Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Con chim chọn số phận

Vũ Từ Trang
Thứ ba ngày 15 tháng 7 năm 2014 10:13 AM

 


           Khu vườn tĩnh lặng nằm kề cánh rừng cao su mênh mông và heo hút. Hàng rào bao quanh xây gạch. Chiếc cổng sắt thỉnh thoảng đóng mở, lại rít lên tiếng kêu khô khốc. Trong vườn rất nhiều cây bàng. Đấy là do chủ trước trồng. Mà tôi cũng không rõ họ trồng nhiều bàng thế để làm gì. Có giàn hoa giấy trước hiên nhà. Một vài cây ăn quả. Khóm tre trúc. Lá rụng tơi bời. Hình như chủ nhân không muốn xáo trộn cái sự sống tự nhiên cỏ cây khu vườn của mình. Một bể bơi ngoài trời có mái che, đèn rọi chiếu. Lòng bể cạn khô không nước. Loáng thoáng lá khô bay xào xạc trên nền đáy bể. Một bộ bàn ghế uống trà bằng đá ga-ni-tô kê góc sân. Một chiếc xích đu bằng sắt mạ đã chớm rỉ han... Đấy là trại viết của nhà văn Nhật Tuấn, tác giả của truyện ngắn “Con chim biết chọn hạt” và tập truyện ngắn “Trang 17” từng làm náo nức bạn đọc Hà Nội một thời.
              Sau bao lần hò hẹn, thế rồi tôi cũng có mặt tại trại viết của anh. Thực ra về địa lý, nó cách trung tâm Sài Gòn chưa đầy sáu mươi cây số. Nhưng nó lại nằm cách xa huyện lỵ Tân Uyên mười mấy cây số, mà tôi là kẻ du khách ngoài Bắc vào, nên phương tiện giao thông chả thấy thuận tiện gì. Anh nói rằng, chọn mảnh đất khuất nẻo này, để trốn sự ồn ào, xô bồ và tốc độ của phố xá. Tại thành phố Sài Gòn, anh có ngôi nhà hai tầng ở quận Gò Vấp, lâu nay, thường khóa cửa bỏ không. Khi nào nhớ phố phường, nhớ bạn bè viết lách, anh lại phóng xe máy về chơi đôi ba ngày. Rồi lại tằng tằng phóng xe lên trang trại heo hút của mình, trên xe chất đầy sách báo, thực phẩm, để đủ sinh sống cho vài tuần. Anh kể rằng, sống ở khu vườn tĩnh lặng này, quen rồi. Anh là người thị thành, vậy mà đã chán nhịp điệu thị thành, thèm sự tĩnh lặng của cỏ cây, để tâm hồn anh trải cùng thiên nhiên vô tư và bát ngát. Anh đọc và viết trong không gian thóang đãng và bình yên đó.
               Có bạn bè nói vui, sao Nhật Tuấn đi ở ẩn sớm thế? Nhưng không phải thế. Công nghệ thông tin tiên tiến, đã xóa nhòa khoảng cách của anh với mọi người, với thế giới bên ngoài khu vườn. Thế giới phẳng, làm cho anh không có cảm giác lẻ loi. Trong căn nhà của anh, ngoài chiếc lap-top, tôi thấy có hai cỗ máy tính trang bị đầy đủ thiết bị tân kỳ, nào máy in, hệ thống âm thanh, ca-mê-ra, thẻ nhớ và lằng nhằng dây dợ. Kỹ nghệ thông tin đã không cho anh cảm giác cô độc khi sống ở khu vườn tĩnh lặng kề bên cánh rừng cao sư heo hút này.
               Xuất thân từ một gia đình Hà Nội gốc, anh từng học và theo nghề khảo sát đo đạc một thời gian dài. Tính chất công việc lang thang đây đó, lại với máu ham đọc sách từ nhỏ, lại có anh trai là nhà văn nổi tiếng từ trước ngày giải phóng thủ đô, nên khát vọng viết văn trỗi dậy trong con người Nhật Tuấn rất sớm. Các trang báo những năm thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước tại thủ đô, đã trình làng những truyện ngắn đầu tiên của anh và sớm có tiếng vang trong giới viết lách. Những năm ấy, ngoài mảng văn học viết về chiến trường, thì đề tài lao động sản xuất cũng rất được coi trọng. Nhật Tuấn được xếp vào đội ngũ những nhà văn viết về đề tài công nhân, như Tạ Vũ, Thanh Tùng, Đào Cảng, Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lý Biên Cương, Tô Hải Vân, Lưu Nghiệp Quỳnh... nhưng Nhật Tuấn đã sớm định hình một phong cách riêng.
