Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÀ ĐẠO VÀ CÁI ĐẠO CỦA NGƯỜI VIỆT

Đỗ Trọng Khơi
Thứ hai ngày 27 tháng 1 năm 2025 2:50 PM


Nhàn đàm

Gần đây việc thưởng trà, thiền trà được đại chúng đặc biệt quan tâm không chỉ ở diện rộng mà ở cả chốn phú quý phong lưu bậc nhất. Việc này có liên quan mật thiết đến hai câu chuyện thưởng trà, là chuyện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thiết tiệc trà Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 12/12/2023 tại thủ đô Hà Nội, và câu chuyện chiều 6/3/2024, nhà văn Hoàng Anh Sướng, một nghệ nhân trà đạo nổi tiếng được mời giúp tỷ phú Mỹ, Bill Gates thưởng thức nghệ thuật thiền trà với bộ đồ trà cổ của người Việt Nam trên núi Bàn Cờ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Có thể nói, hai sự kiện mời trà trên đã góp phần đưa giá trị trà Việt Nam với các loại trà đặc sắc như trà mạn sen đầm trị Tây Hồ; trà Olong lão Mộc Châu; Bạch trà shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lình, còn gọi là trà chốt đỉnh 2000, hay Bạch trà chốt đỉnh Thanh Minh (đỉnh 468, Hà Giang), lên hạng “chốt đỉnh” nghệ thuật thưởng trà, thiền trà trong thế giới ngày nay.

Kể ra việc uống trà thì người phương Tây cũng ái mộ trà từ lâu, như Trà chiều Anh Quốc, Trà bạc hà Maroc, Trà Thổ Nhĩ Kỳ…nhưng thưởng trà rồi nâng cấp thành nghệ thuật trà đạo thì phải người phương Đông là Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam mới lập thành trọn vẹn được.

Người Trung Quốc, như một căn tính văn hóa dân tộc họ thường biết dung nạp (cả chiếm dụng) các dòng văn hóa, các trước tác, chế tác của dân tộc khác và làm cho phong phú, to lớn thêm lên. Với trà đạo cũng vậy, họ đã nhiều dụng công xây dựng nên một đạo lý trong nghệ thuật pha trà Kungfu nổi tiếng với kỹ thuật tinh xảo. Họ dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí khí thanh cao. Họ đặt ra cả một hệ nghi thức: Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm hay còn gọi là “trà đạo lục sự”, khiến cho người yêu trà mong muốn được trải nghiệm ít nhất một lần trong đời. Và theo sử Trung Quốc ghi thì họ đã uống trà trong hơn 4000 năm lịch sử và trà được xếp trong danh sách 7 vật dụng thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống là “củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà”. Ấy là trà đạo tập thành từ giới nho sỹ quý tộc rồi lan ra thiên hạ.

Người Nhật Bản khiêm tốn hơn, cho hay việc dùng trà có lẽ đã từ lâu, nhưng nâng thành đạo - trà đạo có vào khoảng cuối thế kỷ 12, văn hóa trà đạo nổi lên như một hiện tượng tại Nhật Bản. Người Nhật không chỉ mang đến một thức uống ngon, mà khi thưởng trà họ còn kết hợp với tinh thần thiền của đạo Phật, biến trà thành nghệ thuật trà đạo, đặt ra những phép tắc kỹ càng công phu về trà thất, tạo không gian thoáng đãng, tĩnh lặng, bên trong nơi thưởng trà còn có “tranh, thơ, câu liễn”, “hoa” và “lư trầm”, rồi đặt cảnh trà viên, tạo lên khuôn vườn cây cỏ xinh tươi. Chưa kể tới trà cụ - dụng cụ pha trà của người Nhật thì ôi trời, tới hơn chục món, là cả một kỳ khu. Trà đạo Nhật Bản dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản: hòa – kính – thanh – tịch, đồng thời tuân thủ các chuẩn mực nghiêm ngặt về nước pha trà, không gian, nghi lễ và cách thức thưởng thức, làm nên cả một nét hình văn hoá độc đáo không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của nhân dân. Trà đạo Nhật khởi từ giới tu sỹ, võ sỹ đạo, rồi mới truyền sang giới quý tộc vương quyền.

Nghệ thuật trà Việt Nam thì sao?

