(Bình ca dao)
Cái cò mà mổ cái trai,
Cái trai khép vỏ, lại nhai cái cò!…
Cái cò mà mổ cái tôm,
Cái tôm quặp lại, lại ôm cái cò!
2 bài ca dao trên hay và lý thú ở chỗ nào? Nghĩa nổi và đặc biệt nghĩa ngầm của chúng ra sao? Dưới đây, là một vài lời bình tán dông dài mang tính thể nghiệm một cách đọc - hiểu của chúng tôi, mong được sự chia sẻ hay phản bác của quý bạn đọc, ngõ hầu tiêu bớt cái nóng hầm hập của thời tiết mới cuối xuân mà đã như giữa hạ mấy hôm nay.
1. Nghĩa thanh nổi 1.
Hiểu theo nghĩa sinh vật học: Hai bài ca dao mô tả hiện tượng kiếm ăn của loài cò, một loài chim mỏ dài, chân dài quen sống nơi cánh đồng, đầm nước. Cò đủng đỉnh nhấc đôi cẳng lêu đêu của mình lội bì bõm trên những cánh đồng sâu, đầm bùn, dùng cái mỏ nhọn dài thượt sục sạo, tìm mổ con tép, con tôm; cần mẫn, từ tinh mơ đến tận tốt mịt mới sải cánh bay về mớm cho đàn con ríu rít trong những chiếc tổ vắt vẻo trên ngọn tre, ngọn bàng, ngọn đa, ngọn sấu… Có con cò trắng phau phau đang lò dò kiếm mồi, bỗng nhác thấy dưới chân, một con trai đang he hé vỏ, phơi cái mu nần nẫn thịt. Thế là mắt sáng lên, cò ta nhanh như cắt, chúc cái mỏ dài, bổ thượng một mỏ nặng chịch vào đúng chỗ khe vỏ cứng kitin dang mở ra phập phồng, định rứt ngay một miếng thịt trai trắng giòn, béo ngọt. Ngờ đâu, bản năng sinh tồn của loài trai cũng rất mạnh. Nó lập tức khép nhanh hai vỏ, kẹp cứng cái mỏ cò vào giữa. Đau điếng và sửng sốt, cò rút vội mỏ lên. Trai cố hết sức càng kẹp chặt khít rịt như là nhai đi, nhai lại cái mỏ cò trong miệng mình. Cò hốt hoảng và giận dữ, cố vung mạnh cái mỏ, hất cần cổ lên cao, bám theo cả con trai lủng liểng. Một hồi lâu, cứ như thế, bất phân thắng bại!...
Kết cục, trong tưởng tượng của tôi, sẽ có ít nhất 3 khả năng sau xảy ra:
1. Cố sức lần cuối cùng, cò đã hất tung được cái trai bám dai như đỉa đói ra khỏi mỏ mình. Xuýt nữa bị rứt đứt cả lưỡi, nó vội vã đập cánh bay vút lên cao trong sự hoảng hốt cực độ. Bụng bảo dạ: từ nay trở đi không bao giờ dại dột một lần nữa chọc mỏ vào khe trai vô tình giăng bẫy chết cò.
2. Cò cố mãi, vẫy mãi, giập mãi, lắc mãi đầu, mỏ đến kiệt sức mà cái trai bướng bỉnh vẫn lầm lỳ nhai mỏ cò càng lúc càng mạnh. Cuối cùng, cò ngã lăn ra, hết thở vì… tham ăn! Đến lúc ấy, trai mới từ từ mở mai ra, hất mỏ cò sang một bên và mím môi lại, giầm mình xuống bùn sâu,… đắc thắng.
3. Cò mổ càng nhanh, càng mạnh. Choách 1 tiếng, mỏ cò cứng như đinh, như búa đã chẻ đôi mai trai thành hai mảnh. Cái trai đã thành bữa điểm tâm khoái khẩu của cò ta…
Với cái tôm thì chuyện đơn giản hơn. Thường là tôm bại, cò thắng. Dẫu trong phản xạ bản năng chống trả để bảo vệ mình, cái tôm có ra sức quặp lại, ôm khít vào quanh mỏ cái cò.
