Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ VỀ MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI HÀ NỘI ƯU TÚ NHẤT

An Vinh
Thứ năm ngày 10 tháng 10 năm 2024 1:41 PM



Những ngày tháng Mười này, như hàng năm, tôi lại thường nhớ tới một người Hà Nội rất đặc biệt, một công dân Hà Nội vô cùng ưu tú. Đó là bác sĩ Trần Duy Hưng.

Bác sĩ Trần Duy Hưng (1912-1988) sinh ra tại làng Hòe Thị, xã Xuân Phương (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cụ Hưng là vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội (tháng 8/1945 đến tháng 12/1946) và là Chủ tịch UBND Hà Nội liên tục suốt 23 năm cho đến lúc cụ xin nghỉ (1954- 1977).

Tôi cứ nghĩ, không hiểu lý do gì, không hiểu điều gì đã khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trước khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, lại đã thân chinh đến tận tư gia của bác sĩ Trần Duy Hưng (ngày ấy còn ở phố Hàng Bông Ruộm) để mời bằng được bác sĩ tham gia chính quyền cách mạng với vai trò Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội đầu tiên khi bác sĩ mới tròn 33 tuổi.

Anh Trần Tiến Đức, một trong những người con của cụ Hưng có kể lại: “Cụ Hồ ngỏ ý mời cha tôi ra làm Thị trưởng Hà Nội. Cha tôi có nói với Cụ Hồ: Thưa cụ, tôi không quen làm việc nhà nước, tôi chỉ quen chữa bệnh thôi.

Cụ Hồ trả lời: Tôi cũng đã bao giờ làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cùng học thôi…”. Chao ôi là khiêm nhường và giản dị, những người lãnh tụ và lãnh đạo thuở ban đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Thủ đô Hà Nội!

Thời 70 năm trước ấy, có rất nhiều nhân sĩ trí thức tài giỏi, có rất nhiều cán bộ công nông binh cốt cán và năng nổ nhưng vì sao cụ Hồ lại chọn cụ Hưng. Ngoài những lí do mà chỉ có cụ Hồ hiểu được, tôi mạn phép nghĩ rằng, cụ Hồ nhìn thấy ở cụ Hưng không chỉ là người Hà Nội gốc có tình yêu tha thiết và sâu sắc như bẩm sinh với thành phố quê mình và con người Hà Nội; không chỉ là trí thức ngay từ thời trai trẻ đã rất yêu nước thương dân, tin dân, trọng dân, tận tụy và liêm chính; không chỉ là bác sĩ tài ba thành thạo 3 ngoại ngữ Pháp, Anh, Trung nhưng rất giản dị, khiêm nhường, mà cụ Hồ còn nhìn thấy ở cụ Hưng là nhà ngoại giao tinh tế mà bặt thiệp, linh hoạt mà thủy chung.

Nhớ lại thời điểm 1945- 1946 với bao thù trong giặc ngoài của một nhà nước non trẻ, thì việc ngoại giao giỏi là phẩm chất cần thiết biết nhường nào của một vị Thị trưởng Thủ đô. Và thực tế của giai đoạn lịch sử nước sôi lửa bỏng 1945-1954 đã chứng minh điều đó.

Hầu hết mọi cuộc gặp xã giao hay thân mật, đấu trí, đấu khẩu hay thương thuyết quan trọng và thành công với phía Pháp, rồi phía quân Quốc dân Đảng thời ấy ở Hà Nội đều luôn có mặt cụ Hưng sát cánh bên cụ Hồ như một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, một cộng sự đối ngoại vô cùng đắc lực.

Đến thời chiến tranh chống Mỹ, hẳn người Hà Nội ít ai quên hình ảnh khi Tòa đại sứ Pháp trên phố Bà Triệu bị máy bay của Không quân Mỹ ném bom ngày 11/10/1972, thì một trong những người Việt Nam đầu tiên có mặt giữa đống đổ nát mịt mù khói bom vương vãi xác người ấy là Chủ tịch Trần Duy Hưng, trong khi nhiều nhân viên Tòa đại sứ còn chưa lên khỏi hầm trú ẩn.

Khi nhìn thấy cô gái là người yêu của con trai viên Lãnh sự bị chết vì mảnh bom, Chủ tịch đã trực tiếp cùng mấy cộng sự đưa xác cô tới nhà xác Bệnh viện Xanh Pôn. Khi thấy xác cô gái ấy còn thiếu một bên chân, cụ Hưng căn dặn đội cứu nạn “phải tìm bằng được phần thi thể ấy không tội nghiệp cô gái”.

Tôi, do những lý do gia đình, được chơi thân với các anh, chị con cụ Hưng, nên cũng được chứng kiến và được nghe kể nhiều câu chuyện ấn tượng về vị Chủ tịch Thành phố này.

