Truyện ngắn
Mấy thùng các tông dưới gầm cầu thang bỗng dưng đổ “rầm” làm chị giật mình thức giấc. Chắc tối hôm qua vội về, con bé phụ việc đã tống các thứ vào đó làm cho đống thùng to tướng bị chênh phần dưới giờ chềnh ềnh ra cả lối đi. Đèn hành lang hắt một mảng sáng len vào cửa phòng ngủ, vệt lên giường chị một đường gãy khúc, soi sáng một nửa gương mặt đứa cháu ngoại tay ôm lơi bình sữa đã cạn. Khó khăn một lúc chị mới ngồi dậy được. Tay với lấy chiếc nạng đặt ở cuối giường, chị vén mùng, xỏ một chiếc dép, bước ra khỏi phòng. Hất đống thùng qua một bên lấy lối đi, chị khập khiểng, lộc cộc đi ra phía trước bật công tắc đèn. Hàng loạt mắt ếch chớp lên. Một màu vàng dịu mắt tràn ngập căn phòng, trên bức tường màu hồng có bức tranh lớn cánh rừng thu êm ả; giàn đèn chùm chính giữa căn phòng hoàn toàn phù hợp với hoa văn trần nhà tạo cho căn phòng một vẻ đẹp không quá lộng lẫy nhưng sang trọng. Mùi sơn mới vẫn còn phảng phất lúc nhạt, lúc nồng. Chị nhìn bao quát một lượt gian phòng khách rồi lộc cộc đi tiếp ra phòng lễ tân. Quầy gỗ màu nâu lên nước bóng loáng, bình hoa vẫn còn tươi thắm với những đóa hồng nhung xen kẻ những bông hoa màu trắng nhỏ li ti. Chị đứng tần ngần một lúc ở quầy tiếp tân, bàn tay miết lấy mặt gỗ và cảm nhận được hơi mát lạnh tỏa ra. Chị nhìn ra bên ngoài. Ánh đèn đường chiếu qua phần trên của giàn cửa sắt cho chị biết trời vẫn chưa sáng. Nghĩ, có trở lại giường cũng sẽ khó ngủ lại, chị bước đến ghế dựa đặt cạnh quầy tiếp tân. Ngã đầu ra lưng ghế, chị nhìn những con mắt đèn trên trần nhà. Cơ ngơi có được hôm nay là thành quả lao động cật lực của chị bao năm qua. Vậy mà, lẽ nào ngày mai chị phải xa rời nó, rút lui vào hậu trường nhường lại cho con cái? Còn nếu ở lại? Cuộc mưu sinh vốn dĩ khắc nghiệt nay lại khó khăn hơn khi lao vào chốn thương trường. Sáu tháng bung ra làm ăn với cương vị giám đốc khách sạn chị vẫn chưa quen, để bây giờ cảm thấy muốn bỏ cuộc dù cuộc đua chỉ mới bắt đầu. Những khó khăn gian khổ đã trải qua trong quá khứ sao bỗng dưng thấy nhẹ tênh so với cuộc đua ở thương trường hôm nay. Chị nhắm mắt quay ngược thời gian trở về cái ngày còn là con bé cột tóc đuôi gà ở một làng xa xôi hẻo lánh, rồi chiến tranh, và những nỗi đau trên thân thể, và những lần đứng dậy để vượt lên…
&
Làng cát ven biển ngày ấy nổi tiếng vùng đất anh hùng. Đây là doi đất tận cùng của xã. Bơi một lèo ra biển là mất hút bởi hàng loạt hòn đảo lớn, nhỏ bao quanh. Mười tuổi chị làm công tác giao liên. Chị nổi tiếng bơi, lặn giỏi. Thư từ, tài liệu vào tay chị, đi đến nơi, về đến chốn. Súng bắn trên đầu thì chị lặn dưới nước. Giặc đuổi đến bến đò là mất dấu chị. Mười lăm tuổi chị bắt đầu nếm đủ mùi nhà tù cùng những vết thương của đạn ghim vào thân thể. Đến khi bị lộ, không còn cách nào khác chị thoát ly lên núi.
