gửi Tuấn Công thư phòng:
“Tôi là Hoàng Minh Tuyển, Phó ban liên lạc họ Hoàng Việt Nam. Tuy chưa một lần gặp anh nhưng tôi thường vào Thư Phòng và rất thích các bài viết (....) Chúng tôi đang băn khoăn về câu đối Thủ Tướng tặng cho cụ Vũ Khiêu không biết dịch thế nào cho phải:
Sơn Hà Linh Khí Tại
Kim Cổ Nhất Hiền Nhân
Xin anh cho biết câu đối này có chỉnh không? Hình như sai luật đối? Về nghĩa có vẻ hơi bị đề cao quá phải không anh?
Nhân đây cũng đề nghị anh cho biết ý nghĩa đôi câu đối “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tặng GS Vũ Khiêu.
Mong anh cắt nghĩa thấu đáo. Cảm ơn anh nhiều
HTC: Cảm ơn ông Hoàng Minh Tuyển đã quan tâm đến chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng.
Thưa ông, thú thực ban đầu chúng tôi cũng không tin có một đôi câu đối như vậy tặng GS Vũ Khiêu. Sau khi tìm hiểu mới thấy báo chí có đưa tin chính thức, kèm ảnh với lời chú thích “Ngày 17/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tặng hoa, chúc mừng Thượng thọ Giáo sư Vũ Khiêu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư Vũ Khiêu câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân". Ảnh: Đức Tám – TTXVN -Thể thao văn hóa.vn). Vì ông yêu cầu cắt nghĩa “thấu đáo” nên chúng tôi cũng xin trả lời cặn kẽ như sau:
-Về mặt hình thức: đây là bức “Trung đường liên” (中堂聯). Tức hình thức câu đối viết vào một tấm biển lớn hình vuông hoặc chữ nhật, đặt ở vị trí trang trọng giữa phòng khách, (phân biệt với "Doanh liên" 楹聯 -câu đối treo hai bên cột trụ). Xem ảnh thấy rõ phía dưới bức “Trung đường liên” là tượng bán thân của GS Vũ Khiêu. Như vậy, đôi dòng chữ "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" giống như lời đề từ, lời bình cho bức tượng cụ Vũ Khiêu vậy.
Chúng tôi gọi "Trung đường liên" là căn cứ vào hình thức trình bày. Nhưng, xét đến thể loại, có lẽ chỉ nên gọi đây là bức "Trung đường" (dạng bức trướng) thì đúng hơn. Vì như ông Hoàng Minh Tuyển đã tinh ý nhận xét, hình như “sai luật đối” hoặc đối “không chỉnh”. Tuy nhiên, đây là đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu-một bậc thầy về cổ văn, chúng ta chẳng thể hồ đồ kết luận. Bởi vậy về mặt thể loại, chúng tôi thử đưa ra mấy cách phân tích và loại trừ như sau:
Sơn-Hà Linh-Khí Tại
Kim-Cổ Nhất Hiền-Nhân
Những từ có gạch nối là từ ghép, không thể tách rời nhau. Nếu xếp vào diện danh từ đối với danh từ thì “sơn hà” có thể đối với “kim cổ”. Hai vế chỉ có hai từ "tại" và "nhất" là từ đơn. Theo luật “đối lời”, trước tiên muốn đối được, chúng phải đứng đối xứng với nhau ở vị trí giữa vế nọ với vế kia. Tuy nhiên, chữ “tại” đứng cuối vế đầu, chữ “nhất” đứng giữa vế sau nên không thể có chuyện đối được. Tiếp đến, hai chữ “linh khí” ở vế đầu không thể đối với chữ “nhất” ở vế hai, vì một đằng là từ ghép (linh khí), một đằng là từ đơn (nhất); một đằng là danh từ, một đằng là số từ đóng vai trò làm tính từ trong câu. Như vậy, ta thấy rằng: hai chữ “linh khí” ở vế thứ nhất không tìm được “đối” (thủ) ở vế thứ hai. Vế trên còn sót lại chữ “tại” ở vị trí cuối cùng cũng chẳng biết “đối đáp” với ai, vì ở vế dưới hai chữ cuối cùng là từ ghép “hiền- nhân”.
