Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHỢT NGHĨ..THÁNG 10, LẦN THỨ 70, NHỚ VỀ HÀ NỘI

Tô Hoàng
Thứ hai ngày 7 tháng 10 năm 2024 6:26 AM

Nhớ Hà Nội xưa cũ với tiếng leng keng tàu điện

..Ra Hà Nội chấm giải Cánh Diều Vàng năm 2024 lại rơi vào tâm trạng vội vàng, hốt hoảng, hấp tấp. Vì phim phải xem thì nhiều. Vì sáng, chiều, khi đến và rời nơi xem, đều ngong ngóng không rơi vào giờ cao điểm. Ngại tắc đường, ngại giờ ấy giá grabe tăng cao...

Cứ mỗi sáng tới Trụ sở Hội VHNTVN ở 51 Trần Hưng Đạo, lại bần thần ngó sang số nhà 49...

Kỳ quá ta, suốt từ ngày ngôi nhà này được trùng tu, sơn quyét lại, nom như một chú ngựa vằn châu Phi, tuyệt nhiên không thấy một nhà văn, nhà báo, người yêu văn chương, yêu Hà Nội nào nhắc lại SỐ 49 TRẦN HƯNG ĐẠO TỪNG LÀ CHIẾC NÔI, LÀ TỔ ẤM CỦA NỀN VĂN HỌC VIỆT NAM KỂ TỪ SAU NĂM 1954 ĐẾN TẬN NHỮNG NĂM 1980.

BIẾT BAO NHIÊU TÁC PHẨM VĂN HỌC CÓ GIÁ TRỊ CỦA GIAI ĐOẠN ẤY ĐÃ CHÀO ĐỜI TỪ NƠI NÀY..

Thuở đó, có một cuốn sách được "ra lò" từ đây, tác giả hầu như trải qua cảm giác như vừa được phong thánh, vừa vượt vũ môn, vừa bước qua một quãng đời khác..

Những nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ tôi, được in tập sách đầu tiên ở 49 Trần Hưng Đạo có thể đếm được trên đầu ngón tay. Thơ có Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật...Văn xuôi có Đỗ Chu, Nhật Tuấn, Lê Lựu..

Nhớ mãi, lần gặp anh Nguyễn Minh Châu, ăn vận xuềnh xoàng, áo trấn thủ bạc màu, tóc tai bơ phờ, đứng đọc bản bông, hình như tiểu thuyết " Cửa sông", ngay hè phía bên kia đường- ngay sát sạt nơi xưa kia có một nhà tiểu công cộng..

Nhớ mãi tên tuổi của các ông Giám đốc, Phó Giám đốc : Nguyễn Huy Tưởng,Hà Minh Tuân, Như Phong, Lý Hải Châu, Lữ huy Nguyên..

Nhớ tên tuổi các nhà văn bậc đàn anh làm biên tập viên như Quang Huy, Nguyễn Thế Phương, Lê Khánh..

Ôi, sao người ta có ý thức muốn lưu giữ cho hậu thế nhà số 51 mà lại cho "cuốn theo chiều gió" số nhà 49 Trần Hưng Đạo là sao?

Hội nhà văn VN đâu, sao im re vậy?

Những tên tuổi, những đàn anh, những bạn bè thân quen thuở đó-nhiều người đã đi về thế giới bên kia rồi!

Vòng vèo, grabe len lách đi qua các con phố Hà Nội, hầu như ở mọi nơi đều gợi nhớ một người bạn thuở nào, sách vở để lại, còn hình hài, giọng nói, ánh mắt, sự tinh tương sâu sắc, thói bông phèng tếu táo nay đã hòa tan trong cát bụi..

Mươi, mười lăm năm trước, một lần vào Sài gòn, Vương Trí Nhàn " phỏng vấn " tôi:

- Ông ở Sài gòn ngần ấy năm rồi, ông cho tôi biết, điều hay cái dở nếu so sánh cuộc sống ở Sài gòn và Hà Nội?

Không cần suy nghĩ gì lâu, tôi đáp ngay:

- Tôi là thằng lính, quen với cuộc sống " tứ chiếng giang hồ" nên mọi nhận định có thể không chuẩn.Hà Nội hay Sài gòn đều là hai mảnh đất của Việt Nam mình. Bởi thế, nơi này, nơi kia đều có cái hay, cái dở cân bằng nhau..

Duy có điều này, một cư dân Hà Nội như tôi. chuyển vào sống ở Sài gòn, được hưởng một niềm sung sướng mà nếu cứ ở Hà Nội thì không thể có được..

Vương Trí Nhàn vội ngắt ngang như súng bị cướp cò:

- Là điều gì hay thế ?

Tôi cũng đáp nhanh:

- Dân Hà Nội chuyển vào đây sinh sống, như chúng tôi, được hường niềm vui: QUÊN ĐI QUÁ KHỨ CỦA MÌNH !