Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẢI MÃ BÀI VIẾT BÀN THÊM VỀ TIỂU THUYẾT “HỘI THỀ”

Đỗ Ngọc Thạch
Thứ hai ngày 7 tháng 3 năm 2011 4:38 PM

(hay là thư trả lời nhà thơ Trần Mạnh Hảo)
 
Quả nhiên bài viết “Bàn thêm về tiểu thuyết “Hội thề” (http://hoinhavanvietnam.vn/Details/ly-luan-phe-binh/ban-them-ve-tieu-thuyet-hoi-the/32/0/3231.star) của tôi đã bị không ít người hiểu sai hoặc không hiểu được cái “ý tại ngôn ngoại” của người viết. Có vài người gọi điện hỏi tôi vì sao lại khen Hội thề và Dị hương, lại PR dùm như thế? Tôi liền trả lời, cứ bình tĩnh đọc lại bài viết đi, tôi đâu đã đưa ra lời khen nào? Còn việc tôi dẫn lại đường Link những bài viết khen Hội thề và Dị hương thì đâu phải là PR dùm mà chỉ là thuật lại sự việc và ngầm chê hai tác giả là cũng thích được khen tụng như bao người trần tục! Chê nhưng không trách vì sự đời là thế. Cái phong cách sống “Hữu sạ tự nhiên hương” dường như đã biến mất?
Nhưng khi đọc bài viết của ông Trần Mạnh Hảo chất vấn tôi, thậm chí gán cho tôi nhiều “nhãn mác” lạ hoắc thì phải nói là ông Hảo đã hiểu rất sai ý tứ của bài viết của tôi. Vì thế, tôi đành phải “Giải mã” bài viết của mình. Nhưng, việc “Giải mã” toàn bộ bài viết sẽ “tốn giấy mực” và có những luận điểm thuộc về những vấn đề tế nhị không nên nói “huỵch toẹt” như phong cách của ông Hảo. Vì thế, tôi chỉ “giải mã” những gì mà ông Hảo hiểu sai lạc và trực tiếp liên quan đến tôi mà thôi.
Luận điểm chính của tôi trong bài viết thì lại rất rõ và đó cũng chính là nhược điểm trong phương pháp phê bình của ông Hảo, vậy mà không thấy ông Hảo đả động gì đến, cho nên tôi thấy cần nhắc lại: “Trước hết, phải nói ngay rằng những ý kiến phản biện Hội thề và Dị hương đã không “đánh trúng huyệt đạo” của vấn đề: Cả Hội thề và Dị hương đều không phải là “kể chuyện lịch sử” mà đều là “giải mã lịch sử”, “giải minh lịch sử”. Vì thế, những ý kiến phản biện đều đối chiếu hiện thực lịch sử (trong “chính sử”) với những gì đã viết trong tác phẩm rồi kết luận tác giả viết sai lịch sử là không phải cách của nhà phê bình có con mắt xanh. Lâu nay, kiểu phê bình kiểm tra độ chính xác của hiện thực lịch sử trong tác phẩm đã lỗi thời”. Có thể thấy rõ ông Hảo đã tiếp tục “kiểu phê bình tìm chứng cứ” khi phê phán bài viết của Lê Thành Nghị và “khái quát” phương pháp phê bình của Lê Thành Nghị là “phương pháp luận bịt mắt bắt dê”. Tôi chưa bàn kỹ về chuyện này vì đó là chuyện của ông Hảo và Lê Thành Nghị.
Nhân nói đến sự “khái quát” của ông Hảo, tôi thấy ông lại mắc phải cái bẫy do chính mình đặt ra, tức “gậy ông lại đập lưng ông”: ông “khái quát” mà không có bằng chứng: ông “khái quát” chuyện bằng cấp khiến ông Tiến sĩ Phạm Quang Trung bất bình; ông “khái quát” chuyện xin vào Hội Nhà văn có “cửa sau, cửa trước” khiến Nguyễn Văn Thọ nổi giận; trong bài viết mới này, ông lại “khái quát” về đội ngũ Lý luận, phê bình của Hội Nhà văn: “Như thế này, liệu người đọc có dám tin rằng HNVVN đang sở hữu một đội ngũ lý luận phê bình đích thực?”, và “khái quát” cả giới phê bình trên các phương tiện truyền thông: “Hầu hết những bài ca ngợi “Hội thề” & “Dị hương” đều viết theo “phương pháp luận bịt mắt bắt dê” kiểu Lê Thành Nghị”. Kiểu “khái quát” đó dân gian gọi là “vơ đũa cả nắm” và tôi tin là tất cả đội ngũ lý luận phê bình của Hội Nhà văn cũng như các phương tiện truyền thông đều không thể tha cho ông chuyện này! Và rõ ràng là ông đã “gây hấn” với những khu vực phê bình chính thống!
