“Đây là tiền của của nhân dân. Quốc hội cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia”, đại biểu Võ Thị Dung nói trước Quốc hội về thực trạng chi tiêu ngân sách.
Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011 đạt 962.982 tỷ đồng, vượt trên 21% theo dự toán Quốc hội giao năm 2011và tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu tại Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì, “thu ngân sách Nhà nước tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế”.
Ứ đọng vốn vào những khu biệt thự bỏ hoang.
Chi đầu tư phát triển tăng, nợ đọng lớn
Sáng nay 25/5, Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011 là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN).
Trong đó, thu theo dự toán Quốc hội giao năm 2011 là 721.804 tỷ đồng, vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%), tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (tăng thu NSNN 7 - 8% so với dự toán đã được Quốc hội phê duyệt).
Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, nhờ tăng thu NSNN đã có thêm nguồn lực để thực hiện được một số nhiệm vụ quan trọng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhưng qua quyết toán thu NSNN vượt cao so với dự toán, tăng gấp 3 lần so với mục tiêu phấn đấu tăng thu của Chính phủ thể hiện công tác lập dự toán chưa sát. Bên cạnh nguyên nhân lập và giao dự toán thu bảo đảm tính an toàn trong điều hành ngân sách còn do công tác dự báo chưa tốt, làm ảnh hưởng nhất định tới công tác chỉ đạo, điều hành NSNN. Đây là hạn chế mà Quốc hội đã có ý kiến nhưng chưa khắc phục được.
Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, xét về tổng thể, cả 4 nguồn thu chủ yếu của NSNN đều tăng so với dự toán được giao, nhưng số thu NSNN vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng, điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, tăng thu từ tài nguyên (dầu thô) và các khoản về nhà, đất. Yếu tố tăng thu do sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu. “Điều đó phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Cùng với những số liệu về thu ngân sách Nhà nước năm 2011, tổng số chi cân đối theo báo cáo của Chính phủ là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012).
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá: Nhìn chung, chi cân đối NSNN năm 2011 đã bảo đảm các yêu cầu chi theo dự toán. Trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, nhưng tổng chi cân đối NSNN vẫn tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).
Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát cũng cho thấy, số dự án triển khai dở dang, chậm tiến độ khá nhiều, gây lãng phí, khối lượng nợ đọng đầu tư xây dựng tăng cao, các vi phạm trong đầu tư xây dựng xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình, hiệu quả chi đầu tư xây dựng hạn chế, gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN. Ngoài ra, kết quả giám sát thực tế cho thấy, số lượng dự án đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng chưa hoàn tất thủ tục để quyết toán còn khá lớn. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ khẩn trương có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh vấn đề này.
Ngược lại, thực hiện chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ là những lĩnh vực quan trọng để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, song theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì chi NSNN năm 2011 cho các lĩnh vực này lại không đạt dự toán được giao, Trong đó, chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 90,2% dự toán; Chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt 89,1% dự toán; Chi sự nghiệp khoa học công nghệ đạt 89,5% dự toán; Chi sự nghiệp kinh tế đạt 91,5% dự toán; Chi chương trình mục tiêu đạt 77% dự toán.
Qua báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong nhiều bộ, ngành, địa phương chưa giảm. Nhiều địa phương chi vượt dự toán chi thường xuyên được Hội đồng nhân dân giao đầu năm, có 13/28 địa phương được kiểm toán chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể tăng trên 30%. Điều đó thể hiện kỷ luật tài chính chưa nghiêm, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn hiện nay.
“Cần làm rõ tiền của dân chi vào đâu”
Thảo luận tại Quốc hội về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 vào sáng nay, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) cho rằng: Qua ghiên cứu báo cáo quyết toán ngân sách 2011 và báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, thủ tục quy trình, tôi thống nhất với báo cáo thẩm tra. Nhưng kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý sử dụng ngân sách chưa nghiêm minh, thất thoát ngày càng tăng trong xây dựng cơ bản, đầu tư dàn trải chưa được khắc phục.
“Đây là tiền của của nhân dân. Quốc hội cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những ai làm thất thoát nguồn lực quốc gia”, đại biểu Dung nhấn mạnh và kiến nghị Chính phủ cần xem xét trình Quốc hội sớm sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu), thì thu ngân sách năm 2011 vượt dự toán rất lớn (126.800 tỷ đồng), nhưng cũng cho thấy việc tăng thu chủ yếu dựa vào tăng giá (CPI tăng trên 18%). Do đó, đại biểu này cho rằng, nếu loại trừ yếu tố giá thì số thu sẽ tương đối sát với dự toán.
Đánh giá về những con số trong chi ngân sách 2011, đại biểu Thụ cho hay, việc điều hành dự toán chi tương đối chặt chẽ nên chỉ có 61.900 tỷ đồng chi vượt dự toán. Nhưng chi chuyển nguồn còn lớn (tăng 23,9%), tăng 24.900 tỷ so với năm 2010, đặc biệt gần 1/4 ngân sách phải chuyển nguồn qua năm sau là vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) lại cho rằng, báo cáo kiểm toán nêu ra nhiều cái không về nguồn thu, chi như: không đúng thời gian, không phân bổ hết vốn được giao, không đủ thủ tục, không đúng cơ cấu chương trình được duyệt, không đúng đối tượng mục tiêu, không sát thực tế, một số địa phương... “Những cái không này là mảnh đất tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực phát triển. Tôi đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét để phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp để người dân giám sát, bởi ngân sách là tiền của dân”.
Đồng tình với những ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nói: Nhiều đại biểu tâm tư về cách chúng ta thảo luận và phê chuẩn ngân sách Nhà nước thế nào cho thực chất và hiệu quả. Chúng ta thảo luận về số tiền mà chúng ta đã chi tiêu cách đây 1,5 năm, nhưng số liệu đầy đủ nhất chính là ở quyết toán, bởi số liệu về ngân sách Nhà nước cuối năm cũng là ước thôi, số liệu đầy đủ nhất chính là ở quyết toán.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề chuyên môn sâu nên khó cho đại biểu thảo luận. Tới đây, chúng ta phải nghiên cứu làm sao để đổi mới cách làm, để đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách chính xác hơn”, đại biểu góp ý.
Theo Dân Tri