Người Việt tìm ra cây chè và lấy làm đồ uống tự xửa xưa. Nương theo văn sử thì thấy ghi thời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127), ngài Viên Chiếu thiền sư, con của anh trai bà Linh Cảm Thái hậu (vợ vua Lý Nhân Tông), có hai câu thơ đề cập đến tách trà:“Tặng quân thiên lý viễn/Tiếu bả nhất âu trà” (dịch là, Tặng người ngàn dặm cách xa/Cười dâng chỉ một âu trà thế thôi).

Nói đến nghệ thuật trà đạo Việt trước hết phải nói chất lượng hương vị của từng loại trà khi kết hợp với nguồn nước pha trà (nhất trà, nhị thủy), sau mới đề cập tới trà thất, trà viên, trà cụ, quy cách pha và phong cách thưởng trà. Những đặc điểm này, chắc hẳn việc thưởng thức trà, hay nâng tầm thành môn trà đạo thì ở phương trời nào cũng dễ có những điểm tương hợp.

Việt Nam có nhiều vùng đất trồng trà, dân quê quen gọi là cây chè. Cây chè trồng khắp mọi chốn đồi núi thôn bản miền rừng và miền xuôi làng xã. Nhưng chè ngon nức tiếng thì phải kể đến những cây chè có tuổi thọ tới năm, bảy trăm năm ở các xứ chè Thái Nguyên, Tuyên Quang, chè Shan tuyết Hà Giang, chè Mộc Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ... Các vùng quê này đều thuộc miền núi phía Bắc, nơi núi đồi cao, sương mây bao phủ giá lạnh quang năm. Nhờ có khí hậu, thổ nhưỡng đó cây chè ở nơi này đã tạo ra thứ hương vị đặc biệt riêng. Chè Việt có ba loại được dùng phổ biến là chè tươi, chè khô và chè hương. Chè tươi là những lá búp hái ngay tại nương rẫy, vườn nhà, đem rửa sạch rồi cho vào xoong nồi đun sôi lên lấy nước sử dụng trong ngày. Loại chè này mát, uống có tác dụng giải nhiệt, lợi cho tiêu hóa. Chè khô là loại được thửa từ những búp lá non tơ, đem sao trong chảo cho nỏ se khô quắt lại từa tựa hình móc câu, vì vậy còn gọi là chè móc câu. Loại này để được lâu, và dùng pha hãm với nước đun sôi khoảng 80-85 độ, mỗi vùng đất một loại chè mang hương vị riêng. Khác chè tươi uống mát, chè khô uống dễ bị nhiệt. Chè hương là loại chè khô được ướp tẩm một mùi hương hoa nào đó, thường dụng có trà hương sen, trà hương nhài, trà hương hoa sứ…


Trà hương có loại trà bình dân, giá không quá cao. Có loại để làm được 1kg thành phẩm là cả một kỳ công mà không phải người nhà nghề có kỹ thuật thôi xao tinh túy gia truyền thì không thể làm được. Như trà mạn sen Đầm Trị Tây Hồ, thành phần chính là Bạch trà shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh, Hà Giang. Để chế biến được thành thương phẩm cho loại chè này phải mất hàng năm, kể từ khâu đầu tiên chọn chè ở vùng đất nào, đến tuổi cây chè, rồi lúc hái chè phải vào buổi sáng sớm khi mặt trời chưa tỏa khí nóng. Lúc trời mưa, hôm sương giá không được hái. Chè cho chất lượng ngon nhất là búp lá tơ non màu nõn trắng. Thêm nữa lá mọc phía cành bên Đông cây chất chè thơm ngon hơn lá búp mọc phía Tây cây. Một cây chè lâu niên tán rộng cũng chỉ chọn được rất ít búp lá tơ nõn loại này. Mới thấy để có được vài kg chè tươi chất lượng đã hiếm, sau đó sao cho khô quắt lại, và cứ 1kg trà khô cần tới 1.200, 1.300 bông hoa sen đem ủ hương trong 3 năm. Khi này mới hoàn thành 1kg thượng phẩm trà hương (Trà này đoạt giải ấn tượng thế giới tại Pháp). Ôi là là, ba năm là bấy nhiêu ngày!


Cũng ở vùng núi Tây Côn Lĩnh còn có một loại chè ngon mang dấu tích lịch sử đặc biệt, là Bạch trà chốt đỉnh 468 và chè chốt đỉnh 2000 shan tuyết cổ thụ, hay trà được thu hái trước tiết Thanh Minh nên có thêm tên “Bạch trà chốt tiền Thanh Minh”. (Trà đoạt giải vàng thế giới Cuộc thi Trà quốc tế (AVPA). Sản phẩm đặc sắc thứ ba là trà Olong lão từ cao nguyên Mộc Châu, Sơn La. (Loại trà này đạt giải vàng Cuộc thi Trà quốc tế Paris năm 2019 tại Cộng hòa Pháp). Ba loại được đánh giá bậc nhất danh trà Việt, giá bán loại bình bình dăm, bảy triệu 1kg, loại kén khách giá tới hàng chục triệu 1kg.


