Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thư ngỏ gửi ông Phạm Quang Nghị , Bí thư thành uỷ Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Thứ năm ngày 9 tháng 10 năm 2014 7:18 PM

 


 

     TNc: Nhà văn Nguyễn Hiếu vừa chuyển cho trang nhà Thư ngỏ này và đề nghị cho lên TNc. Trên tinh thần "Dân biết, dân bàn..." chúng tôi đăng Thư ngỏ này như một ý kiến công dân. Nhà văn Nguyễn Hiếu một người Hà Nội gốc, ông đau đáu về việc danh lam thắng cảnh Hà Nội đang bị xâm hại. Rất mong lãnh đạo Hà Nội nhìn thẳng vào sự thât....
                                 
Thưa ông !.
Trứơc tiên xin tự giới thiệu. Tôi là Nguyễn Hiếu, nhà văn, tác giả kịch bản “thầy Chu” đã được Nhà hát chèo Quân Đội dựng thành vở diễn” Chu Văn An- Người thầy của muôn đời” đoạt huy chương vàng Hội thi nghệ thuật chèo toàn quốc, được UBLHVHNT tặng danh hiệu vở diễn hay nhất năm 2013. Tác giả của bộ tiểu thuyết ”dòng sông màu máu vẫn chảy”,”lặng lẽ cuối cùng “, “Tình nhân”…Là nhưữngtác phẩm tôi viết về Hà Nội dấu yêu của tôi. Tôi dẫn ra các tác phẩm về Hà Nội của tôi để muốn nói rằng, Hà Nội luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của tôi không chỉ với tư cách là một nhà văn mà còn là một công dân, một người Hà Nội. Thư này tôi viết cho ông cũng không ngoài sự quan tâm đó.
Thưa ông !
Quê tôi là làng Chèm nay là Phường Thuỵ Phương thuộc Quận Bắc từ Liêm. Năm 2008 trên báo Văn Nghệ Trẻ tôi đã viết lá thư ngỏ gửi ông Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch thành phố Hà Nội phản ánh sự lấn chiếm, huỷ diệt các danh thắng, đầm hồ của Hà Nội. Đáng tiếc thư của tôi cũng như các thư của các nhà văn, các nhà văn hoá khác đều rơi vào im lặng không chút hồi âm. Tôi chợt nhớ đến hành động trách nhiệm và có văn hoá của Tổng giám mục toà thánh Va Ti Căng khi víêt thư trả lời một cháu bé mà buồn cho sự xử sự của ông Chủ tịch một thành phố từng được coi là thanh lịch, hào hoa. Nay vì một việc khẩn cấp mà bất kì một người dân Hà Nội nào quan tâm đến vẻ đẹp của thành phố, sự tồn vong và hài hoà, của di sản thiên nhiên dành cho Hà Nội đều rất lo ngại nên tôi viết thư gửi tới ông với tư cách là người đứng đầu Thủ Đô Hà Nội hi vọng với thẩm quyền của mình ông có thể can thiệp có hữu hiệu để ngăn chặn hành vi tai hại kia.                              
Thưa ông Phạm Quang Nghị !
          Có lẽ ít có thắng cảnh nào ở Hà Nội cũng như Việt nam ta đón nhận được nhiều sự xưng tụng, ca ngợi  như Hồ Tây. Con hồ rộng lớn ở phía tây Thủ Đô này tồn tại hàng nghìn năm được xem là “lá phổi của thủ đô”, “danh lam bậc nhất”, “nguồn thi ca bất tận”. Nhưng đáng tiếc thay hai, ba chục năm trở lại đây Hồ Tây lại là đối tượng của không ít kẻ chỉ biết lợi trứơc mắt, quên đi lợi ích lâu dài mà Hồ Tây mang lại nên cố tình đưa ra những ý đồ thâm hiểm để lấn chiếm, xâm phạm Hồ Tây. Những ý đồ đó luôn nấp dưới tên gọi các dự án như dự án “thuỷ cung”, dự án “cầu cảng neo đậu tàu, thuyền du lịch”..Nhưng trứơc sự phản đối của các nhà chuyên môn, trí thức, văn nghệ sĩ, của nhân dân những ý tưởng trục lợi này không thực thi được. Để thực hiện việc giữ gìn Hồ Tây chống sự lấn chiếm, Thành phố Hà Nội tuy hơi muộn cũng đã thực hiện xong việc làm kè, làm đường vành đai quanh hồ. Việc làm này đã được nhân dân và những người yêu mến Hà Nội đánh giá cao.