Đó là một trong những hiện tượng mang tính quy luật sinh học tự nhiên để sinh tồn. Loài này đi tìm thức ăn và loài kia trở thành thức ăn, (mồi) tự nhiên của loài này. Đơn giản và quyết liệt, lặp đi lặp lại suốt cuộc đời sinh vật.
2. Nghĩa thanh chìm 2.
Trong cuộc sống con người, mối quan hệ qua lại giữa người này và người kia, cá thể này và cá thể khác có khi là mối quan hệ tác động qua lại ngoài ý muốn của mỗi cá thể, giữa chủ động và bị động, nhiều khi lại đảo chiều ngược lại: chủ động thành bị động (cò) bị động thành chủ động (trai, tôm).
Trước nhu cầu sống còn, đối tượng bị tấn công, áp chế bỗng nảy ra phản ứng chống lại tức thời và rất hiệu quả (khép vỏ nhai cò, quặp lại ôm cò). Ở đây, cò, trai, tôm đều đã trở thành những hình ảnh nhân hóa, biểu tượng của con người trong cuộc sống xã hội vô cùng phức tạp, nhưng vẫn tuân theo những quy luật khách quan nghiệt ngã của nó. Những câu tục ngữ, thành ngữ: cùng tắc biến, gặp khó, ló khôn, (với trai, tôm) gậy ông đập lưng ông (với cò) có thể là những chứng minh cho 2 trường hợp này. Không thể thúc thủ chờ chết, nhắm mắt đợi bị tiêu diệt (thành mồi ngon cho kẻ mạnh) mà trong hoàn cảnh cùng khốn, con người vẫn có thể có cách chuyển nguy thành an, bảo toàn mạng sống cho bản thân, thậm chí còn có thể chuyển bại thành thắng, tiêu diệt lại chính kẻ rắp tâm tiêu diệt mình. Ngược lại, kẻ tự tin quá thành chủ quan, khinh suất, tối mắt vì tham ăn, tham lợi, vì mồi ngon thường sẽ chuốc lấy thảm bại, hậu quả khôn lường (bị nhai).
Phải chăng đó là những bài học nhân sinh, lẽ đời sâu xa mà thiết thực được rút ra từ câu chuyện cò mổ trai, mổ tôm và bị trai, tôm phản ứng, quật lại?!
3. Nghĩa tục nổi 3.
Đồng thời với nghĩa thanh nổi 1 là nghĩa tục nổi 3 mà người đọc (nghe) tất nhiên sẽ liên tưởng, liên hệ tới theo quy luật tâm lý - tư duy thông thường của con người. Đó là chuyện đực - cái, tính giao nam - nữ, dưới góc nhìn dân gian suồng sã.
Cái cò (con cò) có thể hiểu theo 2 nghĩa hẹp: cái chim, dương vật đàn ông; nghĩa rộng: người đàn ông.
Cái trai (con trai): con bướm, âm hộ người đàn bà; hình ảnh người đàn bà nói chung.
Như vậy:
Cái cò mà mổ cái trai,
cái cò mà mổ cái tôm
chính là hình ảnh cụ thể mô tả động tác giao hợp giữa người nam và người nữ mà người nam đóng vai trò chủ động, đầu tiên.
Cái trai khép vỏ lại nhai cái cò;
cái tôm quặp lại, lại ôm cái cò;
chính là môt tả hành động đáp lại, hưởng ứng, tương tác của người nữ trong cuộc giao hoan với người đàn ông.
Cần lưu ý các động từ chỉ động tác của con cái (trai, tôm) đáp ứng với động tác mạnh, nhanh của con đực (cò): mổ (thúc, giập, đâm, chọc,… vào khe giữa vỏ trai và thịt trai (ÂH, CM, L…) là: khép, nhai (của trai) và quặp, ôm (của tôm).
