Trang chủ » Thơ

Trần Nhương: Chùm thơ gửi tham gia Tuyển tập "Hai đầu thế kỷ"

NBD
Chủ nhật ngày 30 tháng 3 năm 2014 1:59 PM
 TNc: Trang http://nguoibanduong.net/index.php của Hội Văn học nghệ thuật tại Liên bang Nga giới thiệu chùm thơ của Trần Nhương tham dự tuyển tập thơ nhân kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Hội cũng là 20 năm đoàn nhà văn Việt Nam thăm Hội nhà văn Nga gồm: Thúy Toàn, Tô Đức Chiêu và Trần Nhương. Cám ơn BBT Nguoibanduong đã cho tôi cơ hội gặp gỡ bạn đọc của trang nhà...


Xem hình
Tranh của Trần Nhương
NBĐ: Để tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội VHNT VN tại LB Nga (18/8/1994 – 18/8/2014), Chúng tôi tiến hành tuyển chọn tập thơ “Hai đầu thế kỷ”, bao gồm sáng tác thơ của những người Việt Nam đã từng sinh sống, lao động, học tập, công tác, hoặc đã từng có dịp tham quan, du lịch… ở những nước thuộc Liên Xô cũ (sau là SNG) và LB Nga ngày nay, tính từ thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Liên Xô từ những năm 50 của thế kỷ 20 đến nay… Do số lượng bài vở rất đồ sộ mà số trang sách có hạn, nên chúng tôi không thể chọn in hết toàn bộ số bài các tác giả gửi đến trong tập sách này. Tuy nhiên, trên website Người Bạn Đường của Hội, chúng tôi sẽ giới thiệu cả những bài sẽ không đưa vào cuốn sách. Trong số này, NBĐ xin giới thiệu chùm thơ của nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương cùng bạn đọc

Nhà thơ, Họa sĩ Trần Nhương còn có các bút danh : Trường Nhân, Lâm Thao. Sinh năm 1941. Quê Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ. Hiện định cư tại Hà Nội.  Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội Mỹ thuật Hà Nội và nhiều hội khác. Tác giả gần 20 tập sách (thơ và văn xuôi). Đạt nhiều giải thưởng văn học. Chủ nhân của trang web nổi tiếng trannhuong.com. Sang thăm và làm việc theo lời mời của Hội nhà văn Nga năm 1994

1. Gặp Mẹ

Trước mặt Mẹ là sông Đơnhép
Sông cứ trôi Mẹ cứ đứng nơi này
Thanh gươm trần Mẹ vẫn nắm trong tay
Để Kiép nhớ một thời giặc dã

Mẹ đau đớn Mẹ trung kiên hóa đá
Tuyết ngang chiều tóc Mẹ lẫn vào mây
Dáng cầu vồng ẩn hiện giữa vòm cây
Bao dấu tích lòng không sao cầm được

Mẹ ơi Mẹ nhớ một thời giữ nước
Mẹ làm nên sức mạnh những quân đoàn
Thôi bây giờ tất cả đã sang trang
Con xin Mẹ hãy yên lòng ngơi nghỉ

Từ quê hương của nàng Tô Thị
Con đến đây trước Mẹ giữa chiều đông
Đơnhép trôi cũng dáng chảy sông Hồng
Cám ơn Mẹ cho con bình tĩnh lại...