Tại căn cứ chị lập gia đình với người chồng là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn đặc công. Cuộc sống ngỡ là sẽ mỉm cười với đôi trai tài gái sắc cùng chí hướng cho đến ngày đất nước hòa bình, nếu như không có những khúc rẽ định mệnh trước đó chỉ ba tháng.
Đầu năm ấy, trong một lần đi lấy vũ khí chị bị trúng mìn. Mất hai ngày đường mới đến được trạm xá nên vết thương bị nhiễm trùng nặng. Cuối cùng một chân chị bị cưa, phải lắp chân giả, chân còn lại gần như nát bét bởi 5 vết thương, gây cứng khớp và tê liệt.
Cũng trong thời gian đó, anh bị thương nặng ở đầu trong một trận chiến xáp lá cà. Ngày hoà bình gặp nhau ở chiến khu, chị đã phải quấn chăn che thân thể tàn phế của mình vì sợ anh nhìn thấy. Nhưng, những giọt nước mắt hạnh phúc của người chồng đã tiếp sức cho chị, vợ chồng dìu dắt nhau về sống ở thành phố.
Được gia đình hai bên giúp đỡ cho mượn tiền, anh chị mua một căn nhà nhỏ. Một năm sau chị sinh con đầu lòng. Cuộc sống đối với chị khi ấy dường như chỉ mới bắt đầu với không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ.
Năm sau nữa, vết thương ở đầu anh tái phát, những cơn đau đầu triền miên khiến anh phải nghỉ hưu sớm. Một tay nuôi chồng bệnh, nuôi con dại, thêm mẹ chồng bị tai biến, người bình thường đã thấy khó khăn, huống hồ chị là người không lành lặn. Giờ đây nghĩ lại chị không khỏi rùng mình, khổ đến vậy mà lại vượt qua được! Tiền lương của anh và của chị khi ấy chỉ đủ thuốc thang và nuôi con nhỏ. Một người phụ nữ chỉ nặng có ba mươi bảy ký, chân đi khập khiểng, ra ngoài phải chống gậy chẳng từ nan việc gì. Bắt đầu từ chiếc máy khâu, chị nhận may mùng, quần áo cắt sẵn… Ngày đầu tiên ngồi vào bàn máy, máu dồn xuống chân bị liệt của chị bầm tím, đau đến toát mồ hôi và phát sốt, nhưng chị vẫn không nản lòng. Từ may hàng gia công, chị mua sách tự học cắt may quần áo, rồi nhận may cho khách.
Ba năm sau chị sinh cháu thứ hai, không dừng lại ở nghề cắt may, chị làm thêm sào rưỡi rau muống. Hàng tuần phải làm cỏ, cắt gốc, bỏ phân, xịt thuốc, lấy nước... Hai mươi, hai lăm ngày thu hoạch một lứa rau muống. Ban ngày may vá, lo cơm nước cho gia đình, ban đêm chị chống gậy ra ruộng. Hồi đó, ruộng rau muống còn hoang vu, tối trời mọi người sợ ma không dám ra ruộng; còn chị, cơm chiều xong, nạng, gậy, cây đèn dầu, cây cuốc, thau tát nước, một cái hộp quẹt lầm lũi ra đi. Vét mương cho nước chảy ra ao xong bắt đầu tát vào ruộng. Mùa mưa tháng 10, đường trơn trợt, sình bám chân, chị thường xuyên bị lún sình. Có lần sình lún chân rút lên không được. Càng cố, càng lún! Lôi được chân giả lên thì chân thật bị lún, cuối cùng té nằm xuống, chờ đến sáng có người đi ngang kêu níu lên giùm. Vậy mà, khâu làm cỏ hồi đó không ai qua chị. Người ta làm cỏ phải cúi xuống mỏi lưng nên không sạch. Còn chị thì ngồi bệt trên ruộng rồi bắt đầu lết mà cắt. Cắt đến đâu, lết lùi đến đó, ruộng sạch trơn. Giai đoạn tát nước mới khổ, một đầu ruộng là ao, một đầu là hồ; ao chỉ cần ngồi múc, còn hồ phải tát. Người ta thì có gàu sòng, gàu dai, còn chị chỉ có cây đòn gánh. Cột cái soong lớn vào hai đầu rồi tát. Sáng ra ai cũng ngạc nhiên khi thấy ruộng chị đầy nước như có phép lạ! Rau bán xong, phải cắt gốc, lại lết mà cắt. Khổ nhất giai đoạn phun thuốc, có lần chị xách thùng thuốc, bị trợt té, thuốc như tắm lên người! Hồi ấy cứ bán được một lứa rau, chị để dành được chỉ vàng.
