Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐIỂM HẸN CUỐI CÙNG

Trần Ngọc Dương
Thứ tư ngày 29 tháng 4 năm 2015 9:19 AM



Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị tôi tiến quân theo hướng Tây Nam. Lúc lên đường mọi người nhận được lệnh: “Để bớt lại trang bị cá nhân, mang thêm một cơ số đạn. Trong quá trình tác chiến: Tử sĩ, thương binh sau khi băng bó xong sẽ để nguyên tại chỗ cho tuyến sau giải quyết. Cái đích cuối cùng của đơn vị là dinh Độc Lập. Trường hợp ai đi lạc cũng phải tìm đến bằng được mục tiêu cuối cùng này.” Mọi người được phát một mảnh vải nhỏ nửa đỏ, nửa xanh để buộc trên cánh tay áo - Ký hiệu của quân ta trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Từ địa điểm đang tác chiến, chúng tôi chọn con đường ngắn nhất, hành quân thần tốc hướng về mục tiêu đã được phân công. Sau khi vượt qua sông Vàm Cỏ Đông, bỏ lại sau lưng thị xã Hậu Nghĩa, băng qua Đồng Tháp Mười, luồn lách tránh các ổ đề kháng của địch, chúng tôi có mặt ở một địa điểm nằm gần ngã ba Bà Kẹo.

Đối với một đơn vị đã hai lần tham gia đánh vào Sài Gòn trong dịp tết Mậu Thân năm 68, chúng tôi hiểu sự khốc liệt của trận đánh cuối cùng này. Những bài học xương máu rút ra từ các trận tác chiến trong đô thị lớn của địch được nêu lại, toàn đơn vị bàn bạc khá tỷ mỉ mọi tình huống có thể xảy ra.

Thành phố Sài Gòn đối với nhiều đồng chí trong đơn vị tôi không có gì xa lạ. Trước khi ra bưng biền, họ đã từng là những đứa con của đường phố. Hơn nữa, kỷ niệm xương máu của hai lần tiến quân trước vẫn khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người. Họ truyền đạt kinh nghiệm tác chiến bằng đủ mọi cách. Lúc nghiêm khắc chi li, khi bông đùa làm cho những người mới tham gia lần đầu tránh được sự căng thẳng. Chính sự bình thản của họ đã giúp chúng tôi rất nhiều. Họ nói nhiều về những tình huống sẽ gặp phải khi tác chiến trong thành phố. Không cần nhìn sa bàn tiến quân, họ vẫn nói vanh vách từng con đường đơn vị sẽ đi qua.

Lúc vượt kênh Sáng Xẻo Rô – Một con kênh nhỏ nằm ở ngoại ô đô thành Sài Gòn – tôi suýt mất mạng tại đây. Lý do thật đơn giản: Lúc vượt kênh, có một chiến sĩ bộ binh mới ngoài Bắc vào ở đơn vị bạn xin đi cùng. Cái bồng nhỏ bé của tôi được bọc ni lông làm phao trở nên nặng nề khi phải chịu thêm một người không hề biết bơi, kèm theo cả trang bị vũ khí cá nhân. Sang gần đến bờ bên kia, một đám rong rêu do những người đi trước quẫy đạp làm đứt, trôi đến quấn chặt lấy đôi chân của tôi. Bấy giờ tôi thực sự hoảng loạn khi bị anh bạn kéo chìm theo xuống nước. Lúc đôi chân chạm đáy, tôi lấy hết sức bình sinh đạp mạnh, nhoi đầu về phía trước và thở phào nhẹ nhõm khi nhận thấy cả hai đứa chúng tôi đã vào đến vùng an toàn.