Những tưởng với một công trình kiên cố như vậy thì sẽ chấm dứt sự xâm lấn đối với Hồ Tây. Nhưng đáng buồn thay ngay giữa những ngày Hà Nội đang rầm rộ kỉ niệm lần thứ 60 ngày Giải phóng Thủ Đô những người yêu Hồ Tây, quan tâm đến sự tồn vong của cảnh quan này lại thực sự đau lòng chứng kiến cảnh tại 2 Phường Quảng Bá và Nhật Tân vẫn có nhiều nhà hàng cà phê giải khát lấn chiếm hàng trăm mét đất xâm phạm mặt nứơc hồ Tây. Đường viền quanh hồ, nhất là những chỗ thuận tiện như khu vực hãng phim truyện Việt nam có quá nhiều nhà hàng trên bờ, nhà hàng nổi trên mặt nứơc ngày ngày thả bèo tây để rồi len lén thả đất, rác thải xuống với ý đồ lấp dần lòng hồ. Đáng sợ hơn một doanh nghiệp quân đội núp dưới chiêu bài thực hiện dự án nạo vét lòng hồ để san lấp chiếm đoạt diện tích mặt hồ.
             Nơi Hồ tây đang bị triển khai kế hoạch lấp đất thành nền đó là khoảng hồ đằng sau hành lang giới hạn bảo vệ hồ trên đường Lạc Long Quân thuộc khu vực đối diện ngã ba đường vào Xuân La. Hiện nay diện tích mặt nứơc Hồ tây của khu vực này bị lấp đã lên tới hàng nghìn mét vuông.
          Hàng chữ ghi trên cần cầu hạng nặng đang san, tải đất ở khu vực này ghi rõ “Tổng công ty 319”. Đây là một đơn vị kinh tế của Bộ Quốc phòng.         
Qua theo dõi nhiều ngày về cái gọi là dự án nạo vét này tôi thực sự đau lòng. Việc nạo vét chẳng thấy đâu mà chỉ thấy mặt nứơc Hồ Tây cứ bị hẹp dần bởi một đống gồm đất, cát, gạch vụn cứ loang rộng cho sự hình thành một nền đất. Nếu đúng là dự án nạo vét thì tại sao bùn nạo vét không chuyển tải đi nơi khác ? Và liệu sau khi cái gọi là “dự án nạo vét…” kia kết thúc khối lượng đất đang lấn chiếm mặt hồ ngày càng rộng, càng nhiều đó có được mang đi để trả lại nguyên trạng cho mặt hồ hay lại là sự mặc nhiên để tạo nên một mảnh đất mới cho những ý đồ lấn chiếm mặt hồ .    
         Thưa ông Phạm Quang Nghị !.
         Hồ Tây chẳng những là một thắng cảnh, một không gian điều hoà khí hậu của Hà Nội mà thiên nhiên trao tặng cho chúng ta mà theo các nhà sử học còn cho rằng Hồ Tây đứng về khoa học phong thuỷ còn là một trong Quốc huyệt quan trọng của Việt nam ta. Sự tồn vong của Quốc huyệt này có ảnh hưởng lớn đến sự thịnh vượng, an lành chẳng những của Hà Nội mà còn của quốc gia. Nhiều lần kẻ thù phương Bắc đã từng tìm mọi cách để tác động đến huyệt đạo này nhưng chúng đều thất bại.
 Thưa ông !
