Trang chủ » Trần Nhương giới thiệu

LỬA ĐẮNG = CHƯƠNG 13

Nguyễn Bắc Sơn
Thứ ba ngày 2 tháng 6 năm 2009 8:30 PM


…. Anh không thể tưởng tượng được, em mừng vui thế nào khi anh báo tin anh đã được xoá án kỉ luật, được phục hồi chức vụ. Thế là sự thật đã thắng. Anh đã thắng. Và em cũng thắng, phải không anh yêu? Nếu lúc này có anh ở bên, em sẽ liều, sẽ bất chấp tất cả… Anh có biết em sẽ làm gì không? Em sẽ bắt tay chúc mừng đồng chí bí thư của em. Em sẽ hôn lên vầng trán thông minh, cương nghị, quyết đoán của anh, và em sẽ dũng cảm, vượt qua tất cả, hôn lướt lên cặp môi đàn ông đầy đặn của anh, nếu anh hưởng ứng, mà sao anh lại không hưởng ứng nhỉ?... Ta sẽ hôn nhau như một người đàn bà hôn một người đàn ông khi yêu nhau.
…Nhớ hôm ở quán cà phê vườn Bằng Lăng, em biết anh đã phải kìm nén thế nào, anh đã phải ngó lơ đi chỗ khác, bởi nếu cứ nhìn em, anh cũng không kìm được lòng mình mà đi tới, cái việc mà lẽ ra hôm ấy, cả anh và em đều phải đi tới. Nhưng rút cục là không ai dám vượt qua chính mình. Còn hôm nay, lúc này….? Em dám vượt qua anh yêu ạ! Anh sẽ hưởng ứng chứ? Anh sẽ xiết chặt em bằng đôi tay săn chắc mạnh mẽ của anh. Ta sẽ trao nhau nụ hôn nồng nàn, đắm đuối mà lẽ ra, đã phải cho nhau từ lâu rồi anh nhỉ. Em sẽ hôn anh đến ngạt thở. Trên thế giới, người ta đã tổ chức thi hôn nhau giữa quảng trường thành phố. Nếu là công dân nước ấy, anh với em cũng sẽ dự thi. Dám không anh? Nhất định mình sẽ giật giải đấy anh ạ.
… Lại đến cái hôm anh báo tin, được mời đến gặp Tổng Bí thư. Trời ơi!... Lúc ấy em đang ở ngoài đường. Em dừng lại. Nghe anh nói xong. Chắc anh nói trong xe, có lái xe nên anh chỉ thông tin. Em đọc thấy trong những từ ngữ thông tin ấy, một thái độ, cố làm ra tự nhiên, nhưng chẳng tự nhiên tí nào. Anh biết không, em cho xe chạy từ từ, đến một quãng vắng, dưới một tán cây rậm rạp, đèn đường bị che lấp, đỗ lại. Không thể đi tiếp được. Toàn thân cứ run lên vì sung sướng. Em biết đấy là một sự kiện, một bước ngoặt hết sức có ý nghĩa của đời anh. Có liên quan, có ý nghĩa gì với đời em không? Có đấy anh ạ! Nhưng không gọi ra được. Chỉ biết là em sung sướng, như đó chính là cuộc gặp của mình với Tổng Bí thư vậy.
 Thế ra mình vẫn có nơi, có người để mà đặt lòng tin đấy chứ. Chả lẽ cứ u u minh minh mãi. Trên nói, dưới chả nghe. Dưới nói, trên cứ bịt tai, cứ ì ì mãi như cái tầu hoả đường một mét đến bao giờ. Bây giờ, việc làm của anh, được người lãnh đạo cao nhất biết đến và ủng hộ, thì đó là hạnh phúc của thành phố này, của đất nước này đấy anh ạ. Em không ảo tưởng đâu. Rồi đấy anh xem.
Ngày hôm sau, trước khi đến khu Liên hợp Văn hoá Thể thao thị sát một vòng, em quyết định tự ban cho mình một phần thưởng đặc biệt. Đố anh là gì nào? Anh không đoán được đâu. Em đến quán Bằng Lăng, vào đúng căn phòng xanh xinh xinh chúng mình đã ngồi, gọi cốc dimah dâu, anh đã gọi cho em. Em đưa mắt ngắm “những chùm hoa bằng lăng phớt tím, như nét mực loang trên trang vở học trò”, câu thơ của một cô bé học sinh nào đó. Em nhắm mắt lại để anh hiện lên trong trí tưởng tượng. Hôm ấy, anh mặc chiếc sơ mi ghi nhạt, chiếc quần ka ki sáng màu. Chả mấy khi anh thắt cravat nhỉ? Em thích cái giản dị của anh. Quen xem dạ, lạ xem áo quần mà. Dự hội nghị thì anh rõ là một chính khách. Còn hằng ngày đến cơ quan, anh cứ như anh bây giờ nhé.
 Em ngồi đấy, đắm mình trong nỗi nhớ anh, nhớ như in hai bàn tay anh, ấp chặt hai bàn tay em, vuốt nhẹ.