Tại điểm tạm dừng chân, trong lúc mọi người tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi, lấy sức cho chặng hành quân kế tiếp, tôi lại lần theo tiếng mõ đến một ngôi chùa nằm cạnh một nghĩa trang. Tại đây tôi đã tiếp xúc và đàm đạo với vị sư trụ trì. Cầm trên tay chén trà nóng thoang thoảng hương sen, tôi liếc nhìn những dòng thư pháp vị sư vừa thảo trên một bức tranh - Bức tranh đó nói về số phận giàu nghèo của kiếp chúng sinh - Rất nhanh, chúng tôi như một đôi bạn tâm giao cùng bàn luận về đề tài trên. Lúc chia tay, nhà sư trao tặng tôi một bài thơ tiễn biệt:

“Kính chúc hiền huynh được bằng an

Trên chặng đường tới đích vinh quang

Khói lửa chiến tranh rồi sẽ dứt

Đất nước ca chung khúc khải hoàn”

Để đáp lễ, tôi ghi vội đôi dòng cảm tác về bức tranh vừa được xem:

“Giàu nghèo sang hèn

có nghĩa lý chi đâu

Khi nụ cười của Phật Tổ

còn mang nặng nỗi đau nơi trần thế."

Đêm 29 trực thăng của Mỹ bay rợp trời, nhiều cái xà xuống rất thấp, chỉ cần vài điểm xạ là có thể bắn rơi. Nhưng chẳng hiểu sao đơn vị nhận được lệnh không được bắn vào máy bay của địch. Mặc dù vũ khí của chúng tôi vẫn còn đầy đủ cơ số đạn. Ngày ấy tôi đoán mò: Đạn giành cho các mục tiêu quan trọng hơn. Mãi sau này nghe loáng thoáng, chủ trương của trên tạo điều kiện cho người Mỹ thực hiện chiến dịch di tản được thuận lợi.

Sáng 30/4, chúng tôi tiến ra đường Lê Văn Duyệt tập hợp với một đơn vị khác thành một đội hình lớn, đủ mạnh, cùng hành tiến về các mục tiêu đã được phân công. Bấy giờ, hai bên đường hành quân nhân dân đã đứng chật cứng, vẫy chào đoàn quân giải phóng. Đến gần ngã tư Bảy Hiền, chúng tôi bắt gặp một đơn vị khác đang chuẩn bị đội hình hành tiến có có cả xe tăng đi cùng. Cho mãi tới lúc này, chúng tôi mới biết hướng tấn công của mình còn rất nhiều đơn vị khác, có hỏa lực rất mạnh. Nhiều chiến sĩ đang ngồi bám trên tháp pháo hò reo ầm ĩ, khi nhận ra nhau là đồng hương. Họ tung cho chúng tôi đủ loại quà bánh vừa được nhân dân tặng. Chúng tôi cùng hét vang, hẹn gặp nhau ở dinh Độc Lập.

Đoàn tôi mới băng lên trước một quãng, tôi chợt nhận ra tiếng rít của bom rơi. Một phi đội phản lực cánh bằng của địch từ Cần Thơ bay tới oanh kích đã gây cản trở cho mũi tiến quân của ta ở hướng Tây Nam thành phố. Chúng ném bom bất chấp cả đồng bào đứng đón chào quân giải phóng đen đặc cả hai bên đường. Tôi vội vã nhào vào một góc phố, nằm ép mình xuống đất. Những tiếng nổ lộng óc, sức ép làm lồng ngực tôi tức thở, khói bom đen ngòm phủ kín cả khu vực. Một mảnh bom nóng bỏng bằng hai đầu ngón tay còn dắt lại trên chiếc xẻng pháo Mĩ được tôi che vội trên đầu. Tôi ngoái đầu nhìn trở lại. Trời ơi! Trên mấy chiếc xe tăng vừa nãy đen đặc người bám, giờ trống không!

Theo lệnh cấp trên, tôi và một người nữa nhận nhiệm vụ quay lại cùng tham gia cấp cứu thương binh. Lúc bấy giờ bộ đội và nhân dân bị tử thương nhiều lắm, nằm la liệt cả hai bên đường. Bông băng hết, tôi nói với nhân dân: “Nhà ai có vải mới ủng hộ xé làm băng.”

