Kẻ sĩ mà còn quyến luyến sự yên vui thuận tiện cho xác thịt thì tâm lụy chí hèn không đáng được gọi là kẻ sĩ. MẠNH TỬ
Thời còn đi học , khi học đến hai nhà thơ thời vua Tự Đức là ông Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát thì rất thích, về tài làm thơ của hai ông nầy thì khỏi bàn. Nguyễn Công Trứ là 1 ông quan giỏi, văn võ song toàn, một nhà kinh tế và nông nghiệp nữa với các bài thơ hay (mà tôi được học) như Kẽ Sĩ, Chí Làm Trai …. Cao Bá Quát thì lại đặc biệt hơn. Vua Tự Đức từng nói :
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán.
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường
Tôi còn nhớ khi học tới ông Nguyễn Công Trứ, thích thú với 2 bài : Kẻ Sĩ và Chí Làm Trai .
KẺ SĨ
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý.
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị
Đạo lập thân phải giữ lấy cang thường
Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất.
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hưu hưu nhiên điếu vị canh Sằn
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.
Cầm chính đạo để tịnh tà cừ bí
Hồi cuồng loan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thuỳ rạch mũi Can Tương
Sao cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng
Binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi nhân gian giai phận sự
Nam nhi đáo thuỷ thị hào hùng.
Nước nhà yên thì sĩ được thung dung
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Dăm ba đứa tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Này thơ, này rượu, này địch, này đàn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới
Ngẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh
Khi ngồi trên ghế nhà trường, học bài nầy bọn trẻ chúng tôi rất hào hứng và cố gắng học .
Nhưng số phận của Nguyễn Công Trứ lúc chưa thành đạt lại rất nghèo, nhưng ông vẫn vui vẽ sống, ông kể lại cái ở, cái mặc và cái ăn như thế nầy :
:Bốn vách tường mo,
Ba gian nhà cỏ .
Đầu kèo mọt đục vẽ sao,
Trước cửa nhện giăng màn gió .
Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng,
Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ.
Đầu giường tre, mối dũi quanh co,
Góc tường đất, giun đùn lố nhố.
Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô,
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà , con mèo ngấp ngó .
Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu,
Đầu giàn, chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.
(Hàn nho phong vị phú – Nguyễn Công Trứ).
Cùng thời, lại có ông Cao Bá Quát, cũng nghèo như thế, nhưng ông lại tả như thế nầy :
Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lướp tướp, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa;
Đèn cỏn con gon chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung vừng trăng tỏ.
Áo Trọng Do bạc thếch, dãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
Cơm Phiến Mẫu hẩm sì, đói tuế nguyệt phải ngậm ngùi tân khổ.
Gió trăng rơi rụng, để cái quyên gầy ?
Sương tuyết hắt hiu, làm con nhạn võ.
(Tài tử đa cùng phú – Cao Bá Quát)
Xem ra thanh thoát, nhưng u uất quá !
Mấy năm sau, khi lên cấp 3 (Trung học đệ nhị cấp ) mới thấy cái thâm thúy thơ của Cao Bá Quát qua bài :
UỐNG RƯƠU TIÊU SẦU .
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
Ðoạn tống nhất sinh duy hữu tửu
Trầm tư bách kế bất như nhàn
Dưới thiều quang thấp thoáng bóng nam quan
Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ
Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ
Mảnh hình hài không có, có không
Lọ là thiên tứ, vạn chung
Giờ đã lớn tuổi, mái tóc đã bạc, mới hiểu được : Đưa tiễn một cuộc đời chỉ có rượu. Suy nghĩ một trăm kế không gì hơn là nhàn, Dù biết : Nhàn là nhất rồi ,nhưng mấy ai đã làm được đâu. Danh và Lợi cứ bám và quyện lấy con người ta. Cuối đời của ông cũng là thế .
Ba hồi chuông giục đù cha kiếp.
Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời ..
Có câu Văn tức là người, phải chăng số phận văn chương cũng ứng vào người của Cao Bá Quát, số phận của ông sau nầy thật bi thảm, cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại, ông phải tội “tru di tam tộc”. Trước năm 1975, ở miền Nam có đề thi Tú Tài phần 1 rất hay :
Anh (chị) bình luận câu : Cao Bá Quát là người làm chết đi dòng họ Cao cũng là người làm sống mãi dòng họ Cao .
Một truyện ngắn rất hay và nổi tiếng của Nguyễn Tuân : Chữ của người tử tù, nhân vật là Huấn Cao . Có phải là Cao bá Quát ?
