Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hoặc đứng trên đôi chân, hoặc chết. Không bao giờ quỳ gối!

Nguyễn Nguyên Bình.
Thứ bẩy ngày 6 tháng 9 năm 2014 9:11 PM
( Viết nhân kỉ niệm 100 năm khai trương kênh đào Pa na ma)

      

          Kênh đào Pa na ma khai trương vào ngày 15- 8- 1914, đúng ra phải viết bài và gửi đăng lên mạng vào ngày 15- 8 vừa qua hoặc chí ít cũng phải là trong vòng tháng 8 mới phải ,nhưng vừa rồi có vài việc bận nên không kịp hoàn thành bài viết đúng dịp. Hôm nay đã sang tháng 9, muộn rồi mà tôi vẫn muốn đưa đến bạn đọc vài ý tưởng có liên quan, vì sự kiện nước Pa na ma đòi được kênh đào từ tay nước Mỹ đáng để nhắc nhở và suy ngẫm lắm, không nói ra thì thấy tiếc…

 

        Ai cũng biết, kênh Pa na ma có giá trị kinh tế rất lớn, nhờ có nó, con đường biển từ bờ Tây nước Mỹ sang châu Âu rút ngắn được một nửa; đường từ bến Thượng Hải (TQ) tới Newyork (Mỹ) rút ngắn được 1/7. (Tuy vậy, để có được thành tựu đó, đã có hơn 25 ngàn người phải hi sinh tính mạng).

       Dự án kênh Pa na ma lúc đầu do nước Pháp khởi xướng và thi công, sau bán lại cho Mỹ. Người Mỹ đã khai thác con kênh trong hơn 60 năm, thu vô cùng nhiều lợi nhuận…cho đến khi xuất hiện tướng Ô ma Tô ri hốt (Omar Torryjos), một người Pa na ma yêu nước, biết coi trọng quyền lợi dân tộc và không theo chủ nghĩa cộng sản. Ông đã làm cho đất nước Pa na ma một việc cực quan trọng, một việc tưởng như không làm nổi. Đó là đã giành lại kênh Pa na ma cho đất nước mình, một nước Pa na ma quá sức ‘ nhược tiểu’ so với ‘người khổng lồ’là Mỹ.Cái cách mà ông Ô ma Tô ri hôt đã vận dụng để thu hồi kênh Pa na ma thật đáng nể phục,  hết sức độc đáo, nó kết hợp đầy đủ sự can đảm và mưu lược của một nhà chính trị, sức mạnh của ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết của dân tộc và lương tri thời đại. Vì vậy Pa na ma đã giành thắng lợi rất ngoạn mục mà không phải đổ một giọt máu nào.

 

      Quyết giành lại chủ quyền đối với kênh đào, ông đã bí mật tìm cách phân hóa các thế lực tài phiệt Mỹ để vừa có được sự hỗ trợ về tài chính lại vừa có thể làm suy yếu đối thủ. Ông đã đặt vấn đề: “ Chúng tôi sẽ lấy lại kênh đào. Song như thế chưa đủ, chúng tôi còn phải làm nên một mô hình. Chúng tôi phải chứng tỏ để không ai có thể nghi ngờ việc chúng tôi đang trăn trở bởi người dân khốn khó của nước mình, rằng chúng tôi quyết tâm giành độc lập không phải vì bị Nga, Trung Quốc hay Cu ba giật dây. Chúng tôi phải chứng minh cho thế giới thấy Pa na ma là một xứ sở chuộng lẽ phải, chúng tôi không chống lại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, chúng tôi chỉ đấu tranh cho quyền lợi của người nghèo”. Ôma Tô ri hôt đã khôn khéo vạch ra rằng việc đòi lại chủ quyền kênh đào Pa na ma không đơn thuần chỉ là pháp lý mà còn là vấn đề đạo lý (trong khi dân Pa na ma nghèo đói thì Mỹ  thu lợi từ lệ phí kênh đào mỗi năm hàng trăm triệu đô la Mỹ ), nhờ đó nên đã tranh thủ được sự đồng tình của dư luận có lương tri. Theo một phóng sự của tạp chí Time, vào ngày khai mạc cuộc họp Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tại Pa na ma( phiên họp này do chính Pa na ma đề nghị triệu tập), Ôma Tô ri hốt dã cho dựng một tấm pa nô cao bằng tòa nhà ba tầng, mang một thông điệp bằng các thứ ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc . Thông điệp viết: “ Quý ngài có thể yên chí rằng, trong những cuộc đàm phán của chúng tôi với Hoa kỳ, quý ngài sẽ luôn luôn thấy chúng tôi hoặc đứng trên hai chân, hoặc chết. Không bao giờ quỳ gối. Không bao giờ! OMAR TORRIJOS”. Cùng với thông điệp nảy lửa như thế, ông Ôma còn tiết lộ với báo chí một kế hoạch phá hủy con kênh nếu thượng viện Mỹ không chịu phê chuẩn hiệp ước trao trả nó cho Pa na ma.

