Trang chủ » Truyện

Nơi giam giữ linh hồn

Trần Ngọc Dương
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
TNc: Tôi nhận được truyện ngắn này qua đường email. Thú thật là tôi chưa biết tác giả nhưng tôi nghĩ đây là người công nhân đích thực viết văn. Như vậy là văn học công nhân đây rồi. Xin cám ơn anh Trần Ngọc Dương và xin giới thiệu cùng các bạn...

Truyện ngắn

Người dân làng Chàm coi việc ông Bạo trở lại quê, sống với cậu út  Bảo là lẽ đương nhiên. Ông sinh ra và sống suốt đời ở cái vùng quê hẻo lánh này. Trước khi về với tổ tiên, ông muốn được hít thở cái không khí quen thuộc của làng Chàm. Đấy là nguyện vọng cuối cùng của ông, theo như lời cậu cả Bào nói.
Lần đón ông lên thành phố chữa bệnh, Bào đã họp cả họ thông báo. Cái lý do Bào đưa ra ai cũng cho là hợp lý. Chỉ riêng Bảo chần chừ, lo lắng. Còn ông Bạo do cấm khẩu, không thể bày tỏ ý định của mình. Người ta chỉ thấy, hai tay ông bám chặt thành chõng, cố gắng dán mình xuống các nan tre. Đám tuỳ tùng của Bào phãi gỡ mãi, mới đưa được ông lên cáng ra xe. Mọi người thấy ông khóc. Đấy là đoán như vậy. Nước mắt của ông không có giọt, nó ứa ra rồi  thấm hết vào các vết nhăn trên khuôn mặt.
Vợ Bào ngọt ngào:
- Ông sống với chú Bảo nhiều rồi. Bây giờ là lúc ông cho vợ chồng chúng con được báo hiếu - Chị ta quay sang phía mọi người phân trần - ở trên thành phố có bệnh viện lớn, nhiều phương tiện hiện đại sẽ tốt hơn cho việc chăm sóc cụ.
Bào vỗ vai thằng em an ủi:
- Chú cứ yên tâm, tôi sẽ thuê toàn các bác sĩ, giáo sư đầu ngành chữa bệnh cho ông. Chú vất vả nhiều rồi, hãy để tôi được  gánh đỡ ít ngày. Để ông ở lại đây, tôi sợ bệnh tình ngày càng nặng, có chuyện gì xảy ra. Anh em mình sẽ ân hận suốt đời.
Bảo nhỏ nhẹ:
- Em sợ ông buồn do không quen. Lần trước ông lên chơi với hai bác, được đúng một ngày đã đòi về.
- Lần này khác, ông đi chữa bệnh chứ đâu phải đi chơi.
Bà chị dâu thủ thỉ:
- Bệnh của ông đòi hỏi phải có nhiều loại thuốc quí, đặc trị. ở đây tìm đâu ra, có thứ phải gửi mua tận nước ngoài.
- Nhưng mà...
Bào cướp lời, nói to:
- Không nhưng gì nữa. Việc đưa ông lên thành phố là việc làm cần thiết. Còn nước còn tát.
Vợ Bào kéo áo chồng gắt:
- Kìa mình. Thì cũng phải để chú Bảo có ý kiến chứ - Quay sang đứa em chồng, chị ta hạ giọng thủ thỉ - Anh chị đưa ông đi chữa bệnh. Khi ông đỡ sẽ lại đưa về quê. Lúc ấy chú tha hồ mà báo hiếu.
***
Hơn ai hết, ông Bạo biết tình trạng sức khoẻ của mình. Ông đã giấu các con căn bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa. Ông không muốn anh em chúng nó phải bận tâm về mình. Chuyện chỉ vỡ lở từ khi ông bị ngất, phải đưa đi cấp cứu. Hay tin, thằng Bào về mắng em một trận vì không chăm sóc ông chu đáo. Khi bệnh viện trả về,  mọi người đã bàn đến chuyện hậu sự. 
