Lúc 10 giờ đêm ngày 24 tháng 10 năm 1999, Hoàng Hữu Sang gọi điện cho tôi báo tin nhà văn Hoàng Hạc đột ngột qua đời. Tôi bần thần người. Vậy là ông đã ra đi, ra đi mà tôi biết lâu lắm ông không được gặp anh em bạn bè văn nghệ để hàn huyên chỉ vì ngày đàng gang nước, mặt hồ cách trở.
Nhà văn Hoàng Hạc tên thật là Hoàng Văn Hạc sinh ngày 15 tháng 2 năm 1932 ở xã Bình Hanh huyện Yên Bình. Từ ngày đắp hồ Thác Bà đổi tên thành xã Xuân Lai cùng huyện. Hoàng Hạc tham gia văn hóa thông tin xã từ năm mười bốn tuổi, liên tục cho đến ngày nghỉ hưu với chức tước Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, và là Hội viên sáng lập Hội văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt nam 1992.
Hoàng Hạc là con người của văn chương, ông luôn đắm mình trong văn chương, trong phong thái tự tại giữa “Xứ lạ mường trên” quê ông đậm sắc núi non sông nước. Ông đang buồn đấy mà không lộ; ông đang vui càng vui hơn. Mỗi lần gặp anh em văn nghệ bất kể tuổi tác, ông luôn tạo được những câu nói dí dỏm, hài hước, rồi cười ha hả. Ông bảo: Con người ta cốt có cái cười cho nó khỏe, cố mà giữ. “Cười cho nó khỏe”, nhưng với Hoàng Hạc, là cái cười chiêm nghiệm, lịch lãm, sâu xa. Chất ấy, người đọc thường bắt gặp trong các trang văn của ông. Mở đầu truyện vừa Ké Nàm nổi tiếng, ông viết: Từ dạo năm ngoái, Ké nàm nghe người ta nói, ở Thác Bà họ làm ghê lắm, người về như bướm như ong. Suốt đêm máy điện vang ầm ầm, dòng điện bắc qua giữa rừng nứa như dây sắn. Họ đào núi xuống, đắp kín lòng núi, chẳng lâu nữa, người ta đắp đến sông, là chỗ ta đây thành biển cả. Năm mươi tuổi trên đầu, Ké chưa nghe ai nói đắp được sông!
Sự nghiệp văn chương của Hoàng Hạc khá phong phú. Ông viết cho người lớn, cho thiếu nhi với nhiều thể loại. Nhưng độ dầy và sâu hơn cả là truyện ký: Ké Nàm (1964), Hạt giống mới (1983), Sông gọi ( 1986), Xứ lạ mường trên (1989) và một số tập bản thảo như Chuyện quanh nhà, Chiếc mảng bay...
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cổ Thu vật, Hoàng Hạc sớm tiếp nhận cho mình vốn văn hóa dân gian. Vốn văn hóa dân gian ấy, dưới ngòi bút của ông trở thành những trang văn học hiện đại đằm chất chữ tình, phảng phất hương vị của sông núi cỏ cây, phảng phất cuộc sống lãng mạn của muông thú hoang dã. Có được như vậy hẳn không hoàn toàn do tố chất bẩm sinh mà trước hết, nhờ ơn cách mạng. Lời tự bạch trong cuốn Nhà văn Việt Nam (1997) ông viết: “Suốt một đời gắn bó với đề tài miền núi, với dân tộc Tày... cách mạng Tháng Tám đã mở mắt, chắp cánh, để tôi có dịp cất cánh lên, tham gia một cách tự nhiên vào các hoạt động của chế độ mới, và cũng sáng tác thơ ca tại đây”.
Ngoài văn học hiện đại, Hoàng Hạc còn là nhà sưu tầm Văn hóa dân gian và dịch thuật từ tiếng Tày của dân tộc ông ra tiếng Kinh. Truyện cổ các dân tộc Việt Nam ( hai tập in chung ) năm 1963 trong đó có truyện Hươu và rùa đi vào giảng dạy trong nhà trường, Khảm hải ( vượt biển ) năm 1979, Then bách điểu ( lời trăm loài chim ) 1994. Và các cuốn còn đang nguyên bản nôm Tày chưa kịp dịch. Khi vui, ông rất vui; Khi làm việc thì thật nghiêm túc, miệt mài, thậm chí lao tâm khổ tứ nữa. Nghe ông tâm sự về dịch cuốn Then bách điểu: “ Ba chúng tôi chụm đầu nhau trên căn nhà sàn tập trung khảo cứu những từ cổ rất khó đoán. Cụ Tư dịch được ba chương thì bệnh ung thư hoành hành. Cụ Đình mải miết ngày đêm sau ba tháng cụ ốm liệt giường không đi lại được, vài ngày sau cụ Nông Văn Tư qua đời, Hoàng Hạc cũng ốm nốt, không đi viếng cụ Tư được!” Sự khổ công suốt một đời lao động sáng tạo văn học nghệ thuật ông được nhân dân, được Đảng, chính quyền, các tổ cức nghề nghiệp và bạn bè văn chương biết tiếng. Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt nam tặng ông huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật. Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam làm phim Khát vọng Hoàng Hạc. Nhà xuất bản Văn Hóa dân tộc đã cho ra đời Tuyển tập Hoàng Hạc. Đặc biệt đồng bào các dân tộc Yên Bình và vùng hồ Thác Bà nơi ông, ai gặp một lần cũng đều có ấn tượng sâu về nhà văn. Còn những người quen biết thì trìu mến gọi ông là Ké Nàm.
Tháng 3 năm 1998 tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở xã Xuân Lai sau bốn giờ đồng hồ lênh đênh sóng nước. Mừng gặp bậc học trò văn nghệ, ông ra vế đối vui: Vượt biển về Mường trên, uống rượu với Ké Nàm, ngâm nga Then bách điểu. Tôi chỉ biết khoanh tay đáp lễ.
Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông kể cho tôi ghi cả tập ca dao, truyện cổ về vùng đất Thu vật. Rồi ông lúi húi mở hòm lấy ra những trang bản thảo. Gọi là bản thảo, nhưng mỗi mảnh giấy chỉ có năm bẩy dòng chữ to bằng hột bắp. Hoàng Hạc bị bệnh về mắt, hai năm nay ông không nhìn rõ chữ nên phải lấy thước kẻ tỳ lên tờ giấy trắng, cứ thế lần theo và viết một cách “tọa độ”. Viết mệt thì nằm lăn ra chiếc võng gai mắc giữa gian nhà sàn, hai tay sờ trên chiếc máy ghi âm cũ kỹ và đọc. Thương nhà văn, những lần ấn nhầm đoạn văn đã ghi, bao nhiêu công sức mò mẫm trên máy của ngày hôm trước bị xóa đi cả mảng. Mỗi lúc như vậy, ông lại lần tay làm lại từ đầu.
Một con người, một nhà văn dân tộc thiểu số làm việc đến cuối đời như thế chỉ vì sợ lớp người sau không biết tới những giá trị văn hóa cổ truyền mà cha ông để lại. con người ấy, nhà văn ấy lặng lẽ đi rồi, “Xứ lạ mường trên” lấy gì bù đắp được?
Tháng 10 năm 1999
Ảnh: Nhà thơ Hà Lâm Kỳ, nhà văn Hoàng Thế Sinh viếng mộ nhà văn Hoàng Hạc