Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người thợ hàn câu chữ làm nên nắng vỡ

Nguyễn Duy Liễm
Chủ nhật ngày 23 tháng 2 năm 2014 6:44 PM
     Lúc ấy vào khoảng thời lượng một phần ba(tôi áng chừng) của cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011 – 2012, đang ngồi trên xe bus tôi nghe anh Tiến Luận từ Hà Nội điện về: “Đọc cái Bạn Khách của Lê Thanh Kỳ vừa đăng trên Văn nghệ chưa?”. “Chưa”. “Thế thì đọc đi. Tay Lê Thanh Kỳ này tên nghe mới quá, như giữa trời vừa rơi xuống văn đàn. Nhưng Hắn viết lạ lắm. Truyện này vào giải là cái chắc”. Nhưng tôi thì không lạ trước sự tiên đoán của anh Tiến Luận.
     Cuối năm 2009 tôi được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam triệu về dự trại sáng tác Đồng Mô. Tổ văn xuôi có tám người thì có hai hội viên để lại ấn tượng nhiều nhất, đó là tác giả Nguyễn Ngọc Thường đã 80 tuổi và Nhà văn Trường Thanh 78 tuổi (Nhà văn Trường Thanh đến từ Lạng Sơn, lịch lãm, chững chạc. Nhà Giáo Nguyễn Ngọc Thường đến từ Thái Bình rất thông tuệ như một kho tư liệu vậy). Còn một hội viên nữa cũng rất khác biệt – Lê thanh Kỳ. Anh hơi lặng lẽ, lầm lũi...Khó đánh giá. Thanh Kỳ trông dáng bần bần, da xạm, kiệm lời, ít thổ lộ. Lần đầu tiếp xúc tôi có cảm nhận anh như một nông dân chính hiệu. Nom cục mịch và chậm chạp như vừa bước ra từ đồng làng sau buổi cày, buổi gặt.
     Thời gian ở Trại sáng tác, khi trao đổi tác phẩm cho nhau đọc, Thanh Kỳ đưa cho tôi chùm truyện ngắn trong đó có truyện  Họa mi không hót nữa được photo từ báo Người Hà Nội. Đọc. Tôi giật mình. Tôi tìm sang phòng Lê Thanh Kỳ lén quan sát lại dung mạo của một người có tướng ẩn này. Cảm nhận thấy một khả năng lạ, tôi sang phòng của họa sỹ Đỗ Kích (Phụ trách Hội viên Hà Nam về dự trại). 
     - Đỗ Kích ạ! Thanh Kỳ sẽ là một nhà văn trong tương lai không xa của Hà Nam các anh đấy. Đỗ Kích bảo: “Hắn mới viết. Hội viên vừa mới kết nạp trong năm 2009. Còn mới lắm!”. Bốn năm qua Lê Thanh Kỳ luôn đạt giải cao ở các kỳ thi truyện ngắn từ các cấp địa phương tới Trung ương.
     Chùm truyện ngắn: Bạn Khách – Sợi dây – Mồng chín tháng tám của Lê thanh Kỳ, Ban Giám khảo cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ chọn và trao giải nhất làm hài lòng những người dự cảm, tiên liệu như anh Tiến Luận và bạn đọc quan tâm tới chất lượng của cuộc thi.
     Ba câu chuyện Thanh Kỳ đưa ra là ba vấn đề đều bức thiết của cuộc sống hôm nay và mãi mãi. Với Sợi dây, đó là mối quan hệ giữa con người với con người. Tác giả quan sát nó, kể lại từ góc hẹp chuyện của một gia đình. Nhưng nó đâu có hẹp! Đó là luân thường và đạo lý, cái cốt cách, cốt lõi ngàn đời để tạo ra bản thể. Sợi dây xem như một lời cảnh báo về sự xuống cấp quá mức về đạo lý luân thường. Phải chặn lại lòng tham! Vì lòng tham, con người sẽ chà đạp lên tất cả và dám làm tất cả. Đọc Sợi dây của Lê Thanh Kỳ chúng ta buồn lặng và chua chát cho một thế hệ đã buộc bụng thắt lưng hy sinh trong quá khứ mong tốt đẹp cho ngày hôm nay. Nhưng thế hệ kế cận, một bộ phận người đang lao vào chộp giật, giành phần cho mình mà không biết đến người khác kể cả những người ruột thịt của mình. Câu chuyện như vẽ lại bức tranh lịch sử nông thôn đầy chất bi hùng và cũng đầy nghịch lý. 
