
Anh không có dũng khí, anh sa ngã thì anh sẽ mất ngay. Cái mất này đối với cá nhân anh không quan trọng mà lớn nhất là làm mất lòng tin của nhân dân... Vượt qua hai cái đó, anh em sẽ làm nên chuyện.
Khi tôi làm phó bí thư chuyển qua làm chủ tịch, gần như đội ngũ cán bộ và nhân dân thị xã không đánh giá cao tôi. Nhưng chính cuộc sống, chính thực tiễn đã dạy tôi biết cần làm gì và nên làm gì.
Dù kết quả chưa quá tốt như mọi người mong muốn, nhưng chí ít đến hôm nay phải nói rằng mình không phụ lòng tin của mọi người. Giờ tôi tin anh em cũng vậy. Dư luận, nhân dân có thể đặt dấu hỏi, điều này hết sức bình thường, càng khiến anh em phải cố gắng hết sức.
|
Ông Nguyễn Sự (bìa trái) trong dịp vận động cán bộ công chức Hội An đi làm bằng xe đạp (tháng 3-2014) - Ảnh: Duy Minh |
* Ông nghĩ gì về những việc ông đã làm cho Hội An, cả được và chưa được?
- Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm qua, trong tất cả những việc được đều có sự đóng góp của anh em, sự ủng hộ của người dân Hội An lớn lắm. Hội An được nhận nhiều danh hiệu không chỉ mình tôi làm. Bao giờ người ta cũng dồn cho người đứng đầu nhưng thật sự công sức của anh em rất nhiều.
Dù nhìn lại thấy bản thân vẫn làm được cái này cái kia nhưng cũng có những sai lầm. Khi tôi tự kiểm thì tự hào một điều rằng không xuất phát từ một động cơ cá nhân. Nếu có sai lầm thì đó là do kiến thức, tư duy, do cách nghĩ, do năng lực, do hiểu biết mình chưa đến nơi đến chốn.
Ví dụ cho tôi làm lại, chắc chắn tôi sẽ không cấp phép cho các dự án ven biển như bây giờ mà sẽ cấp ở bên kia đường. Điều này tôi đã nói cách đây mười mấy năm. Nhưng lịch sử không có chữ “nếu”, không thể làm lại được. Doanh nghiệp không có lỗi mà là do mình.
Lúc đó vì Hội An cần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển du lịch biển nhưng về mặt lâu dài không phù hợp. Việc trồng cây hoa sữa dày đặc trên phố cũng vậy, nhưng cái này thì sửa được.
Dù chưa ai lên án mình nhưng tôi vẫn tự nghĩ đó là cái sai của mình, không tránh né nhưng tôi cũng được an ủi là mình vì cái chung cả, vì mong muốn cho thành phố phát triển, người dân có công ăn việc làm khi dịch vụ mở ra.
Tuy nhiên, Hội An chưa trở thành một thành phố trong công viên cây xanh như tôi mong muốn và vẫn còn nhiều điều “mong manh” lắm. Môi trường xã hội như cơ sở hạ tầng một số nơi còn chắp vá, quy hoạch chưa đồng bộ, đời sống của một bộ phận nhân dân ở các vùng nông thôn còn gặp khó khăn...
Đó là những món nợ lớn với nhân dân Hội An mà tôi chưa trả được. Tôi mong anh em thay tôi trả món nợ này.
|
Chiều 6-6, vừa về sau chuyến công tác ở Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự (trái) lại tất bật bàn chuyện bảo vệ biển Cửa Đại trước nguy cơ sạt lở với PGS.TS Nguyễn Trung Việt (CĐ Kinh tế - thủy lợi miền Trung) - Ảnh: Minh Hải |
* Về nghỉ hưu rồi, ông sẽ tiếp tục làm cố vấn cho Hội An?
- Tôi nói với anh em là khi tôi đã làm hết mình thì anh em cho tôi nghỉ hết mình, không xin, không hỏi ý kiến gì nữa. Quá khứ tôi chịu trách nhiệm nhưng tương lai các anh phải tự quyết định. Bởi vì khi tham gia ý kiến, mình không nắm tình hình là đã bị lạc hậu rồi.