Tích cực làm việc nhưng cuộc sống vẫn chưa muốn mỉm cười với chị. Khi con bé út chưa đầy hai tuổi, anh phát bệnh gan do nhiễm chất độc ở chiến trường. Chị lại khập khiểng đưa chồng hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Giai đoạn chăm anh cực chưa gì bằng! Chị kiên trì sắc thuốc nam cho anh uống. Siêu thuốc nấu bằng củi dừa, ngồi vào bàn máy may đạp hai ba cái, lại lật đật xuống nhà chụm củi vào bếp. Ròng rã mấy năm trời, xác thuốc nam cho anh uống đổ thành bờ sau vườn.
Cuộc sống dễ thở dần khi gia đình chị được cấp ngôi nhà tình nghĩa. Bán nhà cũ, trả nợ gia đình hai bên nội ngoại, còn một ít chị sửa sang nhà mới cho tiện nghi, mở một tiệm may, nhận thêm học trò. Không dừng lại ở đó, chị mở thêm một phòng giặt ủi, nhận giặt đồ cho khách. Chân khập khiểng mà đứng giặt không biết mệt. Giặt xong rồi ủi, ai thấy cũng lè lưỡi! Khi cuộc sống khá hơn, con cái cũng lớn lên, chị cho thuê tiệm may, chỉ còn nhận may trong nhà cho ít khách quen, nhà giặt ủi chị sửa sang lại cho sinh viên trọ.
Những tưởng cuộc sống sẽ lặng lẽ trôi đi như vậy, tạm chấp nhận, biết đủ tức là đủ. Thế nhưng, hình như tạo hoá lại muốn thử sức chị một lần nữa. Hai đứa con học hành ra trường, vác tấm bằng xin việc quá nhiêu khê. Cả nhà bàn nhau làm kinh tế tư nhân. Và thế là ý tưởng xây khách sạn được nhanh chóng phác thảo trên giấy. Cầm cố miếng đất phía sau, chị lao vào tính toán làm một căn nhà sáu tầng, với đầy đủ tiện nghi của một khách sạn.
Ngày về nhà mới chị thấy mình như người mộng du, không phải vì sung sướng có một cơ ngơi khang trang mà bởi những lo lắng quá sức trong giai đoạn xây nhà. Một người bình thường đã khó, huống chi chị lại là người khiếm khuyết!
Lao vào làm ăn, có những điều tế nhị và nhạy cảm không phù hợp với chị. Đối diện mãi với nó đôi lúc khiến chị đau lòng. Trong cuộc chiến một mất một còn ngày xưa, chị quyết tâm chiến đấu đến cùng để chiến thắng; nhưng, trong thương trường khắc nghiệt này, chị thấy, việc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu đan xen nhau sao khó quá! Làm ăn phải tính đến lợi nhuận, đôi khi người ta buộc cho qua nhiều thứ, cả việc không đúng; nếu chị cứ đường ngay lối thẳng mà làm liệu chị có bị bỏ lại, biến thành kẻ bại trận?
Những suy nghĩ ấy cứ dằn vặt chị đêm đêm. Cuối cùng, chị quyết định anh và chị sẽ trở về quê, sống bình yên những ngày còn lại, giao cơ ngơi lại cho các con. Anh thương chị một đời nhọc nhằn nên đồng ý. Và như thế, sáng mai này chị sẽ cùng anh trở về làng cát ven biển ngày xưa. Chị sẽ cùng anh ngày ngày ra biển đón ánh mặt trời, bỏ lại sau lưng bụi bặm của thành phố với những bon chen thường nhật. Bỏ lại con bé cháu ngoại mới tuổi rưỡi bập bẹ kêu bà, tối ngủ tè dầm ướt cả người chị. Trở về quê là bỏ cuộc, là đầu hàng. Chị biết, đó cũng là một gánh nặng cho các con chị – chúng còn quá trẻ để hiểu hết thương trường; nhưng biết đâu chính vì trẻ mà chúng sẽ hòa nhập nhanh?