                Sự thay đổi lớn với anh, là từ khi được chuyển từ đơn vị khảo sát về làm việc tại Nhà xuất bản Văn Học. Ngày ấy, Nhà xuất bản Văn Học có vị thế ghê gớm trong giới văn chương. Nhật Tuấn được coi như một biên tập viên trẻ nhiều năng lực của nhà xuất bản. Những cuộc gặp gỡ với các cộng tác viên là những nhà văn lớn, những cây bút trẻ xuất sắc, đã cho Nhật Tuấn nhận rõ thêm con đường của mình đang đi và phải đi. Năm 1988, tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn được Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí minh ấn hành, tạo tiếng vang và những cuộc tranh cãi nảy lửa của giới phê bình văn học. Người khen thì khen hết lời, người chê thì cũng chê hết nhẽ. Có người còn nhận định, đó là cuốn tiểu thuyết xuất sắc của thời kỳ đổi mới. Nhưng lại có ý phản bác và khép cuốn sách vào tội “cái nhìn tiêu cực hóa xã hội”. Nhật Tuấn khi ấy đứng giữa ngã ba dư luận. Song anh vững  tin vào sự lao động nghiêm túc của mình, tin vào những suy nghĩ của mình gửi gắm qua mỗi số phận nhân vật trong trang sách. Anh luôn trăn trở khi cầm bút. Ấy là, qua mỗi trang sách mình viết ra, đã đánh thức lòng tốt mỗi con người, đã thẳng thắn phê phán cái xấu xa, cái hèn hạ vẫn luẩn khuất trong mỗi con người, để hướng tới một xã hội tốt đẹp, đáng trân trọng và yêu thương hơn. Cuốn sách in ra, trong thời gian ngắn đã phát hành hết. Nhiều độc giả yêu cầu tái bản, nhưng vì tình hình văn nghệ thời điểm đó không thuận tiện, nên đến mãi hơn mười năm sau, mới được Nhà xuất bản Văn Học cho tái bản. Tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” còn được in và phát hành ở nước ngoài, được độc giả là đồng bào ở xa tổ quốc háo hức đón nhận.
                                                                 *
                                                             *      *  

               Cuộc di chuyển vào Nam sinh sống, cũng tạo khúc ngoặt lớn trong đời sống Nhật Tuấn. Chúng tôi còn nhớ gian nhà nhỏ của anh ở phố Ấu Triệu, gần Nhà thờ lớn Hà Nội. Thời ấy, xã hội còn nghèo, anh em viết lách còn nghèo. Mà anh em viết thì vốn không quan tâm lắm về vật chất. Nhưng tôi còn nhớ, không gian nho nhỏ căn nhà anh ở ngày ấy luôn giầu có những tiếng cười nói, cãi vã của nhóm viết lách trẻ tuổi. Sau này gặp  nhau ở Sài Gòn, anh còn nhắc lại cái buổi tôi cùng Lê Minh Khuê đến thăm anh ở cái gian nhà nhỏ ấy. Anh vẫn nhớ bữa ấy Khuê đeo một cái cặp nhỏ, nom như một cô giáo trẻ. Khuê khi ấy đã nổi tiếng và Nhật Tuấn khi ấy cũng đã nổi danh. Chúng tôi nói chuyện rất dè dặt và lắng nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả điểm ngân một vẻ thánh đường của bầu trời mùa đông. Bộ ba, bộ tứ chơi thân với nhau độ ấy, đều là dân Hà Nội gốc, có nhà cửa ổn định, chứ không phải cánh ngủ bàn làm việc như nhóm chúng tôi từ tỉnh lẻ về thủ đô trú ngụ. Vậy mà lần lượt nhóm ấy bỏ thủ đô vào Sài Gòn sinh sống. Đấy là Hoàng Hưng, Trần Hoài Dương, Nhật Tuấn và Trí Dũng. Bộ ba Hưng-Dương-Tuấn là nhà thơ nhà văn có danh rồi. Còn Trí Dũng, kiến trúc sư, con trai hãng may Đức Hạnh nổi tiếng ở phố Hàng Trống, anh lại rất say thơ và viết thơ rất hay. Ngày ấy, anh đã có những bài thơ mà chúng tôi rất nể. Nhật Tuấn vào làm biên tập, rồi làm trưởng đại diện Nhà xuất bản Văn Học trong Nam. Đời sống thành phố lớn với vòng quay chóng mặt. Việc cơm áo gạo tiền xem ra thúc bách hơn ngoài Bắc. Buôn bán, chạy mánh mung thì không biết làm. Nhiều nhà văn quay ra viết kịch bản sân khấu cải lương, kịch