TNc: Sáng nay tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra Hội thảo TRẦN NHÂN TÔNG VÀ CON ĐƯỜNG CHÍNH ĐẠO. Đây là một cuộc hội thảo tầm quốc tế lần đầu được tổ chức. Xin giới thiệu bài tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải dưới đây:
VIỆC ĐẠO VIỆC ĐỜI VÀ PHƯƠNG LƯỢC XUẤT XỬ TÙY DUYÊN CỦA THƯỢNG HOÀNG, PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
Hoàng Quốc Hải
Cuộc đời của Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân tông là một chuỗi của sự xuất xử gắn liền việc Đạo với việc Đời và tất cả đều thuận theo qui luật, tức là tùy duyên chứ không hề khiên cưỡng.
Thời gian của Hội thảo giới hạn tới mức tối thiểu, vì vậy tôi chỉ khảo sát riêng một việc thượng hoàng qua thăm Chiêm Thành năm Tân sửu (1301 ).
Việc này Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi vẻn vẹn có 12 chữ: “ Tháng 3, thượng hoàng đi chơi các địa phương, sang Chiêm Thành”. Dưới đó một đoạn lại ghi tiếp: “ Mùa đông tháng 11, thượng hoàng từ Chiêm Thành về”.
Các sử gia không hề cho ta biết nội dung cuộc viếng thăm nước Chămpa của thượng hoàng.
Năm năm sau, tức năm Bính ngọ ( 1306 ), Toàn thư lại chép: “ Mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân. Trước đây, thượng hoàng đi chơi các địa phương sang Chiêm Thành, đã trót hứa gả con gái cho. Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn điển vua nhà Hán đem Chiêu quân gả cho Hung Nô làm thơ bằng quốc ngữ để chê cười.”
Việc này ta có thể lấy thêm một thông tin nữa từ Trần Chí Chính, theo khảo sát của học giả Lê Mạnh Thát trong lời đề từ bức tranh “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ”, Trần Chí Chính viết: “Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước và đem hai châu làm lễ dâng cho ngài. Ấy là Thần Châu, Hóa châu nay vậy”.
Hai đoạn văn mà Đại việt sử ký toàn thư ghi vào năm Tân sửu ( 1301) và năm Bính ngọ ( 1306) cùng với lời đề từ bức tranh “ Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” của Trần Chí Chính cho ta một thông tin rằng việc thượng hoàng Trần Nhân tông qua thăm Chiêm Thành chỉ là chuyện ngẫu nhiên, và việc vua Chiêm là Chế Mân dâng miền đất hai châu của mình cho Đại việt cũng là một việc tùy hứng, khiến ta có cảm giác sự biếu tặng lãnh thổ này cũng bình thường như các món đồ khác.
Tôi không tin những điều đã chép ấy là sự thật lịch sử, mà tôi ngờ rằng các nhà chép sử cố ý làm mờ nhòe sự thật để giảm bớt tầm quan trọng của sự việc vì một lý do tế nhị nào đấy. Tuy nhiên trong hơn 700 năm qua vấn đề này đã không được hậu thế lý giải cho minh bạch, khiến đời sau cứ tin đó là sự thật lịch sử.
Tôi thật sự không tin vào sự ghi chép và lý giải mù mờ đó của các sử gia.
Sự thật cuộc viếng thăm vương quốc Chămpa của thượng hoàng Trần Nhân tông không phải là sự ngẫu nhiên “ đi chơi các địa phương” rồi tiện thể “sang Chiêm Thành”.
Ta biết tháng 3 năm Tân sửu ( 1301) thượng hoàng Trần Nhân tông sang viếng thăm Chiêm Thành thì trước đó toàn thư chép : “Tháng 2 nước Chiêm Thành sang cống”.
Chính đoàn cống sứ của Chiêm Thành sang là thương thảo một vấn đề gì nghiêm trọng lắm, có quan hệ đến hai nước Việt – Chăm. Đương nhiên đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng mà quan gia tức vua Trần Anh tông và triều đình không giải quyết được, nên thượng hoàng phải tự mình đảm nhiệm. Nên biết, đây không phải là việc thăm viếng bình thường, càng không phải ngài đi truyền giáo. Đây hẳn là một vấn đề hết sức nhạy cảm và cả sự tế nhị nữa nên Đại Việt mới phải xuất tướng.
