Tạp bút Tạ Hữu Đỉnh
Tôi viết gần một năm thì xong. Đặt tên là “Ngược Dòng”, thể loại hồi ký tự truyện. Vì gác bút đã lâu, không hiểu “thị trường” văn ra sao. Nên tôi đem bản thảo lên Hội VHNT tỉnh, nhờ mấy anh quen biết đọc và thẩm định giúp. Đọc xong, anh Sỹ Hồng bảo: “Có nhiều đoạn hay, nhưng không dùng được. Vì động chạm đến Cải cách ruộng đất”. Tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì được một người cho một chữ “hay”. Dù chỉ là hay từng đoạn. Và cái chữ “hay” ấy đã cho biết, mình vẫn còn viết được. Còn buồn vì ba chữ “không dùng được”.
Băn khoăn, do dự, suy tính mãi rồi tôi quyết định lại làm một cuộc thăm dò nữa. Gửi bản thảo lên Hà Nội, nhờ anh Tiến Chước ở Báo Lao động đọc. Và, nếu thấy có hy vọng, thì nhờ anh đem đến NXB công an giúp. Vì tôi viết về ngành này. Ít ngày sau, anh Chước gọi điện bảo: “Gửi được”, và anh đã đem đến NXB công an rồi. Thế là từ hôm ấy, tôi thấp thỏm chờ mong.
Rồi bỗng một hôm, thật bất ngờ, tôi nhận được điện của NXB, mời lên Hà Nội để trao đổi. Ôi chao! Mừng ơi là mừng! Trong quãng đời viết lách dở dang của mình, đã không ít lần tôi dại dột, ném sỏi vào biển cả, rồi chờ mặt nước sủi tăm. Nhưng càng mong, càng mất tích. Có lẽ cái đáng sợ nhất của nghề văn, không phải là thời gian ngồi trước tờ giấy trắng, mà Nguyễn Tuân đã gọi là “Pháp trường trắng”. Tức là sự vất vả, gian khổ trong lao động sáng tạo. Mà cái đáng sợ nhất của nghề này, chính là thời gian chờ đợi, sau khi gửi bản thảo đi.
Ấy thế mà lần này hòn sỏi lại sủi tăm! Tuy chưa biết NXB sẽ trao đổi những gì. Nhưng chỉ riêng cái việc được NXB mời, cũng đáng mừng lắm rồi.
Tiếp tôi là Trưởng phòng xuất bản, nhà văn Tôn Ái Nhân. Anh đã góp ý để tôi sửa chữa những chỗ yếu, kém, sai sót. Nhất là cái tiêu đề “Ngược Dòng”, dễ gợi cho người đọc suy diễn. Anh cũng nêu lên cả những điểm mạnh của bản thảo, để tôi cố gắng phát huy. Và bảo, sửa nhanh để kịp tham dự cuộc Vận động viết tiểu thuyết và ký, về đề tài “Vì an ninh cuộc sống” (1999-2002), của Bộ công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức (Trước đó tôi không biết có cuộc vận động này).
Lòng tràn ngập niềm vui, tôi ngồi vào bàn mải mê, cặm cụi ngày đêm không biết mệt. Khó nhất là cái tiêu đề. Nghĩ mãi mới tìm được bốn chữ: “Một thời giông bão”. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, rồi lại thấy không ổn, Vì hai từ giông bão có vẻ to tát quá, sợ người ta cho là mình tự phụ. Cho nên đổi thành : “Một thời sôi động”, rồi gửi đi. Nhưng chỉ mấy hôm sau, anh Nhân đã gọi điện hỏi, sao không dùng hai từ giông bão? Thế là chúng tôi nhất trí sửa là: “Một thời giông bão”.