Tiếc thay, mấy mươi năm qua, kể từ thế kỷ trước, kẻ sĩ không được xem trọng nữa, giai cấp lãnh đạo tiên phong phải là CÔNG, NÔNG, vì thế mới có chuyện : Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rể .
Từ năm 1945 đến 1954 có các học giả, nhà văn nổi tiếng đã bị loại :
Tôn Nữ Thu Hồng (1922 – 1948), Ngô Tất Tố (1894 – 1954), Nhượng Tống (1904 – 1949), Thiều Chửu (1902 -1954), Dương Quảng Hàm (1898 – 1948), Lan Khai (1906 – 1945) , Khái Hưng (1896 – 1947), Phạm Quỳnh (1892 – 1945), Tạ Thu Thâu (1906 – 1946) Theo : Những cái chết tức tưởi của nhà văn – Chuyện bây giờ mới kể của Thái Doãn Hiểu . Tran Nhuong. Com .
Nhà văn nổi tiếng Vũ Trọng Phụng, chết trước 1945, số phận của ông vẫn không thoát khỏi nghiệt ngã :
………………………………………………………………………………………..
phần thắng nghiêng về phe chống đối Vũ Trọng Phụng đầy quyền lực, và các tác phẩm của ông đã bị rút khỏi các giá sách và bị cấm ở miền Bắc Việt Nam trong hơn hai mươi năm.
. . . . . . . . . . . . . . . …………………………………………………….
Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Trọng Phụng bị cấm trong suốt hai mươi lăm năm, kể từ cuối thập niên 1950 cho đến đầu thập niên 1980, thời kỳ đánh dấu đỉnh cao của sự phân cực này. Để kết thúc bằng giọng lạc quan hơn, theo tôi, sự phổ biến trỗi dậy của Vũ Trọng Phụng kể từ khi việc cấm đoán tác phẩm của ông được bãi bỏ vào giữa thập niên 1980 cho thấy tính lâu bền đáng ngạc nhiên của một truyền thống cộng hòa ở người Việt tuy còn sơ khai nhưng đã rõ nét.
Trích bài thuyết trình của GS.TS Peter Zinoman (khoa lịch sử, Đại học Berkeley. California – Hoa Kỳ) do Đại học Thái Nguyên Việt Nam tổ chức ngày 20/12/2013 (theo Tran Nhuong.com)
Luật gia Nguyễn Mạnh Tường phải sống trong cô lập và đói lạnh, Triết gia Trần Đức Thảo cố co mình lại mà sống ….
Gần nữa thì có các nhà văn Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán , Lê Đạt, Trần Dần… trong nhóm Nhân Văn – Giai phẩm, mặc dù đã được tha và phục hồi nhưng cuối đời sống trong nghèo khổ, ngoại trừ nhà thơ Hữu Loan, nhờ bán được bản quyền bài thơ khóc vợ “Màu Tím Hoa Sim”, có ít tiền xoay trở, cất lại nhà .. dù đói nghèo nhưng họ giữ vững được khí tiết của kẽ sĩ, để lại tiếng thơm cho muôn đời .
Đó là những KẺ SĨ thời xưa tôi biết,
Đến như nhà văn Nguyễn Khãi, một nhà văn thành đạt, có vai vế trên văn đàn, cây đa, cây đề … cuối đời bộc bạch qua các tự truyện : Gặp gỡ cuối năm, Đi tìm cái tôi đã mất. Ông đã tự kiểm điểm mình, tự trách mình ::
Các báo nhất loạt đưa tin Đại tá nhà văn quân đội Nguyễn Khải đã qua đời. Điện thoại bàn nhà tôi réo liên hồi. Người ta muốn tôi viết bài về Nguyễn Khải. Sự nghiệp văn chương của ông thì cái giải thưởng Hồ Chí Minh đã nói đầy đủ.
Người ta muốn có những “kỷ niệm”, những câu chuyện về cuộc đời, về nghiệp văn của ông để… báo bán chạy hơn. Tôi từ chối. Thấy tôi từ chối đến mấy lần, bà xã nhà tôi bảo: “Thôi thì người ta nhờ, ông viết cho người ta. Ông cũng quen Nguyễn Khải mà”.
Tôi biết viết gì cho báo chí về Nguyễn Khải, nhà văn mà tôi đã từng nghe tiếng thở dài não nề của ông qua năm tháng?