Để lý giải việc xuất tướng này, ta trở lại tình hình nước Đại Việt sau chiến thắng đế quốc Nguyên năm Mậu tí ( 1288 ).
Khi Thoát –hoan dẫn đoàn quân thất trận mười phần chết mất 5, 6 trở về và run sợ ra mắt vua cha ở Yên Kinh ( Bắc Kinh ) xin chịu tội.
Hốt-tất-liệt đùng đùng nổi giận, trị tội tên nghịch tử đã đem sự ô nhục trở về. Y đầy Thoát-hoan ra Dương châu, và cấm suốt đời không được gặp mặt. Còn Áo -lỗ -xích viên phó tướng của Thoát –hoan, bị đuổi ra Giang Tây.
Hốt-tất-liệt một mặt sai lập ngay Hồ Quảng An Nam hành tỉnh ( tức bộ chỉ huy quân sự đánh Đại Việt), tập hợp binh lực chuẩn bị Nam chinh, mặt khác y xuống chiếu đổ hết trách nhiệm về cuộc chiến tranh vừa qua cho triều đình Đại Việt.
Vua Trần Nhân tông biết nhà Nguyên khó có thể tiến hành xâm lược nước ta trong ngày một ngày hai, mặc dù Hốt-tất-liệt hết sức cay cú vì mất thể diện. Bởi vì nội bộ người Nguyên đang gặp khó do nhiều tỉnh mất mùa, dân bị đói không huy động được lương thực, lại nhiều nơi dân Trung Hoa không chịu được sự cai trị hà khắc của người Mông Cổ đã nổi dậy đánh đuổi bọn quan lại. Điều băn khoăn nhất của Hốt-tất-liệt là hầu hết các danh tướng của nhà Nguyên, đều đổ dồn vào hai cuộc xâm lược Đại Việt tại các năm Ất dậu (1285) và Mậu tí ( 1288 ), tất cả đều trở thành bại tướng, nhưng hầu hết các danh tướng hàng đầu đều bị giết hoặc bị bắt như Lý hằng, Lý quán, Toa Đô, Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp, Tích-lệ-cơ v.v… Vậy đánh Đại Việt lúc này lấy đâu ra tướng soái chỉ huy chiến trận. Nên một mặt y vừa tập trung lực lượng vừa dùng sức ép bang giao với triều đình Đại Việt.
Biết khó khăn của giặc, Trần Nhân tông hết sức tỉnh táo đối phó trong cuộc chiến ngoại giao này. Một mặt nhà vua cho khôi phục nền sản xuất đã bị giặc tàn phá trong chiến tranh, chăm lo sức dân, xem xét tha hẳn hoặc tha một phần tô thuế cho dân tùy theo sự thiệt hại nhiều hay ít của từng vùng. Mặt khác, đích thân Trần Nhân tông chỉ huy việc đối ngoại với nhà Nguyên, các văn thư ngoại giao gửi Hốt-tất-liệt do chính nhà vua thủ bút.
Ta nhớ trong lá thư gửi Hốt-tất-liệt, vua Trần Nhân tông đã khéo léo nói rõ ai là kẻ gây chiến, và luôn thể ngài kịch liệt lên án tội ác chiến tranh của kẻ thù. Thư viết: “ Năm Chí nguyên thứ 22 (1285) Bình chương A-lí-hải-nha tham công ngoài biên giới, làm trái thánh chỉ. Do thế tiểu quốc sinh linh một phương phải chịu lầm than… Mùa đông năm Chí nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân thủy bộ đều tiến sang, thiêu đốt chùa chiền khắp nước, đào bới mồ mả tổ tiên, bắt giết người dân già trẻ, đập phá sản nghiệp trăm họ, các hành động tàn nhẫn phá phách không gì là không làm…
Tham chính Ô-mã-nhi lâu năm nắm binh thuyền riêng ra ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển, lớn thì giết chết, nhỏ thì bắt đi, cho đến cả treo trói xẻ mổ, mình đầu khắp chốn. Trăm họ bị bức tới chỗ chết, bèn dấy lên cái họa con thú chân tường”.