Một thời gian sau, anh Nhân báo tin vui: hồi ký “Một thời giông bão” đã được lọt vào vòng chung khảo. Vòng cuối cùng để Ban Giám khảo xét tặng giải thưởng. Chưa biết rồi mình sẽ được mức giải nào, nhưng được giải thì chắc chắn rồi. Tôi mừng như kẻ khó đào được hũ vàng. Tưởng không cần ăn cũng no. Rồi sau đó mấy hôm, anh Nhân gọi điện về. Tiếng anh như reo lên trong ống nghe. Anh chúc mừng tôi đã được giải. A…ha…tôi cũng muốn reo lên. Rồi mặt tôi bỗng nóng ran lên, sống mũi cay xè, nước mắt ứa ra ngoài mí, Xin cảm ơn nhà văn Tôn Ái Nhân! Tôi biết anh đọc bản thảo của tôi, thấy tôi gặp nhiều rủi ro trên đường đời. Cho nên anh cảm thông và luôn luôn ân cần, chu đáo với tôi. Phải đến mấy giây sau tôi mới bình tĩnh hỏi anh giải mấy? Anh bảo khuyến khích. Tôi hơi sững người một chút. Vì tiếc mình không được giải cao hơn. Nhưng sau ngày tổng kết cuộc Vận động, đọc tập Kỷ yếu các tác giả được giải, tôi mới biết: Hơn 200 nhà văn, trong đó có những người nổi tiếng như Hồ Phương, Hữu Mai, Trầm Hương, Nguyễn Thị Ngọc Tú…được Bộ công an và Hội Nhà văn Việt Nam mời tham dự cuộc Vận động, mà chỉ có 20 người được giải. Trong đó, có lẽ chỉ có một mình tôi, là cây bút nghiệp dư ở tỉnh “lẻ”, ở phố huyện mà cũng có mặt. Vậy thì cái giải khuyến khích, đối với tôi cũng là “Phẩm tiên rơi xuống tay hèn “ rồi. Còn đòi hỏi gì hơn nữa.
Hôm lên Hà Nội nhận giải, vừa đến Hội trường, nhân viên Tổ chức đã đưa cho tôi một túi quà. Có bốn, năm quyển sách của các tác giả được giải, và tập Kỷ yếu cuộc Vận động. Không thấy sách của mình, tôi đã băn khoăn, và dự cảm như có điều gì đó chẳng lành…
Giải được trao từ trên xuống. Đến giải khuyến khích, có năm tác giả được mời lên sân khấu. Nhà văn, đại tá Trần Diễn, Giám độc NXB công an gọi tên tôi đầu tiên. Chưa bao giờ tôi được đến một hội trường rộng lớn, và trước một cử toạ đông đúc như thế này. Mặc dù đã cố trấn tĩnh, nhưng khi đứng dậy, người tôi vẫn hơi choáng váng. Đi vài bước, nhìn lên sân khấu vẫn chưa thấy ai, tôi liền sững lại. Nhưng ở phía sau, có ai đó giục: “Bác cứ lên đi!”. Tôi mới mạnh dạn đi tiếp..
Nhà văn Trần Diễn bắt tay, rồi trao cho tôi bó hoa và cái khung kính giấy chứng nhận giải thưởng, do Trung tướng Nguyễn Khánh Toản, Thứ trưởng Bộ công an ký tên đóng dấu. Và nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ký tên đóng dấu, cùng một chiêc phong bì, có hai triệu đồng tiền thưởng.
Ăn cơm xong, nhà văn Tôn Ái Nhân đưa tôi về trụ sở NXB để lấy tấm ảnh chụp lúc tôi nhận giải. Tôi hỏi anh, sao không thấy sách của tôi? Anh Nhân mở cặp đưa cho tôi đọc, một văn bản có dấu son và chữ ký của ông Giám đốc cơ quan cũ, nơi tôi đã công tác trong thời kháng chiến chống Pháp. Nội dung văn bản ngắn, gọn chỉ có mấy dòng, đại thể là: “Đề nghị NXB công an không nên in sách cho Tạ Hữu Đỉnh. Vì nội dung bản thảo Tạ Hữu Đỉnh chỉ nặng về kể lể thành tích cá nhân và bất mãn với chế độ”. Tôi đọc xong, anh Nhân bảo: “Khi nhận được công văn này, chúng tôi đã báo cho ông ấy biết là: Ban Giám khảo đã quyết định trao giải thưởng cho tác giả Tạ Hữu Đỉnh rồi. Song cũng vì cái công văn này, cho nên Giám đốc Trần Diễn còn do dự, chưa duyệt in”. À, thì ra là thế!