Ông Bạo dạo này thường thấy vợ bước ra từ bức ảnh thờ, bà ấy vẫn còn trẻ như ngày nào. Dạo đó thằng anh lên bốn, còn đứa em mới gần hai tuổi. Ông ở vậy, nuôi anh em chúng nó khôn lớn. Song tới tận bây giờ ông vẫn còn ân hận, đấy là việc thằng Bảo chẳng được học hành đến nơi, đến chốn. Thời buổi khó khăn, cuộc sống của cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, khu vườn đồi cằn và những gì kiếm được ngoài bờ sông, bãi sú. Việc lo cho một mình thằng Bào ăn học trên thành phố là một điều quá sức. Ông vất vả đã đành, thằng Bảo cũng phải gồng theo chịu đựng cùng. Nó nói với ông: “Cả vùng này, chỉ mỗi  nhà mình có người học Đại học. Anh con giỏi thật! Còn con phải cố gắng lắm, mới lấy nổi cái bằng cấp ba.” Thực ra ông biết lực học của Bảo. Giấy khen nó kiếm được, còn nhiều hơn của thằng Bào. Nhưng Bảo không giống anh, chẳng bao giờ chịu treo, mang cuộn giấu trên xà nhà. Bảo ngoan, chăm chỉ làm việc, nó không hề tỵ nạnh. Quần áo đến bây giờ vẫn thế, chuyên môn mặc đồ thừa của thằng Bào. Đã đành vào cái thời bao cấp, khi anh mặc chật sẽ giành cho em. Trưởng thành, dùng đồ của anh thải ra nó vẫn xuýt xoa khen đẹp. Vụ mùa Bảo là lao động chính, rỗi rãi lại lần hồi ngoài sông, gom từng đồng, góp thêm với bố lo cho việc ăn học của anh.
Bào đi làm chưa đầy năm thì lấy vợ. Mỗi lần ra thăm con, ông Bạo đem theo lỉnh kỉnh đủ thứ. Từ quả trứng gà mới đẻ, cân gạo nếp, cho đến lọ mắm cáy. Mùa nào thức ấy, ông và thằng Bảo nhặt nhạnh những thứ ngon nhất mang ra cho vợ chồng Bào. Thời buổi tem phiếu trôi qua, vợ chồng Bào dần dần không cần những thứ đó nữa.
Nhờ thế lực của đàng nhà vợ, Bào được cất nhắc vào những vị trí béo bở. Theo thời gian Bào lần lượt leo lên những nấc thang quan trọng, mà ngay cả trong mơ anh ta cũng chẳng dám nghĩ tới. Vợ Bào thừa sự khôn ngoan, chị ta biết tận dụng triệt để cái vị trí vui có tiền, phiền có lộc của chồng, thu về những khoản không nhỏ.
Bào bàn với vợ, bán căn nhà của hồi môn nằm ngay trung tâm thành phố, góp thêm vào mua đám đất ở ngoại ô với cái giá rất bèo để đầu tư trang trại. Bà mẹ vợ thắc mắc, chẳng nhẽ tầm nhìn của hai đứa chúng bay chỉ vươn được tới những luỹ tre làng. Song mấy ai nắm được chủ trương qui hoạch, mở rộng  thành phố như Bào. Đất lên giá đến chóng mặt, chị vợ chia lô ra bán. Đến lúc này thì bà mẹ vợ - người làm kinh tế có tiếng trong vùng cũng phải ngả nón bái phục thằng con rể.
Trong chuyện làm ăn, Bào không bao giờ ra mặt. Nhưng bất cứ việc gì, chị vợ cũng phải xin ý kiến của Bào. Hai vợ chồng Bào được xếp vào hàng đầu của các đại gia. Toà biệt thự của họ là đỉnh cao, niềm mơ ước của tầng lớp thượng lưu trong thành phố.
Từ khi có máu mặt trong thiên hạ, Bào sử sự gượng ép mỗi lần ông Bạo tới thăm. Nhất là chị vợ, vắng mặt chồng là lấy người làm ra mắng cạnh khoé. Do bản thân chẳng thoải mái mỗi khi tới chơi nhà con, phần khác không muốn Bào lúng túng, những chuyến viếng thăm của ông Bạo thưa dần, rồi ngưng hẳn.
Ông về nói với Bảo:
- ở trên đấy buồn lắm. Như người bị giam lỏng ấy. Vợ chồng anh mày đi làm cả ngày, con nó học bán trú. Đến bữa ăn tối mới thấy mặt cả nhà. Nhưng xong ai lại về buồng người ấy.
- Thế bữa trưa của ông?
- Cứ đến giờ là có người mang cơm hộp đến. Họ bấm chuông, tao chỉ việc ra lấy.
- Sao ông không sang hàng xóm chơi  cho đỡ buồn?
