Hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Văn nghệ Quảng Bình (1961 – 2011)
Xuân Hoàng (1925-2004) tên thật là Nguyễn Đức Hoàng, quê gốc Phước Hoà, Tuy Phước, Bình Định; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Xuân Hoàng đã xuất bản 16 tập thơ và 4 tập văn xuôi. Trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như: Tiếng hát quê hương (thơ), Du kích sông Loan (trường ca), Miền Trung (thơ), Biển và bờ (thơ), Dải đất vùng trời (thơ), Thời gian và quãng cách (thơ), Từ tiếng võng làng Sen (trường ca), Gởi quê hương (thơ), Âm vang thời chưa xa (hồi ký tập I, tập II).
Xuân hoàng là nhà thơ gắn bó máu thịt với quê hương Quảng Bình. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất gió Lào, cát trắng. Anh từng bám trụ ở đây qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có thể nói Xuân Hoàng đã hiến trọn tài năng, sức lực của mình cho quê hương Quảng Bình yêu dấu. Trên mảnh đất kiên cường và gan góc này hầu như ở đâu cũng in dấu chân anh. Anh làm thơ ca ngợi “năm con sông quê hương”; ca ngợi những chiến sĩ mở đường và giữ đường trên tuyến Trường Sơn... Âm vang trong thơ anh những địa danh: Đèo Mụ Giạ, Đồng Hới, Cảnh Dương, Cự Nẫm... với những vùng đồi không tên, dấu gậy Trường Sơn...Và hình ảnh những anh Cơ, anh Thấy những mẹ Suốt, mẹ Sâm...Anh ca ngợi: Quê tôi đấy đất Quảng Bình xinh đẹp / Con người hiền và sông núi xanh trong... Nói như Trần Nhật Thu, anh là một thi sĩ đóng góp cho Quảng Bình “những vần thơ chói sáng nhất”. Người dân Quảng Bình vẫn còn lưu giữ không ít “những vần thơ chói sáng” ấy của anh: Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm / Dạ lan hương thơm ngát những canh dài / Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển / Bài thơ lành anh đến ngủ bên vai... Ta biết hôm nay Đồng Hới huỷ mình / Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp / Thành phố ta xây bên bờ biển biếc / Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh...( Đồng Hới). Để viết được những vần thơ ấy, Xuân Hoàng đã phải trải qua hơn ba mươi năm lăn lộn, vào sinh ra tử, đồng cam cộng khổ với Quảng Bình khói lửa.
Ngoài những vần thơ ca ngợi quê hương, Xuân Hoàng còn đóng góp một phần quan trọng vào việc hình thành các thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ ở Quảng Bình. Trần Nhật Thu thừa nhận: “Trong những năm chiến tranh ác liệt chúng tôi dựa vào anh, dựa vào niềm tin của anh để sống và tồn tại”. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xem Xuân Hoàng là “người anh đưa lối” cho chị “đi suốt cuộc đời thơ”. Hoàng Vũ Thuật tự bạch: “Trong từng chặng đường, từ ngày tôi mới đôi mươi cho đến bây giờ, lúc buồn lúc vui đều có ông bên cạnh. Ông che chở đời tôi bằng tàu lá chuối xanh vùng cát trắng, gió Lào, chứ không phải là cái mũ mão thói thường của người đời vốn ưa chuộng”. Còn Ngô Minh thì khẳng định: “Nhà thơ Xuân Hoàng mấy chục năm liền làm lãnh đạo Hội, chăm lo tận tụy cho phong trào sáng tác. Từ đó thơ anh ngày càng máu thịt với mảnh đất cơ hàn và đạn bom khốc liệt này. Cũng từ đó anh trở thành người anh cả, góp công lớn bồi dưỡng, vun đắp nên lực lượng sáng tác văn nghệ Quảng Bình sung sức với những tên tuổi được cả nước mến mộ như Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Trần Nhật Thu, Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Nguyễn Khắc Phê, Trần Công Tấn, Văn Lợi, Hữu Phương, Mai Văn Hoan...”. Nói như Ngô Minh, Xuân Hoàng là “cây cột trụ” vững chắc của Văn nghệ Quảng Bình. Hiếm ai trên cõi đời này toàn tâm toàn ý cho thơ như anh, yêu Quảng Bình như anh, hết lòng vì sự nghiệp Văn nghệ tỉnh nhà như anh. Anh được độc giả và bạn bè văn nghệ trong cả nước mến phục. Nghe tin anh qua đời, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nghẹn ngào: Góc sân cũ khóm hồng trông đỏ mắt/ Biển cồn cào thương nhớ một người xa…
Với những đống góp to lớn của Xuân Hoàng cho quê hương Quảng Bình, cho Văn nghệ Quảng Bình đúng như nhiều anh chị em văn nghệ sĩ trong tỉnh đề xuất: Xuân Hoàng xứng đáng được chọn đặt tên đường ở thành phố Đồng Hới, xứng đáng được Hội Nhà văn Việt Nam và tỉnh Quảng Bình đầu tư làm Tuyển tập. Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình nên xúc tiến xây dựng Nhà Lưu niệm những văn nghệ sĩ từng gắn bó với mảnh đất Quảng Bình, trong đó có nhà thơ Xuân Hoàng.
Mai Văn Hoan