 

      Sau nhiều vòng đàm phán, Ôma Tô ri hôt đã buộc ông Jimmy Carter ( tổng thống Hoa kỳ) phải ký kết việc trao trả kênh đào cho Pa na ma vào năm 1978 ( cũng phải nói rõ thêm là tuy hiệp định đã ký nhưng phía Mỹ vẫn tìm cách trì kéo, mãi đến năm 1999 phía Pa na ma mới được thực sự tiếp quản , dầu sao đó cũng là thắng lợi rất lớn).

 

       Thưa bạn đọc, trong thế kỷ này rõ ràng là còn rất nhiều những việc mà các ‘ nước nhỏ’ phải đòi lại chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi chính đáng của mình từ tay các ‘nước lớn’ tương tự như Pa na ma hồi cuối thế kỷ trước.  Việc Việt Nam ta cần phải đòi lại chủ quyền các đảo và lãnh hải từ tay Trung Quốc, về mặt tương quan lực lượng, cũng chẳng khác là bao so với ‘ cặp đôi’Pa na ma – Mỹ. Cuộc đấu tranh của Việt Nam ngày nay, nếu muốn thu được thắng lợi thì cũng cần phải kết hợp đầy đủ giữa sự can đảm mưu lược của nhà chính trị, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết của dân tộc và lương tri thời đại. Ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam để chống họa ngoại xâm thì lịch sử đã cho thấy là luôn luôn hội đủ, không bao giờ thiếu; lương tri thời đại thì đang trào dâng như sóng biển Đông. Thậm chí chưa nói đến lương tri, chỉ xét về mặt quyền lợi, thì đã thấy rất nhiều nước trên thế giới đang có cùng mục tiêu chống lại việc Trung Quốc độc chiếm biển Đông, cưỡng chiếm các đảo và vùng biển của Việt Nam. Vậy Việt Nam chỉ còn thiếu một nhân tố nữa thôi, đó là sự can đảm và mưu lược của các nhà chính trị. Khi nào các nhà chính trị Việt Nam đủ can đảm và mưu lược thì họ sẽ thấy một điều rằng: Trung Quốc đang là nước lớn và mạnh đấy, nhưng không lớn và mạnh hơn nước Mỹ cuối thế kỷ 20; còn Việt Nam đang là nước nhỏ yếu đấy, nhưng không nhỏ yếu hơn Pa na ma cùng thời đó. Vả lại, khi các nhà chính trị VN đủ can đảm để tỉnh táo nhận biết sức mạnh vốn có của chính dân tộc mình, đất nước mình , quyết tâm đồng hành cùng dân tộc, đồng thời nhìn rõ thời cơ thuận lợi do thời đại đưa tới thì mới có đủ mưu lược để điều trị kẻ bắt nạt.Lúc đó, VN cũng có thể đòi lại chủ quyền từ tay Trung Quốc mà cũng không cần đổ máu, cũng y như Pa na ma ba mươi sáu năm trước ! 

Ngày 01- 9- 2014

                                                                                            

Nguyễn Nguyên Bình.

 

 

Chú thích: một số tư liệu trong bài được trích dẫn theo bài của tác giả La Thành. Xin cảm ơn.