Tập bản thảo này, như tôi đã kể ở trên, trước khi gửi cho anh Tiến Chước ở Báo Lao động, tôi chỉ đưa cho mấy anh ở Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh đọc giúp. Vậy ai trong số đó là người đã đưa bản thảo của tôi cho ông Giám đốc kia đọc, một người không phải là nhà văn? Va cái kẻ ném đá giấu tay, vẫn vỗ ngực tự cho mình là kẻ sĩ, nhưng lại làm cái việc thấp hèn ấy muốn gì? Phải chăng vì “Trâu buộc ghét trâu ăn”? Vì thói ích kỷ, làm hại người để tỏ ra mình trung thành?
Thưa ông Giám đốc (mới) của cơ quan cú của tôi, tôi với ông không sinh ra cùng thế hệ, tuổi tác cách xa nhau, không hề quen biết nhau, và cũng không có chuyện gì va chạm với nhau. Vậy vì lý do gì? Vì ai đứng sau lưng giật dây, xui bẩy, mà nhiều lần lợi dụng chức quyền của mình, ông đã cho nhân viên đến nhà tôi dò hỏi về tập bản thảo này? Tôi viết về thời chống Pháp, đã qua lâu rồi. Và ngày ấy hẳn ông chưa được sinh ra, Vậy căn cứ vào đâu? Ở văn bản nào, câu chữ nào, hay do ai mách bảo mà ông lại biết tôi “bất mãn với chế độ”? Rồi gửi đên NXB một cái giấy thiếu hiểu biết, không có lương tâm và vô trách nhiệm đến thế? Ông gây trở ngại cho việc sáng tác của tôi, để lấy cái đó làm công lao của mình, làm thành tích của mình để cống hiến cho đất nước ư? Công to nhỉ?
Vâng, hãy cứ cho là tôi “chỉ nặng về kể lể thành tích cá nhân mình”. Vậy xin hỏi ông: Những tấm huy chương mà các vận động viên của ta đạt được ở Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua, vinh quang ấy chỉ thuộc về cá nhân những người được giải, hay đó cũng là vinh quang cho cả nền thể thao của nước Việt Nam nữa?...
Ngay tối hôm trao giải, các nhà truyền thông đều đưa tin và hình ảnh buổi tổng kết cuộc Vận động. Và sáng hôm sau, hầu như tất cả các tờ báo ra hàng ngay ở Thủ đô Hà Nội, đều đăng tin và tên tuổi 20 tác giả được giải. Báo Hạ Long cũng đăng tin, Quảng Ninh có ba tác giả được giải: nhà văn Võ Khắc Nghiêm, nhà văn Nguyễn Đức Huệ, và tác giả Tạ Hữu Đỉnh.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh gọi điên cho tôi, bảo gửi cho anh một chương hay nhất để đăng báo. Rồi hôm xuống dự họp tống kết cuối năm của Hội VHNT Thị xã Uông Bí, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh đã phát biểu: “…Uông Bí đã chờ đợi rất lâu, từ ngày anh Thái Giang, tác giả trường ca “Lửa sáng rừng”, được giải nhất Báo Văn nghệ, đến nay đã gần 50 năm, Uông Bí mới có cái giải này của anh Tạ Hữu Đỉnh”. Rồi nhà thơ tặng tôi bó hoa. Hai chúng tôi ôm nhau, giữa tiếng vỗ tay vang dội của các đại biểu và bạn bè. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được tặng hoa. Lần trước, hôm nhận giải, bó hoa đó là tục lệ. Còn lần này, liêu có phải là nghĩa, là tinh không?...
