(GDVN) - Có biết bao nhiêu hiện tượng tương tự mà chắc rằng các vị ĐB Quốc hội có mặt tại đây đều có thể chứng kiến tại địa phương của mình. Và bài học sớm nhất trong lịch sử nhà nước Việt Nam ai cũng biết đó là “bài học cảnh giác”...
Đại biểu QH Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng nay 30/5.
Cũng trong buổi sáng nay, khá nhiều vị đại biểu quen thuộc đã đăng đàn, với nhiều lo ngại về tình hình mọi mặt của đất nước, dù cũng đồng tình với một số đánh giá tại báo cáo của Chính phủ.
“Sang năm vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam
ĐB Dương Trung Quốc chuyển lời của những người làm công tác sử học tới Chính phủ: “Sang năm vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (1974) và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), Chính phủ nên chỉ đạo sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học về lịch sử thì mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.
Các bản báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội vào mỗi kỳ họp cách nhau 6 tháng tựa như bản chẩn bệnh định kỳ sức khỏe quốc gia, đồng thời cũng là của Chính phủ, để vạch ra các liệu pháp chữa trị. Là người có cơ hội theo dõi các bản của Chính phủ nhiều năm qua, tôi nhận thấy là có căn bệnh kéo dài lâu mà chưa khắc phục được, dường như đã trở thành mãn tính, đó là căn bệnh quan liêu với sự tăng phì bộ máy biên chế; hay căn bệnh đầu tư dàn trải, tạo ra gánh nặng ngân sách và lãng phí lớn.
Có những căn bệnh mới phát sinh nhưng ngày càng tỏ ra ác tính như nợ công, nợ xấu. Trong báo cáo của Chính phủ mới chỉ coi trọng liệu pháp tâm lý, các báo cáo thường mở đầu với thành tựu sau đó mới là hạn chế, thiếu sót, trách nhiệm và giải pháp… tất cả được nối bằng các liên từ ‘tuy nhiên’ như một tất yếu để làm an lòng người.
Nói như vậy tôi hoàn toàn không có ý định phủ nhận mà trái lại rất quan tâm đến những khó khăn khách quan mà Chính phủ đang phải đương đầu và nỗ lực đối phó với những tiêu cực tác động rất nặng nề có tính kinh tế lớn đã khủng hoảng kéo dài cùng những thách đố do hoàn cảnh chính trị.
Chúng ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với một nước Trung Hoa đang trỗi dậy, nhưng luôn gợi lại những bài học quá khứ của ông cha ta phải đương đầu. Nói cách khác đó là căn bệnh thời khí không thể không tính đến nếu muốn thân thể quốc gia cường tráng, đủ sức chịu đựng những thách thức của thời đại.
Sự ví von này không ngoài mục đích nhắc nhở rằng, sức khỏe của quốc gia không thể chỉ quan tâm ngắn hạn và một khi không chữa trị sớm thì dễ bùng phát vào cùng một thời điểm mà không lường trước được, đe dọa sự an nguy của quốc gia.
Liệu pháp an thần không phải là không cần thiết, vì nó giúp chúng ta bình tĩnh xử lý các tình huống, nhưng nếu chỉ như thế thì căn bệnh không thuyên giảm và nguy hiểm hơn hết là mất đi ý thức cảnh giác là điều rất quan trọng.
Vì thế, xin đề cập tới một lĩnh vực mà lâu nay sinh hoạt Quốc hội ít đề cập tới, đó là vấn đề ngoại giao và quốc phòng, ít xuất hiện trong các chương trình nghị sự chung của Quốc hội và cũng thường được trình bày thoáng qua trong báo cáo của Chính phủ.
Đây là đúng là hai vấn đề hệ trọng và nhạy cảm, đòi hỏi phải có một phương thức tiếp cận đặc thù, nhưng nó lại là vấn đề an nguy của quốc gia và toàn thể quốc dân.
Do vậy, ĐB Quốc hội không thể bỏ qua và phó mặc, mặc dầu vẫn nuôi lòng tin tưởng những nhà lãnh đạo sáng suốt, nhưng chắc chắn niềm tin ấy có những lý do để không còn như trước nữa.
Đọc báo cáo Chính phủ lần này và về những vấn đề này, vẫn là những dòng chữ ít thay đổi với các báo cáo trước như: “Về chủ quyền lãnh thổ quốc gia vẫn được bảo đảm, quan hệ và vị trí quốc gia trên chính trường quốc tế vẫn được củng cố.
Chính phủ đã làm gì để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
Đảng và Chính phủ vẫn quan tâm và kiên quyết trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, tăng cường tiềm lực quốc phòng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân…”.
Không ai không biết đến những nỗ lực ấy của Chính phủ và lo lắng cho Chính phủ đang phải ứng phó với một trách nhiệm rất nặng nề. Nhưng điều đáng nói là một nền quốc phòng toàn dân không thể chỉ dựa vào ý chí của nhà nước, nếu nó không nhận được sự đồng thuận của nhân dân, đó là bài học lịch sử.
Chúng ta phải nhớ đến hội nghị Diên Hồng thời Trần, đến hội thề Lũng Nhai thời Lê, đến những câu chuyện đã trở thành kinh điển trong ứng xử với dân và với nhau của những nhà lãnh đạo quốc gia… chỉ nhằm xây dựng sức mạnh đoàn kết vua tôi đồng lòng, vững chí đồng tâm hay thực hiện những nguyên lý của thời hiện đại là ý Đảng lòng dân, là làm cho người dân tín tâm đối với những người lãnh đạo đất nước.
Và có một tổng kết lịch sử cụ Hồ đã nói: Khi nhà nước chưa độc lập không được phép lãng quên, lịch sử dạy ta điều này, đoàn kết chúng ta giữ được nước, mất đoàn kết thì chúng ta mất nước.
Từng coi đó là thước đo cho sự an nguy của xã hội, của xã tắc, báo cáo của chính phủ dường như ít quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã làm gì để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đó có thể là câu hỏi mà tôi chất vấn Thủ tướng nếu có cơ hội trong thời gian sắp tới”, ông Quốc cho hay.
Xin Chính phủ đừng nhìn vào những cái vĩ mô, đại cục diễn ra trên bàn hội nghị, những lời tuyên bố hay kể cả văn bản ký kết. Xin Chính phủ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến những việc tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, thí dụ như phản ánh mới đây trên truyền hình mới đây về tình trạng nhiều năm nay tại tỉnh Quảng Ngãi dân vào rừng, lên nương, chặt cây Trâm – là loại cây thân gỗ, có bộ rễ giữ nước cho rừng cho đất, bán cho người Trung Quốc.
Chính quyền bắt được không chế tài xử phạt nên chỉ phạt vận chuyển cồng kềnh rồi cho đi. Mất cây, đất không giữ được nước bị bạc màu, dân khổ. Trong trường hợp này bảo dân tham dân dại cũng không phải sai, nhưng Nhà nước để dân nghèo mà không chỉ bảo cho dân và không có chế tài xử phạt thì lỗi chính thuộc về Nhà nước. Có biết bao nhiêu hiện tượng tương tự mà chắc rằng các vị ĐB Quốc hội có mặt tại đây đều có thể chứng kiến tại địa phương của mình. Và bài học sớm nhất trong lịch sử nhà nước Việt Nam ai cũng biết đó là “bài học cảnh giác”.
Cuối cùng, ĐB Dương Trung Quốc chuyển lời của những người làm công tác sử học tới Chính phủ: “Sang năm vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (1974) và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), Chính phủ nên chỉ đạo sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học về lịch sử thì mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.
Ngọc Quang