Ngay cả bây giờ, chỉ ba ngày tôi không nghe tình hình của thành phố là đã thấy lạc hậu, huống hồ khi tôi nghỉ rồi. Có thể khi tôi nghe một chuyện gì đó, tôi gọi thông tin với anh em để xử lý chứ dứt khoát không can thiệp công việc của anh em nữa dù lớn hay nhỏ.
Trừ trường hợp có ai đó làm bậy, với trách nhiệm là đảng viên, là công dân, là người đã từng giữ trách nhiệm trong bộ máy, mình phải có ý kiến. Còn tất cả mọi việc thì để anh em làm, nếu có hỏi thì có thể nói bằng kinh nghiệm, còn nghe hay không là việc của họ.
Về nhà, tôi có bao nhiêu thứ để mình làm như đọc sách, chăm cây cảnh, nói chuyện với bạn bè. Tôi nghĩ mình nghỉ rồi có chăng mất là mất tiếng dạ thôi. Còn lại chẳng mất gì.
Với 36 tuổi Đảng và 21 năm nắm giữ cương vị chủ chốt ở Hội An, Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự đã để lại cho mảnh đất này một dấu ấn lớn. Từ một đô thị cổ đìu hiu, chỉ trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, dưới sự lèo lái của ông đã trở thành một thương hiệu du lịch nổi tiếng toàn cầu với di sản kiến trúc cổ Hội An được bảo tồn nguyên vẹn, được UNESCO công nhận và trao giải thưởng. Đời sống cư dân Hội An ngày một giàu lên nhờ biết cách làm du lịch bền vững. Họ luôn ghi nhớ công lao của ông, một người đã tận tâm, tận lực cho sự bảo tồn và phát huy di sản quý giá của tiền nhân để lại cho con dân Hội An. |
* Ông ĐINH VĂN THU (phó bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam): Những đóng góp của anh Nguyễn Sự cho phát triển của Hội An theo cá nhân tôi là rất tốt và điều ấy quá rõ ràng. Thường vụ Tỉnh ủy cũng mong muốn anh Sự tiếp tục làm chủ tịch HĐND TP Hội An đến hết tháng 5-2016 nhưng anh ấy xin nghỉ sớm theo nguyện vọng. Tôi nghĩ việc ấy cũng tốt và có ý nghĩa cho đội ngũ kế thừa của Hội An và cũng được tập thể thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất. * Ông NGUYỄN VĂN SỸ (nguyên chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam): Anh Nguyễn Sự và tôi làm việc một thời gian dài cùng nhau. Đầu năm 2013 anh Sự xin nghỉ sớm vì lý do sức khỏe, nhưng tôi và anh Nguyễn Đức Hải (nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, hiện là phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương) động viên anh ấy ở lại. Vì nếu anh Sự nghỉ thì sẽ rất khó cho Hội An. Phải nói là Hội An bây giờ khó có được người như anh Sự. * Ông PHẠM QUỐC ANH (chạy xe ôm, phường Tân An): Ngay từ những ngày đầu đội xe ôm mới thành lập, ông Sự đã dành nhiều buổi để nói chuyện với anh em xe ôm. Ông luôn dặn dò, khuyên bảo những người hành nghề xe ôm như tôi phải biết giữ thái độ đúng mực khi chở khách, không “chặt chém” giá cả và đặc biệt là nâng cao trình độ ngoại ngữ để làm hình ảnh thành phố đẹp hơn trong mắt du khách. Những lời nói chân tình của ông bí thư luôn được anh em nhắc nhở nhau mỗi ngày. * Bà VÕ THỊ CÚC (người dân phường Cẩm Phô): Thỉnh thoảng khi thành phố tổ chức lễ hội, bà con trong phố cổ thường bắt gặp hình ảnh ông Sự mặc bộ quần áo giản dị “vi hành” khắp các tuyến đường lớn nhỏ cùng với lực lượng an ninh. Tôi cũng như nhiều người vẫn nhớ như in lần ông Sự hỗ trợ công an bắt một tên cướp giật đồ của du khách ngay trong đêm diễn ra festival di sản. Tôi tin với những gì ông đã dốc sức cống hiến cho thành phố, người kế nhiệm ông sẽ phát huy tốt những gì ông để lại. TẤN VŨ - THANH BA ghi |