Phó Chủ nhiệm UB KH-CN&MT:
(Dân trí) – “Nhà thầu Trung Quốc không có kinh nghiệm, làm tiến độ chậm dự án Tân Rai, làm tăng lãi vay ngân hàng, gây tổn thất không nhỏ... Tôi mong bô xít được đánh giá một cách thực chất, minh bạch, khẳng định những điểm được, chưa được, hướng khắc phục có khả dĩ không”…
>> “Không dám dừng bô xít Nhân Cơ là một sai lầm lớn!”
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học – Công nghệ & Môi trường (UBKH - CN & MT) của Quốc hội Võ Tấn Nhân trao đổi với phóng viên Dân trí về những vấn đề đang đặt ra đối với dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên.
Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên vẫn không ngừng làm "nóng" dư luận thời gian qua. Từng tham gia giám sát dự án, báo cáo Quốc hội năm trước, ông còn theo dõi sát thông tin về vấn đề?
Chúng tôi rất quan tâm. Cũng như dư luận, như chính những người trong cuộc đang cảm thấy như ngồi trên lửa, chúng tôi cũng nóng ruột lắm.
Không đánh giá vấn đề hiệu quả đầu tư của dự án, UB KH-CN&MT chỉ tập trung vào việc xử lý hồ bùn đỏ. Khi tiến hành giám sát dự án ở Tây Nguyên, tôi thấy, hồ chứa an toàn, nhưng đúng là phải đầu tư rất lớn. Mới đầu, dự kiến hạng mục chỉ tốn mấy chục tỷ đồng thôi nhưng sau đó vốn đầu tư đã vọt lên tới hơn trăm tỷ.
Đối với dự án này, hiện tại, vấn đề môi trường không phải là lo lắng, trở ngại lớn nhất mà là vấn đề hiệu quả kinh tế.
Phó Chủ nhiệm UB KH-CN&MT của Quốc hội Võ Tấn Nhân phát biểu trong một phiên thảo luận tại Quốc hội.
Không ít chuyên gia hiện đang cảnh báo nhiều về công nghệ thải bùn đỏ ướt đang được cung cấp, áp dụng ở Tân Rai là lạc hậu so với tiến bộ kỹ thuật hiện nay. Chính việc đó gây ra nguy cơ đối với môi trường từ những rủi ro có thể đến từ việc vỡ hồ chứa bùn đỏ. Cơ quan chức năng đã yêu cầu thay đổi gì ở hạng mục này dẫn tới việc tăng mức đầu tư như ông nói?
Mới đầu thiết kế đầu tư hồ bùn đỏ ở tiêu chuẩn thấp thôi nhưng khi đang triển khai dự án thì xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ phục vụ khai thác bô xít ở Hungary nên Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư đánh giá lại tác động môi trường, đánh giá độ an toàn của hồ chứa bùn đỏ và nâng thiết kế hồ lên ở mức rất chuẩn cho nên chi phí vọt lên hơn trăm tỷ.
Việc xử lý như thế chúng tôi đánh giá là tốt, tránh tình trạng rủi ro xảy ra nhưng nó làm tăng mức giá đầu tư lên. Tuy nhiên, việc này cũng do yếu tố khách quan, từ sự cố ở Hungary làm dư luận không an tâm. Còn mức tăng đầu tư cho khâu này, đối với tổng vốn đầu tư toàn dự án không phải quá lớn.
Dư luận vẫn đặt câu hỏi về công nghệ, nhà thầu được lựa chọn khi thực hiện dự án. Thực tế, nhà thầu Trung Quốc được xem là không có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác bô xít ở địa hình dạng á núi lửa như Tây Nguyên nên vừa làm vừa phải dò dẫm, điều chỉnh. Kết quả, nhà máy ở Tân Rai đã chậm khá nhiều so với dự kiến năm 2011 đã sản xuất, có lãi có thể trích lại đầu tư cho địa phương?
Vấn đề công nghệ bùn đỏ ướt hay khô, cái nào là hiện đại, tiên tiến hơn thì cũng còn tranh luận với 2 trường phái quan điểm khác nhau trong giới khoa học.
Nhưng đúng là có vấn đề nhà thầu không có kinh nghiệm, làm tiến độ chậm và việc đó làm tăng lãi vay ngân hàng, gây nên tổn thất không nhỏ.