     Với Mồng chín tháng tám
     Tôi có xem trên truyền hình một bộ phim của Hàn Quốc. Họ quay cảnh ngài Pac Chung Hy ra nước ngoài và đến thăm một công trường trong đó có những lao động Hàn Quốc đi xuất khẩu lao động và đang làm việc tại đó. Nhìn những đồng bào của mình cực nhọc nhem nhuốc như tù khổ sai, ngài Pác đã khóc. Đấy là chuyện của họ xảy ra từ những thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước khi đất nước họ vừa thoát ra khỏi cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Còn chuyện trong Mồng chín tháng tám nó lại xảy ra ngay trên đất nước mình. Có mấy thế hệ đổ máu hy sinh cho Độc lập – Tự do, cho một xã hội công bằng. Nhìn cảnh con em của mình đang làm thuê trong các khu công nghiệp có vốn FDI, họ bị bóc lột sức lao động đến cùng kiệt và rất “chuyên nghiệp”, biến những công nhân trở thành những người máy, thành những ISO. Ăn cơm trong mười phút và đái trong 90 giây. Rùng mình. Phát triển kinh tế, hội nhập Quốc tế, những dòng vốn đổ vào Việt Nam nơi có nguồn nhân công rẻ mạt kéo theo cả công nghệ bóc lột hết sức tinh vi. Vậy thì sao khỏi buồn? Buồn lắm! Chuyện xảy ra làm ta ngỡ ngàng. Ta đang trở lại vạch xuất phát hay bước chệch đường băng? Bọn Tư bản đang vít đầu những người lao động đấy! Họ là con cháu của chính thế hệ đang đau đớn, bị tàn phế sau cuộc chiến giành giật giữa hai con đường. Một thực tại buồn. Còn viễn cảnh? Vẫn còn chênh vênh lắm!
     Câu chuyện thứ ba trong chùm truyện đoạt giải là Bạn Khách. Truyện nói về hai người bạn với một tình cảm tưởng gắn bó keo sơn lắm(mà thực tế nó đã từng gắn bó như một sự đương nhiên vậy). Sau những biến thiên lịch sử hai người lại gặp nhau. Sự vồ vập và quan tâm những tưởng là thiết tha chan hòa lắm, nhưng bên trong là mưu mô, thôn tính nhau. Che đậy, đãi bôi nhưng rồi chiếc mặt nạ rơi ra phơi bày khuôn mặt thật. Sự tỉnh táo và tiên lượng của nhân vật “Tôi” trong truyện là lời chỉ dụ cho những ai khi buộc phải chọn “Bạn” làm quan hệ đối tác thì nên dụng hết nhãn tiền để nhìn cho thấu để khỏi lầm lẫn những thiện ý với mưu mô. Lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, cái được cái mất. Hàm ơn, chịu ơn để cùng phát triển chứ không nhận sự ban ơn kiểu bố thí để bị buộc thuộc. Chùm truyện này còn cho ta hiểu thêm giá trị, tầm cao nhân văn của văn học, giúp người cầm bút thấy rõ con đường mình lựa chọn đầy tự hào và tỏ rõ vai trò trách nhiệm công dân của mình.
     Nay Lê Thanh Kỳ tuyển những truyện anh đã sáng tác gồm 18 truyện in thành tập truyện ngắn Nắng vỡ. Sách do nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tôi đã có lần được xem Lê Thanh Kỳ tâm sự trên báo Văn nghệ đại ý: “Tôi là một thợ hàn. Thợ hàn và viết văn. Mỗi một chữ viết cũng như một mối hàn. Thợ hàn là một nghề nặng nhọc. Viết văn cũng là một công việc nặng nhọc. Thợ hàn là công nhân. Nhà văn cũng là một công nhân. Công nhân hàn đi làm đúng ca. Nhà văn luôn luôn phải tăng ca...”. Tôi hiểu công việc của anh là hàn những mảnh kim loại liền vào với nhau cũng như từng câu chữ móc nối, lắp ghép các mảng đời lại với nhau. Tỷ mỷ và cẩn trọng. Câu chữ trong từng truyện ngắn của anh lô gich chặt chẽ, cuốn hút dẫn dắt tự nhiên đưa người đọc vào ý tưởng. Phải nói là anh viết sâu, đào rất sâu vào khía cạnh cuộc sống để khai thác phục vụ ý tưởng. Tuy vậy, câu chữ không cầu kỳ đôi khi còn thô ráp, bỗ bã, dung tục song rất chắc chắn với những triết lý sâu xa. Mười tám truyện ngắn trong Nắng vỡ là mười tám khía cạnh  cuộc sống, giọng điệu khác nhau đề cập đến những mảng màu sắc thái chứng tỏ tác giả có một vốn sống rất phong phú. Truyện đều có tầm. Có những truyện đạt đến tầm cao tư tưởng như chùm truyện được Văn nghệ vinh danh.