Bình dị từ những chiếc búp là cây, qua lựa lọc hái, sao, ướp để thành ra thứ đồ uống thiên cổ kỳ danh vang khắp năm châu bốn bể, cây chè Việt đã được hấp thụ và trải qua ưu đãi của khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước thiên nhiên, cộng hưởng với công sức sáng chế tinh túy công phu của bao lớp nghệ nhân truyền nối mới có được. Tri ân biết nhường nào đất Việt!

*

Tới đây có thể đặt câu hỏi: Người Việt xử dụng trà làm nước uống đã tự ngàn năm, nhưng có đặt việc này thành ra một cái Đạo – Trà đạo không? Câu trả lời chắc chắn là khi đã tạo dựng cả một công phu tuyệt kỹ sao ướp để có được danh phẩm 3 loại trà kể trên đồng nghĩa nó đã đạt tới cái đạo của trà rồi.


Có câu Có thực mới vực được đạo, với quan niệm đó đã đi vào quy cách dụng trà lấy loại, lượng, hương vị trà làm đầu, nguồn nước là thứ hai. Mỗi sớm chiều người Việt ra vườn nhà hái một nắm chè cho vào chiếc ấm hay xoong, đong mấy gáo nước mưa rồi đặt ấm lên bếp, cời củi nấu, gọi là nước chè tươi. Có hơn thêm củ khoai lang luộc, bơ lạc luộc, cái bắp ngô nướng, rồi ới gọi bạn láng giềng sang uống nước, điểm tâm. Mùa Đông quây quần quanh chiếc ổ rơm, hè trải chiếc chiếu cói trên nền nhà đất nện. Thanh tịnh, ấm cúng mà không kém phần trang trọng. Ấy là tính lão thực của tình người Việt!


Nhàn hơn, kỹ tính và quý phái hơn thì người Việt mới tính đến nguồn nước. Nước dùng pha trà thường là nước lấy từ các con suối thiên nhiên, từ nước giếng sâu, và kỳ công tinh túy thửa nước đọng giọt trong từng đài sen, lá sen buổi sớm mai. Đun nước thì thửa củi bằng gỗ chắc than đượm, thậm chí gỗ có mùi thơm. Chăm lửa cho ngọn lom rom, liu riu, canh nước tới khi sôi vừa sủi tăm, không quá nóng. Rồi thửa bình thủy ủ ấm nước để mùi vị trà giữ được nguyên bản. Ấy là cốt cách tinh thần Việt!


Lại phải kể tới những bộ đồ ấm chén, đến cả khâu dụng muỗm gỗ, thanh tre để lấy trà từ bình theo chiều vòng tròn bên vách lọ, rồi thả trà vào ấm, thêm nữa cách đánh thức trà cho dậy hương mà tan bớt tạp chất trước khi chế nước ra từng chén cho nước trong các chén được ấm đều. Ấy mới đạt lẽ thanh, tịnh của hồn Việt!


Trà ngon phải có bạn hiền! Lại cầm thêm câu: miếng trầu không trọng bằng tay bưng trầu! Ẩm thực, chỉ là miếng ăn miếng uống khi đã tôn thành đạo – trà đạo, thì cách mời trà, dâng trà – một biểu thị trân trọng bạn trà, trước bậc cao niên càng phải trân quý hơn. Dâng trà trong bản tính trọng tình của người Việt ưa giản dị, không bày đặt nghi thức, chỉ cần chăm chút cử chỉ từ cách ngồi, vẻ mặt, lời thưa gửi, rồi mới tính đến cung cách rót nước, đưa nước mời khách ân cần, khiêm hạ. Ấy mới thực thấu lẽ “Cao sơn trường thủy” - núi cao sông dài đã kết tụ ra loài dị thảo đó, khiến lòng người cảm hóa theo cùng. Ấy cũng là cái đạo trọng tình – trọng tĩnh của người Việt gửi gắm trong trà thuật!