 Chị chủ quán thấy em lững thững vào một mình, ngồi chán lại lững thững một mình ra, chắc nghĩ là bạn trai không đến, chờ chán không được đành về. Chị ta nhìn em ra chiều cảm thông. Họ đâu biết, anh vẫn ngồi bên em, bây giờ đưa em về. Tay quàng qua lưng em, dừng lại nơi eo lưng, nắm chặt bàn tay em. Tay kia, em cũng quàng qua lưng anh, nắm bàn tay kia của anh. Hai đứa líu ríu ra khỏi quán trong con mắt ve vuốt của mọi người: “Họ đẹp đôi quá!”
Có một chuyện phát sinh ở khu Văn hoá Thể thao, em sẽ xử lý bằng được, trước ngày khánh thành anh ạ.
*
Mấy trưởng phòng liên quan cùng với Văn phòng quận được mời lên họp với Thanh Diệu - Phó chủ tịch phụ trách xây dựng và quản lí đô thị. Đoàn Hùng - Phó chủ tịch phụ trách Văn xã đề nghị báo cáo kế hoạch khánh thành, cũng đồng thời là lễ khai trương khu Văn hoá - Thể thao quận. Mỗi người lần lượt báo cáo phần việc của mình. Riêng phần nghi lễ và các tiết mục biểu diễn chào mừng, sẽ có một cuộc họp riêng của Hùng với Trưởng phòng Văn hoá Thông tin và nhà Văn hoá quận. Bây giờ chỉ họp nắm tình hình chung để phối hợp.
Diệu phát biểu:
- Cảm ơn các đồng chí, các bộ phận đã phối hợp đồng bộ, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Đây sẽ là một sự kiện không nhỏ ở quận ta. Các sinh hoạt chính trị, xã hội, thể thao, văn hoá, văn nghệ lớn của quận sẽ có một địa điểm khang trang để tổ chức. Ngoài ra, còn có thể phục vụ phong trào chung của thành phố khi cần huy động, hoặc cũng có thể kết hợp làm dịch vụ, mang lại nguồn thu cho quận. Vì thế, chúng ta cố gắng làm thật tốt, không để xẩy ra một việc gì đáng tiếc…
Đột nhiên, chị nêu câu hỏi:
- Có chi tiết nào cần điều chỉnh không các đồng chí? – Chị nhìn Trưởng phòng Xây dựng, rồi lại nhìn Quân - Thanh tra Xây dựng. Hai người nhìn chị, rồi quay sang nhìn nhau. Diệu hỏi tiếp:
- Cảnh quan xung quanh, nhà dân…. không có gì phải để ý à các đồng chí?
Thấy mọi người vẫn ngơ ngơ, Diệu lại nhìn hai người này, rồi hỏi:
- Không lẽ các đồng chí không phát hiện ra, cái nhà to đùng ngay sát sân quần vợt mở cửa sổ sang sân quận à? Một dãy cửa sổ, mỗi tầng hai cái, năm tầng mười cái chứ có phải cửa tò vò đâu mà không nhìn thấy?
Im lặng. Diệu dồn:
- Sao? Hay tôi nói sai? Các đồng chí trả lời tôi đi chứ!
Trưởng phòng Xây dựng đứng dậy:
- Báo cáo chị…. Bản thiết kế được thành phố duyệt mà chúng tôi cũng có một bản, nếu không nhầm thì không có hàng cửa sổ ấy.
Diệu quay sang Quân. Anh này đứng lên. Ai cũng nhận ra vẻ lúng túng trong bộ mặt tối sầm, bụi bặm của người suốt ngày phơi mặt ngoài đường.
- Báo cáo chị… báo cáo chị, họ… thật ra, họ… vẫn làm trên diện tích của họ ạ.
Chưa ai thấy, trên khuôn mặt đẹp, dịu dàng vốn có của Diệu, nét cứng rắn này. Chị chất vấn:
- Đồng chí biết, để có khu Thể thao Văn hoá này, đã xảy ra bao chuyện rắc rối lôi thôi cho nhiều người không? Đồng chí thừa biết, luật pháp không cho phép mở cửa sổ sang nhà liền kề, khi tường nhà anh đã xây hết đất. Vậy vì sao trường hợp này lại để người ta làm? Vì đây không phải là nhà mình, nên đồng chí mới để thế chứ gì?
- Báo cáo chị, tôi có xử lí đấy ạ!
- Đồng chí xử lí thế nào? Chỉ có lối phạt cho tồn tại thì mới thế chứ. Tôi nói có đúng không?
Không cãi được, Quân đành im. Chị tiếp tục mổ xẻ:
- Không thể để một cuộc thi đấu, ví dụ giao hữu giữa các đồng chí lãnh đạo quận và thành phố, mà trên cửa sổ ấy, người ta giăng đủ thứ ra phơi phóng; người ta ăn mặc thoải mái, nói năng thoải mái. Các cháu nhỏ có thể ném các thứ xuống sân lúc mọi người đang chơi v.v… Tôi yêu cầu đồng chí, bằng mọi cách giải quyết việc này, để ba ngày trước giờ khai mạc, tất cả cửa sổ mở trái phép sang sân thể thao quận đều đã được xây bịt lại. Đồng chí có làm được không?