Nhưng thật đáng buồn, đó lại là những phút giây sung sướng cuối cùng của việc tôi được giải. Vì chẳng bao lâu sau đó, Bưu Điện Uông Bí đã mời tôi đến nhận bưu phẩm. Chưa đến thì tôi cũng biết cái “phẩm” đó là cái gì rồi. Bản thảo hồi ký “Một thời giông bão”, NXB công an trả lại. Hoàn toàn không có một chữ nào giải thích vì sao không được in!
Ôi! Rõ thật buồn! Nếu niềm vui và nỗi buồn cũng cân đong được, thì nỗi buồn này hẳn nặng cân hơn niềm vui những ngày vừa qua rất nhiều.
Thế rồi chẳng biết vì sao, cứ như có một nguồn thông tin ngầm, từ đâu đó lan truyền đi, mà tử hôm tôi nhận bản thảo trả về, bỗng nhiên chẳng thấy ai nhắc nhở gì đến cái giải ấy nữa. Cả cuộc họp tổng kết năm ấy của Hội VHNT tỉnh, đọc báo cáo tổng kết, Chủ tịch Hội cũng lờ đi, không nhắc đến giải và các hội viên của tỉnh được giải nữa. Có lẽ cái việc tôi không được in sách, đã trở thành một bữa tiệc mừng, cho cái thói ích kỷ, nhỏ nhen của người đời. Cho nên họ lặng im để nhâm nhi khoái cảm !
Vậy, thưa Trung tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ công an, và thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tờ giấy chứng nhận giải thưởng của tôi, mà hai vị đã ký ngày 5/8/2002 có còn nguyên giá trị không? Hay đã thành đồng tiền giả, không được phép lưu hành?
Tuy vậy, nhưng chưa mất hết hy vọng, tôi lại gửi bản thảo “Một thời giông bão” đến NXB Quân đội. Một thời gian sau, anh Nguyễn Bình Phương, cán bộ biên tập gọi điện về bảo, đã biên tập xong, đang chờ Giám đốc đọc và quyết định. Anh Phương còn bảo: “Bác viết chắc tay đấy!”. Lời khen đó khiến tôi lại chứa chan hi vọng. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau, cũng anh Phương lại báo tin buồn: ”Giám đốc bảo truyện viết về đề tài công an, quân đội in không phù hợp”.
*
* *
Năm 2003, có tập truyện ngắn in ở NXB Lao động, hôm lên lấy sách, tôi đem chuyện “Một thời giông bão” không được in, kể với nhà văn Phạm Ngọc Chiểu, và hỏi anh xem có cách nào giúp không. Anh bảo gửi bản thảo lên để anh đọc. Đọc xong, anh Chiểu gọi tôi lên Hà Nôi. Hôm tôi lên NXB, anh Chiều mời cả nhà văn Trần Dũng, Phó Giám đốc phụ trách xuất bản cùng dự trao đổi. Rồi chúng tôi thống nhất ý kiến như sau: Phải chuyển thể hồi ký thành tiểu thuyết. Tức là truyện hư cấu, hoàn toàn chẳng có liên quan gỉ đến cái giải của công an. Sửa chữa những chữ còn có vẻ gai góc. Và rút gọn lại chỉ còn khoảng 400 trang in, chứ dầy quá, giá thành cao, khó bán.
Tôi đem bản thảo về sửa chữa. Bỏ đi gần một chương, Chuyển thành tiểu thuyết, và vo cho thật tròn, những chỗ bị coi là “gai góc”, rồi gửi lên NXB. Thật may mắn, và rất đáng mừng là quý hai, nam 2005, tiểu thuyết “Một thời giông bão” đã được ra đời, sau một thời gian sóng gió. Xin cảm ơn hai anh, nhà văn Phạm Ngọc Chiểu và nhà văn Trần Dũng.
Rồi năm 2006, tập sách đó đã được giải ba, “Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long” lần thứ sáu, do Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh trao tặng năm năm một lần./.
TP Uông Bí, ngày 10/1/2014
THĐ