     Với lối nhìn nhân văn, phong cách hiện thực, hiện đại không gò bó không lệ thuộc theo xu hướng cách tân, văn phong Thanh Kỳ được kết hợp giữa hai phong cách truyền thống và hiện đại, là sự tổng hợp giữa mới với cũ nên rất dễ dọc, dễ chấp nhận.
     Chất nông dân trong Lê Thanh Kỳ hiện lên rất đậm nét. Có lẽ nghề thợ hàn là một sự rẽ ngang bất đắc dĩ nên truyện ngắn của anh viết về nông dân, nông thôn như là truyện của chính mình, như moi móc ruột gan mình bày lên trang viết. Ba người đàn bà là một truyện ngắn rất kiệm câu chữ, ít chi tiết, chẳng có tình tiết. Từ mấy lời thoại, vài đoạn suy tư ngắn gọn của nhân vật. Truyện nói về ba người đàn bà trốn chồng, trốn xóm làng đi xuất ngoại(Xuất khẩu lao động). Họ nhằm lúc trời còn chạng vạng để lánh mặt người làng.
     Sao đi làm ăn mà phải đi trốn?
     Sợ bị tai tiếng là đi làm Osin, sợ phải đối chất, phải ngượng ngùng với cái công việc chẳng vẻ vang gì. Sợ bị chồng bắt lại. Ba người , ba hoàn cảnh khác nhau nhưng đều không thể không đi bởi tự cái nghèo, cái bế tắc trong cuộc sống. Ba người đàn bà mang ba tâm trạng khác nhau. Người thì vừa bị nợ nần, vừa bị chồng ngược đãi như súc vật. Người thì chồng vợ tuy hương lửa mặn nồng nhưng ông chồng cả đời chỉ mơ có cái nhà mái bằng “Xây xong rồi chết trong ấy cũng sướng”. Còn người kia nuôi con chửa đầy năm, ép phải cai sữa phó thác cho chồng nuôi con còn mình thì ra đi để nuôi con người. Trước khi dứt áo ra đi chị vạch vú cho con bú lại...Tóm lại chẳng ai muốn đi mà vẫn phải đi. Thì ra lỗi ở cái nghèo, tại cái nghèo mà ra cả. Cái sự nghèo khống chế những người đang sống ở cái làng quê này và bắt họ phải bứt ra để làm cuộc đổi đời. Phía trước là cả một sự cám dỗ, cuốn hút lấy những người đàn bà nông thôn vào vòng trong vòng xoáy không thể biết trước được cái gì sẽ xảy ra. Hình ảnh người đàn bà đang nuôi con mọn nơi đầu núm vú, sữa rịn ra ướt loang mảng ngực áo là hình ảnh bình thường, thân thương thường gặp ở ngoài đời nhưng nó xuất hiện trong truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ lại không bình thường. Nó là chi tiết đắt. Một hình ảnh thay cho câu chữ và lời thoại. Nó xói vào lòng người đọc một nỗi xót xa khôn tả.