- Có quen biết ai đâu mà chơi với bời. Nhà nào nhà ấy đều kín cổng, cao tường. Cửa được khoá hai, ba lần cẩn thận. Có nhà lại nuôi cả chó béc giê nữa, vớ vẩn nó cắn chết. Anh chị mày bảo, phải làm như vậy đề phòng kẻ gian, tiếp thị rởm vào ăn trộm.
- Thì ông xem ti vi, hoặc ra công viên chơi.
- Đi công viên nhiều mỏi chân, ti vi coi mãi đau cả mắt. Mà cái luật ở trên này lạ lắm. Giặp mặt người trẻ tao toàn phải chào trước. Vậy mà có bận còn bị chửi, cái lão già mới sớm ra đã ám quẻ. Từ đó tao ở lì trên tầng ba.
- Con thấy điều kiện sinh hoạt trên đấy đầy đủ cả. Phòng nào cũng có nhà tắm, kiêm chỗ đi vệ sinh liền kề. Lại được gắn máy điều hoà, ti vi, tủ lạnh, điện thoại không thiếu một tứ gì.
Ông Bạo nói to:
- Nhưng mà không quen! Anh mày hướng dẫn mãi, tao cũng chẳng biết sử dụng những thứ đó. Hỏi nhiều cũng ngại. Một lần nhờ thằng cháu làm hộ, bị nó gắt lên bảo: sao ông hay quên thế.
- Ông chấp cháu làm gì. Nó còn trẻ con, nói không suy nghĩ.
- Chị dâu mày bênh con chằm chằm. Cái gì nó cũng đúng. Tao muốn bảo ban cháu một tý, nó cự lại: Ông biết gì mà nói.
 Riêng Bảo nhận ra những điều này rất sớm, hai anh em chỉ gặp nhau trong ngày giỗ mẹ. Nhưng đôi lúc lấy cớ bận công tác, Bào chỉ sai đàn em mang đồ lễ và tiền góp cúng. Còn chị vợ, họ hàng hầu như quên mặt.
Bào mua một khu vườn đồi cạnh nghĩa trang của xóm, anh ta cho xây lăng mộ kiêm luôn miếu thờ. Trước khi tiến hành công việc, Bào đã được một pháp  sư cao tay cho biết: Đất vượng, để hài cốt của tổ tiên ở đây, con cháu sẽ hưng phát.
Ông Bạo được nằm phòng riêng, có người chăm sóc cả ngày. Vợ chồng Bào thông báo cho những người có mối quan hệ biết, tình hình sức khoẻ của ông Bạo. Danh sách  các cá nhân, tổ chức đến thăm ông bố chồng, được cô con dâu ghi chép tỉ mỉ. Hoa quả không để được, chị ta sởi lởi chia cho mọi người cùng hưởng, đường sữa đóng bao đem bán. Còn phong bì sau khi rút lõi, được bí mật mang đốt. Không một ai biết số tiền họ thu được là bao nhiêu. Chỉ thấy chị vợ đi đâu cũng rên rỉ kêu mệt nhọc, tốn kém, mất thời gian vì chăm sóc ông bố chồng.
Được gần tháng, hai vợ chồng Bào rà soát lại danh sách. Khi thấy việc thăm hỏi đã đầy đủ, họ bàn nhau đưa bố trở lại nhà Bảo. Công việc được Bào giao cho vợ lo liệu. Còn anh ta phải đi công tác nước ngoài gấp. Vợ Bào lấy lý do, một phần người bệnh đã đỡ không chịu nằm viện nữa, đòi về sống quê nhà sống với con út. Phần khác chồng đi vắng, phận dâu con chẳng biết xoay sở ra sao, đành phải chiều theo ý của cụ... Cái lý do chị ta đưa ra được mọi người trong quê dễ dàng chấp nhận.

Ông Bạo mất, Bào đang ở nước ngoài. Bảo lúng túng điện cho chị dâu, nhờ thông báo cho anh mình biết hung tin, và xin ý kiến chỉ đạo. Bào nhắn tin qua vợ, chị ta điện lại cho em chồng: Anh chú nói sẽ tìm cách về nước sớm nhất. Nhưng sợ cũng không kịp thời gian lo tang lễ cho ông.  Mọi chuyện ở nhà, trông cậy cả vào chú. Còn chị cũng vừa mổ xong, đang nằm điều trị tận trong Sài Gòn, chẳng thể về quê  ngay được.