11/1994

2. Thăm nhà Pastécnắc

Giữa rừng cây phong và bạch dương cao vút
Ngôi nhà của ông như cây nấm cuối mùa
Bờ rào gỗ đơn sơ
Những cây táo lá khô quả sót lại không ai muốn hái
Chừng nó muốn níu mùa thu ở lại
Hay nó chờ bàn tay ông
Những tháng hè ngày đông
Lúc mệt mỏi ông thường ra vườn dạo bước
Ông như con chim sơn tước
Tiếng ca buồn làm cây cỏ bớt cô đơn
Chiếc bàn gỗ thông hay gỗ sồi thô mộc chẳng cần sơn
Ở đây bác sĩ Jivagô và bao kiệt tác ra đời
Ánh nắng qua khuôn cửa chỗ ông ngồi
Từng con chữ chở nắng tươi ấm lòng bạn đọc
Cuộc đời ông truân chuyên khó nhọc
Không báo, không đài, không vô tuyến, không têlêphôn
Ông phải từ chối giải Nô-ben
Ông bị bủa vây bởi sự nghi ngờ ghét bỏ
Nước Nga mênh mông ông như không ở đó
Pastécnắc bị quên trong trí nhớ một thời
Những bài thơ, những thiên truyện cũng đơn côi
Ông cứ viết và xếp vào góc tủ
Ông đông lạnh những hạt cây bất tử.
Chỉ tiếng dương cầm của vợ ông làm con suối cho ông đỡ khát
Chỉ cây rừng che cho ông qua cơn bão táp
Chỉ những bức tranh mỹ nhân khỏa thân khuây khỏa cuộc đời
Chỉ bức chân dung của cha ánh mắt ngời ngời
Cho ông vượt ngàn khốn khó
Ông như cây như cỏ
Để muôn đời không thể già nua
Những áng văn câu thơ ông tích cóp ngày xưa
Hạt giống ấy giờ xum xuê trái đất
Sau 34 năm ông mất
Chúng tôi đến ngôi nhà vẫn ấm hơi ông ở đó
Chiếc áo bành tô, chiếc khăn quàng cổ
Đợi ông lúc gió đông về
Chiếc dương cầm vẫn để nơi kia
Những trang viết còn tươi nét mực
Hoa vẫn cắm trong bình rạo rực
Gối còn vương sợi tóc rụng đêm qua
Hình như ông vừa ra cánh rừng Nga
Cho cây cỏ ấm lòng trong buốt giá
Hình như ông đang đêm ngày vất vả
Cứu trái tim nhân loại nỗi đơn côi

Làng Peledenkinô, 5/11/1994



Nhà thơ Trần Nhương

3. Đêm Matxcơva

Im ắng đến vô cùng
Chỉ tiếng chuông nhà thờ chứng tỏ có người còn thức
Chỉ hơi sưởi trong phòng chứng tỏ có người còn thức
Matxcơva ngủ ngon như Acxinhia sau cuộc làm tình với Grigôri

Như con ngựa Gônxarư sau khi vượt dốc
Như người quá chén ngủ cho quên sự đời
Chàng Ivan say trong hương rừng sồi
Matxcơva yên ắng

Chỉ còn tôi với ngọn đèn lẳng lặng
Đêm tuyết rơi bàng bạc ánh trăng suông
Gió lồng lên như ngựa tuột dây cương
Qua khung cửa cây sồi đau vật vã

Trang giấy trắng giữa đêm sao trắng quá
Bút trên tay câu chữ lặn nơi nào
Ước gì trời có lấy một vì sao
Để mách bảo cho mình bao ý tứ

Tháp nhà thờ dáng cong đầy tư lự
Đã dát vàng đêm cũng chẳng vàng đâu
Sông ngoài kia vẫn lững thững qua cầu
Soi nhà trắng một màu lạnh toát

Sáng mai dậy Matxcơva ngơ ngác
Ngắm lại mình liệu có nhận ra không?
Sau một đêm đăm đắm giấc nồng
Chàng Ivan có dồi dào sức lực

Matxcơva đêm nay ai thức
Có như tôi bao trắc ẩn vơi đầy...

Matxcơva, 30/10/1994


4. Với tuyết

Với tuyết bây giờ ta mới gặp
Trắng vườn, trắng phố, trắng thinh không
Dầu dãi giữa trời trong trắng thế
Gấp ngàn là lụa chốn thâm cung.

Ta đi mê mải trên đường tuyết
Mỗi bước ngập ngừng mỗi bước mây
E vết chân mình vương chút bụi
Xót lòng tuyết đó với người đây

Vườn bên con trẻ xây thành quách
Cứ tưởng tiên đồng lạc xuống chơi
Mũ áo phau phau đôi má đỏ
Khúc khích chi mà lách cách rơi

Cô gái tóc vàng quên đội mũ
Trắng đầu ren mỏng tưởng cô dâu
Muốn đến che ô mà chẳng dám
Đường xa bước vội em về đâu?