- Báo cáo chị….
- Không, đồng chí hãy trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi. Đồng chí phải làm được, vì về mặt pháp lí, họ làm sai. Nếu đồng chí không làm được thì… cho phép tôi được suy luận, chỉ có thể hiểu là, đồng chí đã há miệng mắc quai, không thể nói được họ, vì đã xử phạt cho nó tồn tại.
Quân vẫn im lặng. Bị đi guốc vào bụng, cãi thế nào? Diệu vẫn truy đến cùng:
- Nếu đồng chí thấy, không thể thực hiện được yêu cầu của tôi thì … đồng chí có thể rút lui khỏi chức vụ của mình. Đồng chí có thể trả lời ngay, mà cũng có thể trả lời sau, muộn nhất là đầu giờ làm việc sáng mai. Nhưng, yêu cầu của tôi là bất di bất dịch.
Quay sang Đoàn Hùng, Diệu hỏi:
- Anh có cho ý kiến gì không?   Không ạ…. Mời các đồng chí nghỉ.
*
Diệu điện thoại, kể vắn tắt cho Kiên nghe chuyện, rồi hỏi:
- Em xử lí thế có đúng không anh?
Kiên không những đồng ý mà còn phân tích thêm:
- Sở dĩ có tình trạng xây dựng vô tổ chức, cơi nới trái phép, nhảy dù, lấn chiếm, bành trướng đất công…. chính là vì ta cứ phạt cho tồn tại, đúng như em nói. Em điểm đúng huyệt đấy. Thật ra, cũng đến lúc phải thay anh này rồi. Dư luận kêu Thanh tra Xây dựng lắm. Em để mắt mấy tụ điểm buôn bán vật liệu xây dựng, mấy chỗ đổ chất thải xây dựng đường Tuổi trẻ đi nhé. Cứ vững tâm mà làm.
Anh dặn này, làm quản lí thì phải dựa vào cơ sở pháp lí rồi. Nhưng cái khó là vận dụng vào thực tế. Một sự việc, có khi lại chịu sự điều chỉnh của không chỉ một điều luật đâu. Không bao giờ để bị gẫy về mặt pháp lí. Đấy là điều tối kị em ạ. Tâm lí thường là yếu tố nhất thời, không ổn định, nhưng nhiều khi lại không thể bỏ qua. Đạo lí thì bền vững hơn, nhưng có khi lại mâu thuẫn với những qui định của pháp lí…
Kiên vẫn thường tranh thủ truyền cho Diệu những điều gan ruột, chắt lọc được qua công việc của mình. Anh quí mến chị, như quí mến đứa em gái. Anh tin chị như một người bạn tin cậy nhất. Nhưng anh không thể dối lòng mà nói rằng, mình không thích chị. Tất cả những người đàn ông có dịp làm việc với Diệu, không ít thì nhiều, không ra mặt thì kín đáo đều thích chị. Từ cách ăn mặc nền nã, không quá tân tiến, cũng không lỗi mốt, đến dáng đi vừa quý phái, chính khách, vừa nữ tính quyến rũ của chị.
Đã nhiều lần Kiên tự hỏi, chẳng lẽ mình yêu? Mà yêu thật từ bao giờ rồi còn gì. Không yêu mới lạ. Chỉ có điều, anh có một người vợ cũng đáng yêu như thế, hơn thế, hay gần bằng thế, cũng không biết nữa. Cái này hơn, cái kia kém. Nhưng đôi mắt Diệu thì…, quả thật, anh chưa thấy đôi mắt nào đẹp thế. Đôi mắt lá răm dưới đôi mày thanh tú, không tô kẻ, không tỉa tót, lúc nào cũng ướt rượt, mà lại của một chính khách thì lạ quá.
Điều đáng nói là Thảo Tần, vợ anh luôn làm cho anh thăng bằng trong cuộc sống. Có một điều bắt buộc phải nhắc đến: công việc. Công việc có khi kéo Diệu lại, có khi đẩy ra xa, vừa làm họ gần gụi, yêu quý nhau, vừa giăng tấm lưới ngăn cách. Tấm lưới như có như không, lúc ẩn lúc hiện. Hễ nhắm mắt lại thì nó hiện ra. Mở mắt ra thì nó biến mất. Biến mất, nhưng lại giăng kín mọi nẻo đường, trong mỗi bước đi, trong cơ quan này, trong quận này, thành phố này…
Diệu chăm chú nghe anh nói. Chị biết, không nhà trường nào, giáo trình nào, không thầy nào, bạn nào dạy chị những điều quý báu ấy. Như đứa học trò ngoan, Diệu hỏi lại thầy: “Anh cụ thể một việc đi cho em nhớ”. Kiên nghĩ một tí rồi trả lời: “Một anh lái xe gây tai nạn, bị tù. Pháp luật cho phép người vợ được bỏ người chồng đã mất quyền công dân ấy. Em thấy đấy, pháp lí là một chuyện còn tâm lí, đạo lí lại là chuyện khác. Không phải bao giờ ba cái lí ấy cũng gặp nhau đâu em ạ. Nghe anh dặn, em cần theo dõi và đề phòng phản ứng của Quân đấy.