     Đọc Ba người đàn bà của Lê Thanh Kỳ ta tưởng đâu như gặp lại hình ảnh của một nhân vật đã đi vào hình tượng văn học Việt Nam của cụ Ngô Tất Tố đã dựng nên trong nửa đầu thế kỷ 20. Vậy chúng ta đang làm chủ, đang điều tiết cuộc sống. Vấn đề về nông dân, nông thôn còn nhiều bộn bề. Những người có công thật lớn trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chẳng lẽ lại hẩm hiu đến thế này chăng? Vai trò của văn học là thế. Trong truyện, tác giả sử dựng hình ảnh màu vàng được tả đi tả lại rất nhiều lần như một bức tranh để tăng sức tương phản, gây ám ảnh. Màu vàng của buổi bình minh mới ló rạng, biển vàng của lúa chín. Một khung cảnh rất đẹp của một miền quê như muốn nói đến mùa gặt, no ấm, yên lành. Thế mà trong cái biển vàng ấy lại có ba người đàn bà phải ra đi kiếm bát cơm nơi xứ người. Số phận của những người phụ nữ nông thôn vừa mới bước ra từ những hy sinh mất mát, nay lại phải hy sinh một lần nữa trong quá trình xây dựng kinh tế. Đau xót vô cùng!
     Nắng vỡ còn có Riêu cua viết về đề tài Nông dân – Nông thôn. Đây cũng là một khía cạnh bức bách khác mà Lê Thanh Kỳ đề cập. Công cuộc Công nghiệp hóa, Đô thị hóa đang thu hẹp dần nông thôn. Một cuộc cách mạng Công nghiệp hóa đang rần rần phát triển. Mừng lắm chứ! Và cũng lo lắm đấy. Nó phát triển ra sao và hài hòa đến đâu để mọi người dân cùng hưởng lợi?. Các nhà hoạch định không chọn vùng đất khô cằn để mở mang mà lại nhằm tới những vùng miền trù phú nơi người nông dân đời nối đời cố hữu sinh sống. Toàn bờ xôi ruộng mật cả. Ừ thì cứ cho là làm nông nghiệp thì kém hiệu quả, kém thu nhập hơn làm công nghiệp. Cứ tưởng người nông dân nhường lại đất cho Doanh nghiệp sẽ được đổi đời và ấm no. Nhưng hình như các nhà hoạch định chưa tính đến sau cái dự án này thì số phận người nông dân sẽ ra sao? Có lẽ các “nhà” ấy chỉ nghĩ rằng trao vào tay những người nông dân ít tiền đền bù là xong. Những hệ lụy của nó để lại thật vô cùng nặng nề. Số tiền đền bù ít ỏi vào tay họ như “Gió vào nhà trống”, trở nên phù phiếm hết chứ ít đọng lại thành áo cơm lâu dài. Người bị mất ruộng đất cần việc làm. Có việc làm mới đem lại cuộc sống đích thực. Nhưng quyền làm việc cũng bị tước đoạt. Thế là “Nhàn cư vi bất thiện” phát sinh ra các tệ nạn, các cách kiếm tiền bất chính trên lưng người nông dân, còn định nhằm tước đoạt nốt cái tính tự nhiên của con người, cái thú vị thứ ba sau nhất ăn, nhì mặc. Người nông dân đã bị dồn ép đến thế là cùng! Thật não lòng khi nhìn “Anh Lực tay đặt lên đoạn tre đực nối với ghi đông xe, dạng chân lấy đà. Trông anh giống như một con cung quăng đang quẫy mình trong biển chúng sinh. Chị Cật đi sau với thúng bún ế trên đèo hàng, bước những bước chân ậm ịch trên con đường cơm áo gập gềnh. Hai vợ chồng đi trong buổi chiều tàn, ít nhiều vẫn còn ngửi thấy mùi tinh khiết của thinh không. Từng cơn gió hạ vật vờ lật giở tà áo anh Lực, sượng sùng ve vuốt mớ tóc sâm sấp mồ hôi trên má chị Cật. Hoàng hôn đang buông xuôi xuống một vùng quê không còn cấy gặt, ruộng đồng lố nhố những cọc phân lô. Mặt trời như bị khói làm cho đau mắt, chiếu vớt vát thứ ánh nắng kèm nhèm xuống con đường về làng...” - Trang 118. Có bao nhiêu làng quê bị mất đất cho Công nghiệp hóa, Đô thị hóa như cái làng của vợ chồng nhà anh chị Cật – Lực? Liệu có xem đây là góc nhìn méo mó hay nó là một phần bị che khuất, một góc tối tăm của cuộc cách mạng Công nghiệp hóa mà Lê Thanh Kỳ phản ánh? Đọc nó chúng ta lại liên tưởng đến những khu Công nghiệp được quy hoạch vón cục lại ở phía Nam. Nào ST-1, ST-2...vv...Xây dựng ra để hoang phí không hoạt động, hoặc có chỉ ì ạch. Còn những thành phố quy hoạch hạ tầng cả ngàn tỷ đồng như BD vẫn ắng lặng trong mênh mông diệu vợi như một thành phố...ma. Ai vào đây ở? Ai có tiền để mua nền trong khu Đô thị này? Trong khi đó, những nông trường, những trang trại, hàng ngàn người lao động phải mất việc làm để nhường đất cho quy hoạch. Những quy hoạch trở thành hoang tưởng không đúng lực, đúng tầm...