Lạ tiếng lạ người trên xứ lạ
Xót người người có xót ta không
Thôi thì cứ thế cho chiều lặng
Mình ta với tuyết trắng mênh mông...

Matxcơva, 1994

5. Chiều Kiép

Chiều Kiép tuyết rơi
Thanh lương trà quả đỏ
Em ngược chiều với gió
Tuyết phủ đầy hai vai

Phố đồi hun hút dài
Bạch dương gầy đứng đợi
Tiếng chuông ngân vời vợi
Anh một mình ngẩn ngơ

Trời cứ mưa cứ mưa
Tuyết cứ dày thêm nữa
Em như là ngọn lửa
Ấm lòng người xa quê

Rồi mai đây anh về
Tây Hồ tha thướt liễu
Biết lòng mình sẽ thiếu
Kiép chiều tuyết rơi

Thanh lương trà đỏ tươi
Vẫn chờ tay người hái
Bao giờ anh trở lại
Quả có còn trên cây?

Bao giờ anh trở lại
Liệu có còn tuyết bay?
Anh ôm em và tuyết
Kiép chiều ngất ngây….

Kiép đêm, 11/11/1994

6. Nàng Di gan

Bế đứa con trên tay
Nàng đẹp như Đức Mẹ đồng trinh
Má như quả táo vừa chín tới
Đôi mắt xanh thăm thẳm nỗi u buồn
Gió lồng lên đường Cômxômôn
Ai cũng vội chỉ nàng đứng lại
Nàng đợi ai đợi mãi
Hay đợi chàng đang hát cuối đồng hoang
Những bài hát Di gan
Những điệu múa bập bùng như lửa
Áo váy bay lấp lóa ánh hoàng hôn
Nhưng sao nàng không có vẻ bồn chồn
Như không có hẹn hò ai cả
Đứa con nhỏ bọc mấy lần váy tã
Chắc đói lòng tìm vú khóc òa lên
Khoác mấy tầng áo dạ áo len
Rét cắt ruột ngực trần sao chịu nổi
Nàng nựng con cho nó quên cơn đói
Nàng nói gì tiếng nghẹn ở đầu môi
Nàng chìa tay đôi mắt cứ nhìn tôi
Tôi chợt hiểu vì sao nàng đứng mãi
Dòng người đi có đôi người dừng lại
Tờ rúp xanh nhạt thếch đặt tay nàng
Ôi bàn tay run rẩy vội vàng
Chắc sợ gió cướp đi tờ giấy bạc
Tôi bên nàng và không thể khác
Vét những đồng tiền có được đưa em
Nàng ngỡ ngàng đôi mắt có trăng lên
Tôi bỗng ngợp trong hào quang đồng nội
Và cứ thế tôi trở thành bối rối
Hình như nàng có nói một câu chi
Mà tiếng Nga tôi có hiểu gì
Xin cứ để tôi bên nàng chốc lát
Nàng khe khẽ cất lên câu hát
Điệu Di gan phóng đãng, cảm ơn tôi
Thôi xin đừng hát nữa nàng ơi
Đừng lấy tuyết xát lòng thêm nữa
Tôi không thể đốt mình thành ngọn lửa
Thi sĩ nghèo xa xứ có gì đâu...
Tháp nhà thờ lấp lóa ánh vàng thau
Ở nơi ấy Đức Mẹ bồng con trong sắc màu rực rỡ
Nàng Di gan cũng bồng con giữa trời mưa tuyết đổ
Anh cầu Chúa đừng đưa nàng tới đó
Dù đói nghèo xin em cứ Di gan...

Obolenxki, Matxcơva,14/11/1994

7. Trước nhà thờ Trinh nữ

Nhà thờ Trinh nữ kiêu sa
Vòm cong đôi ngọn một tòa thiên nhiên
Chuông chùa vắt nửa sang đêm
Bạch dương ngơ ngẩn bỏ quên nắng vàng
Cuồng say nhịp trống Digan
Và anh như cốc rượu tràn..
Và em…

Maxcơva 1994