Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ và điển cố (2)

Nguyễn Ngọc Kiên
Thứ sáu ngày 3 tháng 10 năm 2014 9:02 PM


                            (Phần II)
(5) Vật đổi sao dời
Vật đổi sao dời (物換星移 [vật hoán tinh di]) là một thành ngữ dùng để chỉ sự thay đổi to lớn, có nguồn gốc từ bài thơ Đằng Vương các  (滕王閣) nổi tiếng của nhà thơ Vương Bột (王勃). Nguyên tác:

滕王高閣臨江渚,
佩玉鳴鸞罷歌舞。
晝棟朝飛南浦雲,
珠簾暮捲西山雨。
閒雲潭影日悠悠,
物換星移幾度秋。
閣中帝子今何在,
檻外長江空自流。

Phiên âm:
Đằng Vương cao các lâm giang chử / Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân / Chu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đạm ảnh nhật du du / Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại ? / Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.

(Dịch nghĩa: Gác Đằng Vương đứng cao ngất bên bờ sông, ngày nay không còn nghe tiếng tiếng ngọc vàng rung của những người ca vũ nữa. Những cột lớn vẽ mây như mây Nam phố lúc buổi sáng, những bức rèm cuộn lên như những trận mưa chiều ở vùng núi Tây sơn. Bóng mây trên mặt đầm trôi đi mãi, vật đổi sao dời đã biết bao mùa thu rồi. Các bậc vương tôn ngày xưa ở trong gác này giờ ở nơi đâu, ngoài hiên sông Trường giang cứ trôi đi.)

Dịch thơ:
Bên sông đây gác Đằng Vương,
Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai.
Cột rồng Nam phố mây bay,
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều.
In đầm, mây vẩn vơ trôi,
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu?
Đằng vương trong gác giờ đâu?
Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.
                                         (Bản dịch của Trần Trọng San)
Đọc kĩ bài thơ này ta sẽ hiểu sâu sắc hơn thành ngữ trên. Người Việt cũng hay sử dụng thành ngữ này. Nó gợi cho ta nhiều góc độ tâm trạng hoài cổ, bâng khuâng, thương tiếc một cái gì đẹp đẽ đã qua.

(5) Người đầu sông kẻ cuối sông

 Thành ngữ “Người đầu sông kẻ cuối sông” dùng để chỉ sự xa xôi cách trở của đôi trai gái đang độ yêu nhau. Nó có xuất xứ từ một bài thơ Đường là “Trường tương tư” (長相思), của Lương Ý  Nương (梁意娘) . Trong Tình sử chép rằng: Vào triều nhà Chu (周) đời Ngũ Quý (五季), có người con gái của Lương Tiêu Hồ (梁瀟湖) tên là Lương Ý Nương (梁意娘), cùng với Lý Sinh (李生) là họ hàng con cô con cậu. Lý Sinh thường qua lại rất nhiều lần. Nhân ngày trung thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, hai người lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp ngày trời thu, Ý Nương viết bài thơ này. Bài thơ được nhiều người nhắc đến trong đó có hai đoạn trích dưới đây:

人道湘江深,
未抵相思畔。
江深終有底,
相思無邊岸。

我在湘江頭,
君在湘江尾。
相思不相見,
同飲湘江水。

Phiên âm:
Nhân đạo Tương Giang thâm / Vị để tương tư bạn
Giang thâm chung hữu để / Tương tư vô biên ngạn
Ngã tại Tương Giang đầu / Quân tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến / Đồng ẩm Tương Giang thủy

(Dịch nghĩa: Người bảo sông Tương sâu, nhưng chưa sâu bằng lòng thương nhớ. Sông sâu còn có đáy, lòng thương nhớ thì không có bến bờ. Chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương. Nhớ nhau mà không thấy nhau, cùng uống nước sông Tương.)

Dịch thơ:
Người bảo sông Tương sâu
Tương tư sâu gấp bội
Sông sâu còn có đáy
Tương tư chẳng bến bờ

Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương.
                                (Bản dịch của Vũ Ngọc Khánh)
 
Thành ngữ “Người đầu sông kẻ cuối sông”  không chỉ nói lên sự cách trở bởi không gian mà còn nói  lên được cái hoàn cảnh trớ trêu, ngang trái của hai kẻ yêu nhau mà vì một lí do nào đó phải xa nhau, nói lên một nỗi ưu hoài vạn kiếp của nhân tình thế thái.

Ở Việt Nam, trong những năm kháng chiến chống Mĩ, xuất hiện bài hát nổi tiếng “Anh ở đầu sông, em cuối sông” của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Hoài Vũ, trong đó có hai câu:
  Anh ở đầu sông em cuối sông
   Uống chung dòng nước Vàm
Thương nhau đã chín ba mùa lúa
Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!

Không biết khi sáng tác các tác giả có tham khảo thành ngữ hoặc tứ thơ trên không hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
…………………
     (còn nữa)