Như vậy, xét yêu cầu phải đối từng cặp từ, đối ý, đối lời, bằng trắc đối nhau...thì hai câu "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" hoàn toàn không đối và không phải là câu đối.
Phải chăng, ý tác giả: "sơn hà" với "kim cổ" là đối lời, còn "linh khí tại" với "nhất hiền nhân" là đối ý? Tuy nhiên, cách đối này chỉ phù hợp với dạng câu đối phú dài dằng dặc có khi tới mấy chục chữ. Ví như câu đối của Tam Nguyên Yên Đổ khóc vợ, mỗi vế có tới 34 chữ:
- Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc;
-Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm”
Trong đó: “Nhà chỉn cũng nghèo thay” và “Bà đi đâu vội mấy” là đối ý, có thể chấp nhận được trong thể loại câu đối phú. Tuy nhiên, người hay chữ không lạm dụng đối ý nhiều. Bởi vậy ta thấy số chữ còn lại của cụ Nguyễn Khuyến dù “cách cú” nhưng xét từng chữ đều vừa đối ý vừa đối lời rất chỉnh; thành ngữ, từ láy, bằng trắc đối nhau chan chát rất tài tình. Trong khi câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" hai cặp từ “sơn hà” với “kim cổ” chỉ là đối “cưỡng”. Mỗi vế còn lại 3 chữ: “linh khí tại” và “nhất hiền nhân” gọi là “đối” với nhau chẳng qua do mỗi cụm từ đảm nhận một ý mà thôi.
Nói thế hóa ra Thủ tướng đã tặng, và Nhà nghiên cứu văn hóa GS Vũ Khiêu-Chuyên gia câu đối, phú, văn tế, chúc văn... đã nhận món quà Mừng thọ Trăm tuổi là một đôi câu đối thất luật? Theo tôi, chưa đủ căn cứ để kết luận như vậy. Vì sao? Vì rất ít khả năng tác giả kém tới mức soạn đôi câu đối mỗi vế 5 chữ mà rốt cuộc chỉ có hai cặp từ tạm đối được với nhau. Bởi vậy, có thể đây vốn chỉ là hai câu ca ngợi GS Vũ Khiêu chứ tác giả không có ý làm câu đối. Việc nó “bỗng” trở thành đôi “câu đối” là do người trình bày. Thế rồi người viết bài, đưa tin cứ ngỡ (hoặc căn cứ vào thông tin của Ban tổ chức?) một (hoặc hai) câu văn chia làm hai vế, trình bày theo chiều dọc, hai bên “đối xứng”, mỗi bên có số chữ bằng nhau là “câu đối”. Nếu vậy, sai sót là do khâu biên tập của các báo: Thể thao văn hóa, Đại đoàn kết, Tạp chí Sông Hương...khi đồng loạt đăng bài, ảnh, kèm chú thích “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư Vũ Khiêu câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân".
Về nội dung: Tuy không được thấy nguyên văn chữ Hán, nhưng chúng tôi đoán (gọi là đoán, nhưng có thể nói là chính xác tới 99,9%, vì khó có chữ khác lọt vào đây) mặt chữ như sau: 山河靈氣在, 今古一賢人 = Sơn hà linh khí tại, Kim cổ nhất hiền nhân.
Trước tiên, căn cứ từ điển, chúng tôi xin giải nghĩa từng từ như sau:
*Vế đầu trong câu:
-Sơn hà 山河= núi sông (ở đây được hiểu như đất nước, giang sơn)
-Linh khí 靈氣, Đào Duy Anh giải nghĩa: “Cái khí thiêng”. Hán ngữ đại từ điển (Tàu) đưa ra mấy nghĩa đáng chú ý: 1.Thông tuệ hoặc tú mỹ đích khí chất (có khí chất thông tuệ và đẹp tốt); 2.Tiên nhân đích khí chất (có khí chất của người tiên); 3.Chỉ mỹ hảo đích danh thanh (ý chỉ người có thanh danh tốt đẹp lắm)
-Tại 在 : còn; còn sống.
*Vế sau trong câu:
-Kim cổ 今古: từ xưa tới nay.
