(Đọc Sương mù tháng Giêng, tiểu thuyết, Uông Triều, nxb Trẻ 2015)
Sương mù tháng Giêng là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về thời đại nhà Trần, thời kì đầy biến động của lịch sử dân tộc. Nhưng không giống với các tiểu thuyết lịch sử truyền thống, Uông Triều không kể chuyện theo lối sử thi, mang âm hưởng ca ngợi. Gần ba trăm trang sách là những điểm nhìn khác, những góc khuất của lịch sử, nhà văn đã vén bức rèm của thời đại để tái hiện những tâm tư, nỗi lòng, bi kịch của những nhân vật lịch sử của một thời, chính diện hoặc phản diện, anh hùng hoặc hèn hạ, người sống hay bóng ma. Xuyên suốt tác phẩm là sợi dây của sự giằng xé, day dứt, tự vấn lương tâm của các nhân vật.
Nhà văn đã mượn những mộng mị để nhập vào câu chuyện, thành người tham gia trực tiếp vào các biến cố đó. Tác giả kể lại, vừa trực tiếp chất vấn đối đáp với nhân vật. Các nhân vật lịch sử với cái vỏ ngoài thần thánh có lẽ đã khiến họ không được sống như là chính mình nhưng với cách nhìn mới, nhà văn đã khám phá những điều mà lịch sử ít đề cập đến. Ví như lời dẫn của tác giả với Trần Khánh Dư: “Tôi đã mạnh bạo hỏi những chuyện người ta thêu dệt về ngài, cả những việc người ta tránh nhắc tới. Nhân Huệ vương nghe xong thì mỉm cười, ngài bảo gần nghìn năm lịch sử rồi, có gì mà phải úp mở. Và ngài kể cho tôi nghe chuyện đời ngài, chuyện người, chuyện thế sự thời trước.”
Trong Sương mù tháng giêng điều được tác giả quan tâm hơn cả có lẽ đời sống riêng tư, bi kịch tinh thần của các nhân vật chứ không phải là cảnh binh đao chiến trận. Tác giả đã dựa vào những sự kiện, con người có thật trong lịch sử để nhìn nhận tâm hồn của họ. Và dường như đây chỉ là cái cớ để nhà văn dẫn người đọc đến với số phận cá nhân, những bi kịch đời sống thường ngày của những nhân vật lịch sử. Ẩn sâu trong mỗi con người đều tồn tại những mặt tốt - xấu, ngu - minh, ác - hiền… Các nhân vật trong Sương mù tháng Giêng cũng vậy, họ cũng có những giờ phút yếu lòng, mâu thuẫn, ham muốn... Đó là mối tình ngang trái giữa công chúa Thiên Thụy với Trần Khánh Dư, mâu thuẫn nội tâm của Trần Quốc Tuấn, Trần Ích Tắc, công chúa An Tư...
Những câu hỏi tự thân không lời đáp, với nhịp gấp gáp, dồn nén cảm xúc cực độ càng làm tăng thêm sự ngổn ngang trong lòng của những Trần Quốc Nghiễn, Thiên Thụy, Trần Khánh Dư… Và ngay đến bậc chí tôn là Thượng hoàng Thánh Tông cũng phải đau đầu suy nghĩ: “Khánh Dư là nghĩa tử của ta, là tướng tài, nếu chém hắn thì uổng phí mà nếu không khép hắn vào tội chết thì không được. Ta còn bao việc phải suy tính, đối phó… Nếu ta bỏ qua việc này mà xử nhẹ thì người ta sẽ thế nào, liệu có kẻ nào căm tức mà mưu đồ việc lớn không.” Cho thấy con người, dù có là ai, ở địa vị nào thì đều phải đối mặt với những lo toan, chịu chi phối và tác động của bên ngoài. Những nhân vật lịch sử không phải những ông thánh nữa mà rất gần gụi với đời sống bình thường.