Lời lẽ của nhà vua thật sự khôn ngoan, kín kẽ, đanh thép và cả sự tế nhị không làm mất mặt kẻ thù hơn nữa. Theo dõi sát tình hình bên Đại Đô, vua Trần Nhân tông thừa biết Hốt-tất-liệt lúc này chẳng khác chi một con sư tử già chỉ nằm tại chỗ mà gầm rống chứ móng vuốt đều đã long, rụng; mặc dù y đã lập xong bộ chỉ huy và đã bàn bạc với tên bán nước Trần Ích tắc vẫn trú ngụ tại Ngạc Châu.
Tuy vậy, nhà vua vẫn không loại bỏ khả năng giặc Bắc lại sang.
Đột nhiên tháng Giêng năm Quí tị (1293) Hốt-tất-liệt lăn ra chết, con trai y lên ngôi, hiệu là Nguyên Thành tổ. Thấy tình thế không thuận cho một cuộc chiến tranh nữa, Nguyên Thành tổ ra lệnh bãi binh.
Thời cơ đã đến, Trần Nhân tông nhằm ngày đại cát, tức 9 tháng 3 năm Quí tị (1293 ) nhường ngôi cho con là thái tử Thuyển và lên làm thái thượng hoàng.
Mười tháng sau khi nhường ngôi cho con, nhằm tháng 7 năm Giáp ngọ ( 1294 ), thượng hoàng Trần Nhân tông du ngoạn tới hành cung Vũ Lâm, và tại đây cái duyên đã khởi, thượng hoàng quyết định xuất gia tu Phật ở hành cung này. Sau đó ít bữa, nhà vua cho dựng một nếp chùa ngay phía trước hành cung để ngài tu tập.
Rõ ràng là với Trần Nhân tông việc đời hay việc đạo, tức là việc xuất xử đều tùy duyên. Việc nào túc duyên ắt nó tròn đầy. Vì vậy sau này trong bài phú “Cư trần lạc đạo”, mở đầu ngài viết: ‘ Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Thế nhưng tất cả cái “duyên” ấy của ngài đều thuộc về lợi ích quốc gia và con đường tinh tấn của chính pháp.
Kỳ lạ thay, đúng một tháng sau khi ngài quyết định xuất gia, ngài lại cầm quân chinh phạt Ai Lao, vì trong khi giặc Nguyên xâm lược ta ở mặt đông, thì mặt tây Ai Lao cho quân sang cướp phá, giết tróc nhân dân ta. Việc này Toàn thư chép: ‘Tháng 8 năm Giáp ngọ (1294), thượng hoàng thân chinh Ai Lao, bắt sống người và súc vật không kể xiết”.
Và đến ngày mùng 1 tháng 2 năm sau, tức năm Ất mùi ( 1295 ) phái bộ nhà Nguyên là Lý Hành và Tiêu Thái Đăng qua báo về việc vua Thành tông nhà Nguyên lên ngôi và đã cho bãi binh, thượng hoàng Trần Nhân tông đích thân tiếp sứ và chỉ huy mọi việc giao dịch với sứ cho thật chu đáo, đồng thời tỏ rõ khí phách Đại Việt, đè bẹp ý chí xâm lược và thói quen ngạo mạn của kẻ thù. Khi sứ về, thư phúc đáp gửi Nguyên Thành tông, vẫn do thượng hoàng Trần Nhân tông thủ bút. Ngài còn cử viên ngoại lang Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo đem thư của ngài sang Đại Đô xin Kinh Đại Tạng nữa. Đó là nghệ thuật bang giao thượng thừa của ngài khiến cho đối phương hạ nhiệt, và gây dựng mối rường cho sự giao hảo về sau.
Trong mấy năm tiếp không có việc gì lớn xảy ra, cho đến tháng 8 năm Kỷ hợi ( 1299 ) thượng hoàng Trần Nhân tông lên núi Yên Tử tu khổ hạnh. Và tới tháng 2 năm Tân sửu (1301) có phái đoàn của Chiêm Thành sang cống, liền đó tháng 3, thượng hoàng sang Chiêm tới tháng 11 mới về.
Xét ra trong nước có việc gì cực lớn, cực trọng yếu thượng hoàng Nhân tông mới đứng ra đảm trách, thế mà giữa thời bình, có gì hệ trọng tới mức phải đích thân thượng hoàng sang Chiêm. Và sang làm gì với khoảng thời gian dài dằng dặc tới cả 9 tháng?
