Cử tri truy đại biểu Hoàng Hữu Phước về những phát biểu trước Quốc hội liên quan đến Luật Biểu tình.
Chiều 28-11, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch và ông Hoàng Hữu Phước, Giám đốc Công ty Doanh thương Mỹ Á, đã đi tiếp xúc cử tri quận 1 (TP.HCM) báo cáo kết quả kỳ họp thứ hai QH khóa XIII vừa bế mạc cuối tuần qua.
Cử tri hỏi ĐB Phước về Luật Biểu tình
Xung quanh dự án Luật Biểu tình, một số ý kiến cử tri đồng tình với việc phải xây dựng luật này vì đó là sự thể chế hóa quy định của hiến pháp. “Có Luật Biểu tình sẽ giúp nhân dân biết mình cần phải làm gì và chuẩn bị những gì trước khi tham gia biểu tình; Chính phủ, chính quyền địa phương cũng thuận lợi trong việc quản lý, giám sát biểu tình; đồng thời đẩy lùi những thành phần lợi dụng biểu tình để làm những việc phi pháp” - cử tri Cao Văn Triệu (phường Phạm Ngũ Lão) phân tích.
Liên quan đến những tranh luận tại nghị trường QH về sự cần thiết của dự luật này, cử tri Vương Liêm, Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận 1, đặt vấn đề: “ĐB Hoàng Hữu Phước có thấy mình hơi vội vã và chưa hiểu rõ vấn đề khi phản đối việc ban hành Luật Biểu tình?” Về vấn đề này, ông Phước khẳng định trong bài phát biểu tại QH của mình không có từ “dân trí thấp”, ý ông không hề nói rằng chưa cần Luật Biểu tình vì dân trí thấp... “Khi nói về Luật Biểu tình là tôi nói với tất cả tấm lòng mình” - ông Phước bày tỏ và cho rằng với ĐBQH thì cử tri được coi như cha mẹ. “Cha mẹ nói cha mẹ cần, còn phận làm con muốn nói nhiều khi khó lắm cha mẹ ơi (?)” - ông Phước nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay thăm hỏi cử tri quận 1 (TP.HCM) trước buổi tiếp xúc chiều 28-11. Ảnh: VD
Các ý kiến cử tri đều được tiếp thu có trách nhiệm
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định tất cả vấn đề cử tri có ý kiến đều được các ĐB lắng nghe và tiếp thu có trách nhiệm. “Có những chuyện của TP thì chúng tôi làm việc với TP, có những chuyện vĩ mô chúng tôi phải đưa vào chương trình của trung ương. Mong cử tri hãy kiên nhẫn với những vấn đề vĩ mô bởi những vấn đề này phải giải quyết lần lượt chứ không thể một sớm một chiều mà gỡ được ngay” - ông Sang cho hay.
Về dự án Luật Biểu tình, Chủ tịch nước cho rằng đó là nội dung đã được quy định trong hiến pháp, còn thể chế hóa quy định đó như thế nào cho phù hợp là vấn đề đang tiếp tục bàn. “Khi nào có dự thảo luật này, mong cử tri đóng góp ý kiến xây dựng nhiều hơn nữa” - Chủ tịch nước đề nghị.
Đối với dự án Luật Biển Việt Nam, có cử tri thắc mắc luật này có trong chương trình kỳ họp nhưng sao chưa thấy QH thông qua. Trả lời, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Luật Biển dứt khoát phải ban hành nhưng phải cân nhắc kỹ trên cơ sở chủ quyền quốc gia và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Từ “phòng, chống” thành “diệt tham nhũng”
Sáng 28-11, Đoàn ĐBQH khóa XIII TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri ba quận Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê. Liên quan đến vấn đề tham nhũng, một số cử tri nhắc lại cần xử lý đến cùng những sai phạm tại Vinashin. Thậm chí, có cử tri cho rằng cần phải đổi cụm từ “phòng, chống tham nhũng” hiện nay thành “diệt tham nhũng” để tỏ rõ sự quyết tâm trong lời nói và hành động đối với nạn tham nhũng.
Các ý kiến cử tri cũng yêu cầu ngành xăng dầu, điện phải báo cáo cụ thể về việc kinh doanh lãi hay lỗ. “Ngành điện kêu thua lỗ nhưng lại đi đầu tư ngoài ngành hàng ngàn tỉ đồng. Chúng tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc làm rõ thực hư lỗ lãi, sai phạm như thế nào cho dân biết” - cử tri Bùi Thị Tý (quận Sơn Trà) nói.
Trả lời các câu hỏi cụ thể của cử tri về việc bán rẻ sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH TP, cho biết tiền bán sân vận động (hơn 1.000 tỉ đồng) là không rẻ, nếu bán ở thời điểm này thì chỉ ở mức 500-700 tỉ đồng. Ông Thanh cũng cho hay sang năm, tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, tất cả phụ nữ nghèo chưa có nhà ở, đang thuê nhà sẽ được TP bố trí cho thuê căn hộ chung cư...
LÊ PHI |
Nguồn: PLTP