Văn hóa trà Việt tuy có ảnh hưởng từ Trung Quốc, Nhật Bản qua quy cách, tên gọi, như “nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”, Song cái cốt cách tính tình văn hóa Việt dù “đồng” mà không “hóa”. Ấy là do người Việt luôn dám làm điều khác biệt và biết làm đầy cái có vốn hư hao của mình. Trà đạo Trung Quốc thì cầu kỳ, Nhật Bản lại nghiêm mật. Cốt Việt tinh túy mà giản dị, to lớn mà dịu nhẹ, an vi. Đó là sự khác biệt lớn!

*

Vĩ thanh: Từng nghe câu “nhất khổ nhị cam tam hồi vị”, thưởng trà đòi phải cảm nhận được sự tinh túy trong tam đạo trà. Nhấp chén trà thứ nhất trọn vị đắng chát, chén thứ hai thấy ngọt thơm, để chén thứ ba hồi vị mà thấu ý nghĩa cuộc đời. Thưởng tam đạo trà phải thấm thía ba dư vị đó của trà thì mới xem như đạt tới cách thụ cảm trà và đạo trọn vẹn.


Tôi bàn về trà đạo trong lúc lòng nhớ thương ông nội, nhớ những sớm chiều ông một mình độc ẩm. Nhớ những canh tổ tôm ông cùng bạn già làng xã châm đèn, đánh bài và thưởng trà. Những bát chè tươi trong sớm mai, chiều tà, chén trà hương trong canh khuya dài và sâu của tuổi đời ông. Thuật ngữ tổ tôm đã đi vào đời sống, với những câu “gàn bát sách”, “đen như bạch định”, “đỏ như hồng điều”, rồi cả từ văn học bước ra, xưng câu: “Ù, chi chi nẩy. Điếu, mày…” Những cách xướng bài, những lần pha chế nước, những tiếng xuýt xoa ấm nóng hương trà trong nết tình ông khiến lòng tôi nhớ nhung khôn dứt, nghĩ suy khôn dứt về những canh bài đã thành ra ngày xưa ấy! Thật là: Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình!


Và tôi viết bài về trà đạo còn vì danh “chè chốt đỉnh” bi tráng lạ lùng. Đã biết chữ “chốt đỉnh” là một thuật ngữ chiến trường, đâu phải để chỉ đỉnh cao núi non thường thấy. Tìm hiểu mới vỡ lẽ về chốt đỉnh cao 468, ở xã Thanh Thủy, huyện Vỵ Xuyên, tỉnh Hà Giang. Bất ngờ thêm nữa đây cũng chính là nơi một anh bạn văn của tôi hồi là lính trận đã chốt ở đỉnh cao này trong suốt 8 năm trời, từ 1981 tới1989 ra quân với thương tích cũng đỉnh luôn: 8/8. Anh kể, ở Vỵ Xuyên, Hà Giang có nhiều ngọn núi cao như đỉnh 500, 600, 685, 2000…mà Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 đóng quân, và tham chiến những trận đánh vô cùng ác liệt, vô cùng tàn bạo do quân giặc gây ra. Có những ngọn núi đã bị mệnh danh là “Lò vôi thế kỷ”, “Đồi thịt băm”, “Thác gọi hồn”… Anh kể, chiến trường rất khốc liệt, bộ đội thường thay phiên nhau nằm hầm theo đợt khoảng 9 tháng đổi quân một lần. Quá trình đóng chốt cứ có cơ hội là các anh liền tranh thủ đi hái lá chè shan tuyết, rồi lần vào những khu vực cây cối bị đạn bom nung cháy thành than, lấy than đó về sao chè. Sao chè chốt phải thực hiện trong hầm, chè sao bằng than đó không có khói, tránh bị địch phát hiện. Hay đâu, từ đó các anh đã làm nên một thức uống thượng hạng. Điều đặc biệt xứng đáng ghi vào biên niên sử chiến trường. Ngày đó sau mỗi trận đánh, bộ đội ta và lính bên kia lại ném tặng nhau những món quà. Quân bên đó thường ném cho ta thịt hộp, thuốc lá, đổi lại quân ta có “trà chốt đỉnh” thượng phẩm ném sang…

Chè chốt đỉnh 468, kể từ đó không chỉ tạo ra một thứ hàng thượng phẩm, hơn thế nó đã góp phần tạo nên tinh hoa văn hóa trà đạo, đóng góp thiết thực cho cả văn hóa quân sự và ngoại giao của đất nước. Ấy là: Cái Đạo của người Việt!


11/11/2024

ĐTK