TNc: Đọc bài viết của Nguyễn Văn Minh trên báo QĐND thật là sáng mắt sáng lòng. Các chủ web, các blogger nên cẩn trọng chớ có cóp bài của các trang phản động hải ngoại. Giá mà các cấp quản lí cho một danh mục các trang của bọn phản động để anh em nhà mạng kệch mặt bọn chúng thì hay biết mấy..
QĐND – Chủ Nhật, 17/07/2011, 21:44 (GMT+7)
QĐND – Mấy năm gần đây, xuất hiện hiện tượng một số văn nghệ sĩ, nhà báo, chuyên gia, nhà quản lý… lập blog cá nhân và nổi tiếng từ blog với lượng truy cập không kém gì báo điện tử. Tuy nhiên, không ít người đã để cho blog của mình trở thành nơi phát tán những luồng gió độc, gây hại cho xã hội và cộng đồng…
Vô tình hay cố ý?
Theo Tổng cục Thống kê, tổng số người sử dụng internet tại Việt Nam tính đến cuối tháng 11-2010 là 27,3 triệu người, chiếm khoảng 31,7% dân số. Trong đó, theo ước tính từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 3 triệu blog và số lượng này không ngừng tăng lên. Với tư cách là một trang ghi chép cá nhân trên internet, việc tạo lập dễ dàng, miễn phí, có thể đưa được nhiều bài, ảnh, phim, nhạc, tạo diễn đàn… blog có sức hút rất lớn.
Song cũng chính từ đây, đã có không ít blog đã trở thành nơi phát đi những luồng gió độc. Bên cạnh những bài có nội dung tốt có không ít bài với nội dung xấu, thiếu đúng đắn cả về lập trường chính trị, văn hóa; lời lẽ có khi không khác một tờ báo hải ngoại phản động. Một nhà thơ khá nổi tiếng lập ra một blog với 13 chuyên mục khác nhau, có nhiều thông tin rất đáng đọc, nhiều bài khá hay. Nhưng thật tiếc, thỉnh thoảng trong vườn hoa nhiều sắc màu ấy lại len lỏi những cây nấm độc. Có khi là một bài báo kích động hận thù dân tộc, có khi lại là một bức thư ngỏ kèm lời bênh vực một nhân vật phạm pháp, thậm chí có cả những bài với nội dung rất xấu độc được “copy” về từ một trang web hải ngoại.
Chủ nhân của những blog kiểu như trên, có cả những người hiện vẫn đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội hoặc các cơ quan báo chí. Đáng buồn hơn, có người là nhà báo, bình thường vẫn tác nghiệp, viết bài theo chuẩn mực chính thống cho đăng lên báo của mình. Nhưng rồi, ở phía sau, qua blog cá nhân, chính họ lại có những bài viết khác, bộc lộ những thông tin với quan điểm hoàn toàn trái ngược, thậm chí cả những “bí mật” mà lẽ ra với lương tâm, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, họ không nên công bố. Không ít người, bản chất vốn không phải là người xấu và cũng không hề có quan hệ với các thế lực phản động nhưng chỉ vì sĩ diện cá nhân, muốn được nổi tiếng thông qua blog, muốn blog của mình cũng có “số má” bằng lượng truy cập lên tới hàng triệu lượt nên đã cố tình tìm kiếm, đưa những thông tin giật gân, hậu trường chính trị, lá cải… mà không lường hết hậu quả của chúng.
Thật đáng tiếc, hiện nay, trên nhiều trang web, diễn đàn phản động từ nước ngoài, các thế lực thù địch đã “đánh hơi” thấy sự nở rộ các loại blog kiểu này và lập tức quảng bá, giới thiệu một loạt danh sách các blog “hot” từ Việt Nam. Trong danh sách mà chúng cho là “cùng hội cùng thuyền” đó, thật đáng buồn có cả những văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học nổi tiếng trong nước. Họ có thể không hề tiếp tay cho các thế lực đó, song đã bị lợi dụng bởi những bài viết vô tình phát đi “luồng gió độc”.
Bài học quản lý, lương tâm và trách nhiệm
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, trong đó có các quy định rõ đối với việc quản lý blog và cũng đã có một vài chủ blog phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật nhưng thế giới blog hiện vẫn là “miền cỏ hoang” cần thanh lọc hơn nữa. Vẫn biết rằng, blog là môi trường mang tính tự do cá nhân cao và hoạt động của các văn nghệ sĩ, nhà khoa học cũng đòi hỏi tư duy độc lập sáng tạo, mang đậm dấu ấn phong cách cá nhân… nhưng không thể vì thế mà để blog trở thành nơi tùy tiện phát đi những nội dung xấu độc. Hiện nay, vẫn còn nhiều “lỗ hổng” xung quanh vấn đề này. Ở Việt Nam, có tới 70% người dùng sử dụng blog từ nhà cung cấp Yahoo và hiện nay, một số lượng lớn khác sử dụng từ nhà cung cấp Google. Tuy nhiên, hai nhà cung cấp này lại đều là nhà cung cấp nước ngoài, chưa phải chịu những cam kết phối hợp quản lý chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước.
Có thể tham khảo kinh nghiệm quản lý từ những nước từng quản blog “rất chặt” như Trung Quốc và Ma-lai-xi-a, họ đều yêu cầu chủ nhân blog công bố danh tính, nơi ở cùng nhiều quy định chặt chẽ khác. Gần đây, đã có bạn đọc phản ánh việc có blog yahoo 360plus đưa tin phản động. Bạn đọc đã dùng chức năng báo cáo của blog 360plus để báo cáo về những blog này, nhưng cả 5 lần thực hiện đều không thấy phản hồi mà nhà cung cấp lại gửi bản tin tự động yêu cầu phải báo cáo bằng… tiếng Anh và theo luật pháp của… Xin-ga-po, do nhóm phát triển dịch vụ nằm ở Xin-ga-po. Đó là điều vô lý vì yahoo plus là một sản phẩm chỉ dùng cho thị trường Việt Nam, do Yahoo Việt Nam quản lý thì phải tuân thủ đầy đủ luật pháp của Việt Nam. Không thể để các nhà cung cấp đứng ngoài cuộc và thiếu trách nhiệm như vậy!
TS Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng BKIS từng cho biết, về mặt kỹ thuật, hoạt động của những chủ nhân blog trong nước, nếu tham gia những việc phạm pháp, dù tinh vi đến đâu cũng đều có thể bị phát hiện nhờ biện pháp kỹ thuật. Thế nhưng, với những blog có “rác đen”, “nấm độc” mà chúng tôi đề cập trong bài viết này, ranh giới giữa vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái lương tâm, đạo lý đôi khi là khá mong manh. Có thể có những sai phạm do vô tình, có thể có những sai sót chưa đến mức độ truy cứu pháp luật.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là mỗi chủ nhân blog, nhất là với danh dự, uy tín của người nổi tiếng, càng phải đề cao trách nhiệm trước cộng đồng, trước xã hội cũng như trước cơ quan, đơn vị nơi mình đang công tác. Chỉ có sự tự giác “tự thanh lọc” của họ mới là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất giúp blog không còn “nấm độc”.
Về phía các cơ quan, đoàn thể, hội nghề nghiệp… cũng cần phải quan tâm hơn trong việc quản lý blog cá nhân thành viên trong đơn vị mình, nhất là khi có nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý. Ở một khía cạnh khác, cùng với xử lý, ngăn chặn cái xấu thì đã đến lúc biểu dương, khen thưởng những blogger nổi tiếng và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, nhân lên nhiều blog hay và đẹp cũng là việc cần làm.
NGUYỄN VĂN MINH