Về
quê dự đám cỗ. Thấy giống ớt vừa cay vừa thơm, xin gia chủ một trái. Đem về gieo làm 2 chậu, mỗi chậu vài hạt. Hai chậu ớt ra trái, mỗi chậu một loại trái. Loại trái ngắn, đỏ mọng, mấy chục trái đâm thẳng tuốt tuột lên trời. Cây bên chậu kia, trái xanh, dài thượt, mấy chục trái rủ thõng thẹo xuống đất..
Từ hôm 2 chậu ớt đâm quả, cái mặt con mụ vợ tôi nặng như đang... chạy thận nhân tạo.
Im lặng chẳng đừng, nó triệu tập lũ con cháu, dâu rể tới. Rồi xổ hết nỗi phẫn nộ, căm hờn vào mặt thằng tôi:
- Điềm trời báo đây! Dấu một lũ một lĩ " ngoài luồng" kín đáo, che đậy tới mấy, thì rồi cũng phải phơi bày ra thôi !
....
Bữa cơm tối nay, vặt nắm ớt vào, cả xanh lẫn đỏ. Tôi nhai ngáu nghiến, mỗi loại 5, 6 trái. Mà kỳ lạ quá, trái nào cũng ngọt lừ, các cụ ạ !
Về đại đội X, đã nằm trong mùng rồi, vẫn nghe được những lời ông Chính trị viên phê phán một chiến sỹ trẻ
CHÍNH TRỊ VIÊN :
-Gia đình đồng chí thuộc thành phần bần cố. Đảng đã moi móc ông bà, bố mẹ đồng chí lên khỏi lớp bùn đen hôi thối của xã hội cũ, đã tắm táp, kỳ cọ cho ông bà, cha mẹ đồng chí bằng xà bông, để thơm tho, sạch sẽ.. Vậy xin hỏi, tối qua có tốp văn công Mặt trận xuống đơn vị biểu diễn, Đảng yêu cầu đồng chí đi phục vụ chị em, sao đồng chí lại khăng khăng không chịu nhận là ra làm sao ?
CHIẾN SỸ:
- Thủ trưởng nói hết chưa ạ? Hết rồi ạ! Vậy duyên do là như thế này:
Chính vì Đảng đã tắm gội, gột rửa cho ông bà, cha mẹ em trở nên thơm tho, sạch sẽ, nên xưa nay nhiệm vụ nào được giao em cũng hoàn thành tốt, đúng không ạ?
Nhưng em giữ nguyên tắc là không thể đi phục vụ MẤY CON RỆP ĂN TRẦU ạ !
( Mình phì cười thành tiếng. Sáng hôm sau CTV góp ý: Anh cười to quá làm lời phê phán của tôi mất hết tác dụng! )
Được buổi diễn tập vào đêm trăng sáng, được khênh nòng, lá chắn pháo đi qua đường làng thơm nức mùi rơm mới gặt đang phơi quả là thứ trời cho.
Trời còn thương hơn, đám con gái làng đêm trước thấy bộ đội đi qua, ngay đêm sau các mợ đều gội đầu lá bưởi, lá hương nhu, thả mớ tóc dài sóng sánh ánh trăng đêm chẩy tới tận eo lưng, lại vận áo dệt kim cổ mở, tay ngắn nom càng ngon hơn..
Có chú lính già ( lính tái ngũ) đang kênh đòn khiêng nòng (hay lá chắn ) khẩu pháo, khi gặp đám chị em, gã lính già liền khều tay chộp ngực chị này em kia.
Tiếng chị em kêu the thé, nghe cũng vui.
Cái chết là nòng hoặc bàn chắn pháo nặng vài tạ thép, do sáu người khiêng bằng hai đòn tre, khi lính gìa quờ tay chộp chị em, tay đòn khiêng chao, mấy pháo thủ còn lại ngả nghiêng,chới với sắp ngã.
Chính trị viên gọi lính già lên góp ý lần đầu, lần thứ hai, lần thứ ba...Chứng nào vẫn tật ấy.
Đại đội quyết định họp Hội đồng quân nhân ở đình làng. Bàn Chủ tịch trải thảm đỏ hẳn hoi. Đại đội ngồi dàn thành hai bên, dành lối để giong "tội đồ" vào
Có đủ hai chiến sỹ tay súng lăm lăm giong " tội đồ".
Đã được hướng dẫn trước, vừa thấy " tội đồ" xuất hiện ở cửa, Chủ tịch đoàn hô trước, lính láp hai bên đĩnh đạc hô theo:
- Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay bán nước !
- Quyết tâm rèn luyên để lên đường giải phóng Miền Nam !
Đả đảo! Đả đảo!