-Nhất 一: đứng đầu; một; duy nhất.
-Hiền nhân 賢人: bậc tài đức kiêm toàn.
Sau đây là một số cách hiểu:
1.Cách hiểu thứ nhất: Sơn hà linh khí tại = Khí chất tốt đẹp của GS Vũ Khiêu sẽ còn mãi với núi sông; Kim cổ nhất hiền nhân = GS Vũ Khiêu là hiền nhân đứng đầu trong các bậc hiền nhân từ xưa tới nay (nhất hiền nhân = hiền nhân đứng đầu, đứng nhất).
2.Cách hiểu thứ hai: Sơn hà linh khí tại = Khí thiêng của non sông đất Việt chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu (Hoặc: Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân = Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi là hiền nhân, đó là cụ Vũ Khiêu (nhất hiền nhân = chỉ có một người là hiền nhân)
1.Về cách hiểu thứ nhất:
- Theo chúng tôi, nội dung bức trướng phù hợp với “cung bái” (kính viếng), hơn là "cung hạ” (kính mừng). Vì sao? Vì chỉ với người đã khuất, người ta mới nói ra cái ý như "Kiều rằng: những đấng tài hoa, Thác là thể phách, còn là tinh anh". “Tinh anh” hay “linh khí” chỉ có thể tồn tại mãi mãi một khi nó lìa khỏi “quán trọ” “thể phách”. Các bức hoành phi trên bàn thờ, người ta cũng hay dùng những câu như: “Hạo khí trường tồn” (Khí chất tốt đẹp còn mãi trường tồn) “Anh thanh như tại” (Thanh danh đẹp tốt vẫn như lúc còn sống) để xưng tụng, tưởng nhớ người đã khuất. Hoặc đôi câu đối thờ: “Vạn cổ đan tâm minh nhật nguyệt, Thiên thu nghĩa khí tráng sơn hà” (Muôn thuở lòng son cùng nhật nguyệt, Ngàn năm nghĩa khí tựa sơn hà). Ở đây “Sơn hà linh khí tại” có thể được hiểu: dù (cụ, ông, ngài) đã chết nhưng tài năng, đức độ, sự nghiệp vẫn còn sống mãi với non sông đất nước. Chết mà như còn sống vậy!
Chúng ta có thể ví dụ trong văn cảnh khác. Khi Bác Hồ còn sống, có thể hô: “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Nhưng chỉ sau khi mất, người ta mới (có thể) đưa ra câu khẩu hiệu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Hoặc khi Bác còn sống, thiếu nhi hát: “Ngày ngày chúng cháu ước mong, Mong sao Bác sống muôn đời...” [1] Nhưng các cháu không thể hát mừng: “Bác còn sống mãi với non sông đất nước, Bác còn sống mãi với đàn cháu yêu thương...” [2] khi thực tế Bác vẫn còn sống và đang đi thăm các cháu.
Nói tóm lại, với bất cứ người nào, khi đang còn sống, dẫu muốn đề cao đến mấy cũng không ai nói "gở", ca ngợi là ông (cụ, ngài...) vẫn đang “còn sống” với (như) cái gì đó. Thế nên, trong Truyện Kiều, đoạn Từ Hải chết đứng, Nguyễn Du mới viết: "Khí thiêng khi đã về thần, Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng". Linh khí sống mãi với núi sông tức đã về cõi “bất tử”, về với tổ tiên, với cát bụi và thế giới cỏ cây, phiêu du mây nước rồi. Còn nếu muốn chúc thọ thì chúc sống lâu trăm tuổi, sống lâu muôn tuổi, trăm năm có lẻ, thọ như tùng bách...như ta vẫn thường nghe.
Đến đây, có bạn đọc sẽ nói rằng: cụ Vũ Khiêu năm nay đã 100 tuổi, đằng nào mà chẳng đến lúc...Câu đối hay như vậy, mừng trước để Cụ đọc, sau này thờ luôn cũng chẳng sao. Người ta vẫn đóng thọ đường, xây dựng sinh phần trước đấy thôi. Đây cũng là một ý kiến. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên tắc chưa chết thì chưa thắp hương, chưa phúng viếng. Thậm chí đã chết nằm đó rồi, nhưng chưa phát tang thì cũng chưa thể bái lạy, khấn vái.