Một vấn đề khác đặt ra, với mức thuế xuất khẩu 0% áp dụng hiện nay, dự án mới đạt hiệu quả kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, điều đó đồng nghĩa với việc bán rẻ tài nguyên. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Nói là bán rẻ tài nguyên thì cũng không hẳn. Có những sản phẩm được chấp nhận áp thuế xuất khẩu 0% để khuyến khích phát triển. Ngoài ra, tính toán về hiệu quả phải xem mọi mặt, không chỉ vấn đề thu thuế mà còn là tác động về giải quyết lao động xã hội, phát triển một ngành sản xuất… Không chỉ bô xít, nhiều loại sản phẩm khác của ta cũng vẫn đang được xuất khẩu với mức thuế 0%.
Nhưng cùng về khoáng sản, ví dụ than, đồng… đều đang được đánh thuế xuất khẩu 15-20%. Rõ ràng, ở khía cạnh này, yếu tố hiệu quả của bô xít thua kém nhiều so với việc khai thác các loại tài nguyên khác?
Trong điều kiện mới bắt đầu ngành sản xuất mới thì cần khuyến khích chứ cũng không nên “quy” rằng như thế là bán rẻ tài nguyên. Nhưng khi đã ra sản phẩm, hiệu quả rõ ràng thì cũng nên có điều chỉnh, không để mức thuế suất với tài nguyên mà ở mức 0% như thế nữa. 0% không có nghĩa là ta mất không khoáng sản nhưng đúng là cần có tỷ lệ nào đó thì mức đóng góp mới lớn, tương xứng hơn.
Còn thông tin so sánh với các loại khoáng sản khác, tôi thấy cũng hơi khó vì các ngành khai khoáng đó đã có truyền thống rồi. Than có một quá trình khai thác, chế biến đơn giản hơn nhiều so với bô xít. Đồng ta cũng đã làm từ nhiều năm trước. Quy trình làm bô xít rất tốn kém, nhất là về điện năng.
Bể lắng quặng đuôi tại nhà máy bô xít Tân Rai.
Dự án Tân Rai đến nay đã hoàn thành nhưng với Nhân Cơ, nhiều chuyên gia đang “can gián”, đề nghị tạm dừng nhà máy này, không chỉ vì vấn đề kém hiệu quả đã bộc lộ ở Tân Rai mà còn vì khuyến cáo xem xét lựa chọn lại công nghệ, nhà thầu… Quan điểm của ông về vấn đề này?
UB KH - CN & MT chưa bàn về vấn đề này. Còn tôi cho rằng đây là 2 dự án mà Bộ Chính trị đã cho phép thí điểm. Đã thí điểm thì phải có các tiêu chí để đánh giá kết quả, sau đó mới nhân rộng để làm những cái khác nữa. Dự án ở Nhân Cơ chưa xong nhưng cũng cần chỉ ra tiêu chí rõ ràng để sau này khi ra sản phẩm mới thấy được cụ thể các nội dung như đầu tư như thế, hi sinh như thế thì kết quả ra vậy, có mang lại hiệu quả xứng đáng không. Còn đang đầu tư mà dừng nửa chừng thì cũng chưa đến được kết luận gì. Hiện tại, nếu Chính phủ thấy có thể kết luận được rõ ràng là mô hình này không hiệu quả thì mới dừng.
Khi dư luận còn nhiều tranh luận, thiếu thống nhất, đồng tình như hiện nay, dự án có nên được đưa ra Quốc hội bàn rộng rãi để có quyết định chính xác, kịp thời nhất?
Theo tôi việc đó rất nên. Quốc hội cần thảo luận để từ ý kiến đại biểu, Chính phủ cần có sự tiếp thu, chỉ đạo, điều chỉnh. Nhất là khi bàn về tình hình kinh tế xã hội, Quốc hội nên đề cập những nội dung còn khúc mắc, xem như vậy chủ trương đầu tư, khai thác bô xít có gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… không.
Được biết, UB Thường vụ QH đã yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung tình hình triển khai dự án bô xít để gửi mỗi đại biểu tự nghiên cứu. Ông trông đợi nội dung gì từ bản báo cáo sẽ nhận được tới đây?
Cá nhân tôi mong bô xít cũng như các vấn đề khác được đánh giá một cách thực chất, minh bạch hóa và khách quan, khẳng định những điểm được, chưa được, hướng khắc phục có khả dĩ không chứ không phải đánh giá chung chung. Dự án đã làm cho đến thời điểm này có thể kết luận được gì thì phải nêu rõ.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện
Nguồn Dantri