Nhân bảo như thần bảo, mới chập tối, Quân đã mò đến nhà Diệu. Ông ta không đi một mình, mà kéo theo một người. Diệu đề phòng. Chị tấn công ngay khi ông ta chưa kịp giới thiệu:
- Mời hai anh ngồi chơi. Ông khách này là thế nào? Có gì ngoài việc sáng nay mà anh phải đến đây.
Đôi mắt trắng dã trên bộ mặt tối sầm , Quân cầu khẩn:
- Chị thông cảm cho. Vẫn là chuyện sáng nay thôi. Đây là ông… chủ ngôi nhà sát sân quần vợt quận ta.
Khi hai người xuất hiện, Diệu đã đoán được lí do cuộc gặp này. Diệu còn đang cố dẹp bớt sự khó chịu, cứ khiến mình phải kìm nén thì điện thoại di động réo. Giọng một phụ nữ không quen biết. Nhưng người gọi lại tỏ ra quá biết Diệu. Hoá ra là phu nhân Bí thư Thành uỷ đã bị huyền chức. Bố trí khá thật! Bà ta nói, chị thông cảm, linh động giải quyết cái vụ mấy chiếc cửa sổ của người khách đang ngồi lù lù kia. Hoá ra Bí thư Thành uỷ đã xin đất Lâm Du, đúng lô đẹp đẹp này, rồi đổi cho ông ta, lấy căn nhà số 17 phố Cầu Tre để thông sang căn nhà số 58 Cầu Mây của mình… Thảo nào. Không còn cách nào khác, không thể giải thích gì, cũng không thể trả lời bà ta có hay không, Diệu cứ “dạ, dạ” suốt từ đầu đến cuối. Phải chối cũng “dạ”. Tiếng “dạ” như một từ đáp lễ xã giao, lịch sự, như thuận miệng, chả có nội dung cụ thể gì. Bên kia đầu dây chấm dứt câu chuyện rồi chào. Chị cũng “dạ” nốt.
Khách lễ phép:
- Thưa chị, tôi sẽ bịt mấy cái cửa sổ ấy lại đúng theo yêu cầu của chị.
Diệu nghĩ bụng, thế nghĩa là quân mình đã ăn ngập miệng của người ta. Bây giờ vừa muốn giữ ghế, vừa không muốn bị lật tẩy, nên đưa họ đến, để lôi mình vào cuộc đây. Không cẩn thận lúc này là chết. Cảnh giác, Diệu độp thẳng:
- Anh nói lại, tôi nghe không rõ. Anh bảo bịt mấy cái cửa sổ là bịt kiểu gì? Cánh cửa chớp thì mở ra ngoài, trong không gian sân quần vợt. Vậy anh bịt kiểu gì ngoài cánh cửa chớp? Và bịt bằng gì? Giấy báo hay giấy xi măng? Vì cửa chớp đã lắp ngược bản lề để chống tháo, chống rơi rồi cơ mà?
Quân tái mặt. Không ngờ bà Phó chủ tịch xinh đẹp này lại có thể tỉ mỉ và sắc sảo đến thế. Ông ta và người kia đã bàn suốt chiều. Tiền thì mình đã đút túi. Muốn nôn ra, để buộc hắn ta xây lại, nó cũng không nghe. “Ông đừng trẻ con”. Thế nên mới dùng phương án thoả hiệp, cùng đến gặp Diệu. Hắn ta có sáng kiến, nhờ phu nhân cựu Bí thư can thiệp. Quân mừng húm. Đến đoạn ai sẽ thưa thốt, dùng câu chữ thế nào, lại uốn lưỡi một chập. Cuối cùng thống nhất, cứ nói là bịt lại, còn bịt thế nào là chuyện của mình. Qua lễ khánh thành thì dỡ ra. Đâu lại vào đấy. Ngon rồi! Ai ngờ, cái con mụ này lại tinh quái thế.
Hai người khách nhìn nhau. Không ai tính đến tình huống này, nên cùng đần mặt ra, không biết nói sao. Diệu dứt khoát:
- Yêu cầu xây bịt lại.
Chị dằn từng tiếng.
Một chút hi vọng của kẻ láu lỉnh, khôn vặt vụt đến. Chính Quân mớm cho người kia mới nhục nhã chứ:
- Vâng, thưa chị. Tôi sẽ yêu cầu xây bịt lại… Quân quay sang, như chỉ thị cho người kia - Ông xây ngay đi, xây từ trong xây ra….
Lại một lần nữa, Diệu lật tẩy:
- Xây từ trong ra, hay từ ngoài xây vào, là chuyện của chủ nhà, của thợ xây, của các anh. Nhưng cửa chớp dứt khoát phải tháo bỏ. Nếu không, nhìn từ ngoài vào, chỉ là đóng cửa thôi. Không ai biết, thật ra phía trong có xây bịt lại không.
Hết trò diễn. Hai người bèn đứng dậy xin phép về. Diệu giao hẹn:
- Không có chuyện nhân nhượng gì đâu đấy. Các anh nhớ cho!
