Những năm đầu sau khi di tản sống ở Mỹ, ông Nguyễn Cao Kỳ đã viết cuốn hồi ký : “Chúng ta đã thất bại ở miền Nam như thế nào?” Sau đây là một phần nhỏ của quyển sách ông Kỳ nói về những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn – bắt đầu từ sau khi thất thủ Buôn Ma Thuột. Tôi đã định làm đảo chính . Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, tôi đề nghị tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham mưu trưởng – NV) tập trung pháo binh, không quân cùng hai trung đoàn dù, hoặc biệt động quân thiện chiến, và tôi tình nguyện chỉ huy chiến dịch tái chiếm này. Tướng Viên đồng tình với tôi, nhưng nó đã bị Tổng thống Thiệu bác bỏ. Nguyên nhân của sự thất bại này là sự bất đồng giữa Bộ Tổng Tham mưu và Tổng thống Thiệu. Tướng Viên tỏ ra khổ tâm vì Thiệu đã không tham khảo, mà còn bác bỏ các ý kiến của cơ quan tham mưu. Vừa mất Buôn Ma Thuột, Thiệu liền triệu tập ngay cuộc họp kín với một số tướng lĩnh thân cận ở Cam Ranh và ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú (Tư lệnh Quân khu 2 – Quân đoàn 2) rút khỏi Pleiku và Kon Tum lui về trấn giữ phòng tuyến ở phía Đông Buôn Ma Thuột để phản kích chiếm lại thị xã sau này. Nhưng sai lầm của Thiệu là biến một cuộc rút lui chiến thuật thành một cuộc tháo chạy tán loạn, kết cục là một sự tan rã của một đạo quân có hơn 1 triệu người được trang bị hiện đại. Không bao lâu sau khi Quân khu 2 – Quân đoàn 2 rút khỏi Tây Nguyên cùng với hàng chục vạn người tị nạn trong cảnh hoảng loạn, cuộc bại trận cuối cùng ở miền Nam đã bắt đầu. Kể từ đó tình trạng hoang mang, dao động, mất tin tưởng lan tràn trong quân lực và lây lan nhanh như một cơn dịch. Mất Tây Nguyên đến lúc tướng Ngô Quang Trưởng (Tư lệnh Quân khu 1, Quân đoàn 1) tập trung lực lượng về co cụm giữa Đà Nẵng) và một số trọng điểm ven biển, nhưng binh lính không còn biết mình chiến đấu cho ai, để làm gì ? Sĩ quan thì miệng kêu gọi lính tử chiến, nhưng lại thúc giục gia đình di tản. Rốt cuộc cả Quân khu 1 – Quân đoàn 1 nơi có lực lượng mạnh nhất gồm 3 sư đoàn lính dù, lính thủy đánh bộ và bộ binh, với xe tăng thiết giáp, không quân hùng hậu nhất đã vỡ trận và thất bại thảm hại. Tướng Trưởng đào thoát ra biển để tháo chạy trước khi Việt Cộng chiếm Đà Nẵng. Tình hình ngày càng xấu đi, vì thế để cứu vãn tình thế, tôi đã nghĩ ngay đến việc đảo chính lật đổ Thiệu. Nhưng đại sứ Martin không ủng hộ tôi và tỏ thái độ chúng tôi sẽ gặp rắc rối nếu tiến hành đảo chính trong lúc này. Martin còn bắn tin qua tướng Nguyễn Văn Minh – Tư lệnh không quân do tôi bổ nhiệm trước đó (Minh nhỏ), rằng nếu tôi làm đảo chính CIA sẽ giết tôi. Martin đang theo dõi tôi đấy! Sau đó người Mỹ đến mua chuộc, thuyết phục tôi. Họ bảo nếu tôi nghe họ thì dù miền Nam có thua trận, họ vẫn bảo đảm cho cả gia đình tôi ra nước ngoài và chu cấp suốt đời. Vào giữa tháng 4/1975 Martin và tướng CIA Timmes đã đến gặp tôi tiếp tục thuyết phục trong hai giờ liền. Nhưng tôi vẫn giấu Martin về ý định của mình – nếu có lực lượng, tôi sẽ dùng không quân và lính dù làm đảo chính lật đổ Thiệu. Đến ngày 20/4, nhiều tin đưa về Bộ Tổng Tham mưu nói rằng có tới 15 sư đoàn Bắc Việt đã áp tới gần vành đai phòng thủ bên ngoài Sài Gòn, một số đơn vị đặc công đã tiến vào khống chế sân bay Biên Hòa – lớn thứ hai ở miền Nam, ngoài ra còn 3 sư đoàn Bắc Việt cũng đã tới gần phía Tây Nam Sài Gòn. Lúc này Martin tiếp tục thuyết phục Quốc hội Mỹ cấp cứu cho miền Nam, đồng thời trấn an nội các Sài Gòn rằng cứ bình tĩnh, thủ đô (Sài Gòn) không hề lâm nguy. Rồi Timmes lại bất ngờ đến gặp tôi để thăm dò việc Mỹ đưa Dương Văn Minh (Minh lớn) ra thay Thiệu để làm bình phong thương lượng với Hà Nội. Tôi nghĩ nước cờ quái gở này là một phần trong chính sách của Nhà trắng đã được vạch sẵn – thể hiện đã tới hồi Mỹ bỏ rơi miền Nam. Martin đã buộc Thiệu phải từ chức hôm 21/4. Nhớ lại, tôi không quên khi đó Thiệu – 52 tuổi, tuyên