- Vế thứ hai "Kim cổ nhất hiền nhân" (Từ xưa cho tới nay, cụ là bậc hiền nhân đứng đầu) cũng là cách xưng tặng dành cho người đã chết. Vì sao? Tục ngữ Việt Nam có câu "Bảy mươi chưa què chớ khoe rằng tốt" (Xưa, bảy mươi là "ngấp nghé miệng lỗ"-Nhân sinh thất thập cổ lai hy). Tục ngữ gốc Hán cũng nói rằng "Cái quan định luận" (蓋棺定論), nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài lại, (sau khi chết) mới có thể bàn luận đúng sai, hay dở về một con người nào đó. Đến đây, có bạn đọc lại nói rằng, cụ Vũ Khiêu nay đã ở tuổi 100, con người, sự nghiệp của Cụ đã rõ, đánh giá, tôn vinh lúc này cũng là được rồi. Tuy nhiên, dù bất thành văn nhưng cũng là luật. Nhà tu hành khổ hạnh “Đã được ba tháng ba năm” nhưng “Còn một ngày nữa mà không hoàn thành” (vì phạm giới) thì cũng không thể nào đắc đạo. Con người ta có khi xấu nay, tốt mai hoặc tốt nay xấu mai. Nhiều trường hợp đã “cái quan” rồi, đã “định luận” rồi, vậy mà có khi hàng trăm năm sau đang còn phải “luận định” lại. Bởi vậy, nếu câu "Kim cổ nhất hiền nhân" không dành cho người đã chết thì cách xếp thứ bậc, ca ngợi người sống như vậy cũng là trái.
“Hiền nhân, quân tử” là khái niệm của Nho gia, một danh xưng chưa bao giờ có giấy chứng nhận. Hán ngữ Đại từ điển (Tàu) định nghĩa “Hiền nhân: Tài đức kiêm lược đích nhân 德才兼备的人” (Người có tài và đức gọi là hiền nhân) Từ điển tiếng Việt định nghĩa “hiền nhân”: người có đức lớn, tài cao theo quan niệm thời trước. Hán Việt từ điển, mục từ “Hiền” (賢) Đào Duy Anh giải nghĩa: “Người có đức hạnh, tài năng”, nhưng phần trích dẫn từ ngữ, hai chữ “hiền nhân” 賢人 lại chỉ được giải thích là: “Người có đức”. Tài đến mức nào, đức lớn đến mức nào thì được gọi là hiền nhân? Không có sách nào quy định. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của chúng ta, hiền nhân tất phải là bậc tài cao, đức lớn; hình ảnh, nhân cách, tài năng, tư tưởng của họ có ảnh hưởng quan trọng tới nhân quần, tác động lớn tới thời đại.
Ở đây chúng tôi xin không bàn đến chuyện GS Vũ Khiêu có phải là "hiền nhân" hay không. Nhưng nếu nói rằng GS Vũ Khiêu đứng đầu trong các bậc hiền nhân từ xưa tới giờ (Kim cổ nhất hiền nhân) e rằng không còn là chuyện “đề cao quá” như ông Hoàng Minh Tuyển nói nữa, mà là phạm thượng! Vì sao? Xin lấy một ví dụ nhỏ để liên tưởng: Trong bài thơ “Bác ơi”, Tố Hữu viết: “Bác đã lên đường theo tổ tiên, Mác-Lê-nin thế giới Người Hiền”. Bài thơ này đã được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông. Vậy“Cứ trong ý tứ mà suy”, Hồ Chủ tịch, Mác-Lê-nin là những “người hiền”, những “người hiền tiền bối” và là bậc thầy vĩ đại của cụ Vũ Khiêu. Thế mà cụ Vũ Khiêu lại được tôn xưng là “Cổ kim nhất hiền nhân”, đứng đầu “thế giới người hiền” từ xưa tới nay, chẳng phải là “phạm thượng” lắm sao?
