'Việt Nam tiếp khách một tháng bằng châu Âu chi một năm'
(Tin tức thời sự) - Dù nguồn vốn dưới hình thức nào, con cháu đều phải trả! Do đó, nguồn vốn vay hay viện trợ đều phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích.
GS.TS Đặng Đình Đào (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội) nói với Đất Việt.
PV:- Thưa ông, tại buổi tọa đàm góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật ngân sách nhà nước, một lần nữa các chuyên gia phải thốt lên "Việt Nam tiêu tiền tùy tiện nhất thế giới". Trước đó, cũng nhiều chuyên gia đã nêu những dẫn chứng người Việt tiêu hoang hơn cả Mỹ: chi tiếp khách, hội họp.... Ông bình luận thế nào trước những ý kiến trên? Theo ông, liệu đó có phải biểu hiện của tính hiếu khách truyền thống của Việt Nam hay không?
GS.TS Đặng Đình Đào: Tôi đồng tình với ý kiến trên của các chuyên gia về tình hình này ở nước ta. Với kiểu ăn chơi, tiếp khách, hội họp … xuất hiện khắp nơi cả thành thị đến nông thôn như hiện nay thì khó có thể bình luận gì thêm ….Nhiều chuyên gia nước ngoài đã phải thốt lên “Ăn uống, tiếp khách ở Việt Nam một tháng bằng chi cả một năm ở Châu âu (nước họ)”! Biết rằng “Miếng trầu là đầu câu chuyện” là truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ nhưng cách hào phóng với mức chi đón tiếp, chi hội họp, “cách bôi trơn” kinh khủng, tràn làn như hiện nay, có lẽ chỉ có ở Việt Nam và đã đến lúc cần phải có biện pháp hạn chế và thay đổi!
|
VN nổi tiếng tiêu tiền tùy tiện nhưng những hình ảnh học nghèo đu dây đi học vẫn hiện hữu hàng ngày (Ảnh: TTO) |
PV:- Xét về vấn đề chi tiêu ngân sách, sự lãng phí này có hậu quả như thế nào: lãng phí lớn nguồn thu hay tạo nên tâm lý chi tiêu tủy tiện tiền ngân sách?
GS.TS Đặng Đình Đào: Đúng là như vậy. Sự chi tiêu lãng phí, tùy tiện như hiện nay chủ yếu là từ tiền ngân sách nhà nước, vừa làm lãng phí lớn nguồn thu, vừa tạo nên tâm lý chi tiêu tùy tiện tiền ngân sách mà thực chất là tiền của dân đóng thuế.Nhìn ở góc độ khác, trong khi tình trạng lãng phí trong sử dụng tiền ngân sách vẫn đang diễn, dọc bên các quốc lộ, tỉnh lộ ở các địa phương vẫn cứ duy trì hàng chục năm nay các pa nô, áp phích như: “Người nộp thuế là công dân trung thực, là công dân có trách nhiệm nhất”, “Tiền thuế là để chăm sóc sức khỏe của nhân dân” …. Điều này không khỏi gợi lên ở người dân những sự lấn cấn.
Vậy tại sao lại không có các pa nô, áp phích có nội dung khác ngay bên cạnh như “Ai sử dụng tùy tiện và lãng phí tiền ngân sách nhà nước là có tội với dân, với tổ quốc”…
Quan trọng là, theo tôi, đã đến lúc cần có những thay đổi cơ bản về cả nhận thức trong xã hội từ phía cả người sử dụng tiền ngân sách đến người nộp thuế và cả các cơ quan quản lý để có sự công bằng, minh bạch hơn, sử dụng có hiệu quả hơn tiền ngân sách.
Nguồn datviet
Tít bài chúng tôi đặt lại