Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÀM QUAN NÓI THOẢI MÁI

Quốc Toản
Thứ năm ngày 4 tháng 8 năm 2011 3:43 PM

Cứ nghĩ thảo dân là được nói thoải mái. Nhưng thực ra không phải. Họ rất ngại. Và nếu có nói thì chỉ nói sự thật. Những bức xúc “cực chẳng đã” họ mới lên tiếng.
Chỉ quan mới có quyền nói thoải mái. Biến hoá như thần. Quanh co. Chém gió. Lộng ngôn. Nói dai, nói dài vv... Chả thế các cụ bảo: Miệng quan có gang có thép. Nói lấy được!
Nhưng bây giờ mỗi khi quan “có ý kiến chỉ đạo” là dân nghe, dân nghĩ, dân bàn. Nếu chẳng hiểu quan nói gì, vì nhiều từ rắc rối, cao siêu, mơ hồ... thì họ hỏi người am hiểu để xem phát ngôn của quan có đúng không, thật không, hợp lòng dân không. Bây giờ “lời nói...không gió bay” nữa. “Sảy chân đỡ lại, sảy miệng khó lòng”.
Vì lời nói không đi đôi với việc làm. Vì lời nói xa rời thực tế nên người dân bức xúc. Họ khiếu kiện mà không được xem xét giải quyết. Ông quan này đổ lỗi ông quan kia. Cứ thế, đến lúc quá ức chế, họ biểu tình. Khiếu kiện nhiều nhất hiện nay là vấn đề đất đai. Tôi đã đọc bài báo của tác giả Kỳ Duyên, và thấy quan trên đã thú nhận:
"Các tỉnh báo cáo rất hay, nào đơn thư được chuyển, giải quyết kịp thời, bảo vệ được quyền lợi của dân. Nhưng thực tế khiếu nại ngày càng tăng, ngày càng phức tạp. Đơn từ thì chuyển lòng vòng, né tránh, các cơ quan đùn đẩy lẫn nhau.
Trung ương thì "kêu" khiếu nại vượt cấp, kêu địa phương né tránh.
Địa phương cũng phàn nàn TƯ "quan liêu", do một phần các vụ việc không có hồ sơ nên TƯ nhận đơn thư chỉ đóng dấu xác nhận và lại chuyển về địa phương".
cấp dưới tung lên cấp trên, cấp trên chuyển về  cấp dưới...Cuối cùng, cái sự nó nằm im lìm ở một ngăn nào đó của một cái tủ gỗ cơ quan nào đó cọt kẹt tiếng mọt gỗ, ở một tập hồ sơ pháp lý nào đó bám đầy mạng nhện thời gian.
Thậm chí, đến Thủ tướng mà cũng lâm cảnh "trên bảo dưới không nghe" thì người dân biết làm gì đây, nếu không tiếp tục thân phận...quả bóng?
Một hiện tượng khác vừa đáng quan tâm, vừa là chuyện đau đầu của các cơ quan bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Đó là khiếu nại đông người. Nói thẳng ra là chuyện dân "biểu tình", tập trung vào chuyện đòi giải quyết đất đai. Đương nhiên, trong cái chuyện khiếu kiện đất đai vốn phức tạp và mê hồn trận này, có người đúng, kẻ sai, có người thật thà, ít hiểu biết, cũng có kẻ cơ hội nhân đó làm càn...
Xưa nay, ta quen với việc biểu tình hô to "muôn năm, muôn năm" chứ ít quen với cái cảnh biểu tình "phản đối, phản đối", cho dù là "phản đối trong im lặng". Mặc dù, xét cho cùng, ta sẽ phải quen, như quen với cái việc- xã hội ta sẽ dần phát triển tiến đến một xã hội dân sự, với vai trò độc lập của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp- 3 chân kiềng quản lý, làm nền tảng cho sự phát triển dân chủ, công bằng, văn minh và minh bạch.
Chúng ta rất e ngại "khiếu nại đông người", và rất cảnh giác với kẻ thù. Thế nhưng, Phó CT Quốc hội Uông Chu Lưu đã phải chỉ ra: "Các nguyên nhân dẫn đến bức xúc của dân về giải quyết khiếu nại xuất phát từ nhiều lẽ, do yếu kém trong quản lý, làm chưa hết trách nhiệm...".