Trong văn chương hay thực tế có một số danh xưng như “Thiên hạ đệ nhất kiếm”, “Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”... nhưng “nhất” ở đây là “nhất” trong một phạm vi, thời điểm (không gian và thời gian) nhất định nào đó. Nếu nói ai “nhất” từ cổ chí kim là điều cực khó. Đặc biệt “nhất hiền nhân” một khái niệm khó đo đếm, so sánh lại càng không có cơ sở. Phải chăng, tác giả muốn nói: nước Việt có nhiều hiền nhân, nhưng chỉ có GS Vũ Khiêu là "nhất hiền nhân" vì Cụ đang minh mẫn ở 100 tuổi, lại được phong Anh hùng, được Giải thưởng Hồ Chí Minh, xưa nay chưa ai từng có?
2.Về cách hiểu thứ hai:
Sơn hà linh khí tại = Khí thiêng của non sông Việt Nam chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu. Hoặc Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân = Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi là hiền nhân (đó là cụ Vũ Khiêu).
Cách hiểu này có vẻ không “sái”, phù hợp với “cung hạ”. Tuy nhiên, căn cứ vào chữ nghĩa vẫn không tránh khỏi "phạm thượng". Vì sao? Vì ý thứ nhất “Khí thiêng của non sông Việt Nam chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu” khiến người ta liên tưởng đến lời điếu văn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch...” Phải chăng, vốn ý tác giả muốn dùng từ "nguyên khí" nhưng nó lại thành "linh khí": Sơn hà nguyên khí tại (Cụ Vũ Khiêu là nguyên khí, hiền tài của quốc gia, sơn hà) ?
Ý thứ hai: Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi hiền nhân là Cụ (Vũ Khiêu). Kiểu tôn xưng “vô tiền khoáng hậu”, đứng trên tất cả các bậc hiền nhân này càng không ổn.
Riêng câu “Kim cổ nhất hiền nhân” theo chúng tôi còn có thể hiểu theo cách thứ 3: Người thông hiểu chuyện cổ kim, xưa nay nhất chính là bậc Hiền nhân Vũ Khiêu. Và cách thứ 4: Từ cổ chí kim, chỉ có bậc hiền nhân mới đáng gọi là tôn quý. Tuy nhiên, 2 cách hiểu, nhìn nhận, đánh giá này càng không có cơ sở.
Như vậy, tuy chữ nghĩa "sờ sờ" ra đó, nhưng chữ có nghĩa đen, nghĩa bóng; có nghĩa gốc, nghĩa ngọn; lại có chơi chữ, chiết tự, “ý tại ngôn ngoại” nên chúng tôi chẳng dám chủ quan ấn định một cách hiểu duy nhất nào đó. Ngược lại đã thử tìm hiểu, xem xét dưới nhiều góc độ để tìm ra một cách hiểu hợp lý, tích cực nhưng xem ra vẫn chưa thấy ổn với cách hiểu nào. Có lẽ do kiến thức hạn hẹp của mình nên cách hiểu hay, hiểu đúng của tác giả câu đối chúng tôi chưa thể nhìn ra?
Về đôi câu đối: “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng”, mà ông Hoàng Minh Tuyển hỏi. Theo chúng tôi, đây là đôi câu đối Nôm rất chỉnh, có nhịp điệu, đối nhau chan chát, nghe rất hay, và có thể hiểu: GS Vũ Khiêu là một Triết gia Cách mạng; là một Nghệ sĩ Anh hùng. Tuy nhiên, "rằng hay thì thật là hay", nhưng nghe...có vẻ không đúng và ... “hở miếng”. Vì sao ? Vì:
-GS Vũ Khiêu là người có nghiên cứu về triết học chứ không phải là, (chính là) "Triết gia"-Nhà triết học. Vì Nhà triết học phải là người đề xuất học thuyết, tư tưởng, chứ không phải là Nhà nghiên cứu về học thuyết, tư tưởng của Nhà triết học nào đó. "Triết gia" chính là cách gọi tắt "Triết học gia"-Nhà triết học. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) giải nghĩa: “Triết gia-nhà triết học-các triết gia Hi Lạp cổ đại”.
