(Nhân chuyện mấy GS, TS tranh cãi về “bán hàng hoá chất xám”, xin đưa lại bài viết 33 năm trước đăng trên tạp chí Tâm lý học, để cùng trao đổi)
Một vấn đề cơ bản và cấp thiết nhưng còn ít được đề cập, hoặc nói đến một cách dè dặt, là: Nhân cách của con người trong cơ chế thị trường nên được hiểu như thế nào? Cái sức lao động (SLĐ) đem trao đổi, mua bán trên thị trường lao động (TTLĐ) thực chất là cái gì? Cái gì của con người có thể đem mua bán và cái gì không thể? Làm thế nào cho con người có giá trị cao trong cơ chế thị trường?... Những điều đó và nhiều điều liên quan khác đang cần được làm rõ. Dưới đây là một vài suy nghĩ bước đầu về một vấn đề phức tạp, tinh tế mà quan trọng, mong được cùng trao đổi. 1. Quan niệm về hàng hoá sức lao động
Trong thị trường, mọi hàng hóa đều có thể mua bán. SLĐ của con người cũng là một thứ hàng hoá (đặc biệt), thuộc sở hữu của mỗi cá nhân; cá nhân có quyền đem trao đổi, mua bán thỏa thuận trên TTLĐ, phù hợp với luật pháp hiện hành. (Nếu quyền này bị một tổ chức hay cá nhân nào đó khống chế, lợi dụng thì phải đấu tranh để bảo vệ nó).
Trên TTLĐ ở Việt Nam hiện nay (1990) có đủ các loại hàng hoá SLĐ với các giá cả khác nhau:
Có mua bán SLĐ giản đơn, thô sơ (“chợ người”);
Có mua bán SLĐ chuyên nghiệp (ký hợp đồng lao động làm công nhân, kỹ sư, giáo sư, chuyên gia, giám đốc...) (1);
Có TTLĐ địa phương; có TTLĐ quốc gia (giáo sư được thuê giảng trong cả nước); có TTLĐ quốc tế (giáo sư, kỹ sư, công nhân... đi xuất khẩu lao động...);
Có giá lao động giản đơn khoảng 10 đến 20 ngàn đồng một ngày công (2) (ở “chợ người” ngay tại Hà Nội, ở nông thôn giá còn rẻ hơn); có giá 400 ngàn đồng một ngày giảng dạy của giáo sư; có giá 2 đến 3 triệu đồng một ngày công của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam… (Giá cách đây 33 năm).
Việc mua bán SLĐ cũng có mặc cả, cò kè. “Hàng” ế thì giá rẻ cũng chấp nhận, “hàng” đắt khách thì nâng giá; khi cần thì “hàng” đắt cũng mua; khi không cần, “hàng” tự nguyện làm không công cũng không nhận...
SLĐ cũng có hàng tốt, hàng xấu, hàng thật, hàng giả; có hàng “mẫu mã” xoàng xĩnh mà chất lượng hảo hạng, có hàng “bao bì” cực kỳ hấp dẫn mà chất lượng phế phẩm, thậm chí “độc hại”; có “hàng” nhãn hiệu trình toà” mà ế, hàng “sản xuất chui” mà đắt khách, v.v…
Nghĩa là SLĐ trên thị trường cũng mang đầy đủ tính chất của một thứ hàng hoá. Nhưng nó khác ở chỗ, hàng hoá SLĐ gắn liền với mỗi cá nhân con người cụ thể, chủ sở hữu có ý thức của thứ hàng hoá đó; nó được trao đổi, mua bán, sử dụng, nâng cao giá trị, phát huy hiệu quả... thông qua con người với tư cách là chủ sở hữu và chủ thể hoạt động có ý thức – NHÂN CÁCH con người.
2. Nhân cách và hàng hoá SLĐ
Cách đây hơn 20 năm, cố PGS.TS. Phạm Hoàng Gia có nêu lên quan niệm: “Nhân cách là giá trị làm người” nhưng hầu như không được ai thừa nhận! Ngày nay có thể thấy quan niệm đó sát với thực tiễn đời sống. (Không chỉ nhân cách, mà cả hình thể con người, số đo chiều cao, cân nặng, “vòng một, vòng hai, vòng ba”... và những đặc điểm sinh học của cá nhân cũng có những giá trị riêng của nó, ở đây xin phép không bàn đến).