Hai người đang dợm bước, sắp rời khỏi chỗ đứng. Diệu ngăn lại:
- Khoan đã. Hai anh đợi cho một tí…
Diệu cầm điện thoại di động lên, bấm bấm mấy cái, rồi giơ chiếc điện thoại lên như một vật chứng:
- Tôi đã bấm sẵn số máy của một người, mà tôi nghĩ, sự có mặt của người ấy lúc này, rất có thể là cần thiết… tuỳ thuộc vào xử sự của hai anh.
Cái mặt đần thối nghệt ra, Quân vờ ngạc nhiên:
- Có chuyện gì thế chị Diệu?
- Anh không biết thật à? Thế các anh để cái gì, dưới ngăn bàn nước nhà tôi đấy?
- Có gì đâu ạ?
Đã làm việc dưới trướng Diệu bấy nhiêu năm, chưa bao giờ ông ta nhìn thấy bộ mặt này quyết liệt đến thế. Giọng chị đanh lại:
- Tôi nói rồi, tôi có gọi một người đến bây giờ không, là tuỳ thuộc vào các anh. Các anh không thể chối rằng, cái vật các anh vừa lén lút để lại dưới bàn nhà tôi, không phải của các anh. Người ta sẽ tìm ra dấu vân tay ở đấy. Chắc các anh không đeo găng tay, hay lót khăn tay hoặc giấy ăn khi cầm nó chứ gì?
Cố làm ra vẻ khổ sở, ăn năn, ngài thanh tra xây dựng, vô cùng oai phong lẫm liệt, mỗi khi dừng xe xoi mói nhìn các công trình xây dựng có vi phạm trước khi “nói chuyện” với gia chủ, chỉ còn thiếu nước quỳ xuống lạy. Quân nhăn nhó, khẩn khoản:
- Xin chị tha cho… Chị rón tay làm phúc…
Người kia, quỵ luỵ kiểu khác. Ông ta nói:
- Chị giúp chúng tôi. Tôi đã phải cậy đến vợ đồng chí Bí thư Thành uỷ có lời với chị rồi….
Không bận tâm đến người này, Diệu quay sang Quân:
- Các anh cầm lấy cái phong bì kia đi cho tôi nhờ.
Hai người cùng ngần ngừ, có vẻ sợ ai cầm thì người ấy có tội. Chị giễu:
- Ai cầm chả được. Hai như một cơ mà.
Đã nói đến thế, giữ ý cũng chả làm gì. Vì thế quan thanh tra cầm lên. Thật ra, lôgic của câu chuyện thì nó phải là của anh ta rồi. Nếu không tinh ý, phát hiện ra thì…. chết vì gã này. Diệu thầm cảm ơn Kiên đã nhắc mình đề phòng. Chị kiên quyết:
- Một lần nữa, tôi lại để anh lựa chọn: hoặc là đợi công an đến, anh phải ký vào biên bản đã đồng loã với anh này hối lộ tôi. Hoặc là, ngay bây giờ anh viết đơn xin từ chức vì những sai phạm, không còn xứng đáng ở cương vị đương nhiệm nữa.
Thật ra Diệu cũng chỉ đe cho Quân sợ mà phải ép tay kia xây bịt lại thôi. Vì thế thấy hai người vẫn chôn chân ở đấy, chị bảo:
- Muốn yên lành thì các anh về bàn nhau xây bịt ngay lại. Có thế thôi.
*
*          *
Lần đầu tiên Kiên tiếp công dân.
 Nhân viên tiếp đón đưa cho thư ký một tờ giấy ghi tên, tuổi, nghề nghiệp với đề nghị chung chung, “phát biểu ý kiến về các nhân viên công quyền của quận.” Kiên vừa đọc xong, người khách đã bước vào. Ông ta nhấc chiếc mũ phớt màu ghi khỏi mái tóc bạc, rồi cúi đầu, miệng nói “Chào ông”, tay đưa ra bắt. Cung cách của một trí thức “kiểu cũ”. Kiên đứng dậy bắt tay:
- Mời ngồi và xin được nghe ý kiến bác.
 Chẳng rào đón gì, khách vào đề bằng câu hỏi:
- Ông có biết anh hùng Núp không?
Đề phòng, Kiên hỏi lại:
- Tôi sẵn sàng nghe ý kiến bác về mọi vấn đề trong quận ta. Còn về các mối quan hệ, kiến thức văn hóa, văn học hay xã hội thì… xin được trò chuyện vào dịp khác, nếu tiện.
Khách tỏ ra rất chủ động. Bình tĩnh và bản lĩnh, người đàn ông ngoài bảy mươi, mái tóc bạc lòa xòa chấm vai, nhìn thẳng vào mắt người đối thoại:
- Ông cũng như tôi, như tất cả mọi người Việt Nam đều biết anh hùng Núp. Đất nước này chỉ có một anh hùng Núp, đóng khố, đeo vòng cổ, ngọn mác trong tay, đánh Pháp giỏi, làm rẫy giỏi, nói dân, dân nghe… Nhưng bây giờ…. người của các ông được gọi là anh hùng Núp thì đau xót quá!
- Thú thực là tôi không hiểu ý bác nói gì?