bản phim truyền hình để kiếm sống. Nhật Tuấn cũng đã có thời gian viết kịch bản phim kiếm bộn tiền. Ấy rồi anh tự chóng chán với việc mình làm và không viết kịch bản phim nữa. Anh muốn dành tâm lực cho việc viết những trang văn thật mình hơn. Đời sống gia đình anh độ ấy đổ vỡ. Anh chán chốn phồn hoa, chán tụ bạ bạn bè, bỏ lên Tân Uyên (Bình Dương) mua đất mở trang trại, kiến tạo trại viết cho mình. Một dạo, anh em viết lách Sài Gòn thấy vắng bóng Nhật Tuấn ở nơi quán xá. Họ bổ lên Tân Uyên tìm anh, thì thấy anh trần lưng vận quần xà lỏn cùng cánh thợ xây đang xây ngôi nhà mới cho mình giữa rừng. Cảnh trí đất rừng ngày ấy còn rất hoang vu. Có người bạn ái ngại rủ anh quay về thành phố. Nhưng Nhật Tuấn nhất mực không nghe. Anh muốn tìm chỗ trú ngụ tĩnh lặng cho trái tim tật nguyền của mình. Cho đến bây giờ, đã hơn mười năm, anh càng thấy quyết định lập trại viết của mình giữa vùng rừng hoang vu này là xác đáng. Có lúc, anh tự đặt giả thiết, nếu không có trại viết cô độc này, thì giờ anh sẽ sống và viết ra sao đây?
               Nghỉ hưu, không còn làm biên tập nhà xuất bản nữa, anh càng thấy rộng chân. Lâu lâu nhớ Hà Nội, anh lại thu xếp ra mấy tuần. Anh thường thích ra mùa đông, để gặp lại, sống lại cảnh rét mướt thấu thịt thấu xương ngoài đó. Mỗi lần ra Bắc, anh thường tranh thủ đi đây đi đó, gặp gỡ rất nhiều miền đất. Không khí bạn bè nghèo nghèo ngoài Bắc, nhưng cho anh niềm ấm áp khôn tả. Anh luôn nói, ngoài Bắc mới có không khí văn chương. Biết là thế, nhưng anh không thể quay về sống với miền đất tuổi thơ của mình. Anh còn nhiều cảm xúc chộn rộn khi ngồi uống một chén nước chè Thái đặc quánh bốc khói ở quán cóc ven phố nhỏ. Hoặc cái thú ngồi tĩnh lặng trong tiệm cà-phê ven Hồ Tây ngắm nhìn bóng dáng các thiếu nữ Hà Nội tha thướt trên đường. Nhìn dòng người trôi trên đường phố quen thuộc, anh biết mình không còn cơ hội trở về nữa. Nom con người vẻ ngoài khỏe mạnh, nào ai biết giây phút yếu mềm ấy trong con người anh. Vì anh là nhà văn nhậy cảm, lòng trắc ẩn dội lên bất chợt. Anh kể rằng đã ba lần đi Mỹ. Có bận đi dài tám tháng trời. Mặc dù có anh ruột là nhà văn bên ấy, nhưng anh vẫn có thú vui thuê nhà ở riêng, thuê ô tô tự lái để đi đây đi đó. Anh muốn sống theo lối tự do tuyệt đối của mình. Người anh trai của anh, nhà văn Nhật Tiến, tôn trọng tính tự do của người em trai. Cũng cần kể thêm, nhà văn Nhật Tiến vốn là người viết văn từ thưở trước năm 1954. Những cuốn “Thềm hoang”, “Những vì sao lạc” của ông gây nhiều xúc động cho độc giả một thưở. Cho dù cuộc sống xô đẩy nhiều chiều, dù sống ở Mỹ đã lâu, nhưng ông vẫn thường thắc thỏm nhớ lứa bạn cầm bút thưở thiếu thời, như Tạ Vũ, Băng Sơn còn ở Hà Nội. Nhật Tuấn thì nói rằng, tuy trong cùng gia đình, nhưng mỗi người, mỗi thế hệ có sứ mạng riêng, không ai thay thế ai được. Vì thế, lâu nay đi đâu, làm gì, thì anh vẫn thấy thú vị nhất khi trở về trang trại vắng vẻ heo hút của mình. Ở đấy, anh có tán bàng lặng lẽ tỏa bóng, có cỏ cây mọc tràn trên sân đất quen thuộc. Khép cánh cổng lại, một thế giới tịch mịch mà thật gần gũi nuôi nấng những cảm xúc khi thi tươi rói, khi quằn quại rỉ máu của anh. Anh có thể cởi bỏ tất cả quần áo bụi bậm cõi trần, đằm mình trong bể bơi của mình, hoặc đứng dưới vòi sen ào ạt xả nước. Những ý nghĩ bất chợt lại lóe lên. Và anh lại ngồi vào bàn làm việc. Lại gõ như điên dại những ngón tay trên bàn phím máy tính. Anh viết. Anh muốn viết với tất cả nỗi niềm chứa chất trong gan ruột của anh.
