1. Theo thông tin phản ánh trên mạng, cuốn sách dạy tiếng Trung với tựa đề "Luyện kỹ năng đọc hiểu Tiếng Hoa" do Ngọc Huyên biên soạn, được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành, ở trang 274 có in hình bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò liếm gần hết cả biển Đông.
Được biết, một cuốn sách muốn ra đời phải qua nhiều khâu kiểm duyệt. Chả nhẽ từ tác giả, người cấp phép cho đến nhà xuất bản lại “sơ suất” đến thế ư ? Biển của ta, đảo của ta mà ta lại không được quyền lên tiếng khi ngoại bang lấn chiếm, trong khi đó báo chí sách vở của ta lại mặc nhiên công nhận cái "chủ quyền" ăn cướp ấy của họ.
2. Trên Youtube đang lưu hành clip người Trung Quốc dạy cho trẻ tiểu học về Hoàng Sa, Trường Sa (
http://www.youtube.com/watch?v=lmpagVeus0A&feature=player_embedded). Người ta đã nhồi sọ cho thế hệ trẻ về hai quần đảo không thuộc chủ quyền của họ, một sự tính toán lâu dài, thâm độc. Thế mà sách vở của ta, từ mẫu giáo cho đến lớp 12, kể cả sách đại lí, lịch sử, tịnh không có một bài học nào về hai quần đảo này của ông cha. Sao lại dạy “Đất quý, đất yêu” (Tiếng Việt 3, tập 1, trang 84) của nước Ê-ti-ô-pi-a tận đẩu tận đâu bên châu Phi chứ không phải là Hoàng Sa hay Trường Sa mà ông cha đã đổ máu xương gìn giữ ?
Cách đây chưa lâu, lấy cớ là vấn đề nhạy cảm, người ta “stop” những bản tin hoặc bài viết về chủ quyền của đất nước đối với Hoàng Sa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Than ôi ! Của ta đường đường chính chính mà ta không được lên tiếng bảo vệ, không truyền dạy cho con trẻ thì làm sao nuôi dưỡng, làm sao khơi dậy ở các thế hệ tương lai lòng yêu nước thương nòi ?
3. Trả lời báo chí bên lề phiên họp khai mạc Quốc hội khóa XIII sáng 21-7, ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Phó Thủ tướng đề xuất phải đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình dạy học phổ thông cho học sinh. Không biết ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo có nắm được thông tin này không ? Nếu có thì Bộ và các nhà soạn sách hãy đưa bài học Hoàng Sa, Trường Sa vào cái dự án khổng lồ 70 ngàn tỉ kia. Trước mắt, trong năm học tới có thể thực hiện nội dung này bằng một bài học ngoại khóa bắt buộc cho học sinh các cấp. Giảm tải những kiến thức chưa thiết thực với cuộc sống hiện tại của các em chứ không thể giảm tải những bài học dạy cho các em biết thế nào là chủ quyền đất nước, là lòng yêu nước thực sự.
4. Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chỉ có thể được bảo toàn bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, chứ không một ai, một cá nhân nào có thể lo nổi. Đảng và Nhà nước có trách nhiệm nhưng không thể chỉ có Đảng và Nhà nước lo. Nói như vậy là xóa bỏ trách nhiệm công dân, tạo nên khoảng cách xa vời giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; vô hình trung phá vỡ sức mạnh dân tộc, xói mòn lòng yêu nước.
Hãy để cho nguồn sức mạnh ấy được phát huy, được lan tỏa từ mỗi con người, mỗi góc phố, mỗi xóm làng trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu. Có như thế, chúng ta mới bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ đất nước và chủ quyền dân tộc.
22-7-2011
Nguyễn Duy Xuân