- Điều này cũng dễ giải thích. Quan chức các ông rất xa lạ với đời sống xã hội. Dân đi xe máy chúng tôi và cánh tài xế ô tô gọi những tay cảnh sát giao thông đứng nấp sau các gốc cây, bất chợt hiện ra bắt người vi phạm là anh hùng núp đấy! Ông có thấy đau lòng không? Và cũng tránh sau những gốc cây, người vi phạm đưa tiền cho họ để không bị xử lí, không bị giữ giấy tờ, được đi ngay. Tôi vừa mới bị một ông như thế vồ.
Quân nhân ở trong doanh trại, công chức ở nơi làm việc. Chỉ có cảnh sát làm việc trên đường phố. Đấy là một hình ảnh của bộ máy công quyền chúng ta. Mong ông lưu ý. Xin thứ lỗi vì đã làm mất thì giờ quí báu của ông!
Kiên thừ người ra. Chuyện là chuyện không đâu. Nhưng nó lại gieo vào anh một cái gì thật chua xót. Nó là lời cảnh báo về tư cách công chức của ta. Quả thật, anh chưa nghe ai gọi thế! Hùng chắc biết, nhưng cũng chưa bao giờ dùng nó trước mặt Kiên.
Nhưng, vì sao họ phải làm thế? Ừ, hai anh em đã chả nói với nhau hôm đi tắm bùn là gì? Trên đất nước này, không ai sống được bằng lương. Mình cũng thế. Mình còn đi họp, còn có phong bì, có quà biếu. Anh em đứng đường, phơi mặt ngoài nắng, rét cả ngày, phong bì đâu ra? Quà biếu đâu ra? Phải tìm cách để sống chứ? Có cách gì tốt hơn là rình bắt những người vi phạm. Mà người vi phạm cũng muốn được thế, để chỉ mất nửa tiền so với mức phạt. Hai bên đều có lợi. Lại không mất thì giờ lập biên bản, đi nộp phạt…
Kiên ghi vào sổ tay: - Làm sao chấm dứt tận gốc chuyện “anh hùng núp”?
Người thứ hai là một nhà báo đứng tuổi. Kiên không như nhiều quan chức, hay ngại cánh nhà báo tọc mạch, moi móc. Nghề nào chả có người hèn. Không biết ông nhà báo này thuộc loại người nào?
- Chào đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch Quận. Tôi gặp đồng chí không phải để viết bài đâu, mà là để đề xuất một ý kiến thôi. Ý kiến này tôi đã nêu trong một bài viết. Nhưng giao thông công chính thành phố chẳng thèm đếm xỉa đến, nên tôi gặp đồng chí. Ở một quận đang thí điểm cải tiến sự lãnh đạo, cũng là cải cách hành chính quyết liệt, đề xuất của tôi chắc được thực hiện.
Nhà báo hỏi anh mấy câu. Không phải để tìm câu trả lời, mà chỉ là cách nêu vấn đề, buộc người nghe phải suy nghĩ, từ đó dẫn đến câu trả lời của mình.
- Trên địa bàn quận đồng chí có bao nhiêu trường đại học, cấp 3, cấp 2, cấp 1, mẫu giáo, nhà trẻ…? Đồng chí hỏi Trưởng phòng Giáo dục thì biết ngay. Đó cũng là bấy nhiêu điểm ùn tắc giao thông, những lúc sắp vào học, lúc tan trường, phụ huynh đưa đón con. Nhất là vào dịp thi vào cấp 3, thi tốt nghiệp phổ thông, thi đại học thì tắc khủng khiếp.
- Vâng đúng thế, - Kiên đồng tình.
- Có một cách đơn giản có thể giảm bớt sự ùn tắc ấy. Đó là mở rộng lòng đường, mỗi phía chừng năm mươi mét, hai bên cổng trường. Chỉ cần xén kỳ hết vỉa hè trăm mét hai bên đường là đã rộng được bao nhiêu cho người và xe đứng. Vỉa hè thì cao, không dắt xe lên được, thế là cứ chềnh ềnh ra dưới lòng đường… Đúng không đồng chí?
Thành phố ta cả triệu xe máy. Xe máy là phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu. Nửa dân số là phụ nữ. Đến cả đàn ông cũng không thể dắt xe máy lên vỉa hè vào nhà, nói gì đến phụ nữ. Sao lại thiết kế vỉa hè vô lí thế được. Thời thực dân, lối vào nhà nào, vỉa hè cũng bạt thấp xuống bằng lòng đường, rồi mới thoai thoải lên cho ô tô vào. Nay, vỉa hè lắm phố cao hơn cả lòng nhà, vì lòng đường cứ nâng mãi lên. Hoặc ngược lại, vỉa hè thì cao, người ta phải làm giá sắt hoặc đổ xi măng để dắt xe lên. Ta lại phá đi, để đảm bảo mỹ quan đô thị. Mà cũng chả thể phá mãi được. Thế thì chính quyền vì dân hay chỉ cốt đẹp vỉa hè. Đẹp vỉa hè mà không đẹp lòng dân thì cũng vứt đồng chí ạ. Thôi tôi về. Cảm ơn!