     Tôi nghĩ đây là một góc nhìn rất văn học đầy tính nghệ thuật. Nó tiêu biểu để nhà văn chọn lựa rồi phản ánh nhằm làm cân bằng sự lệch lạc của cuộc sống hiện thực xô bồ và cả cẩu thả nữa. Trong Nắng vỡ còn có mảng đề tài viết về chiến tranh và ký ức về chiến tranh mà thế hệ cầm bút hôm nay chưa thể làm ngơ. Truyện ngắn Hai người lính và Đương trong mùa hoa cải
Nói về thời hậu chiến, những vết thương chiến tranh thấm sâu và ảnh hưởng trực hệ rất lâu dài. Thanh Kỳ từng là người lính, đứng hẳn về bên này chiến tuyến – Kẻ chiến thắng. Nhưng anh đứng cao lên, lui ra một chút, đủ khoảng cách để nhìn lại và suy ngẫm về cuộc chiến. Cuộc chiến mà mỗi một chúng ta – Người thắng cuộc đang còn choáng ngợp ánh hào quang. Song phía sau nó biết bao điều đáng nói nhưng cũng chưa thể nói hôm nay. Những con người ở cả hai chiến tuyến vẫn chưa hết nguôi ngoai. Cuộc sống đã tốt đẹp lên, sáng lạn rất nhiều. Nhưng nhìn vào đâu cũng đụng phải quá khứ giống như một vết thương đã liền da nhưng sẹo thì mãi còn đó. Xin được chép lại đoạn văn mà tôi dẫn viết cho một bài viết khác để biểu cảm với Lê Thanh Kỳ: “Mỗi cuộc chiến tranh xảy ra là một nhát chém vào lịch sử. Những vết sẹo ấy hằn lên đến muôn thuở. Chúng ta – Những người đi ra từ cuộc chiến tranh, ít ai không phải mang những vết thương đến tận cuối đời. Có những vết thương không bao giờ liền miệng. Nếu cùng nhau nhìn thẳng vào quá khứ, nhìn cho khách quan đừng thiên lệch, hẳn cuộc sống này sẽ bớt đi phần nhức nhối”.
     Hai truyện Xanh và đỏ, cái bếp là những truyện tâm lý, đề tài hôn nhân – Gia đình. Về nhân sinh quan với những quan điểm về hạnh phúc gia đình. Tác giả viết sâu sắc, khá cấp tiến với những triết lý về hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ hiện đại với một xã hội hiện đại sẽ phải làm gì để bảo vệ hạnh phúc và xây dựng hạnh phúc?(Xanh và đỏ) ở Cái bếp, tác giả lại đứng ở góc nhìn rất thời cuộc. Với một không gian rất hẹp(bếp) tác giả lại triển khai được một vấn đề của đời sống xã hội hết sức phong phú về thiên chức của người phụ nữ. Cái thứ triết lý cứ tưởng đơn giản mà như một cái dây leo, một dòng tự sự suốt từ đầu truyện đến cuối truyện. Bằng lối dựng truyện rất khéo, Lê Thanh Kỳ không đặt vấn đề một cách trực diện. Từng diễn biến tâm lý rất kỹ lưỡng nhưng đầy tính triết lý của sự sống đạt tính hiệu quả không ồn ào, rất lặng lẽ và thấm sâu.