Ông Uông Chung Lưu mới nhẹ nhàng nói đến tảng băng nổi, nhưng chưa thấy hết tảng băng chìm, đang lặn sâu trong mỗi huyết quản của cán bộ lãnh đạo, quản lý, cốt cán từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên trong xã hội hiện nay. Đó mới là kẻ thù nguy hiểm nhất nhưng lại nghiễm nhiên tự do "chung sống hòa bình": Sự vô cảm với nỗi đau của dân, sự quan liêu, xa rời dân quá lâu, và chỉ biết tới lợi ích của...chính mình!
Vậy thì xin các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, cốt cán... từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, xin đừng quá sợ "khiếu nại đông người", mà hãy biết  sợ chính bản thân mình chưa tròn vai trách nhiệm,  biết sợ cái ích kỷ tham lam của mình, của nhóm mình, và biết sợ cái cung cách quản lý xơ cứng, lạc hậu, đặc biệt quá thiếu minh bạch mà mình góp phần đắc lực.
Chỉ khi nào, sự công bằng và minh bạch ngự trị trong xã hội, thì "dân ra dân", "quan ra quan", "quản lý ra quản lý"...”
Lại nữa, ông quan nào đứng trên bục cũng nói chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng ngày một nhiều và tinh vi hơn. Chỉ khi nào triệt được “nhóm lợi ích” và minh bạch hoá, công khai, dân chủ, cộng với việc trừng trị mạnh tay với kẻ tham nhũng may ra mới “đỡ phần nào”. Đã có lần thảo dân trộm nghĩ: Ở ngoài đường (nơi công cộng) chúng ta có khẩu hiệu phòng chống ma tuý, an toàn giao thông, các loại “Nhiệt liệt chào mừng...”. Vậy tại sao trong công đường trên đầu các ông quan không ghi khẩu hiệu “Tham nhũng là tội ác” nhỉ? Bởi vì mọi người vẫn nói, tham nhũng là nguy cơ làm sụp đổ chế độ là gì. Thực ra mấy năm vừa qua chúng ta “chống” tham nhũng thì ít mà “đỡ” thì nhiều.
Cũng không hiểu sao, một đứa trẻ ăn trộm quả trứng gà nhà hàng xóm thì bị gọi là “thằng ăn cắp”. Còn mấy ông quan tước đoạt tiền thuế (xương máu) của dân. Loại người vô liêm sỉ ấy lại được gọi cái từ nghe mĩ miều “tham nhũng”. Sao không gọi luôn ông A, ông B tham nhũng là “thằng ăn cắp”? Việt Nam mình lắm từ làm cho nó “biến dạng” quá. Chả trách Tây học tiếng Việt đều kêu rối rắm và khó hiểu. Đến ngay người Việt, khi nói hay viết có những từ ...hiểu thế nào cũng được (!)
Nhiều chuyện muốn nói về các quan “chém gió” lắm. Nhiều chuyện muốn nói về “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đẻ bôi trơn quan chức. Để có được một dự án, để trúng thầu...Nói sao cho hết. Chỉ khổ dân thôi. Mà dân thì “chân không đến đất, cật không đến trời”.
Có chuyện đáng nói nhất gần đây. Trong lúc đất nước đang gặp muôn ngàn khó khăn về kinh tế. Lòng dân không yên, tự phát biểu tình thể hiện lòng yêu nước phản đối Trung quốc liên tục gây hấn ở biển Đông. Chính phủ đang tìm mọi cách tháo gỡ. Thì Ngành giáo dục cứ như “mớ bòng bong”.
Chuyện thi cử vào các trường đại học, cao đẳng vừa qua làm nhiều người “cực sốc”, khi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận phát biểu xanh rờn: “Hàng ngàn điểm 0 về môn lịch sử là chuyện bình thường”. Làm các bậc phụ huynh thực sự lo lắng cho con em mình. Vì đâu nên nỗi?
Ông Luận trả lời phỏng vấn: Điểm thi môn lịch sử thấp là vấn đề của nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ hay các nước ở châu Á, đó không phải là chuyện của riêng ở Việt Nam. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, sự đòi hỏi của thị trường lao động.