Thực ra vợ Bào vừa làm phẫu thuật thẩm mỹ, Bác sĩ dặn phải tránh mọi xúc động không cần thiết. Mà đưa tang bố chồng nhất định phải nhỏ lệ, cặp mắt sẽ bị ảnh hưởng lớn, lấy đâu ra sự mơ màng như mong đợi. Bảo đành  đứng ra lo liệu một mình.
Đất lề quê thói, Bảo không thể quàn thi hài bố tại nhà quá qui định của địa phương. Anh đành rước bố ra đồng, chôn cạnh mộ mẹ theo ý định của ông từ trước. Xe chở Bào về đúng lúc chuẩn bị làm lễ hạ huyệt. Bào quì trước linh cữu bố, vái lấy vái để. Những người có mặt nhỏ nhẹ bàn: “May quá, vẫn còn kịp đưa tang bố - Con cái về đủ, ông cụ có thể yên tâm đi được rồi - Chú Bảo có anh đỡ, không phải lo một mình nữa...”
Những người già trong họ đưa cho Bào bộ đồ tang. Bào mặc xong trịnh trọng cúi đầu cảm ơn họ hàng, bà con lối xóm. Mọi người ngạc nhiên nhìn nhau, khi nghe Bào bày tỏ ý định: “Sẽ đưa thi hài bố lên thành phố làm tang lễ tiếp, sau đó mang thiêu lấy tro.” Bảo ngớ ra trước quyết định của anh. Thấy thái độ của mọi người, Bào vội giải thích: “Thày pháp nói, tuổi của ông cụ mà đi vàò ngày, giờ ấy xấu lắm. Muốn  tránh được mọi rủi ro, phiền phức cho con cháu phải lui thời gian hạ huyệt lại. Hơn nữa, cái số của cụ chỉ được táng một lần, không được đổi chỗ. Việc mang thiêu lấy tro cốt, đặt ngay vào lăng miếu đã xây sẵn là hợp lý. Sẽ tốt cho tất cả mọi người. Trên đường về quê chịu tang, Bào đã điện cho các mối quan hệ nhờ giúp đỡ, mọi việc không còn gì vướng mắc. Trước khi thiêu, thi hài của ông cụ được quàn tại  lễ đường của đài hoá thân hiện đại nhất nước ta. Sẽ được các cao tăng tụng kinh niệm Phật, cầu cho vong linh của cụ siêu thoát về nơi cực lạc. Sau đó tổ chức đưa tro cốt cụ về quê. Đám rước sẽ không thiếu một lễ nghi nào, phải làm thật hoành tráng.”
Thực ra, Bào phải thuyết phục mãi mới được vợ chấp nhận phương án này. Cái cớ Bào đưa ra quá thiết thực. Này nhé: Số tiền mọi người thăm hỏi cụ hôm rồi quá lớn. Nhưng chẳng là gì so với lần này. Lo tang lễ cho cụ, vợ chồng mình lại được tiếng hiếu thảo. Vấn đề cơ bản, quan trọng bậc nhất ở đây theo như thày phán: Khu đất xây lăng có khí vượng. An táng cụ với nghi lễ sang trọng nhất, chắc chắn vong linh của  cụ cảm đông, sẽ phù hộ cho con cháu. Bảo suốt đời theo đít trâu, thằng cu nhà nó còn thò lò mũi xanh nói làm gì. Con mình, cháu đích tôn của cụ sắp học hết cấp ba. Ông cục trưởng cơ quan chỗ tôi chuẩn bị nghỉ hưu. Tôi là người được đề cử số một. Nhưng nghe đâu có mấy tay nữa cũng đang ngấp nghé. Mình phải chớp thời cơ. Để ba bốn năm nữa mới tắm cho cụ, chuyển cốt về nơi đó. Tôi đâu còn lứa tuổi để đề bạt nữa, mọi chuyện muộn mất.
