Trong lá thư của một cựu binh quê ở Tây Nguyên tên Nguyễn Trọng Luân, gửi nhà văn Châu La Việt, con trai NSƯT Tân Nhân - người đầu tiên thể hiện ca khúc Xa khơi (nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ) -có đoạn viết:“Tôi gửi những dòng tâm sự này tặng anh, về một lần được nghe bài hát Xa khơi ở chiến trường”. Xin trích giới thiệu bức thư trên.
Mùa khô Tây Nguyên trời trong veo. Quái lạ, gọi là khô mà cái gì cũng tươi hơn hớn. Ngay cả mấy cô gái đeo gùi đi nương về cũng tươi cũng cười mặc dù vừa trải qua trận pháo từ Hàm Rồng. Tôi nhớ hôm ấy là 14-11-1973. Sau 21 ngày nằm viện, tôi được ra viện về đơn vị. Giấy tờ xuất viện ghi rõ: Cắt sốt 5 ngày. Tỉnh táo. Kết luận: Về đơn vị chiến đấu tốt.
Miếng giấy ra viện bé như tờ giấy gói thuốc lào Vĩnh Bảo và cũng có màu hệt như giấy gói thuốc lào. Ra khỏi viện, con đường 19 như vạch chì than giữa chập chùng đồi, loe loét những rừng gai xấu hổ. Cố mà đi về phía trung đoàn. Rẽ sang phía Bắc đường 19, từ đây cây cối rậm hơn, tôi bám vào một đường tăng cũ, vừa chống gậy vừa run. Mặt trời lên đỉnh đầu, nóng như cựa quậy trong lưng. Mồ hôi rin rỉn của kẻ vẫn còn rơi rớt sốt. Đói, run, đau đầu mắt hoa lên. Thế là bò. Phải bò về đơn vị thôi. Phía đơn vị là phía Đông, phía đang tác chiến. Gần năm nay chỉ có trung đoàn mình nằm ở đây. Đến một vạt rừng nhiều cây săng lẻ cao thì thấy có vết xe be bét.
Con đường tăng mất hút vào tán lá và cỏ dại trùm kín ra đường. Người như hết hơi, tôi nằm ngửa mặt lên tán cây, cái ba lô lép kê cho mình êm êm, mây bay qua xoay vòm cây quay tít. Nhắm mắt lại, thấy mình rơi từ trên cao xuống, rơi hun hút y hệt như say rượu. Nghẹn trong cổ muốn kêu lên, muốn gọi đồng đội mà cô đơn một mình giữa rừng. Muốn gọi mẹ hay khóc một tiếng quá mà không bật ra được tiếng khóc. Chừng như sắp mê đi thì có ai đá vào chân:“Dậy đi! Mò đi đâu thế?”. Mở mắt ra, tôi thấy một chú lính đầu óc rối bù. Anh ta hỏi: “Ông đi đâu mà nằm đây?”.Tôi bảo về 64, đi viện về. Anh lính lại bảo: “Trông như sắp chết mà ra viện à? Hay trốn viện về?”. Tôi nói đói lắm và lại sốt.
Thế là anh ta sốc tôi lên, dìu đi chừng năm chục mét thì thấy hai khẩu pháo 85 và một số anh em lính tráng bên cái hầm vuông. Một người ôm cái đài bán dẫn, hỏi: “Quân 64 hả, đói hả?”. Rồi anh ấy bảo người lính lúc nãy lấy cơm cho mình. Một ca cơm và thịt hộp. Ôi, chưa bao giờ thấy ca cơm ngon thế. Tự nhiên vạt rừng săng lẻ như mùi hương quê mình thế mà lâu nay mình không nhận thấy.
Cái đài con con có tiếng hát cất lên. Đã một năm nay, tôi không nghe thấy tiếng hát trên đài, chúng tôi chỉ thấy tiếng bom tiếng pháo và tiếng của rừng của suối. Giữa chiến trường Tây Nguyên hôm nay, nghe bài hát Xa khơi. Rừng cây như rung rinh xanh mướt lên, những người lính pháo binh và cả tôi ngửa mặt nhìn trời. Tiếng ve mùa khô bỗng ngừng bặt, chỉ có tiếng nghệ sĩ Tân Nhân giữa rừng. Không gian ngưng lại vào một trưa mùa khô, nắng lọt qua kẽ lá rừng rớt lên những khuôn mặt tái xám lấm tấm mồ hôi sốt rừng của lính. Tôi cảm thấy tiếng hát lung linh đang rất thương người lính…
Tôi xốc cái ba lô nhẹ tênh và gật đầu chào những người lính pháo lúc bài hát kết thúc. Không ai nói với tôi câu nào, họ chỉ gật đầu nhìn tôi lên dốc đi về phía trước. Tôi bỏ đường mòn đi tắt lên đồi đầy những hoa xấu hổ bé tí hon, lội qua những vạt nương ngô lẫn mè và mướp của đồng bào. Tôi bỗng thấy mình khỏe như hôm nào hành quân ra trận, khi chúng tôi hành quân trong tiếng cười và tiếng hát của tuổi hai mươi. Tôi lại thấy những đêm trên Trường Sơn, chúng tôi hát những bài tình ca Nga và những bài hát yêu thương lứa đôi trên võng, có những đêm đốt lửa đọc cho nhau nghe thơ tình... Chiều tối hôm ấy, tôi về đến trận địa của đơn vị, bắt tay vào những cuộc chiến đấu mới…
Vài chục năm sau, tôi mới hiểu rằng người lính chúng tôi chiến đấu không phải chỉ có lý tưởng. Chúng tôi đi được ra chiến trường còn vì danh dự gia đình, vì tình thương cha mẹ và bạn bè. Chúng tôi chiến đấu dũng cảm vì có những cặp mắt người thương trông theo. Chúng tôi có những câu thơ câu hát mà vịn vào đấy mới có thể đi đến đích cuối cùng chiến thắng...
Với tôi, có một ngày như thế, tôi đã nghe bài hát Xa khơi giữa rừng…
Nguyễn Trọng Luân