Đến đây, phải nhắc lại ý ông Hảo nói về chuyện “châu chấu đá xe”. Ông Hảo nói, “chuyện phê bình văn chương là chuyện tao nhã của giới học thuật, sao ông lại đưa khái niệm đánh lộn, chiến tranh vào đây đây để ví von quá sức khiên cưỡng, bất nhã thành chuyện “châu chấu đá xe”?” (tôi nhấn mạnh - Đ.N.T). Ông nói là “tao nhã” nhưng tôi quan sát thấy ông không hề “tao nhã” và người đối thoại với ông cũng đâu có tao nhã với ông khi dùng từ “dị hợm” để nói về ông: VỀ MỘT PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH… “DỊ HỢM” CỦA ÔNG TRẦN MẠNH HẢO KHI PHÊ BÌNH TRUYỆN NGẮN “DỊ HƯƠNG” : Nguyễn Trọng Bình.
Còn chuyện ví von không hề “quá sức khiên cưỡng” như ông nghĩ mà cần hiểu thế này:
Nguyên văn câu ca dao tôi dùng để “ví von” là:
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng
chứ không phải như câu ca dao mà ông Hảo nhắc nhở tôi:
 “Lạ đời châu chấu đá xe
 Tưởng rằng chấu ngã, ai ngờ xe nghiêng”?
Câu ông Hảo dẫn ra có thể là dị bản nhưng nó bị mất vần như thế mà Nhà Thơ lại dùng sao?
Sự ví von của tôi cần hiểu là: sự trao giải thưởng cao và những lời khen tụng đối với Hội thề và Dị hương là chính danh, chính thống, là công luận và nó đang vững chãi như “cỗ xe trăm mã lực khổng lồ” - biểu tượng của sự chuyển động của thực tại khách quan (chứ không phải là đủ loại xe cụ thể như ông tán dóc lạc đề: “Mà xe nào vậy: xe ngựa, xe bò, xe kéo, xe lôi, xe ba gác, xe xích lô, xe lăn tay hay xe tăng kiểu “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” như trong bài hát của Doãn Nho - Hữu Thỉnh đây?”).
Khi tôi đưa lối ví von này vào thì không thể hiểu là tôi coi tất cả những người phản biện “là loài châu chấu hèn mọn” mà là tôi muốn nói họ không thức thời, không biết lượng sức mình, muốn cản “bánh xe lịch sử” mà thôi! Song, ý thứ hai mà tôi chưa nói ra, muôn để “hiểu ngầm” là ở vế sau của câu ca dao: Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng: Biết đâu được, vì một “phép lạ” nào đó xuất hiện, những người phản biện sẽ chiến thắng, hai tác giả Hội thề và Dị hương phải trả lại giấy chứng giải thưởng và tất nhiên cả tiền thường kèm theo, như có ý kiến đã nói trên Lethieunhon.com. Đó là giả dụ như thế, chứ còn như hiện tình mà tôi đã thể hiện trong bài viết thì …những sự phản biện hiện có chỉ như “châu chấu đá xe” mà thôi!
Ở đây, tôi muốn nói thêm rằng, dù sao đi nữa thì những phương tiện thông tin báo chí do những cơ quan Đảng và Nhà nước quản lý thì luôn là nơi phát ngôn chính thống mọi tư tưởng của thời đại, không thể sai, chỉ từ đúng trở lên. Và những người có chức danh nào đó phát biểu thì thường không phải chỉ là ý kiến cá nhân mà còn là “người phát ngôn” của cơ quan, đoàn thể nào đó.