Kiên đứng dậy:
- Cảm ơn anh. Đúng là con mắt của nhà báo. Đơn giản thế, sao không ai nghĩ ra nhỉ?
*
Khách mời dự lễ khánh thành khu Văn hoá Thể thao Lâm Du, quan chức nhỏ đến trước, quan chức to, quan chức trung ương đến sau. Nhận “tài liệu” xong, ai nấy vào ghế trên hay dưới, giữa hay bên theo lễ tân hướng dẫn hay tự chọn theo chức phận của mình.
Chiều hôm trước, Kiên đã đi kiểm tra một lượt. Việc đầu tiên là anh liếc nhìn toà nhà năm tầng sát sân quần vợt. Mười chiếc cửa sổ đã biến mất, chỉ còn nhận ra hình bóng chúng, do lớp sơn mới quét, sẫm hơn lớp sơn xung quanh. Kiên hỏi Hùng:
- Cậu thưa gửi mất bao lâu?
- Em tập rồi, theo tinh thần cải tiến của anh, chỉ mất ba phút đổ lại.
- Thời gian mít tinh, biểu diễn văn nghệ và thể dục thể thao?
- Báo cáo anh, ba tiết mục văn nghệ hết chừng 15 phút, đồng diễn hết chừng 10 phút, biểu diễn võ dân tộc 10 phút. Trừ hao ra vào, chuyển tiết mục, dàn đội hình 5 -7 phút. Cộng khoảng trên dưới 45 phút. Em xem tổng duyệt rồi. Anh Bảo rất có kinh nghiệm trong việc này, anh biết anh ấy rồi!
- Ừ, nhanh gọn thế là phải.
*
Sau phần nghi lễ, Ban tổ chức mời Kiên, Giám đốc Sở Thể dục Thể thao, một Vụ trưởng Uỷ ban Thể dục Thể thao, lên sân khấu cắt băng khánh thành.  Bốn cô gái, áo dài hoa phượng, quần trắng, bưng bốn chiếc khay, trên đặt bốn chiếc kéo. Dải lụa đỏ vắt từ khay trên tay cô này sang tay cô kia. Diệu dán mắt vào Kiên trong chiếc sơ mi trắng, cravát mầu huyết dụ. Bốn chiếc kéo cắt bốn nhát rất ngọt. Tiếng vỗ tay rộ lên. Kiên đến trước micro. Anh nói đúng một câu:
- Tôi tuyên bố khánh thành khu Văn hoá Thể thao Lâm Du.
“Anh thật tuyệt vời”. Diệu thì thầm một mình.
Đến lượt Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ phát biểu. Sau khi thưa gửi đủ mặt, ông Lợi khẳng định:
 Công trình Thể thao Văn hoá này là thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền Thành phố đối với một quận mới thành lập. Nó chứng tỏ Đảng ta hết sức quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần thể dục, thể thao. Người nói: “Tự tôi, ngày nào cũng tập thể dục”. Người đi bài thái cực quyền tuyệt đẹp. Người dạy chúng ta: “Mỗi người dân khỏe là cả dân tộc khoẻ”. Chúng ta, khoẻ vì chúng ta, mà cũng là khoẻ vì nước…
Trung tâm này chắc chắn sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao quận ta lên theo gương Bác.
Nó cũng sẽ góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hoá lên. Nó cần lắm các đồng chí ạ.
Bởi văn hoá là chìa khoá của sự phát triển. Văn hoá, vừa là động lực, vừa là mục đích của toàn bộ đường lối chính sách của Đảng, của tất cả các hoạt động xã hội.
Mọi hoạt động xã hội đều phải có văn hoá. Ứng xử cũng phải văn hoá - văn hoá ứng xử. Giao tiếp cũng phải có văn hoá - văn hoá giao tiếp. Mua bán cũng phải có văn hoá- văn hoá thương mại. Trong nhà trường, cũng phải xây dựng văn hoá - văn hoá học đường. Chúng ta ra đường đi xe, đi bộ cũng phải có văn hoá - văn hoá giao thông. Trong nhà cũng phải cư xử có văn hoá - văn hoá gia đình. Đến vợ chồng sinh hoạt với nhau cũng phải có văn hoá - văn hoá tình dục…
Từ lúc ông Lợi bước lên bục, gõ gõ vào chiếc micro, hai tay đặt lên hai góc bục, làm thành một hình thang … méo, mọi người đã ngọ nguậy trên ghế. Ông bắt đầu chậm, khoan thai. Càng nói càng bốc. Giọng cứ cao dần.
Ngọ nguậy. Ngứa ngáy. Ngúc ngắc. Rồi người ta quay sang nói nhỏ với nhau. Phía trước xoay người, ngoái cổ lại. Người sau gập người về phía trước. Người quay sang bên cạnh. Người nhoài qua một người nói với người cách đó.
 Hùng xem đồng hồ. Vĩnh Bảo hết nhìn đồng hồ lại nhìn vào cánh gà, nơi các diễn viên nhấp nhổm, hết đứng lại ngồi. Hết ngồi lại lom khom, nhìn sang phía thủ trưởng. Mồ hôi làm nhoè nhoẹt lớp phấn trên má họ.