Khi bàn giao thương binh, tử sĩ cho tuyến sau, nhóm anh em chúng tôi bàn nhau tìm cách trở lại đơn vị. Chúng tôi nhận ra hầu như các đoàn quân đã nhằm những mục tiêu được phân công băng tới. Nếu đi theo trục đường lớn quân ta vừa đánh tràn qua sẽ gặp ít trở ngại, nhưng không kịp thời gian vì tình hình giao thông rất hỗn loạn. Mặc dù các ổ đề kháng lớn nào của địch đã bị quân ta đè bẹp. Song tình hình bấy giờ rất phức tạp, trong đám loạn quân địch đang tràn ngập thành phố không hiếm những kẻ cuồng tín, ngoan cố căm thù cách mạng, sẵn sàng tử thủ, điên cuống xả súng vào quân giải phóng. Một phần lớn bọn chúng đã lui sâu, tránh xa trục đường tiến quân chính của ta, lẩn trốn trong các khu dân cư đông đúc. Để có đủ sức mạnh, tôi đề nghị tất cả những ai đi nhỏ lẻ, hãy ghép lại thành một đoàn đi chung với chúng tôi. Lời yêu cầu của tôi được mọi người hưởng ứng, một đoàn hành tiến mới được thành lập. Với quân số và vũ khí có trong tay, chúng tôi không ngại bất cứ một trở ngại nào.

Đang băn khoăn xem xét bản đồ chọn tuyến đường phố để tiến quân với tốc độ nhanh nhất, mong sao đuổi kịp đơn vị. Bất chợt tôi được một đồng chí công tác bên Thành Đoàn đề nghị: “Muốn đi thật nhanh phải chọn lối tắt. Mình rất rõ những con đường nhỏ dẫn thẳng tới dinh Độc Lập và đã huy động được một số học sinh, sinh viên tình nguyện có trang bị xe gắn máy xin đi cùng. Với phương tiện gọn nhẹ này, chúng ta sẽ cơ động, luồn lách bất cứ hẻm phố nào.”

Lúc chuẩn bị hành tiến, tôi có nói với mọi người trong đoàn: “Các đoàn đều có cờ dẫn đầu đội hình lúc hành quân. Chúng ta cũng cần phải có.” Mọi người ngơ ngác nhìn nhau vì trong chúng tôi không một ai có cờ đỏ sao vàng, hoặc cờ giải phóng cả. Lý do thật giản đơn vì đội hình của chúng tôi là nhiều mảnh nhỏ ghép lại. Thấy thế tôi bày tỏ: Mình được đơn vị giao cho giữ một lá cờ của Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh. Nếu mọi người đồng ý, ta sẽ lấy lá cờ này làm cờ hành quân.

Đoàn chúng tôi rẽ vào con đường tắt nhỏ hẹp, rú ga lao thẳng về dinh Độc Lập với tốc độ cao nhất. Vì không đi được xe máy, lại chẳng biết đường, tôi được mọi người đề cử là người cầm cờ. Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh mang hình huy hiệu Đoàn tung bay trong gió. Gần đến nơi tôi nhận ra một loạt tiếng súng 12ly8 gầm vang. Chúng tôi tiến vào dinh Độc Lập ở phía cổng ngang. Lúc này ở sân trước của dinh đã có mấy cái xe tăng của ta còn đang rú máy. Cùng lúc đó rất nhiều cánh quân khác cùng lao tới. Giống như bao người lính cầm cờ khác, chúng tôi chạy lên tầng trên thi nhau hò reo, vẫy cờ. Nhưng cũng chẳng biết tai sao, lúc bấy giờ nước mắt của tôi lại chảy dài thành vệt trên khuôn mặt còn sạm đen vì khói bom và vương đầy cát bụi. Giây phút đó, tôi chỉ nghĩ tới những đồng đội vừa ngã xuống trên đường phố Sài Gòn.

Trần Ngọc Dương

Đơn vị khi tham gia chiến dich Hồ Chí Minh:

C2, D24, E42, F9 Quân đoàn 4