                Tôi lại nhớ thời trẻ của anh ngày nào. Anh có thể chiều bạn đi chơi lang bang cả ngày. Đêm về, lại hì hụi nhóm bếp nấu bát mỳ sợi, rồi lại cởi trần trùng trục ngồi vào bàn gõ máy chữ. Dạo ấy, anh là người viết văn bằng máy chữ sớm hơn chúng tôi. Anh lao động cật lực trên con chữ như một người thổ mộc. Căn nhà hiện tại như đầy đủ tiện nghi thiết yếu cho cuộc sống. Nhưng vẫn lộ rõ vẻ xô bồ, bừa bãi của sự thiếu vắng bàn tay người phụ nữ. Anh vẫn rất yêu phụ nữ, nhưng có lẽ anh đã sợ, hoặc anh đã chán cảnh sống chung đụng hai người. Nhật Tuấn kể rằng, đã có kỳ hơn chục ngày anh không cất một tiếng nói. Một người phải thấm đẫm mọi vui buồn, phải thật từng trải, phải biết vượt qua mọi tính toán được mất, thì mới vững tâm sống như thế được. Không gian tĩnh lặng của trại viết, chỉ có sự cử động của anh và con chó béc-giê làm bạn. Con chó từng gắn bó và chung thủy với chủ nhân, tuy nó rất dữ dằn, vậy mà đôi khi nó cũng tiết kiệm cả tiếng sủa, dành sự tĩnh lặng với chủ nhà. Tĩnh lặng, cô đơn, là môi trường tốt nhất cho người sáng tạo. Nhà văn Nhật Tuấn đã tự tạo cho mình không gian sáng tạo như thế. Anh cố tình tạo ra không gian sống như vậy chăng? Tôi nghĩ là không phải thế. Mỗi người có một số phận, một cảnh ngộ. Đã qua ba bốn bận đổ vỡ hạnh phúc. Lòng thương yêu, thủy chung, sự phản bội,  phản trắc, anh đã nếm đủ. Nhiều týp người đã gắn với anh, rồi lại bỏ anh ra đi. Công nhân viên chức có. Họa sỹ có. Chức quyền, tiền bạc có. Ngây thơ, hồn nhiên bản năng có. Nhưng giờ họ đã ra đi, hoặc anh để họ ra đi. Có lẽ thế là tốt hơn với anh. Vui à? Không! Đau xót à? Có! Những đứa con cũng đã ngoài tầm tay của anh. Anh chỉ có niềm vui duy nhất, thánh thần nhất, là viết, là dốc hết niềm vui nỗi buồn vào từng con chữ.
              Bạn bè có bàn tán về cuốn sách nghìn trang anh đang viết về chân dung hay chân tướng các nhà văn. Tuy chưa chính thức công bố, nhưng qua một vài trang blog, anh có hé lộ những gì đang viết. Có người cho là anh yêu mọi người lắm, nên mới viết thế. Có người lại cho là viết khắt khe, tàn nhẫn quá. Thôi thì cứ làm hết mình đi. Được hoặc không được, sẽ có độc giả và thời gian làm chứng. Tôi lại nhớ truyện ngắn “Con chim biết chọn hạt” của anh dạo nào. Một liên tưởng bất chợt, rằng số phận chọn chúng ta, hay chúng ta chọn số phận. Nghĩ cho cùng, nhà văn chỉ biết nhờ, biết chọn con chữ chở hạnh phúc và khổ đau của mình. Giãi bày và gửi gắm tới mọi người.

                                                                               Tháng 5-2014
                                                                                     V.T.T