         Làng tôi có may mắn ở cạnh dòng sông Hồng, và dòng sông Nhuệ. Dân làng tôi gọi Nhuệ Giang là sông Đào để ghi công lao của người Pháp đã đào nên nó, điều hoà mực nứơc cho sông Hồng cũng như người Pháp đã đào thêm kênh Tẻ, kênh Đôi để ổn định chế độ bán nhật triều cho sông Sài Gòn. Vậy mà tôi không hiểu sao gần hai chục năm trở lại đây Hà Nội liên tục làm biến mất và ô nhiễm các hồ, đầm ở Hà Nội. Ngay đến rồi sông Hồng, làng tôi gọi là sông Cái- sông Mẹ- cũng đang bị các đại gia chặn ngang dòng, lợi dụng bãi giữa để xây địa điểm ăn chơi.                                                                       Còn Hồ Tây- một linh vật của Hà Nội thì liên tục bị xâm phạm, và nay sự xâm phạm này càng thô bạo và rõ rệt hơn bất chấp tất cả dư luận xã hội, luật cảnh quan.
         Thưa ông !
Khi Lý Công Uẩn hạ chiếu rời đô về Hà Nội thì Ngài đã tính đây là vùng đất ngoài việc dựa vào thế long bàn hổ cứ của dẫy Tam Đảo, Ba Vì thì Ngài còn tính mảnh đất nhiều hồ, đầm này này là vùng tụ thuỷ ắt sẽ tụ nhân. Hào kiệt bốn phương sẽ về tụ hội. Cha ông ta cũng như bao thế hệ tiền bối đã duy trì, gìn giữ, và bằng công sức của mình tạo thêm sông ngòi, hồ ao cho Hà Nội. Vậy mà đến thời nay. Không hiểu vì lẽ gì các vị lãnh đạo trong đó có ông và ông Nguyễn Thế Thảo lại không những không có kế sách gì mà lại dung dưỡng cho sự chà đạp, lấn chiếm sông, hồ Hà Nội. Ba con sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và kể cả sông Hồng bị ô nhiễm và bức tử ngày càng nặng .
Còn về Hồ ao. Khi tiếp quản Thủ Đô năm 1954, riêng trong nội đô Hà Nội có tới hơn 200 hồ, đầm với tổng diện tích hơn 2000 ha. Sáu mươi năm sau đến giờ phút này, Hà Nội còn lại hơn 100 hồ, đầm với tổng diện tích chưa đầy 1000 ha. Nhiều hồ nổi tiếng bị xóa sổ, bị thu hẹp như Hồ Văn Chương, Hồ Linh Đàm, đầm Hồng Thanh xuân…Ngay hồ Tây trứơc đây rộng hơn 600 ha, bờ này không thấy bờ kia, còn giờ đây chì còn hơn 400 ha đang bị lấn chiếm và bê tông hoá….
 Nhưng dù cho dù việc lấp Hồ tây đứng dưới danh nghĩa nào thì dư luận cũng đòi hỏi các nhà chức trách Hà Nội, những người có trách nhiệm cũng cần khẩn cấp đưa ra quyết định buộc Tổng công ty 319 thực hiện nghiêm chỉnh dự án nạo vét, sau đó bắt đơn vị này trả lại diện tích mặt hồ đã bị san lấp để tránh cho cảnh quan tuyệt đẹp của Hà Nội thêm một lần bị xâm phạm, tránh một tiền lệ về  một  chiến dịch đang từng  bứơc lấn chiếm để lấp dần Hồ Tây.
Cũng để bảo vệ Hồ Tây một cách hữu hiệu, Thành Phố Hà Nội cần có những văn bản thành luật để trừng phạt nghiêm khắc những hành động, cá nhân xâm phạm diện tích mặt Hồ. Có như vậy Hồ Tây mới được giữ gìn không chỉ cho hôm nay mà cho muôn đời con cháu mai sau.
                           Xin gửi tới ông sự tin tưởng và lời cảm tạ biết ơn của một nhà văn, một người con của Hà Nội.
                                                              Hà Nội 9/10/2014
                                                                      Nhà văn Nguyễn Hiếu