Tôi nhớ nhất hình ảnh những đêm Giao thừa, cụ Hưng mặc cho gió rét đêm đông, không cần tiền hô hậu ủng, chẳng cần báo chí ghi hình chụp ảnh đưa tin, cứ âm thầm lặng lẽ ôm những bọc quà Tết đứng trước cửa nhà riêng ở số 11 Lê Phụng Hiểu, chờ những người công nhân môi trường đô thị đến dọn rác ở khu vực đó, để tận tay trao những túi quà do cá nhân cụ chuẩn bị tặng họ kèm những lời chúc mừng năm mới đầy chân tình.

Và không một ai trong những người thợ dọn rác ấy biết được rằng, người đứng đợi họ trong đêm Giao thừa để tặng túi quà Tết cho họ chính là vị Chủ tịch thành phố.

Gần dân, thương dân là một trong những sự khác biệt lớn nhất hiện nay giữa thế hệ lãnh đạo thời cụ Hồ, cụ Hưng với các quan chức bây giờ.

Cho nên, tôi nghĩ, ngày nay, không chỉ ở Hà Nội, mà ở mọi tỉnh, thành trong cả nước, nếu thực tâm muốn chấn hưng văn hoá, trước hết cần chấn hưng quan trí, chứ không phải là dân trí. Văn hóa xuất phát từ trái tim và trí tuệ, chứ không bao giờ sinh ra từ tiền bạc và chức tước.

Không chấn hưng được quan trí, không chấn hưng được trái tim và trí tuệ của họ, thì mãi mãi không thể chấn hưng được Thủ đô và đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến này đâu ạ!

Có một đêm giáp Noel, lâu lắm rồi, tôi có một cuộc rượu ở một nhà hàng trên phố Ngô Thì Nhậm, đối diện Nhà thờ Hàm Long. Ngồi cùng bàn có mấy anh em là lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, là Chủ tịch thành phố khi ấy, có các anh là thủ trưởng các Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Sở Xây dựng… của Hà Nội.

Ngồi trên tầng 2 của nhà hàng ấy, nhìn qua cửa sổ sang Nhà thờ Hàm Long đẹp lung linh cả về kiến trúc lẫn trang trí, câu chuyện của chúng tôi chuyển sang nói về vẻ đẹp trong kiến trúc và xây dựng của Thủ đô.

Rượu tới rồi, tôi có mạnh dạn nói với các anh, em rằng:

“Các anh em, các bạn đều được học hành rất bài bản, nhiều người từng được tu nghiệp ở những nước rất tiên tiến, kiến thức chuyên môn rất tốt và đáng nể trọng, nhưng vì sao thành phố này của chúng mình, hiện nay đã to hơn về diện tích, đông hơn về dân số, cao hơn về mức thu nhập gấp bội lần nhưng thực sự vẫn chưa đẹp lên hơn so với thời trước Tiếp quản 1954?

Thế là vì sao thưa các anh, các bạn? Tôi nghĩ bởi vì, mọi người cần phải rất yêu Hà Nội, để mà cống hiến, dâng hiến và phụng sự cho tình yêu ấy, thì thành phố này mới thực sự Xanh- Sạch- Đẹp được.

Chứ các anh, các bạn từ trong sâu thẳm trái tim mình vẫn chưa yêu Hà Nội hết lòng, dường như vẫn chỉ coi Hà Nội như một nơi gần “mặt trời” nhất để thăng tiến nhanh nhất, để kiếm danh kiếm lợi to nhất, để cứ cuối tuần nếu không rủ nhau đi “cuốc đất” trên các sân golf xa Hà Nội, thì lại lo kéo nhau về quê thăm thú và thể hiện oai oách của mình, thì Hà Nội mãi vẫn cứ lẹt đẹt, vẫn cứ như dưới quê các anh là các anh đã vỗ tay hài lòng rồi…”.

Sau cuộc rượu đó, một số năm tháng sau đó, có anh đã lên cao, có anh đã vào tù, nhưng thật may là không ai ghét oán gì cái câu tâm sự trên của tôi.

Không để bụng, không cay cú tẹp nhẹp, nhưng cũng không quên quá khứ bao giờ, đấy cũng là nét đẹp của người Hà Nội, của tất cả những ai đã và đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Đó cũng là lý do, vào những ngày kỉ niệm 70 năm Tiếp quản Thủ đô này, tôi lại nhớ, lại nghĩ về cụ Hưng, về vị bác sĩ, Chủ tịch đầu tiên và vô cùng xứng đáng của thành phố này, một người Hà Nội chân chính, một trong những công dân Thủ đô ưu tú nhất trong 70 năm qua.