Ngoài điểm nhìn ở ngôi thứ nhất, tác giả còn sử dụng cách trần thuật ở ngôi thứ ba để đem đến cái nhìn toàn tri về sự việc. Nhà văn đi vào đời sống nội tâm của nhân vật để hiểu tiếng lòng của họ. Một công chúa An Tư chấp nhận hiến thân cho Thoát Hoan để làm kế hoãn binh giúp nước nhà nhưng trong lòng đầy những giằng xé. Thoát Hoan có độc ác, ngang ngược nhưng vẫn do dự khi ra tay giết An Tư. Trần Quốc Tuấn băn khoăn về thù nhà, nợ nước. Đôi khi vì cái danh anh hùng mà họ phải ngụy trang để hiện lên đẹp đẽ, chói lòa. Nếu như có một chút tư lợi sẽ bị chê cười, phê phán. Như chuyện Trần Khánh Dư khi trấn thủ ở Vân Đồn đã lợi dụng chức vụ để buôn bán kiếm lời. Với các sử gia và cách nhìn thời đó là “lợi dụng việc công để làm việc tư”, nhưng với cái nhìn của tác giả, thì vấn đề không hẳn như vậy. Lịch sử được tiếp cận ở các góc độ khác nhau sẽ cho chúng ta cái nhìn thấu đáo hơn về con người, thời đại dân tộc.
Tác giả cũng thường xuyên áp dụng kĩ thuật cắt dán trong Sương mù tháng Giêng. Các cắt dán xen kẽ như vậy vừa cung cấp cho người đọc những kiến thức lịch sử nhất định, lại làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Lịch sử không chỉ còn là những ghi chép về chuyện chính sự, khô khan nữa, nó còn là tiếng nói của các nhân vật, nỗi lòng của họ. Lịch sử gây tò mò cho độc giả khi được nhìn từ đời sống riêng tư, cá nhân của con người.
Việc kết hợp giữa trần thuật ở ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất tạo ra sự đa giọng điệu cho tác phẩm. Đối thoại mang tính chất tranh luận là một phương pháp để bộc lộ trạng thái cảm xúc, suy nghĩ. Xuất hiện cả hình thức đối thoại kịch. Nó tạo ra các cảnh, các đoạn ghép chiếu khác nhau như đang biểu diễn trên sân khấu, nhân vật thay nhau bộc lộ tiếng lòng thầm kín của mình. Lịch sử đã đi qua và trong mắt người đời các vĩ nhân lịch sử mãi là những pho tượng “mình đồng ra sắt” nhưng thực ra đằng sau lớp áo sắt đó họ cũng có những tốt, xấu, yêu, ghét. Khi đứng trước thử thách họ cũng chần chừ, trước cái ác quá lớn họ cũng nhu nhược, yếu hèn.
Bên cạnh không khí và âm hưởng hào hùng cuộc chiến là cái khung cảnh kì lạ, bí ẩn của tác phẩm. Những hồn ma bóng quỷ cũng hiện lên như các nhân vật có thật, có đời sống và tâm hồn của mình và tham ra vào diễn tiến lịch sử.
Câu chuyện giữa Từ Ô và Hồ Ly là tình yêu, khát khao hạnh phúc của con người. Dù yêu ma hay quỷ quái cũng đều có những phút giây rung động với những tình cảm đáng trân trọng. Huống hồ là những con người bằng da, bằng thịt thì sao có thể làm ngơ với những ham muốn đời thường, trần tục của mình.
Ở một góc độ khác chúng ta còn nhận thấy tính phê phán của tác phẩm. Khi suy ngẫm về lịch sử, nhà văn đã không đặt nặng vấn đề thắng thua, được mất. Tác giả đi sâu vào nỗi khổ tâm, bi kịch của mỗi con người. Cả kẻ xâm lược và người bị xâm lược đều có những nỗi đau, mất mát. Hốt Tất Liệt, Thoát Hoan, Toa Đô… cũng có cái đau đáu, trăn trở của mình. Nhà văn không chỉ dành sự quan tâm, lắng nghe tiếng nói của những nhân vật có tên mà quan tâm tới cả sự đau đớn của những “cái bóng”, những hồn ma vô danh. Những người phải chịu nỗi đau đớn cả về thể xác và tinh thần cho đến tận khi xuống hoàng tuyền: “Ngài không nhớ sao, nhà tôi chết cả rồi. Tôi đi tìm mẹ tôi dưới ấy, tối và ngột ngạt lắm. Ngài làm sao cho quân sĩ đừng tủi.” Những hồn ma lang thang luôn gợi sự ám ảnh cho người đọc. Không có họ thì lịch sử đã không bước sang những trang mới, xương máu họ đã hòa cùng với non sông.
Những khát vọng, đời sống nội tâm, bi kịch của các nhân vật lịch sử được tái hiện giản dị, đời thường mà khiến họ gần gũi, sống động như đang ở quanh ta. Gạt bỏ đi đám “sương mù” che khuất, tác phẩm đã rút ngắn khoảng cách, đem lịch sử trở về gần hơn với cuộc sống