Ngoài kia, ông Lợi vẫn thao thao bất tuyệt. Sang sảng! Say sưa! Sung sướng. Càng sung sướng càng sang sảng, say sưa!
Ý nào cũng hay, lời nào cũng đúng. Chỉ toàn đúng trở lên.
Ý nào cũng vàng, lời nào cũng ngọc. Toàn những vàng ngọc, châu báu, bạch kim trở lên. Nhưng mà tán ra đến cả “văn hoá tình dục” thì chết thật…
Đột nhiên có tiếng vỗ tay, từ hàng ghế sau cùng. Tiếng vỗ tay càng ngày càng to, càng nhiều. Mới đầu còn lốp bốp, lộp bộp. Rồi cứ ào ào như pháo ran. Nó lan nhanh như mẹt thuốc súng bén lửa. Mỗi lúc một to, mỗi lúc một vang. Rồi tiếng trống cái, cả dàn trống đồng của đội nghi thức nhà Văn hoá Thiếu nhi quận thúc vào. Hội trường ầm vang như vỡ trận.
Diễn giả đang lâng lâng như nhập đồng, bỗng sững người. À, thì vẫn có chuyện khán giả vỗ tay hưởng ứng vì lời hay, ý đẹp của mình. Hẳn là chúng nó không thể nhịn được mới vỗ tay hoan hô. Ơ, nhưng sao lại vỗ tay kéo dài? À, thì vẫn có chuyện như thế, bởi lời mình quá hay, ý quá đẹp. Nhưng, kìa, chúng nó vẫn vỗ tay kéo dài. Lại thêm cả trống thúc, cờ rung….
Thôi bỏ mẹ! Chúng nó vỗ tay … đểu!
*
*          *
Đã hẹn qua điện thoại, hôm nay Kiên làm việc với ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở Giao thông Công chính về chuyện cải tạo vỉa hè. Nghe đầu đuôi câu chuyện, Bắc bảo, thời gian đâu mà đọc những bài báo dài dằng dặc. Thấy cái tít nào động đến mình thì xem thôi. Nhưng nếu làm theo đề nghị của anh sẽ phá hỏng thiết kế chung vỉa hè thành phố đấy.
Kiên cãi:
- Anh lên cầu Long Biên Hà Nội xem. Trên đường ô tô, người Pháp chả thiết kế những chỗ chiếm hết vỉa hè của người đi bộ, để dùng làm chỗ tránh cho xe đạp, xe mô tô nhường đường cho xe ô tô là gì? Phố Thợ Nhuộm trên ấy rất hẹp, ngày xưa vẫn là đường hai chiều, nên họ cũng thiết kế những đoạn đường tránh so le nhau, để hai ô tô gặp nhau có chỗ tránh đấy thôi. Những đoạn tránh ấy cũng xén vào vỉa hè đấy chứ.
Không để ý nên Bắc không thấy, mặc dù cũng mòn gót họp hành trên Hà Nội. Bụng bảo dạ, thằng cha này quả ghê gớm thật. Biết khách có lí, nhưng phải tỏ ra, mọi chuyện không hề đơn giản. Ông ta nói nước đôi:
- Thì vẫn biết vậy, nhưng vì nó động đến thiết kế truyền thống của cả nước, nên cũng phải cho các phòng chuyên môn có ý kiến, cũng phải thuyết trình với cấp trên, chẳng phải chỉ Thành phố mà còn cả Bộ Giao thông Vận tải nữa chứ. Anh để tôi nghiên cứu, cân nhắc đã, rồi sẽ trả lời.
Kiên ngán ngẩm. Quan chức thế này. Nền hành chính thế này… Bao giờ đất nước mọc mũi sủi tăm lên được? Nghĩ vậy, nhưng anh vẫn nhẫn nại:
- Anh cố giúp Lâm Du mở đầu cái mới này đi!
Bắc vẫn dền dứ,  mặc dù, trong phạm vi của mình, hoàn toàn có thể làm được ngay:
- Dù tôi có ủng hộ, thì ông cũng phải đợi quân tôi khảo sát, lên kế hoạch, dự trù kinh phí, báo cáo Thành phố đã chứ.
- Mất bao lâu mới triển khai được?
- Nhanh cũng phải hai tháng, hai tháng rưỡi. Kế hoạch năm duyệt cả rồi!
- Giời đất! Sao lâu thế? – Kiên kêu lên, ngạc nhiên. – Việc chung, nhưng coi như anh giúp riêng tôi vụ này. Đề xuất hay quá. Mà theo tôi, anh nên triển khai toàn thành phố đi. Rồi cả nước làm theo anh cho mà xem!
Điều này thì ông ta thấy trước rồi, không phải đợi anh nói. Nhưng thói đời vẫn vậy – phải làm cho khách biết công của mình:
- Thôi được. Tôi vì anh chuyện này, cho anh nổi đình đám lên nhé - như lời giao hẹn. - Lần này tôi vì anh đấy nhé.
Kiên hiểu, dù là việc công nhưng cũng là món nợ đây.