Đánh giá về con người là khó nhất trong mọi sự đánh giá cho nên khi nhận xét về bất kỳ ai đó, thường người ta nói về những hành động và lời nói hơn là về kết luận con người.
Thời xưa, việc triều chính tuy khắc nghiệt dễ “mạng vạ vào thân” nhưng vẫn thường có những vị đại thần trung quân, ái quốc dâng sớ xin nhà Vua hãy tự sửa mình và coi lại chính sự mà tu sửa chính sách cho hợp với lòng dân. Thời nay, là chính khách trong xã hội còn nhiều nhiễu nhương, cũng không dễ chút nào vì vừa phải thể hiện vị thế, vai trò trách nhiệm của mình trước vận nước nhưng cũng không muốn làm mếch lòng “định hướng” của lãnh đạo cấp trên, chưa kể không ít trường hợp còn vướng mắc về nhóm lợi ích.
Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân – Ảnh: CK.
NGUYÊN HÀ
.
Một số người bạn hỏi tôi, lâu nay thấy anh viết bài bình luận về một số vị Bộ trưởng như Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ “Không chuẩn cần phải chỉnh” (đăng báo Thanh Niên), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát ‘Toàn cảnh bức tranh màu xám của ngành nông nghiệp” (báo Một thế giới), Bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La Thăng “Bộ trưởng hay mắng và …bị mắng” (Tuan VN-VNN), các bài viết liên quan đến “Vàng hóa” nói về Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình vv…Vậy, đâu là hình ảnh của vị Bộ trưởng đích thực của nhân dân?
Các vị chính khách ở nước ta “có vấn đề” được người dân dễ nhận thấy như Bộ trưởng Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa thể thao và du lịch, Tài nguyên & Môi trường vv… nhưng để chỉ ra Bộ trưởng đích thực của nhân dân trong mấy khóa gần đây thì ông Trương Đình Tuyển cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại là một gương mặt nổi bật.
Các thông tin tư liệu về ông Tuyển trong cả 2 vai trò lãnh đạo Bí thư tỉnh ủy Nghệ An hay Bộ trưởng Bộ Thương Mại, đều cho thấy dấu ấn về tâm và tầm của người lãnh đạo. Ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), ông Bảy Nhị (nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang) kể cho tôi nghe nhiều giai thoại về ông Tuyển .
Ông Sáu Dân kể, mỗi lần họp Chính phủ nghe ông Tuyển phát biểu rất khó nghe theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Giọng xứ Nghệ nặng trịch (đôi lần Phó Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó nửa đùa, nửa thật đề nghị Thủ tướng có phiên dịch). Nội dung phát biểu của ông Tuyển, luôn đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng nhất của đất nước, “đụng chạm”, khó nghe nhưng suy ngẫm, rất thấm thía. Ông Sáu Dân rất quý trọng những người như thế!
Ngay cả khi ở cương vị bí thư tỉnh ủy (Ủy viên trung ương Đảng) trong một lần họp Trung ương, ông Tuyển say sưa phát biểu theo suy nghĩ của mình thì ngay buổi tối hôm ấy, bị Tổng bí thư Đỗ Mười “hỏi thăm sức khỏe” (ngôn từ của ông Sáu Dân). Tôi đã kiểm chứng thông tin này là đúng sự thật, đại ý Tổng bí thư gọi điện thoại xạc cho ông Tuyển khoảng 20 phút vì tội vào Trung ương để quán triệt chủ trương của Đảng chứ không phải là “cầm đèn chạy trước ô tô”!?
Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông Tuyển vẫn giữ khí phách và phẩm chất của người trí thức luôn thẳng thắn, trí tuệ tìm ra “nút thắt” và kiến nghị các giải pháp hữu hiệu đóng góp vào sự phát triển vững bền của đất nước. Trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm 2014 được tổ chức tại Hạ Long ngày 28/4 vừa qua, ông Trương Đình Tuyển một lần nữa đã công khai thẳng thắn phát biểu vấn đề gai góc nhất, đụng vào thể chế là về vai trò của xã hội dân sự trong phát triển kinh tế, là trụ cột thứ ba trong sau vai trò của thị trường và Nhà nước.
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã đề cập dân chủ là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Mà đã thừa nhận là xu thế khách quan thì phải mở rộng dân chủ và đương nhiên phải tôn trọng vai trò của xã hội dân sự, được ông Tuyển phân tích minh họa một cách ngắn gọn, sống động, đầy thuyết phục.
GS Trần Hữu Dũng bình luận khi còn vùng cấm là không được đụng đến đổi mới thể chế chính trị, đến sự toàn trị vĩnh viễn và tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam thì bàn chuyện đổi mới kinh tế để mà làm chi? Họp hành chỉ là để gặp nhau tán hưou, tán vượn thôi, chứ gì? Mất thì giờ vô ích, vác cần đi câu cá còn có ích hơn.
Nhân nói về thể chế, nhiều người dân, đặc biệt giới tri thức không dấu được nỗi thất vọng vì qua việc sửa đổi Hiến Pháp, là cơ sở của thế chế, mất cả năm trời, tốn không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc và công sức cuối cùng mọi thay đổi chỉ như kê lại bàn ghế, mạnh hơn nữa là quét nhà, dọn vệ sinh, thay thế một số vật dụng, nhưng mọi kỷ cương không thay đổi!
Nhìn sang Trung Quốc, ông bạn “16 chữ vàng” đang có một cuộc thanh trừng mạnh mẽ, người ta coi đó là đấu tranh nội bộ giữa các nhóm lợi ích, không phải là thay đổi thể chế!. Người nào bị lật đổ, thì lập tức có ngay nhiều lý do biện minh. Bạc Hi Lai là một thí dụ; Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn giữ vị trí tối cao. Kinh nghiệm với cách mạng văn hóa cho thấy rõ hơn 30 triệu người chết đói, rất nhiều người bị tù đầy, giết oan, nhưng người đáng tội nhất là Mao trạch Đông, thì vẫn được ở vị trí của “Người cầm lái” vĩ đại!
Việt Nam không phải là một nước như Balan, Tiệp Khắc, Hung ga ri, càng không phải như một nước vùng Baltic, với những cơ sở dân trí khác hoàn toàn, cho nên cải cách thể chế vẫn còn nhiều chông gai!
Lịch sử và thực tế hiện nay đã chứng minh không có xã hội dân sự, thì nhà nước pháp quyền trở thành toàn trị và kinh tế thị trường trở thành hoang dã, chung cuộc chủ nhân ông của đất nước là dân trở thành kẻ bị áp bức.
Đại hội Đảng khóa XII sắp đến gần. Để đất nước ổn định và phát triển bền vững, tiến lên cùng thời đại, không có con đường nào khác là phải xây dựng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, và xã hội dân sự. Trước hết, trong công tác nhân sự, phải thực sự dân chủ để chọn được nhiều người như ông Trương Đình Tuyển.