bố trong bài diễn văn thật thống thiết rằng Thiệu bị buộc phải từ chức, đồng thời cùng lúc ấy từ dinh Độc lập chúng tôi đã nghe thấy tiếng đại bác của Việt Cộng đã nổ ở ngoại ô Sài Gòn. Kế vị Thiệu là Phó Tổng thống Trần Văn Hương; một ông già chân tình nhưng không sáng suốt, thiếu bản lĩnh. Tiếp theo đó là một tuần lễ cuối cùng kinh hoàng và hỗn loạn. Đến ngày 26/4, quân đội Bắc Việt đã cắt đứt Sài Gòn với đồng bằng Sông Cửu Long – nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm chính và nằm trong kế hoạch quân đội Sài Gòn sẽ lui về giữ đồng bằng miền Tây một khi Sài Gòn thất thủ. Thế là Sài Gòn bị cô lập. Tiếp theo, chiều 28/4 Việt Cộng đã dùng máy bay phản lực A37 của Mỹ dội bom vào căn cứ Tân Sơn Nhất, càng gây nên sự hỗn loạn không thể nào vãn hồi được trật tự. Tới lúc này tôi cảm thấy những tai họa khủng khiếp sẽ xảy ra nếu chúng tôi không đầu hàng. Song dẫu tuyệt vọng, tôi vẫn nuôi hy vọng thuyết phục Trần Văn Hương – tân Tổng thống bổ nhiệm tôi nắm lấy và chỉ huy quân đội để cứu vãn tình thế. Nhưng ông ta không chấp nhận. Điều này cũng có nghĩa là trong hàng ngũ tướng lĩnh chúng tôi không ai có thể làm gì được nữa. Và rồi sau một tuần làm Tổng thống, với áp lực của người Mỹ, Trần Văn Hương lại phải giao chức lại cho Dương Văn Minh, 59 tuổi, người được đại sứ Martin che chở và yêu cầu lưỡng viện Quốc hội ủng hộ. Sài Gòn chính thức phê chuẩn Minh lớn làm tổng thống ngày 28/4. Cùng ngày, lúc gần 10 giờ đêm, quân đội Bắc Việt bắt đầu nã đại bác và tên lửa vào nhiều nơi trong thành phố Sài Gòn. Tiếp theo sáng 29/4 quân đội Bắc Việt lại nã pháo dữ dội vào đường băng chính của sân bay Tân Sơn Nhất và trúng kho nhiên liệu bùng phát những đám lửa và cột khói lớn, nhiều máy bay trên đường băng nổ tung. Không nghi ngờ gì nữa, đợt tấn công cuối cùng đánh chiếm Sài Gòn đã mở màn, giờ cáo chung của chế độ Cộng hòa Nam Việt Nam đã điểm, không cách gì ngăn cản nổi. Lúc này tôi chợt nghĩ và tự hỏi – phải chăng người Mỹ ngây thơ tin rằng Minh lớn “có giá” để Hà Nội chấp nhận thương lượng! Trước tình thế quá quẫn bách không còn biết làm cách nào để đối phó hãm đà tấn công của Cộng sản lại, tôi vội vã đánh xe lao ngay tới Đại sứ quán Mỹ – thì bên ngoài một cảnh hỗn loạn, nhốn nháo, hốt hoảng chưa từng có trước một sứ quán của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới - mà đội quân bảo vệ sứ quán – những tay súng thủy quân lục chiến Mỹ hộ pháp với khẩu M16 lăm lăm trên tay vẫn đành bất lực. Lúc này là cuối ngày 29/4, mặc dù hết sức cố trấn tĩnh để trấn an nội các mới của tướng Minh lớn, nhưng đại sứ Martin đã không giấu nổi cảnh tuyệt vọng đang diễn ra ngay trước sứ quán của ông – người đại diện cao nhất của Hoa Kỳ ở Sài Gòn lúc này. Được biết Martin còn cố nán lại để chờ thông tin từ trại David xem có hy vọng gì về sự chấp nhận thương lượng của Bắc Việt không. Nhưng rồi tất cả đều đã muộn và đổ vỡ. Hà Nội tiếp tục lệnh cho các cánh quân thần tốc đánh vào nội đô, và mờ sáng hôm sau Martin đành phải lao lên trực thăng trên sân thượng của sứ quán Mỹ để ra tàu của hạm đội 7 đang neo đậu chờ ngoài khơi theo lệnh của tổng thống Ford từ Nhà trắng. Tôi lại đánh xe đến Bộ Tổng tham mưu, nhưng lúc này, tướng ba sao Đồng Văn Khuyên, Tổng tham mưu trưởng chính thức vừa được Minh lớn bỏ nhiệm thay tướng bốn sao Cao Văn Viên – cũng đã bổ nhiệm Sở tháo chạy và rời Sài Gòn ít giờ trước đó. Lúc này cả ngày 29 và đêm sáng 30/4 trên bầu trời Sài Gòn đầy rẫy từng đàn trực thăng Mỹ lao vào, lao ra như con thoi để chở các quan chức Mỹ di tản, nhưng cao xạ của Việt Cộng không cần bắn vào những kẻ đã bỏ chạy. Đến lúc này tôi thực sự cảm nhận một cách cay đắng rằng mọi hy vọng đều đã tiêu tan. Và, tôi tự lái chiếc trực thăng riêng của mình ra chiếc tàu của hạm đội 7 để cùng di tản với ông Martin sáng hôm 30/4, còn gia đình tôi thì đã rời Nam Việt Nam trước đó mấy ngày. Theo Bùi Đình Nguyên |