Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Hữu Vinh, bạn tôi

Phạm Xuân Cần
Thứ sáu ngày 9 tháng 5 năm 2014 8:57 PM


Năm 1974 tôi vào đại học. Trường tôi lúc đó có rất nhiều con em cán bộ cao cấp theo học, từ con Tổng bí thư, Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, ủy viên Trung ương…Vinh là một trong những số đó. Anh có tên là Vinh vì đã được sinh ra ở Vinh năm 1956, khi bố anh, ông Nguyễn Hữu Khiếu là Giám đốc Công an Liên khu Bốn.
 Từ quê ra, nghe nói cậu này, cô kia là con ông nọ, bà kia nghe cũng chợn. Càng chợn hơn khi biết Vinh có điểm thi đại học rất cao, đủ đi nước ngoài, nhưng không hiểu sao lại vào đây cùng học với mình. Chính vì vậy nhiều lần Vinh rủ về nhà nó chơi (biệt thự 55 Phan Đình Phùng) mà mấy thằng nhà quê bọn tôi không dám. Nhưng mà, sau một thời gian ngắn thôi, cùng học, cùng chơi, cùng…ăn với Vinh tôi không hề nhận thấy một dấu hiệu nào cho thấy đây là một “cậu ấm” con quan bự. Tôi cũng không hiểu tại sao khi đó Vinh có biệt danh là “Vinh Trệt”. Hỏi, chính Vinh cũng lắc đầu: “Chắc chúng nó thấy tao giống Tàu”. Vinh học không xuất sắc, nhưng nổi tiếng là tay đàn ghi ta, có lẽ hay nhất trường trong hàng mấy thập kỷ. Anh là học trò yêu của nghệ sỹ ghi ta mù Văn Vượng. Ở cùng phòng với Vinh năm năm trời hầu như ngày nào cũng thấy Vinh luyện đàn, cũng nghe tiếng đàn của anh, đâm ra tôi cũng biết được, hiểu được thêm một số kiến thức và thông tin về âm nhạc, về các tác giả, các nhạc phẩm ghi ta nổi tiếng. Hàng năm, đến mùa hội diễn của trường, tác phẩm độc tấu ghi ta của Vinh luôn là tiết mục được chờ đợi của khóa tôi. Cho đến nay, bất kỳ lúc nào cứ nghe “Du kích Sông Thao” của Đỗ Nhuận là tôi lại nhớ tiếng đàn của Vinh, qua bản soạn cho ghi ta của Văn Vượng.

Những năm 1970 gian khổ, đời sống sinh viên càng khổ sở. Cuối tuần, như những sinh viên Hà Nội khác, Vinh cũng về nhà và đưa đến trường một số thức ăn, khi thì lọ ruốc, khi thì hộp bích quy, gói kẹo… Tối thứ bảy, sau giờ điểm danh, chúng tôi coi những thứ Vinh đưa vào như là chiến lợi phẩm, và trong giây lát đã xâu xé hết. Cả tuần lại cứ thế nhăn nhở với nhau. Hồi đó tôi làm “B phó”, chuyên lo báo cơm, cắt cơm, thanh toán cho cả B (tương đương trung đội). Mỗi khi vào nhà ăn, việc đầu tiên của tôi là phải đi kiểm đếm một lượt xem nhà ăn dọn cho B mình đủ suất đã báo không. Nếu thiếu thì phải đi lấy thêm, nếu thừa thì…cứ im lặng mà xực. Vinh cùng ăn với tôi một mâm, nên cứ mỗi lần tôi đi kiểm đếm, Vinh đều đi theo sau. Nếu thừa mâm nào, tôi nháy mắt là y như rằng cu cậu nhanh tay bê ngay đĩa thịt đưa về mâm mình. Ấy thế mà đưa được đĩa về mâm mình có khi cũng chẳng còn miếng thịt nào, vì dọc đường đi nó đã bị hàng chục đôi đũa và…những bàn tay đưa ra tấn công, cướp đoạt. Nhiều lần, vừa bê đĩa thịt, Vinh vừa làm động tác nhổ nước bọt phì phì vào đĩa, thế mà những tên cướp sinh viên xáu đói cũng không tha. Hình ảnh đó của Vinh cứ ám ảnh tôi mỗi khi nhớ về thời sinh viên đói khổ mà vui tươi.

Năm cuối, tôi đi thực tập tốt nghiệp ở Kiên Giang, Vinh đi An Giang, về huyện Châu Thành, cùng với Phạm Văn Nguyên. Một lần tôi đi giao ban ở Cần Thơ, nhưng tranh thủ lên An Giang chơi. Tối đó về Châu Thành, ba thằng kiếm được mấy con cá lóc khô, cùng năm lít rượu đế (đựng trong một hộp đạn). Chỉ có thế mà cò cưa hết cả. Trận ấy tôi say từ tối đến chiều hôm sau mới lên xe đò về Cần Thơ. Mười mấy năm sau ngửi thấy mùi cá lóc nướng vẫn buồn nôn!

Ra trường, Vinh về Bộ, tôi ở lại trường làm giáo viên. Vẫn thân thiết, vẫn liên hệ thường xuyên. Thời sinh viên không thấy Vinh viết lách gì, ra trường hai năm, bỗng thấy bài viết của nó về vụ Võ Đại Tôn, đăng trên Tạp chí của ngành. Bài viết quá sắc sảo đã làm tôi hết sức ngạc nhiên. Lúc đó có người cho rằng, chắc thằng này nhờ bố vợ nó (là Viện trưởng Viện KH Công an) viết hộ. Tôi không tin, nhưng vẫn không hiểu tại sao thằng này “bỗng dưng” viết giỏi thế. Hơn hai mươi năm sau, tôi mới hiểu rằng: Lẽ ra nó phải là nhà báo chuyên bình luận về chính trị, thời sự mới đúng!

Năm 1998, 1999, tôi trở lại Hà Nội học cao cấp chính trị ở Học viện HCM. Mấy lần Vinh đến, rồi mời tôi đến nhà, chỉ để nói một chuyện: Ra khỏi ngành, lập công ty thám tử tư! Từ kinh ngạc, đến bị thuyết phục bởi sự quyết liệt, đam mê của Vinh cho ý tưởng mới, tôi cũng chỉ có thể khuyên Vinh nên chọn “giải pháp an toàn”, như “chân trong chân ngoài”, hay xin về hưu non chẳng hạn. Thế nhưng, Vinh gạt đi và chấp nhận giải pháp sốc. Thế rồi, ngay khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, công ty điều tra và bảo vệ của Vinh cũng ra đời, và là công ty duy nhất được cấp phép về lĩnh vực này. Rất quan tâm và hồi hộp với những hoạt động của bạn, tôi cũng mừng khi doanh nghiệp của bạn mau chóng được thị trường chấp nhận, xã hội hoan nghênh. Gặp, Vinh say sưa kể về những hợp đồng, không phải về khía cạnh tiền bạc, mà là về khía cạnh nhân văn. Cuốn phóng sự “Cuộc đời dưới vành mũ thám tử” (Báo Tuổi trẻ) phản ánh khá sinh động và chân thực những hoạt động của công ty thám tử tư đầu tiên và duy nhất của Việt Nam này.

Nhưng rồi, mấy năm nay Vinh lại rẽ sang một ngã rẽ khác, như một sự dấn thân. Tôn trọng sự lựa chọn của bạn, nhưng vẫn cứ canh cánh lo âu…

Buồn lắm, bạn ơi!

Tác giả gửi Quê Choa