Nguyễn Khải bảo tôi: “Nhà văn Việt Nam bị ba đứa nó khinh, thứ nhất là thằng lãnh đạo nó khinh, thứ hai là độc giả nó khinh, thứ ba là đêm nằm vắt tay lên trán… mình lại tự khinh mình!”.
“Mình lại tự khinh mình” thì đau quá!!! Vì thế, tôi không lấy gì làm lạ, không ngạc nhiên tý nào khi đọc bài bút ký chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” của ông sau ngày ông từ trần ít lâu. Một con người mang tâm trạng suốt đời như thế mà vẫn phải sống, vẫn phải viết để tồn tại thì nhất định sẽ phải để lại một cái gì trước khi ra đi, để “cáo lỗi” với hậu thế. Nguyễn Khải chính là nỗi đau đớn trên hành tinh này của một người cầm bút và nhất định ông phải đi tìm “cái tôi” đã mất ở thế giới bên kia. (Bài Ngày Xuân nhớ Nguyễn Khải của Lê Phú Khải – Trần Nhương. Com)
Một Hoàng Minh Tường với quyển Thời của Thánh thần cũng bị thu hồi . Tự kể của nhà văn Tạ Hữu Đỉnh về “Nỗi oan của 1 tập sách” . Quyển Năm 2000 chuyện bây giờ mới kể của Bùi Ngọc Tấn bị cấm xuất bản. Quyển Rồng Đá của Lê Mai – Vũ Ngọc Tiến bị thu hồi … nếu kể về các Kẻ Sĩ chân chính thời nay lâm vào các hoàn cảnh trên cũng nhiều … Ôi thấy buồn làm sao !
Ngày nay thì kẽ sĩ rất nhiều, quá nhiều là khác, nghèo cũng có, giàu cũng lắm, nhưng có mấy ông kẽ sĩ nầy làm tôi ray rức là :
Ông Tiến sĩ thi thủm (theo Đổ Quang) Hoàng Quang Thuận với các bài thơ thần nhập, làm thành tập thơ có chân trong kỹ lục Giunesses Việt Nam và thế giới, được gởi dự giải Nobel văn chương Thụy Điển.
Ông Thạc sĩ Lăng Tần, nghị viên Hoàng Hữu Phước với : Kế sách liên hoành giúp nhà độc tài Saddam Hussein nước IRAQ bình thiên hạ, Tứ Đại Ngu để thóa mạ đồng liêu là ông Dương Trung Quốc …….
Gần nhất là ông Nguyễn Chí Hiếu TBT báo Văn nghệ TP.HCM cùng ông Đông La mần một tuyệt chiêu là : “Hàm phẫn phún nhân, tiên ô tự khẩu “ vào nhà văn Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo …..
Một tờ báo tốt, được nhiều giới, nhiều độc giả yêu thích : tờ Sài Gòn tiếp thị vừa được khai tử,
P/s: Sáng giờ đọc kỹ hai tờ "Tiếp Thị" cứ suy nghĩ mãi. Tại sao Thời báo Kinh Tế Sài Gòn (cho dù bị ép) lại nhận tờ SGTT làm gì. Cách làm như thể hiện trong số 1 chỉ chia sẻ sức mạnh của TBKTSG chứ không làm gia tăng sức mạnh. Nếu thực sự SGTT gặp vấn đề về tài chính, chứ không phải là vấn đề chính trị, hãy để nó phá sản. Khi đó, các chủ nợ và "người lao động" ở đó sẽ thảo luận về tương lai của mình. TBKTSG nhận lãnh "măng-set" SGTT vừa có thể sẽ phải ôm nợ vừa mang tiếng là tiếp tay cho việc "bịt miệng" một tờ báo. Thực tế mấy ngày qua cho thấy, sự oán hờn đã hướng về nơi này thay vì nó phải đi đúng tới nơi cần thiết. (FB Osin HuyDuc)
Thời nào cũng thế, kẽ tốt người xấu… tâm địa khó lường, tiếc thay một số người ngày nay vỗ ngực xưng là kẽ sĩ nhưng lại không có được cái TÂM, làm cho lộn tùng phèo cả ….
Thôi thì bắt chước theo ông Nguyễn Đình Chiểu, cũng là một KẺ SĨ thanh bạch mà lại mù lòa nữa :
Thà đui mà giữ đạo nhà.
Còn hơn có mắt ông cha không thờ .
26/02/2014 TRỊNH KIM THUẤN