Nhà thơ Tạ Hữu Yên còn có các bút danh là Lê Hữu, Xuân Hữu, Ðông Xuân, Cử Tạ. Sinh tháng 7 năm 1927 tại thôn Ðông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Đại tá QĐNDVN.sau một thời gian ốm đau, nhà thơ đã tạ thế sáng 30-5-2013 tại Viện quân y 108, hưởng thọ 87 tuổi.
Lễ viếng vào hồi 10 giờ đến 12 giờ ngày 3-6-2013 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng tại quê nhà.
Đàn em Trần Nhương và bạn đọc Trannhuong.com xin chia buồn với gia quyến và cầu mong linh hồn nhà thơ Tạ Hữu Yên thanh thản về cõi vĩnh hằng. Tôi được cùng công tác cới Nhà thơ tại Phòng Văn nghệ NXB QĐ nhiều năm. Tập thơ đầu tiên của ba chúng tôi Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Khuất Quang Thụy do nhà thơ Tạ Hữu Yên biên tập với tên "Gương mặt tôi yêu" năm 1980.
Ông từng là chính trị viên trung đội du kích xã, Trưởng ban Thông tin tuyên truyền xã; Tháng 4-1948 đi bộ đội. Trưởng tiểu ban sáng tác Ban Ðịch vận tỉnh Ninh Bình; Cán bộ địch vận, Phòng Chính trị Liên khu 3; Trợ lý phòng cán bộ và phòng Ðộng viên dân quân Quân khu Hữu Ngạn, Chính trị viên huyện đội Yên Mô, Thường vụ huyện ủy Thư ký tòa soạn báo Quân khu Hữu Ngạn, Học trường Tuyên giáo Trung ương - Khoa báo chí, khóa 1962-1964; cán bộ rồi trưởng phòng phát thanh Binh vận, cục nghiên cứu Tổng cục Chính trị, cán bộ biên tập phòng Văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Ðại diện Cục xuất bản quân đội, Bộ quốc phòng, tại phía Nam (TP Hồ Chí Minh).
TÁC PHẨM CHÍNH:
Gửi người bên kia chiến lũy (diễn ca, Ban Ðịch vận thống nhất Ninh Bình, 1950); Bài thơ chính nghĩa (diễn ca, Ban Ðịch vận thông nhất Ninh Bình, 1951); Tiếng ca xanh (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1978); Bàn tay hoa văn (cùng Ðào Ngọc Vĩnh, Nhà xuất bản Lao động, 1985); Bức chân dung (Nhà xuất bản Hậu Giang, 1985); Nỗi nhớ ngày thường (Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 1987).
Ba tập trường ca: Ngọn súng biên phòng (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1983); Sấm dậy trưa hè (Nhà xuất bản Thanh Niên, 1984); Thung lũng lửa và hoa (Hội Văn nghệ Thuận Hải, 1988). Và một số tác phẩm khác.
Thơ phổ nhạc: Ðến 31-12-1999, Tạ Hữu Yên đã có gần 200 bài thơ phổ nhạc (Ðôi dép Bác Hồ, Ðất nước, Cảm xúc tháng Mười, Trên đường Hạnh phúc, Ô cửa sổ, Khẩu súng và trái tim (nhạc giao hưởng) v.v...