4 động từ làm vị ngữ nối tiếp nhau này không chỉ rất phù hợp với tập tính hoạt động của 2 loài trai, tôm khi gặp nguy biến để tự bảo vệ mình mà còn thể hiện rất chuẩn xác những động tác của người đàn bà trong cuộc giao phối, kết hợp, hô ứng với các động tác với người đàn ông để tạo nên khoái cảm chung của trận mây mưa, đồng thời còn gợi ra cả những xúc cảm, tình cảm âu yếm hoặc nhẹ nhàng (khép, ôm), hoặc mạnh mẽ (nhai, quặp) của con cái khi đang động dục, nứng tình.
Riêng tôi cho rằng từ nhai là từ thú vị nhất trong cả 2 bài ca dao này. Tượng hình mà tượng thanh, rất cụ thể và chân thực mà đầy sức ám gợi. Bản năng, tính hiếu thắng và đắc thắng của giống cái trong và sau khi làm tình say sưa cùng giống đực; đến mức nó có thể nhai, nuốt ngay cả cơ thể con đực vào cái bụng mỹ miều đang háu đói của mình!
Người đọc cũng hoàn toàn có cơ sở để lại hình dung ra cảnh một con cò hết mổ (làm tình) với con trai xong lại chuyển sang chơi với con tôm. Hoặc cảnh hai con cò: một con bù khú cùng con trai đang phơi cái mu già đón đợi; con kia mây mưa cùng con tôm đang búng càng tanh tách gọi mời… Trong cơn cực khoái, chúng ôm, quắp với nhau, nhai nhau, chơi nhau hoan lạc giữa đầm nước mênh mang, dưới bầu trời bát ngát.
Cấu trúc ngữ pháp theo công thức ngôn ngữ:
Y = A mà V (tác động vào) B à B V1, V2 (tác động trở lại) A
Vừa mang tính chất giả định (nếu - thì) vừa mang tính chất tương tác, đáp ứng, cho thấy sự đáp ứng trở lại của B tới A sẽ còn có thể mạnh mẽ, phong phú gấp đôi so với tác động của A vào B. Và cấu trúc (tạm gọi là Y (Yêu) ấy chỉ có thể hoạt động và hiệu quả khi hội đủ: 2 đối tượng A, B và 3 hành động: V, V1, V2…
Đó cũng chính là cấu trúc của hành vi giao hợp – giao hoan đực - cái để duy trì và phát triển nòi giống của muôn loài.
4. Nghĩa tục chìm 4
Tôi cho rằng đó là cái giọng điệu cười cợt, vui hóm, tưng tửng, ăn miếng trả miếng mà đối đáp, ứng hợp nhịp nhàng giữa âm với dương, cò với trai, cò với tôm, nam với nữ, đàn bà với đàn ông trong những cuộc giao hợp bản năng à làm tình – thông dâm được thể hiện bằng biện pháp ẩn dụ - nhân hóa – phúng dụ cùng cấu trúc ngữ pháp phù hợp, môtip nhắc lại có biến đổi như đã phân tích, góp phần tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo và lý thú riêng của 2 câu ca dao vui trên.
Từ đây, lại có thể suy nghiệm thêm, rằng chuyện đực - cái, tính giao trong cuộc sống con người, xã hội xưa nay vừa là 1 hành vi bản năng để tồn tại và phát triển vừa là 1 hiện tượng tâm – sinh lý vừa giản đơn vừa phức tạp và đầy bí ẩn, một trong những niềm hạnh phúc thiêng liêng.
Phải chăng đó là ý nghĩa triết lý sự đời được dân gian tinh lọc và chồng chất qua 4 lớp ý nghĩa thanh tục, tục thanh trộn hòa và đồng hành trên làm nên sức sống trường tồn của 2 bài ca dao Việt?!/.
Đêm 21- 4 – 2015. ĐV