Có lẽ, ý tác giả đôi câu đối muốn dùng chữ “triết nhân” chăng? (triết 哲 với nghĩa người hiền trí, có trí tuệ thông minh, sáng suốt, như: hiền triết, tiên triết...). Đào Duy Anh giải nghĩa: “Triết nhân: người hiền trí”. Hán ngữ đại từ điển:“哲人: 智慧卓越的人” (Triết nhân: trí tuệ trác việt đích nhân -Triết nhân: người có trí tuệ trác việt). Như vậy, nếu có chăng, GS Vũ Khiêu chỉ có thể được gọi là “triết nhân” chứ không thể là “triết gia” (Đây chỉ là ví dụ về cách sử dụng chữ nghĩa. Chúng tôi không có ý cho rằng GS xứng đáng được gọi là triết nhân
-GS Vũ Khiêu là Nhà nghiên cứu văn hóa, chứ không phải “Nghệ sĩ”. Vì GS không chuyên sáng tác, cũng chẳng biểu diễn môn nghệ thuật nào. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: "Nghệ sĩ: 1.người chuyên hoạt động [sáng tác hoặc biểu diễn] trong một bộ môn nghệ thuật. nghệ sĩ nhiếp ảnh-tâm hồn nghệ sĩ;2.danh hiệu thường dùng để gọi diễn viên hay ca sĩ có tài năng xuất sắc”. Phải chăng, ý tác giả muốn nói: GS Vũ Khiêu là một “Anh hùng” mang tâm hồn, phong cách “Nghệ sĩ”?
Cuối cùng, chúng tôi cho rằng, hai từ “trong” và “giữa” trong đôi câu đối “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” hơi tối nghĩa và thiếu chặt chẽ. Nó khiến người ta có thể hiểu thành:
-“Triết gia trong cách mạng = GS Vũ Khiêu chỉ xứng đáng là một “Triết gia” trong (số) những người làm chính trị, cách mạng.
- Nghệ sĩ giữa anh hùng = GS là một “Nghệ sĩ” đứng giữa hàng ngũ những người “Anh hùng” chứ không phải bản thân GS là “Anh hùng”. Hoặc: GS chỉ đáng được gọi là “Nghệ sĩ” trong hàng ngũ những người “Anh hùng” mà thôi. Như thế hóa ra, “Triết gia” hay “Nghệ sĩ” ở đây đều hoàn toàn “nghiệp dư” hay sao? Nếu bỏ hai từ “trong” và “giữa” đi, đôi câu đối sẽ chặt chẽ, dễ hiểu, kín kẽ hơn (dù có vẻ không hay): Triết gia Cách mạng; Nghệ sĩ Anh hùng (Triết gia làm Cách mạng, Nghệ sĩ cũng Anh hùng).
Văn giống võ ở chỗ: câu chữ, quyền cước tung ra dù mạnh mẽ, đẹp mắt đến mấy nhưng sơ hở, thiếu kín kẽ, thì kể như chưa hay, chưa giỏi.
Trở lại với vấn đề đang bàn. Ông Hoàng Minh Tuyển quan tâm tới đôi câu đối và chữ nghĩa Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu là có lý. Bởi chuyện tôn xưng tên tuổi, danh hiệu của Nhà nước với một cá nhân không đơn giản biểu hiện tình cảm mà còn thể hiện tôn ty trật tự trong xã hội. Đặc biệt đối với những người có danh vọng; hình ảnh, tên tuổi của họ có ảnh hưởng trong xã hội lại càng không thể khinh suất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cách nay hơn 500 năm, chỉ là chuyện xưng hô trong triều đình, quân doanh thôi, nhưng vua Lê Thánh tông từng phải chấn chỉnh: “Sắc Lễ bộ yết bảng cho trăm quan và các quân rằng: Kể từ nay, nếu không phải là bậc túc nho danh vọng, tuổi cao đức lớn thì không được gọi bừa là "tiên sinh". (Đại Việt sứ ký toàn thư-Bản kỷ thực lục-Quyển VIII-Kỷ nhà Lê).
Danh quá kỳ thực dễ gây nên sự huyễn hoặc và gieo mầm loạn. Bản thân người nhận nếu có liêm sỉ cũng sẽ thấy khó xử, “Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?”[3]. Thế nên, về chuyện danh và thực, ông Mạnh tử cũng nói rằng: “Thanh văn quá tình, quân tử sỉ chi-聲聞過情君子恥之 (Danh quá thực tình là điều người quân tử lấy làm hổ thẹn-Ly lâu hạ 離婁下).