     Song với cuộc sống cấp tiến theo lối thực dụng hiện sinh thì Thanh Kỳ lại thẳng tay phê phán. Sự đổi mới nhanh chóng quá mức làm thay đổi bộ mặt của một làng quê vốn yên bình, có nguy cơ phá vỡ kết cấu của nền văn hóa làng xã. Bên cạnh cái được là cái mất, những cái mất lại toàn những cái có giá trị nhất. Bằng sự quan sát rất tỷ mỷ, tác giả không đau đáu hoài cổ song luyến tiếc những giá trị văn hóa đã có từ lâu đời. Bỏ quê về phố là một truyện ngắn bời bời tâm trạng của một vị cán bộ nghỉ hưu muốn về quê để được hưởng thụ cuộc sống giản dị, chất phác và không gian yên bình của làng quê. Nhưng nhà quê bây giờ đã bị nền kinh tế thị trường nghiền cho nát rữa những thuần phong mỹ tục, không khí trong lành.
     Với Một cuộc đi chơi. Cũng vẫn đề tài viết về nông thôn nhưng không gian lại được thể hiện ở một xóm của vùng cao thì Thanh Kỳ lại nhìn ra một khía cạnh khác mà cuộc sống cần cân nhắc và xem xét, phải nghĩ đến hậu quả những việc mình làm. Truyện viết về một cuộc đi chơi của bốn người đàn ông trong một xóm vẻn vẹn có ba nóc nhà. Họ từ một miền quê – Vùng sâu vùng xa quyết định hạ sơn về Thủ đô dự Đại lễ ngàn năm Thăng Long. Giữa lúc lúa chín vàng đồng(ba tháng trồng cây, một ngày trông quả) nhưng vẫn quyết định để lại một đống công việc mùa màng bận rộn ngổn ngang cho những người đàn bà gánh vác “Lúa thì một năm hai vụ. Nhưng Đại lễ ngàn năm mới có một lần” và họ quyết định xuôi một chuyến – Đi chơi ai mà chẳng thích! Nhưng cuộc đi giữa chừng thì ba người vỡ ra cái sự vô lý, bất cập của chuyến đi nên quay lại để thu hoạch lúa. Còn một người vẫn cố chấp, vẫn đánh chiếc công nông xuống núi. Câu chuyện bỏ dở ở ngay trên đỉnh núi cũng là cái chốt của chuyện. Đâu là thiết thực, đâu là phù phiếm? và câu trả lời bằng 3/1. Đa số và thiểu số, đủ lý lẽ để tác giả gửi gắm phần tư tưởng đến người đọc.
     Tư duy sâu, rộng, đa dạng và đa chiều Nắng vỡ của lê Thanh Kỳ là tập truyện mang tính hiện thực rất sâu sắc, là quan điểm cấp tiến về cuộc sống hiện đại. Phê phán nhưng không vùi dập, hiện thực mà không tự nhiên chủ nghĩa. Cấp tiến nhưng không giáo điều. Trong khuôn khổ một bài viết không thể giới thiệu hết 18 truyện ngắn trong Nắng vỡ. Đọc tập truyện ít ai nghĩ đây là những truyện ngắn của một cây bút nghiệp dư. Thanh Kỳ viết để giải tỏa. Viết sau những giờ phút lăn xả vào thương trường, công trường – Chợ việc để giành giật, bươn trải, bon chen để kiếm đủ việc làm cho dăm ba ông thợ để cho cái xưởng nhôm kính hoạt động thường nhật, đủ cơm ăn cho thợ và cho gia đình.
     Tập truyện mang lại sự mới lạ nhưng tôi vẫn không thích cái kiểu cứ kết thúc là có hậu, tròn truyện mà sao nhãng vai trò của nhà văn là phản ánh trung thực cuộc sống. Có lẽ cũng do cái nhìn nhân hậu, cái chất nông dân mới vậy. Tuy thế tập truyện đã đem lại sự thành công bước đầu cho cây bút không chuyên, mới xuất hiện. Tôi cũng mới được biết tin tập truyện Nắng vỡ được nhà xuất bản QĐND mua bản quyền xuất bản. Gần đây thấy anh ít xuất hiện trên văn đàn, có lẽ anh đang tập trung thời gian cho cuốn tiểu thuyết rất dài(hai tập) viết về đề tài công nhân. Tin do Lê Thanh Kỳ tiết lộ. Anh đã gặt hái được những kết quả bước đầu về thể loại truyện ngắn. Còn với tiểu thuyết? 
     Xin được đặt hy vọng vào sự tinh tế và bàn tay khéo léo của người thợ hàn. Lê Thanh Kỳ - Một cây bút mới, hiện thực, hóm hỉnh.

  Viết tại Gò Vấp – Đầu xuân Giáp Ngọ