Quyết tâm ! Quyết tâm!
Rân ran, váng động cả mấy gian đình rộng thênh.
" Tội đồ" được giong giải đến phía trước Chủ tịch đoàn.
Chính trị viên đứng dạy, cao giọng:
- Trong không khí nước sôi lửa bỏng, Mỹ Diệm vừa đầu độc hàng ngàn tù nhân tại nhà tù Phú Lợi, Luật 10/59 đang lê máy chém đi khắp nơi chặt đầu cứa cổ đồng bào, đồng chí ta ở trong kia, vì sao khi hành quân qua làng, đồng chí cứ thích SỜ VÚ CHỊ EM ?
Phía dưới lính tráng nhao nhao:
- Không phải sờ đâu, mà là bóp hẳn hoi ạ!
- Mà bóp mạnh!
- Lại bóp lâu nữa !
" Tội nhân" im thít.
Mấy gian đình bung nổ tiếp tiếng hô Đả đảo Mỹ Diệm.
Chính trị viên hỏi thêm lần thứ 2, lần thứ 3.
" Tội nhân" vẫn im thít.
Tiếng đả đảo Mỹ Diệm tiếp tục vang lên.
Chính trị viên hỏi đến lần thứ tư.." Tội đồ" bỗng giơ tay xin nói.
Mấy gian đình bỗng ắng ngắt
Chính trị viên:
-Có thế chứ ! Nhận ra sai lầm rồi phải không?
" Tội đồ" thủng thẳng:
- Kính thưa Chủ tịch đoàn ! Kính thưa tất cả các đồng chí. TÔI BÓP VÚ LÀ VÚ VỢ CON CỦA NGƯỜI TA, CHỨ CÓ BÓP VÚ VỢ CON CỦA CÁC ĐỒNG CHÍ ĐÂU, mà các đồng chí đả đảo tôi?
Cả Chủ tịch đoàn lẫn lính tráng cười ngả nghiêng, cười đến ràn rụa nước mắt.
Cuộc họp giải tán ngay tắp lự.
Và suốt 3 tháng diễn tập trên thực địa, lính tráng nhớ rõ, chưa đêm nào vui như đêm ấy...
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm thân gà trống suốt đời tự do
Sáng sớm thì gáy o..o..
Suốt ngày lích chích, không lo trả tiền ...
5-SAO CỨ « HOT « MÃI THẾ NÀY ?
( Chuyện ghi lại cách nay 15, 17 năm rồi..)
Vài năm trước tôi có dịp tham gia trại viết của ngành Công an. Sắp kết thúc trại, chúng tôi được đưa đi “ thực tế “ tại một trại giam rộng đến cả ngàn héc ta, nằm gọn trong một thung lũng lọt giữa bốn bề núi đá vây quanh, có cả xe ô tô búyt bán vé chở người nhà phạm nhân tới từng khu vực thăm nuôi. Nhiều điều quả là đáng sửng sốt, ngạc nhiên vì cái quy mô bề thế, khang trang của trại giam này. Đồng nghiệp văn chương của tôi giở sổ sòan sọat, ghi chép lia lịa lời kể của những anh thiếu úy, trung úy coi các đội tù nhân, của các giám thị, và đương nhiên là cả của tù nhân. Tôi không ghi chép được một dòng nào, vì không hiểu sao lòng dạ bỗng lây lan nỗi buồn từ những ánh mắt, những nụ cười không thể nói nên lời của các phạm nhân. Một buổi sáng giám thị trại đưa đi thăm khu Chùa Một cột, khu Đền Hùng, khu tưởng niệm các danh nhân … được xây cất trong trại. Những tưởng tất cả chắc nhỉnh hơn mô hình chun chút thôi . Điều hiển hiện trước mắt thật không ngờ . Chùa Một cột y như ngôi chùa thật ở Hà nội. Khu tưởng niệm các vua Hùng cũng có đền thượng, đền hạ, cũng phải leo lên, lần xuống vài trăm bậc đá đến vãi mồ hôi hột . Khu tưởng niệm các danh nhân gồm ba khối tượng của ông Khổng Tử, ông Victo Huy gô, ông Lỗ Tấn. Mỗi ông đều được đúc bằng bê tông cốt thép, đều lừng lững to, lừng lững cao đến 5, 6 mét, trầm tư ngồi nhìn nhau . Anh Giám thị hướng dẫn đi tham quan rỉ tai tôi, thỉnh thỏang phạm nhân ở các đội được đưa đến đây để ngắm ngợi các cụ mà suy nghĩ về bổn phận và đạo lý làm người lương thiện (!? ) Nghe vậy, biết vậy và gật gù vầy vậy. Ngắm những đường nét uốn lượn tuyệt vời trên mặt, theo nếp áo và hình hài cân đối, hài hòa của ba bức tượng, một ý nghĩ hay hay chợt lóe trong đầu tôi: Anh nghệ sỹ tù nhân – tác giả của ba bức tượng kia gắng gỏi, dồn hết tài năng làm cho ba bức tượng thập đẹp, thật sinh động cốt mong được giảm bớt số năm tháng “ ngồi bóc lịch”? Hay biết đâu đấy, trong hòan cảnh lao lý, giữa sự cô đơn vây bủa xung quanh, kéo dài triền miên hết ngày này qua tháng khác, bỗng dưng tình yêu, cảm hứng nghệ thuật đích thực, những giây phút thăng hoa bỗng tìm đến với anh ta chăng ?