Ta có thể lý giải việc này bằng một giả định tựa như hai nước đang lâm vào một tình thế căng thẳng có thể dẫn tới đối đầu. Phải chăng sau khi đại thắng hai cuộc xâm lược của nhà Nguyên, uy thế của Đại Việt lên rất cao, và với tiềm lực quân sự khiến các nước phương nam rất kiêng dè, nể trọng. Hơn nữa đích thân Nguyên Thành tông phải phái sứ đoàn sang Đại Việt tuyên cáo việc bãi binh, từ đó các tướng lĩnh gây sức ép với triều đình phải tiến về phương nam, để mở rộng lãnh thổ. Tin tức này lọt tới Chămpa, nên triều đình Chămpa cử sứ sang triều cống Đại Việt đồng thời thương thảo khá gay cấn.
Mở mang bờ cõi vào thời điểm lịch sử lúc ấy là hợp lý, Trần Nhân tông không thể không biết đến nhu cầu của quốc gia và nguyện vọng của tướng lĩnh, nhưng thực tình nhà vua không muốn cho nhân dân hai nước phải đổ máu. Vả lại sự ủng hộ lẫn nhau, kề vai sát cánh cùng chiến đấu giữa Đại Việt và Chămpa để chống kẻ thù chung trong mấy cuộc chiến tranh vừa qua đã gắn kết hai dân tộc lại với nhau. Như cuộc xâm lược của nhà Nguyên vào Chămpa năm Quí mùi (1283), do viên dũng tướng Toa-đô cầm đầu 5 vạn quân hùm sói, tưởng ăn tươi nuốt sống được vương quốc nhỏ bé này. Trước nguy cơ đó, vương quốc Chămpa phải cầu viện Đại Việt. Nhà Trần đã phái hai vạn quân thiện chiến có cả tàu thuyền sang sát cánh cùng quân dân Chămpa chiến đấu chống kẻ thù chung thắng lợi.
Để ngăn chặn tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên thượng hoàng Trần Nhân tông phải đích thân qua Chiêm Thành.
Lại nói Chế Mân là ai? Đương nhiên ông là vua nước Chămpa, nhưng trong cuộc đối đầu lịch sử với Toa-đô năm Quí mùi, ông là hoàng thái tử Harijit, tổng chỉ huy cuộc kháng chiến kình chống với Toa-đô. Đánh nhau suốt một năm trời, Toa-đô không vào được cửa biển Thị Nại, không bén mảng được tới chân kinh thành Trà Bàn. Harijit đã dùng kế trá hàng suýt bắt được Toa-đô, khiến y phải đóng quân cả năm trời ngoài bãi biển, sau rút về đóng tại vùng giáp ranh với biên giới phía nam của Đại Việt để chờ thời. Chămpa thoát hiểm. Harijit trở thành vị anh hùng và nhà vua lỗi lạc của xứ sở. Một con người kiệt hiệt như thế không dễ gì để cho ai bắt nạt, không dễ gì để cho ai xâm chiếm đất đai của mình. Thế mà ngài Trần Chí Chính lại viết Chế Mân “ thân hành tiễn ngài ( Trần Nhân tông ) về nước và đem đất hai Châu làm lễ cúng dâng cho ngài. Ấy là Thần Châu và Hóa Châu nay vậy”.
Sự việc đâu có dễ dàng như thế. Chín tháng ở Chămpa của thượng hoàng Trần Nhân tông là chín tháng thuyết phục, thương thảo căng thẳng và cả quyết liệt, cuối cùng mới đi tới giải pháp hôn nhân. Và miền đất hai châu dùng làm sính lễ. Như thế có vẻ hợp lý hơn và người Chiêm đỡ bẽ mặt hơn, hai dân tộc tránh được một cuộc chiến tranh, không gieo rắc hận thù cho nhau. Chấp nhận cuộc hôn nhân, chấp nhận cắt đất làm sính lễ, trên thực tế quốc vương Chế Mân phải kìm chế đến cực độ, chấp nhận cuộc hôn nhân cũng có nghĩa là buộc ông phải thừa nhận sức mạnh của Đại Việt.