Bào làm được như lời nói. Thi hài ông Bạo được tắm rửa, ướp các hoá chất, hương liệu cần thiết, được để trong hộp kính có gắn kèm thiết bị làm lạnh. ánh sáng mờ ảo làm khuôn mặt người chết hồng hào, thanh thản như đang trong giấc ngủ. Nhà lễ đường được bố trí các thiết bị điện tử hiện đại, công nghệ cao đã xoá đi cái cảm giác lạnh lẽo của những người có mặt. Ăn uống, nghỉ ngơi có khu nhà phục vụ đầy đủ tiện nghi, như khách sạn ba sao nằm kế bên. Nhân viên điều hành mặc đồng phục, đeo thẻ không lúc nào vắng mặt. Hệ thống âm thanh phát huy hết tác dụng lời tụng niệm của các nhà sư và đệ tử. Đám tang của ông Bạo được làm  sang trọng, với nghi lễ loại ưu. Một hình thức từ trước đến giờ ở đài hoá thân này chưa bao giờ được tổ chức. Những người dân làng Chàm có mặt trầm trồ, thán phục. Vòng hoa và người đến viếng đông như trảy hội, phải xếp hàng, đăng ký, nối đuôi nhau lần lượt. Khi loa phóng thanh đọc đến tên mới được vào viếng. Xe con, xe du lịch các loại đỗ kín sân đài hoá thân, tràn cả ra ngoài đường quốc lộ. Đứa em nhận của Bào chốc chốc, lại bốc đống phong bì viếng trên bàn thờ vong,  nhét vào cái túi đen to tướng. Loại túi đựng tiền mặt của ngân hàng. Những người đến viếng thăm dò nhau: “Đàng ấy phong bao mấy vé? - Vội quá, tớ không kịp đổi. Đành đi bằng đồng Bảng vậy - Có kẻ chép miệng - Khi sống, ông cụ chưa bao giờ nhìn thấy một đồng ngoại tệ. Bây giờ sang thế giới bên kia biết đàng nào tiêu đây? Không khéo lại bị lừa phỉnh, trấn lột mất thôi.”
Đám rước tro cốt ông Bạo làm náo động cả một vùng quê yên tĩnh. Trống, kèn đồng được các nhạc công nhiệt tình phô diễn. Số người tham gia còn đông hơn dàn nhạc trong buổi lễ duyệt binh ngày hội. Phường bát âm được gắn âm ly cũng không kém phần náo nhiệt. Tiếng khóc nỉ non thống thiết, làm rỉ cả nước mắt của đám người tò mò đến xem. Những người dân quê thấy lúc còn sống, ông Bạo chỉ cặm cụi bên thằng Bảo. Vậy mà bây giờ khi nằm xuống, con cháu ở đâu ra mà đông thế? Khăn trắng, khăn vàng bay phất phới. Tất cả những âm thanh bát nháo, ầm ầm ấy làm rung động cả không gian, bày chim trú ngụ trên đồi cây hốt hoảng, tung cánh bay xáo xác.
Đám rước tiến vào con đường dẫn tới khu lăng miếu của gia đình Bào. Khi đi ngang qua lối rẽ vào cái huyệt hôm trước của ông Bạo. Các đồ dùng phục vụ trong tang lễ vẫn còn để ngổn ngang, vứt đầy đường. Cuộc diễu hành chậm hẳn lại, lộn xộn, ai nấy cũng phải nhìn xuống đất tìm chỗ đặt chân. Vị sư ôm lọ tro cốt của ông Bạo, bị sợi dây thừng dùng lúc hạ quan tài lùng bùng quấn vào chân. Đám đàn em của Bào lăng xăng, hăng hái thu vứt mọi thứ sang hai bên lấy lối đi. Sợi dây thừng bị giật mạnh, vị sư ngã bổ chửng, cái lọ rớt xuống đất vỡ, tro cốt văng ra tung toé. Một cơn gió lốc bất chợt thổi tới, cuốn theo đám tro bay tơi tả về phía cái huyệt cũ. Nơi đó có mộ bà Bạo nằm, chỗ cắm hương chỉ toàn chân nhang đen sỉn.
Vợ Bào nghĩ thầm: “May quá, nếu tro cốt của ông cụ được để vào lăng thì gay to. Tại hôm nọ mình nghĩ chưa thấu, mới đồng ý với Bào phương án này. Thày đã khẳng định, con cháu trong gia tộc sẽ hưng phát. Mà đứa con duy nhất của mình, đâu có mang dòng máu của Bào. Điều này chỉ  giấu được người sống, chứ đâu giấu được người chết.”
Đám đông lặng đi trước sự cố bất ngờ. Bào ôm mặt gục xuống. Còn Bảo lê trên đất, cố vun lấy chút tro cốt ít ỏi còn vương lại, lẫn trong đám mảnh lọ. Anh cởi áo, bỏ tất cả vào, gói ghém cẩn thận, lặng lẽ ôm đi về phía cái huyệt cũ.


   Trần Ngọc Dương
   Công ty than Đèo Nai
 Thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh