Trong ý thức hệ phong kiến, người ta quan niệm trong xã hội chỉ có hai loại người là tiểu nhân và quân tử, cũng đồng nghĩa với người tốt và người xấu. Nhưng tiểu nhân hay quân tử lại cũng có ba bảy đường và hành vi đạo đức thể hiện ra ngoài bộc lộ bản chất của họ cũng được định kiến bởi câu “quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy”.Điều này nói lên một điều rõ ràng một kẻ coi tính mạng là trên hết, còn người kia quý phương tiện kiếm ăn là trên hết. Nói đến bị gậy là nói đến kẻ nghèo hèn ăn xin nơi đầu đường xó chợ. Còn hiền nhân quân tử ắt phải là kẻ cao sang, tiền bạc chẳng là gì, có của lấy của che thân. Quân tử, theo từ điển tiếng Việt là người có tài, có đức độ, nhân cách cao thượng, có địa vị cao quý (theo quan niệm thời phong kiến), còn tiểu nhân là kẻ có tính nhỏ nhen, ti tiện, hèn hạ, hay thù vặt. “Quân tử” nhiều khi chỉ áp dụng cho đấng mày râu (chàng quân tử) chứ chả ai lại gọi là “nàng quân tử”. Thế hóa ra thế giới phụ nữ rặt kẻ tiểu nhân sao? Thậm vô lí!
Lại nói về phòng thân và phòng bị gậy. Kẻ giàu sang, có địa vị cao quý chắc gì đã là người quân tử, một khi ông ta “chân thì dính cứt bê bê, lại còn cầm đuốc mà rê chân người” (ca dao). Cựa một tí đụng chạm tới cái danh hão hay món lợi ích phù vân của mình là họ nhẩy bổ lên, chỉ biết đổ vấy tội vạ cho người khác mà không thấy cái ngu, cái dở của bản thân mình. Họ đâu biết rằng kẻ chê ta mà đúng là thầy ta, kẻ khen ta mà sai là kẻ thù của ta. Vậy thì cái kẻ ấy dứt khoát phải xếp vào hàng tiểu nhân. Cái tính thù vặt là đặc điểm tiêu biểu của kẻ tiểu nhân, hèn hạ và ti tiện. Còn người đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội lên trên cả việc phòng thân có thể xếp vào ngoại hạng quân tử.
Lại nói tiểu nhân phòng bị gậy. Bị gậy ở đây cần hiểu rộng ra là tài sản, phương tiện kiếm sống của kẻ được cho là tiểu nhân. Kẻ tiểu nhân biết rằng nghèo là hèn, là nhục phải ngửa tay đi xin thì đấy chính là người quân tử, và họ sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức vượt lên chính mình để khỏi phải đi xin. Một xã hội tạo ra nhiều kẻ xin, khuyến khích kẻ đi xin, mối quan hệ “xin – cho” thành phổ biến, chắc chắn là một xã hội suy thoái, xuống dốc chỉ sinh ra rặt bọn người tiểu nhân vô liêm sỉ mà thôi. Và một khi chẳng ai cho không ai cái gì thì kẻ cho và người xin cũng đều là hạng tiểu nhân, cá mè một lứa cả lũ. Lằn ranh giới giữa quân tử và tiểu nhân chỉ mong manh, dễ bị xóa nhòa. Chuyện kể rằng có một ông vua độc tài (dĩ nhiên đã là vua thì tất yếu độc tài) trước khi băng hà, quần thần hỏi bệ hạ có điều gì ân hận không. Vua trả lời, ở trên đời, cái gì ta muốn ta đều làm được. Duy chỉ có bịt miệng thiên hạ là không sao bịt được nên ân hận lắm. Các ngươi chớ có dại mà làm việc ấy. Con người sắp chết cất lên lời nói phải. Ông vua từ kẻ tiểu nhân, trước lúc lâm chung bỗng biến thành quân tử.
Sống vào cái thời bùng nổ thông tin, bốn bề cạm bẫy, người giữ được chữ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín theo quan niệm nho giáo (bị cho là lạc hậu lỗi thời) đâu có nhiều. Môn giáo dục công dân chỉ cần dạy đúng, dạy đủ ngần ấy thứ cho trẻ con cũng đã làm vẻ vang cho cả nền giáo dục chứ chưa nói rằng phải cải cách toàn diện với một mớ khái niệm rối bòng bong rồi lại luẩn quẩn như gà mắc tóc trong chuyện thi cử.
Các đại nhân quân tử không biết mình biết người, không muốn nghe lời nói thật, chỉ thích nghe lời nói dối, lời khen, không thích bị chê thì kẻ sĩ vốn lấy chữ “trung dung” làm lẽ sống hãy cứ khen vống lên về những sai lầm của họ để họ tiếp tục hoàn thành sứ mạng lịch sử là lao xuống dốc và thất bại ê chề!