Rõ ràng cuộc hôn nhân này không phải là nhu cầu của quốc vương Chămpa, bởi đây là giải pháp chính trị, giải pháp tình thế, và là một lối thoát cho cả hai phía. Nếu cần mỹ nhân thì vương quốc Chămpa thiếu gì mỹ nữ. Vả lại vua nước Chămpa đâu còn trẻ nữa, nếu không hơn, ít ra ông cũng bằng tuổi với thượng hoàng Trần Nhân tông. Bởi lẽ năm Quí mùi ( 1283 ) ông đã chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, đối đầu với Toa-đô, năm ấy vua Nhân tông của Đại Việt mới 25 tuổi.
Đạt được thỏa thuận này, phải nói hai bậc vĩ nhân đều có tầm nhìn xa rộng, đành rằng về phía Chế Mân, ông hết sức đau lòng.
Sự việc đến đây, có thể nói giả định đặt ra ở phần trước là có thể chấp nhận được.
Sự thật việc công chúa Huyền Trân về Chiêm, và việc Chiêm Thành cắt đất cho Đại Việt như thỏa thuận của hai vị quốc vương, không dễ gì đã thực hiện được.
Bằng chứng là sau này đem ra bàn ở Đại Việt cả triều đình không ai chấp nhận trừ Trần Đạo Tái và Đỗ Khắc Chung. Các nho sĩ trong triều ngoài nội, nhiều người còn làm thơ đả kích.
Đối với Chiêm Thành, sự việc chắc còn trắc trở hơn nhiều. Sử không cho ta biết gì thêm, nhưng chỉ riêng việc hai quốc vương đã quyết rồi mà 5 năm sau hôn lễ mới được cử hành. Điều đó chứng tỏ nội bộ Chiêm Thành đã đấu tranh dai dẳng và quyết liệt, cuối cùng sự việc mới thành.
Dẫu sao thì cuộc qua thăm Chiêm Thành 9 tháng của thượng hoàng Trần Nhân tông cũng kết thúc có hậu. Trước hết là tháo gỡ tình hình căng thẳng giữa hai nước, đặt mối quan hệ thân hữu bằng cuộc hôn nhân và loại bỏ được một cuộc chiến tranh ( rất có thể ) ra khỏi đời sống của hai dân tộc; “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dậm” vĩnh viễn trở thành đất đai của Đại Việt.
Qua một chuỗi sự việc trên, ta thấy việc đời, việc đạo đối với thượng hoàng Trần Nhân tông đều là việc nước cả, nên lúc nào cần vai gì thì ngài thủ vai đó, tựa như các đấng Bồ Tát cứu thế, khi thấy thế gian cần gì thì ngài thị hiện đúng cương vị đó để cứu vớt. Qua các sự việc kể trên cũng chứng minh một cách sinh động trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc là vậy đó.
Việc sáp nhập hai châu Ô, Lý vào cương thổ Đại Việt là thắng lợi ngoại giao cực kỳ vĩ đại của thượng hoàng Trần Nhân tông, chứng tỏ người có con mắt nhìn thấu nghìn tầm. Vì rằng từ đây mở ra con đường nam tiến của dân tộc vô cùng thuận lợi. Nên biết rằng tới cuối đời Trần, Hồ thì cương giới của Đại Việt đã mở tới Thăng Hoa, Tư Nghĩa( Quảng Nam, Quảng Ngãi ). Và chỉ hơn nửa thế kỷ từ sau Hồ Quý Ly, thì Lê Thánh tông đã cắm bia cương giới trên đỉnh núi Đá Bia tận Phú Yên. Phần còn lại thuộc về các chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
Sự nghiệp vào Chiêm năm Tân sửu (1301) của thượng hoàng Trần Nhân tông rực rỡ làm vậy, mà các sử gia chỉ chép được vài dòng hết sức lạnh lùng và vô cảm, tựa như người thiểu năng trí tuệ. Tiếc thay suốt mấy trăm năm sau đó, các nhà làm sử nhận thức sự việc này cũng chẳng khác mấy người khiếm thính, khiếm thị, khiến hậu thế mang tội vô ơn đối với tiền nhân.
Tổ tiên đã để lại cho dân tộc ta cả một kho tàng kinh nghiệm đầy trí tuệ, nếu biết khai thác kinh nghiệm được tích lũy từ lịch sử, dân tộc ta sẽ có trí khôn và sức mạnh gấp nhiều lần. Khốn thay, cái sự nhỡn tiền cho ta thấy bài học lớn nhất của lịch sử là người ta đã không chịu rút ra từ lịch sử những bài học
Láng Thượng 23.11.2011
HQH