Và rồi khi được hỏi: Nhưng trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua có hàng ngàn điểm 0 môn sử, ông cảm thấy thế nào về kết quả quá buồn này?
Ông Luận nói: - Tôi thấy bình thường. Đã là cuộc thi tuyển thì chuyện đề thi có sự phân loại thí sinh để tuyển chọn là bình thường.
Tôi được biết, ngay cả chuyện ra đề thi cũng “có vấn đề” làm thí sinh bị trượt oan (?). Có cả một Hội đồng ra đề thi mà để xảy ra chuyện thì cần phải nghiêm túc xem lại.
Là thảo dân, tôi hiểu khác. Cụ Hồ có câu: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vậy mà hàng ngàn sĩ tử bị điểm 0 thì thử hỏi nó tệ hại đến mức nào. Tại thầy hay trò, tại người ra đề, hay (lại đổ lỗi) tại cơ chế?
Có bài báo viết:
“Khi lịch sử chưa đủ sức hấp dẫn người học, khi ngành giáo dục chưa làm tròn nhiệm vụ giúp học sinh hiểu và yêu hơn lịch sử đất nước, và đồng nghĩa với nó là nhìn xa ra thế giới. Khi kết quả thi lịch sử thấp đến kinh ngạc thì những người thầy không thể không thao thức về trách nhiệm của mình.
Đặc biệt trong bối cảnh nhạy cảm của tình hình hiện nay, lòng yêu Tổ quốc, hiểu và yêu sâu sắc lịch sử đất nước càng cần được đề cao. Đất nước hội nhập cần nhiều doanh nhân giỏi nhưng ai có thể yên lòng khi các doanh nhân không hiểu và say sưa với nguồn mạch lịch sử nước nhà?
Đất, rừng, biển và cả khí trời cũng cần được trân trọng, nâng niu, tạo nên giá trị bền vững cho muôn đời con cháu chứ không thể là món lợi thuần túy bán mua để gieo họa tương lai. Những bài học ấy cũng thuộc về lịch sử, tạo nên chiều sâu hấp dẫn và sức cuốn hút tự nhiên.
Đó không phải là môn học, là kiến thức nhồi nhét mà phải là ngọn lửa đam mê. Có ngọn lửa ấy, duy trì cho nó cháy mãi, thì mọi nẻo đường đời dù chông gai, vất vả đến đâu cũng không ngăn cản được người ta đi tới thành công.”
Đã đến lúc phải xem lại sách giáo khoa và cách dạy sử. Không thể dạy và học sử một cách nhàm chán như hiện nay. Không thể chỉ là những con số, “những nguyên nhân thắng lợi” mà thiếu đi những hình ảnh bi tráng của dân tộc suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Lịch sử  không thể nói nửa vời, lại càng không được bỏ qua các sự kiện.
Chúng ta nói rất nhiều về cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng tại sao chống Tàu lại nói rất ít, thậm chí bị tránh né và “lờ đi”. Hàng ngàn người lính hy sinh ở biên giới phía Bắc, ở biển đảo chống giặc Tàu. Những người còn sống, những người mang trên mình những vết thương chiến tranh sẽ nghĩ gì?. Không lẽ lại vô nghĩa? Phải nói tất cả. Nói sự thật. Mới đây, họ còn “đục bỏ” thơ cụ Hồ khắc trên đá viết về  Hoàng đế Quang Trung thì thật bất nhẫn. Học sử mà cát xén, không đến nơi đến chốn là rất sai lầm. Vì lịch sử là quá trình phát sinh, phát triển đã qua hay cho đến khi tiêu vong của một hiện tượng. Lịch sử là môn khoa học nghiên cứu sự phát triển của loài người, của một quốc gia, một dân tộc. Phải nói cho thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường hiểu rõ những điều cơ bản nhất về dân tộc này, đất nước này đau thương và hào hùng như thế nào. Phải nói để cho họ nâng cao nhân cách và lòng tự trọng. Nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc.
Vậy là, làm quan có thể nói thoải mái. Nhưng không thể nói lấy được.
“Sảy chân đỡ lại, sảy miệng khó lòng”!
2h. 4-8-2011