Quan niệm chung của mọi người là đầu năm mới, đánh dấu một sự đổi mới, là cái mốc quan trọng nhất của năm. Những ngày đầu xuân thuận lợi, thì suốt năm thuận lợi; ngược lại, sẽ bị nhiều rắc rối, phiền hà.
Bởi vậy, họ kiêng cữ đủ thứ. đầu tiên là cái gì cũng phải mới, sạch sẽ và đầy đủ: Nhà cửa phải sơn phết, dọn dẹp gon gàng, sáng láng. Mùng mền chiếu gối phải tươm tất, bàn thờ phải lau chùi, chưng đầy ắp trái cây…
Trước giao thừa,
tức còn năm cũ, phải chuẩn bị tiền trong túi cho đủ chi tiêu, ít nhất là hết ngày mùng một; bởi mùng một mà mở tủ tiền là việc chẳng nên làm, vì suốt năm sẽ mở tủ lấy tiền hoài!
Tất cả chổi phải đem cất trong nhà, vì ăn trộm mà cắp được thứ nầy thì năm mới mọi của tiền sẽ bị chúng “quét” sạch!
Ngày xưa người ta còn bỏ một mớ lúa vào cối xay để sang năm được mùa, có lúa xay quanh năm, không lo đói khát!
Mọi vật dụng chứa nước phải tràn trề, lu gạo phải đầy ăm ắp, các thứ gia vị, nhất là muối cũng chẳng được vơi, để sang năm thức ăn mới được sung túc, dồi dào!
Trên bàn thờ, hoa quả phải có hình thức no đầy (như dưa hấu, bưởi,
cam, chuối), hoặc có tên mang ý nghĩa phát đạt, no ấm. Thường là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Ý là muốn “cầu vừa đủ... xài” . Xem ra ước mong nầy khá khiêm nhường nên có người không ưng ý, nên họ “cầu sung”, (mãng cầu và chùm sung). Nghĩa là cầu cho năm mới được sung túc hơn!
Có tay chơi trội: “Xài líp pa ga!” (trái xoài, líp, và pa ga xe đạp!). Ý nói rằng nếu không có tiền thì làm sao dám xài thả cửa! (chỉ thấy một người duy nhứt)
Sau nầy vì cữ cái tên... trái cây nên khó thấy ai dám chưng sầu riêng (buồn cô lẻ), chuối (chúi nhủi), cam (cam phận nghèo), bưởi (bưởi bồng), mận, đào (bẻ mận hái đào)!
Dù kẻ gan lì thế mấy cũng không dám chưng dây (trái) tiêu và mấy táng đường, bởi sợ năm mới sẽ bị “tiêu táng thoòn”!!
Sáng mồng một, đã sang năm mới, đầu tiên là không được mở cửa sớm, vì sợ ma quỷ vào!
Và rồi kế tiếp không phải kiêng “ba không” hay “bốn không”, mà là hàng loạt không, như sau:
- Không mặc áo cũ, rách, vá: Năm mới sẽ không có áo lành!
- Không mặc nguyên bộ trắng, hoặc đen: Màu tang chế!
- Không được khóc lóc: Sang năm có chuyện khóc hoài!
- Con nít không để bị đòn (người lớn thường cũng ‘tha”, không đánh): Suốt năm bị đòn lia chia!
- Không được cãi cọ: Năm mới có chuyện đấu khẩu liên tục!
- Không được lảm vỡ ly, tách, chén, dĩa..: Năm mới cái gì cũng tan nát! Nhất là không được làm vỡ gương soi: Vợ chồng ly tán!
- Không vay mượn: Nếu không muốn sang năm là thân chủ của tiệm cầm đồ!
- Không trả nợ: Tiền ra mà không vô!
- Không xõa tóc: Giống người cõi âm quá!
- Không mua kim chỉ, may vá: Muốn may đồ tang sao?
- Không cho lửa: Cho cái hên à?
- Không xin lửa: Ai thèm cho?
- Không mở tủ: Tiền ra hết!
- Không đi chúc Tết ai khi mang bầu: Họ nói mình đem xui xẻo tới đó!(trong lúc mang thai là một tin vui!Hi)
- Không đi chúc Tết ai khi có tang: Không khéo bị đuổi như đuổi tà!
- Không được quét nhà: Rác là tiền, là thần tài hoá thân đó! (Hehe)
- ...
Và cũng đừng bao giờ dại dột đem biếu hàng xóm:
- Trái bầu (nhất là nhà có con gái): “ Mầy muốn con tao có chửa hoang hử?”
- Tiêu hột: “Mầy muốn nhà tao tiêu tùng hử?
- Bắp cải: “Mầy muốn vợ chồng tao gây lộn hử?”
Nếu cha mẹ lỡ đặt cho bạn cái tên “xấu” như: Bần, Bại, Nguy, Đèo,... thì tuyệt đối sáng mồng một bạn chớ nên ghé nhà ai (gọi là “xông đất”), bởi theo gia chủ thì tên bạn sẽ ảnh hưởng vào vận mệnh của họ trong năm. Thậm chí, nếu bạn tên “Xuôi”, tức là xuôi chèo mát mái, không hề bị cản trở, nhưng bạn cũng bị đồng nghĩa với “Xui”, xui xẻo đó!
Nếu may mắn bạn được tên như “đẹp” như: Phước, Lộc, Tho, Phú, Quý,.... thì bạn cũng chớ vội đắc ý mà đi xông đất! Nếu lỡ năm đó gia chủ lụn bại thì bạn cũng lảnh đủ!
Người “xông đất” như người mở hàng vậy. Nếu ngày đó bán không đắt, thì người mở hàng ngày sau chẳng những bị người bán hàng “chạy mặt” mà còn bị rũa thầm là “vô dang!”!
Không biết bao chuyện bi hài về “xông đất”!
Dù những cữ kiêng kể trên phần nhiều là... tào lao binh, phản khoa học, nhưng chúng ta cũng nên biết để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần nhiều... sự vui vẻ để đón xuân!
Còn những điều cữ kiêng sau đây, không những chỉ nên áp dụng vào những ngày Tết, mà với những ngày thường chúng ta cũng không thể lơ là, bởi nó vô cùng thực tế, rất hữu ích, và đầy đủ tính thuyết phục của khoa học:
- Không ăn mỡ nhiều: Tào tháo rượt, và bị “lên máu”!
- Không ăn sai giờ: Bao tử và ruột biểu tình!
- Không uống rượu nhiều: Có thể đi đến đấu khẩu, đấm đá, gây án mạng, và bị.. “xơ gan thần chưởng”!
- Không bài bạc dưới mọi hình thức: Vì nó là “bác thằng bần”, là cội nguồn của sự túng thiếu, chôm chỉa!
Thực tế cho thấy, trong và sau những ngày Tết, ở bệnh viện, khoa nội luôn quá tải, khoa “sứt tay gãy gọng”cũng thiếu giường nằm! Và trại tam giam, tội phạm “nghỉ Tết” nhiều hơn!