Chúc thọ, mừng tặng quà sao cho có ý nghĩa, mãn nguyện người trao, vui lòng, hợp ý người nhận, trên dưới trông vào đều ngợi khen là việc khó. Mừng tặng bằng chữ nghĩa lại càng khó hơn. Có vẻ như hai đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu “trục trặc” trong khâu nào đó chăng?
Đến đây, chắc hẳn sẽ có “kẻ chê, người cười” HTC rằng: nói người khác "phạm thượng" nhưng bản thân mình còn "phạm thượng" hơn! Điều này không phải không có lý. Tuy nhiên, câu chuyện chữ nghĩa với ông Hoàng Minh Tuyển và bạn đọc khiến tôi nhớ đến một câu chuyện chữ nghĩa khác. Lê Thánh tông là ông vua nổi tiếng hay chữ. Thơ văn của ông gồm cả chữ Hán và chữ Nôm: Thiên Nam dư hạ, Sĩ hoạn trâm quy, Xuân vân thi tập, Hồng Đức quốc âm thi,... Ông có những vần thơ Nôm tinh tế, mẫu mực, cổ kính mà rất hiện đại như: “Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc, Sườn núi chim gù ẩn lá xanh”. Thế nhưng có một triều thần dám thẳng thừng chê văn thơ của ông là "phù hoa, vô dụng" (xưa tội này có thể bị chém đầu). Người đó là Nguyễn Bá Ký!
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Ký chết. Trước đó, Bá Ký cho rằng vua làm văn không chú ý tới kinh, sử, dâng sớ khuyên can. Vua dụ rằng: "Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh sử, lại chuộng lối học phù hoa, vô dụng, chỉ ngụ ý ở ngoài mây khói. Nếu ta ưa chuộng văn hoa, không lấy gốc kinh, sử thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói, thì trong bốn chữ "phù hoa vô dụng" kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi, thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, người đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý".
Đến đây chết, vua sai Tư lễ giám quan Phạm Hổ đem sắc đến dụ rằng: "Ngươi thờ vua trung thành, giữ mình chính trực, sớm tối ở bên ta, nay được 6 năm, lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn chưa thôi!" (Đại Việt sử ký toàn thư-Bản kỷ thực lục, Quyển XII-Kỷ nhà Lê).
Câu chuyện này góp phần giải thích tại sao, Lê Thánh tông không chỉ là ông vua giỏi mà còn được tôn là vị Minh Quân. Ông là vua sáng nên có nhiều tôi hiền. Và dù Bá Ký chê thế nào, Lê Thánh tông vẫn là một trong những ông vua hay chữ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Tôi chẳng dám ví mình giống như Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Ký. Nhưng có lẽ khi mải bàn chuyện chữ nghĩa đã không tránh khỏi tội “phạm thượng”, "khi quân" như Bá Ký. Tuy nhiên, ngày xưa, Bá Ký chẳng những không bị mất đầu mà còn được ngợi khen có lòng trung, thì ngày nay câu chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng có đến tai Thủ tướng và GS Vũ Khiêu, tôi tin rằng, dẫu không được khen ngợi thì các vị cũng chẳng nỡ trách phạt.
Cuối cùng chúng tôi dám mong sẽ được GS Vũ Khiêu-Bậc thầy về cổ văn, hoặc chính tác giả câu đối Chúc thọ GS giảng giải tường tận những chữ nghĩa mà chúng tôi và độc giả còn băn khoăn, chưa biết hiểu thế nào cho đúng, cho hay!
Như vậy, trong khả năng kiến thức hạn hẹp, chúng tôi đã cố gắng giải thích. Nếu phải thất vọng, mong ông Hoàng Minh Tuyển và bạn đọc thông cảm cho, và tiếp tục quan tâm đến chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng.
Thanh Hóa 28/9/2014
H.T.C
______________
Chú thích:
-[1] và [2] Lời các Bài hát Thiếu nhi, ca ngợi Hồ Chủ tịch.
-[3]-Thơ Hồ Chí Minh.