Nói đến đây, tôi xin tiếp tục “giải mã” cái ý mà ông Hảo cho là tôi “nông nổi ca ngợi Ban giám khảo chấm giải cao nhất cho hai cuốn truyện kia là những nhà văn: “Bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội”. Chữ “nông nổi”, tôi xin trả lại ông Hảo vì ông đã nông nổi mà kết luận tôi ca ngợi Ban giám khảo của Hội Nhà văn là bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam: “Hội Nhà văn VN có công khai tên tuổi Ban Giám khảo đâu mà ông biết họ là ai, lại cứ xưng xưng tâng bốc họ là những nhà văn viết hay nhất của Hội thì tôi e rằng ông nịnh hơi bị … sai?”.
Chính vì tôi không biết đích danh tên tuổi Ban giám khảo nên lời nói của tôi là dành cho một Ban Giám khảo chuẩn mực tất yếu phải có của bất cứ một cuộc chấm giải nào. Đó là một ban giám khảo mà những người trung thực luôn mong đợi, chẳng lẽ ông Hảo không mong muốn có một Ban giám khảo chuẩn mực như thế? Còn trong thực tế, Ban giám khảo đã có gồm những ai, có được mười phân vẹn mười hay không thì đó là chuyện khác. Xin ông Hảo đọc lại câu văn này của tôi: “Các tác giả Hội thề và Dị hương đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo của Hội Nhà văn - bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam”. Tôi đã nhấn mạnh cụm từ Ban Giám khảo, thì có nghĩa là chỉ Ban Giám khảo mà thôi, còn những ai chưa bị chinh phục thì cứ tha hồ phản đối, phản biện. Và tôi xin nhắc lại, cụm từ tôi đặt sau dấu gạch ngang (-) thì có nghĩa là yêu cầu của tôi đối với Ban giám khảo: bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Còn có thể đòi hỏi gì hơn được nữa?
Ông Hảo nói tôi “nông nổi” dường như chưa đã nên ông còn gán cho tôi thêm mấy chữ “nịnh hót thô thiển” nữa:
 “Viết những dòng nịnh hót thô thiển như trên, chúng tôi thiết nghĩ ông Đỗ Ngọc Thạch đang góp phần làm mất sự đoàn kết của Hội Nhà Văn mà hình như ông đang có ý định xin vào?”.
Đọc những dòng này, nếu là người nóng tính như Nguyễn Văn Thọ chắc hẳn sẽ tìm ông ngay để “nói chuyện phải quấy”. Nhưng tôi không nóng tính như Nguyễn Văn Thọ (mặc dù cùng tuổi với ông Thọ và cũng có cuộc đời “ba chìm bảy nổi” không kém gì ông Thọ) mà chỉ muốn nói nhỏ với ông rằng: trong từ điển đời tôi không có hai chữ “nịnh hót” và tôi tuy đã từng làm việc ở nhiều cơ quan văn học, báo chí khác nhau, từ trung ương xuống địa phương nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xin vào Hội Nhà văn, nhất là từ sau khi tự xin ra khỏi biên chế Nhà nước và theo chế độ “Một cục” (từ năm 1988). Tuy nhiên, tôi vẫn rất kính trọng và ngưỡng mộ những nhà văn chân chính và thi thoảng viết linh tinh do thói quen nghề nghiệp và hoàn toàn ngẫu hứng! Còn chuyện “góp phần làm mất sự đoàn kết của Hội Nhà văn” thì quả là một sự gán ghép nực cười! Sao ông không nói tôi góp phần làm tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa năm 1991 hoặc góp phần làm cho tình hình Libi thêm căng thẳng để cho người lao động Việt Nam phải di tản hồi hương rất vất vả?
*
Cuối cùng, tôi xin Nhà thơ, nhà Phê bình Trần Mạnh Hảo đọc lại mấy câu kết luận bài viết của tôi thì mới hiểu hết ý tứ bài viết và tôi cũng muốn dùng nó làm lời kết bài trao đổi ngắn này vì đây không chỉ là câu chuyện giữa tôi và Trần mạnh Hảo:
Liệu cái giá trị mà Hội thề và Dị hương đạt được qua giải thưởng đó có thật hay không và có sức sống như thế nào thì phải chờ Thời gian trả lời - “Thời gian là vị quan tòa công minh nhất!”. Đó là chân lý vĩnh cửu!...
Sài Gòn, 5-3-2011
Đỗ Ngọc Thạch