Thu ở đây không còn là mùa thu nữa. Nó là thân phận con người, có nhan sắc, có tuổi xuân, có hạnh phúc, có khổ đau. Vì có tuổi xuân nên có tuổi lỡ thì. Hai câu thơ hiển hiện lên hình ảnh một cô gái có nhan sắc một thời, có sự làm duyên với đời, nhưng mùa xuân rực rỡ đã qua, hạnh phúc đã không đến được mà thoắt một cái tuổi lỡ thì đã đến.
THU ĐI
Hắt thêm chút lạnh vào sương
Nhặt thêm chút nắng giữa đường mang đi
Đuôi khăn bay, tóc xòa mi
Heo may cũng đã lỡ thì như em
Qua đêm lá lại vàng thêm
Phong phanh một nỗi niềm riêng bên trời!
Sông xanh không tát mà vơi
Lặng ôm chiếc bóng thu soi hôm nào!
Nguyễn Bích Lan
Heo may cũng đã lỡ thì như em
Ai cũng biết khi thu về như dân gian từng nói “Tháng Tám nắng rám trái bưởi”, nhưng trong cái nắng óng vàng đó đã có mầm mống của cái gió lạnh heo may khi thu tàn, như nhà thơ Xuân Diệu từng viết “xuân đang đến nghĩa là xuân sẽ qua/ xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.”. Vì thế mà Nguyễn Bích Lan, một dịch giả và cũng là tác giả của không ít bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn đọc báo Tuổi Trẻ vài năm trở lại đây, đã có bài lục bát “Thu đi”.
Mùa thu dễ động đến tâm can con người có tâm sự, nhất là những người đã nếm trải nhiều nỗi niềm chênh chao của cõi nhân sinh. Nhưng khi thu tàn, ấy mới là lúc lòng người và lòng trời chạm đến đáy nỗi niềm của nhau.
Hắt thêm chút lạnh vào sương
Nhặt thêm chút nắng giữa đường mang đi
Không còn là gió thu man mác nữa, đã là “lạnh” rồi, mà “lạnh” lại đi với động từ “hắt”, mà lại hắt vào sương, quả thật tác giả đã dùng ba từ đắc địa trong một câu thơ, nên các từ đó được nhân lên về mặt ngữ nghĩa nhiều lần, cùng cộng hưởng làm nên một câu thơ ấn tượng. Và đến hai câu:
Đuôi khăn bay, tóc xòa mi
Heo may cũng đã lỡ thì như em
Thì thu ở đây không còn là mùa thu nữa. Nó là thân phận con người, có nhan sắc, có tuổi xuân, có hạnh phúc, có khổ đau. Vì có tuổi xuân nên có tuổi lỡ thì. Hai câu thơ hiển hiện lên hình ảnh một cô gái có nhan sắc một thời, có sự làm duyên với đời, nhưng mùa xuân rực rỡ đã qua, hạnh phúc đã không đến được mà thoắt một cái tuổi lỡ thì đã đến. Vì thế mà:
Qua đêm lá lại vàng thêm
Phong phanh một nỗi niềm riêng bên trời!
Như câu hát của dân ca quan họ “tâm sự này biết ngỏ cùng ai”, chỉ có đất trời là có thể sẻ chia cùng nỗi chênh chao của lòng mình một cách có văn hóa nhất, tức là đồng cảm và im lặng.
Nhưng ai mà không hoài vọng về cái đẹp đã từng có, tức sống không quá khứ? Cái đẹp cứ theo tuổi trẻ và thời gian mà tàn phai trong một kiếp người cũng như trong sự hữu hạn của muôn loài trong một khoảnh khắc thời gian nào đó. Vì thế ta phải lưu giữ nó lại trong ký ức để tâm hồn ta mãi có cái đẹp hiện diện. Đó chính là ý tứ hai câu kết của bài “Thu đi”:
Sông xanh không tát mà vơi
Lặng ôm chiếc bóng thu soi hôm nào!
Cả bài thơ, từng câu thơ hiện lên trong trẻo như trời đất tiết trọng thu, dù nhịp đi của bài thơ là nói về thu tàn. Cái tài hoa của người viết cũng là ở chỗ đó.
Hà Nội, tiết thu -2010
Nguyễn Thị Hồng