Chuông nhà thờ đổ những hồi ngắn. Đèn đường bên ngoài vẫn chưa tắt. Chị đứng dậy, lộc cộc đi vào, tắt đèn, định chui vào mùng với đứa cháu ngoại, nhưng không hiểu sao chị lại bước đến thang máy lên tầng thượng.
Cánh cửa sân thượng mở ra, làn gió đêm chuẩn bị bước sang ngày mới mát lạnh phả vào mặt khiến chị cảm thấy khoẻ khoắn và minh mẫn. Chị bước đến ngồi vào chiếc xích đu. Tầm mắt chị đụng chão ăng-ten ở góc sân thượng. Trong tích tắc chị nhớ đến những vòng kẽm gai, hầm hào ở chiến trường. Giữa cái sống và cái chết ngày ấy đâu có ranh giới, nó mỏng manh và hư ảo. Một giây thôi cũng có thể làm nhiều mạng người không còn. Chị không biết đầu hàng. Những tháng ngày lầm lũi trên bờ ruộng rau muống, chị đã chiến thắng trong sự thiếu hụt một phần thân thể để làm nên những điều mà đối với người bình thường còn khó. Giờ đây, tất cả đã đủ đầy, chỉ vì mình ngại va chạm mà không thể vượt qua. Bỏ đi là thất bại. Các con chị chưa đủ lực để đối phó với những vấn đề nhạy cảm của thương trường. Chúng cần chị. Chị phải ở lại, dù chỉ ngồi trên tấm phản đặt cạnh cầu thang, ngày ngày đút bình sữa cho cháu ngoại nhưng vẫn có chị coi ngó trong ngoài. Cái khó khăn nhất của con người là không chiến thắng nổi chính mình. Chị đã vượt qua, tại sao chị không đi tiếp cho trọn con đường. Liệu trở về làng cát chị sẽ được an nhàn hơn ở đây?
Có tiếng chân bước lên cầu thang, bóng anh cao liêu xiêu trùm khung cửa nhỏ. Thấy chị ngồi trên xích đu, anh buột miệng:
- Sao em lại lên đây? Không ngủ được à?
Chị nhích sang một bên cho anh ngồi cùng:
- Chắc không thể trở về đâu anh.
Anh nhìn lên bầu trời, có hai vì sao nhỏ bé nằm cạnh nhau, phía xa kia phớt nhẹ một vầng sáng. Bệnh tật triền miên của anh đã khiến một đời chị phải ghé vai gánh nặng đường dài. Ngày xưa, trong những cơn đau đầu không dứt, không ít lần anh đã làm tổn thương chị. Giờ đây đã qua mùa giông bão. Thương chị anh chỉ biết giữ chặt trong lòng. Mặt trời mọc lên từ đâu đó làm ửng hồng một vầng mây xa. Ngày mới đang đến. Hơn ai hết, anh biết, chị chẳng bao giờ đầu hàng dù khó khăn dến mấy. Những ngúc ngắc của chốn thương trường sẽ làm chị suy nghĩ. Nhưng, những điều ấy sẽ giúp chị sống mạnh mẽ hơn. Anh choàng tay qua vai chị:
- Xuống nhà đi em, anh sẽ pha cho em tách cà phê sữa nóng. Chốc nữa thôi con bé Ti lại đòi bà rồi đấy, em sẽ chẳng có thì giờ lo cho mình đâu.
Đèn đường phụt tắt. Ban mai tràn đầy. Một ngày bắt đầu với bao bận rộn, tính toán. Ở lại có nghĩa là tiếp bước, là dấn thân vào thử thách, là lao vào cuộc chiến. Chị là như thế!
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Địa chỉ: Đào thị Thanh Tuyền - 92 A Trần Bình Trọng, Nha Trang