Gần xế trưa chúng tôi được đưa tới thăm khu hành chính mới đang xây cất của trại giam. Tôi chú ý tới một căn nhà xây sắp xong, với hàng trăm tù nhân đang làm việc, đứng ngay gần cổng ra vào.Tòa nhà khá đồ sộ, xây theo phong cách Pháp với những hàng bậc tam cấp lát đá, với bốn chiếc cột to, cao, đỡ lấy mái vòm có hình đắp nổi gương mặt các nữ thần, với lối ra vào rộng thênh ở cửa chính và lối ra vào ở các cửa phụ. Các ô cửa đã lắp kính màu nâu nhạt, khá hài hòa với mầu vôi nâu ngả vàng sơn quết cả tòa nhà, tạo nên một vẻ trang nghiêm mà cổ kính. Quái , nom tòa nhà cứ hao hao giống tòa nhà ở đâu đó mình đã từng gặp? Ồ, thì ra mô phỏng theo tòa nhà của Ủy ban nhân dân T.P Hồ Chí Minh. Thấy tôi chăm chú ngắm nhìn tòa nhà, anh Giám thị mau miệng giới thiệu ngay với tôi:
-Chưa gắn hàng chữ dắp nổi trước tiền sảnh nên anh không rõ đó thôi. Đấy sẽ là Nhà truyền thống của trại giam này. Tù phạm trước khi được về với đời thường cũng cần ghi nhớ những trang sử vẻ vang cùng thành tích mấy chục năm của trại chúng tôi; còn đối với tù phạm mới thì Nhà truyền thống này sẽ hệt như những bài học của buổi khai trường!
Nhà truyền thống của một trại giam?
Nó sẽ tồn tại mãi mãi, từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời sau sao đây ? Chả lẽ tội phạm, tội ác đã là căn bệnh mãn tính, đã thuộc căn chất của con người; đã là sản phẩm tất yếu của một xã hội không kỷ cương phép nước, lộn phọc lộn phèo, phép vua thua lệ làng, mạnh được yếu thua sao đây?
Bao giờ quốc thái, dân an, Nghiêu Thuấn trị vì đây ? Để mọi người được sống sung túc trong tình thương yêu đùm bọc nhau. Để không còn tội ác, không còn phạm nhân. Để các khu trại giam biến thành bãi sắn, nương dâu, hoặc xây những khách sạn 5 sao, các khu resort. Để các bác công an lo việc tu nhân tích đức không phải chỉ trông cậy vào công tích trong việc rèn cặp, răn dạy phạm nhân?
Có anh và Chinsu đời thật hạnh phúc
( Quảng cáo trên VTV)
Nói thực lòng, những ngày này thằng tôi gặp hai cú SHOCK:
Cú shock Đội bóng Việt Nam thắng đẹp Đội bóng Thái Lan, ngay trên sân của họ
..và cú shock tiếp: Vị đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG xưa nay thường cứng giọng, lớn tiếng vạch mặt các quan tham, các tệ nạn xã hội, bênh vực chúng sinh nghèo khổ..Bỗng ra trước vành móng ngựa, hưởng 13, 14 năm " ngồi bóc lịch"..
Thoạt đầu, cứ ngỡ là " đòn thù " !
Nay hóa ra, cũng bởi chứng TỐI MẮT VÌ TIỀN !
Bỗng chợt nhớ tới một câu thơ ( theo mình là hay nhất trong cả nền thi ca Tiền chiến - Nội, Ngoại chiến- Hậu chiến- Kinh tế thị trường chiến ) của Thi sỹ BẰNG VIỆT, khi nhà thơ mới bước vào tuổi 20:
CHƯA BAO GIỜ TA HIỂU HẾT CUỘC ĐỜI
CHỈ CÀNG LỚN CÀNG THƯƠNG CẢM NÓ!
Ai bảo văn chương không có khả năng linh báo, tiên nghiệm???