NHÂN CÁCH trong tâm lý học được xem như một cấu trúc phức hợp của những thuộc tính tâm lý cá nhân, tạo nên những phẩm chất, năng lực và bản sắc riêng của mỗi người; trình độ phát triển nhân cách của mỗi người thể hiện ở mức độ ý thức, tầm vực của các hoạt động và quan hệ xã hội mà người đó tham gia vào với tư cách là chủ thể tích cực... Khi đánh giá nhân cách một người, không căn cứ vào vóc dáng, hình thể... mà căn cứ vào những giá trị (vật chất và tinh thần) mà người đó tạo ra cho xã hội.
Xã hội nhìn nhận, đánh giá mỗi người, mỗi nhân cách chủ yếu căn cứ vào hai mặt: TÂM và TÀI, ĐỨC và TÀI, PHẨM CHẤT và NĂNG LỰC... Nhưng đó không phải là những ý niệm mơ hồ mà là quá trình hiện thực hóa những phẩm chất và năng lực, được định hình, được kết tinh lại, được thừa nhận thành những giá trị xã hội.
Xưa Nguyễn Du lấy mục đích hoạt động để nói đến hai mặt thống nhất mà độc lập tương đối của nhân cách mỗi con người, đó là HÙNG TÂM và SINH KẾ (3). Xem ra cách hiểu này rất hợp với quan niệm nhân cách trong cơ chế thị trường ngày nay. Nghĩa là trong mỗi con người cần có hùng tâm (lý tưởng, hoài bão, khát vọng làm việc lớn) đồng thời phải biết lo sinh kế (khả năng lao động, kiếm sống để tồn tại); chỉ có hùng tâm mà không biết sinh kế thì làm sao đủ sống và có phương tiện để thực hiện được hùng tâm? Ngược lại, chỉ lo sinh kế mà không có hùng tâm thì đời người mòn mỏi, không làm được việc gì lớn.
Tất cả những cách phân tích nhân cách làm hai mặt nêu trên đều cho thấy mặt thứ nhất (A1) là những giá trị tương đối ổn định, bền vững, như: Niềm tin, đạo đức, ước mơ, lương tâm, danh dự, nhu cầu, tình cảm... Đó là những thứ không thể đem mua bán; còn mặt thứ hai (A2) là những giá trị linh hoạt hơn, “có khi biến, có khi thường”, đó là phương tiện kiếm sống, là tri thức, kỹ năng để làm ra sản phẩm, hàng hoá đem trao đổi, mua bán để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Nghề nghiệp có thể gắn bó, thống nhất với hùng tâm; nhưng nghề cũng có thể chỉ là phương tiện kiếm sống được pháp luật cho phép. Giá trị của nghề là ở tri thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề, thái độ phục vụ (TKT), đó cũng chính là cái làm nên giá trị của hàng hoá SLĐ, là cái có thể đem mua bán, trao đổi trên TTLĐ.
Người ta bỏ tiền ra mua hàng hoá SLĐ chính là mua cái TKT đó để sử dụng vào những mục tiêu cụ thể, do vậy hàng hoá SLĐ phải đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của TTLĐ. Cả người mua và người bán đều cần ý thức rõ rằng: ta mua và bán cái TKT đó thôi chứ không phải mua, bán toàn bộ con người, toàn bộ nhân cách người hành nghề. Pháp luật cần phải làm rõ giới hạn của việc mua, bán này để SLĐ được trả công đúng với giá trị của nó, đồng thời nhân cách người lao động được tôn trọng, được bảo vệ. (Ví dụ, giám đốc thuê cô thư ký, trả lương cao cho TKT của cô đó, chứ không phải mua cả thân xác và nhân cách của cô đó, nên không được phép sàm sỡ với cô ấy - Luật pháp cần phải quy định rõ).
3. Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và hàng hóa sức lao động
GD&ĐT có tầm quan trọng đặc biệt với việc hình thành nhân cách nói chung và SLĐ nói riêng vì nó có khả năng tạo ra, đổi mới, nâng cấp, cái TKT của mỗi con người để đáp ứng những đòi hỏi của TTLĐ. Chính GD&ĐT (bao gồm cả tự giáo dục) đã sản xuất ra thứ hàng hoá có giá trị đặc biệt là SLĐ. Nếu SLĐ có giá trị cao trong xã hội, người ta sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để đầu tư làm ra nó. GD&ĐT không tạo cho người học có phẩm chất nhân cách vững vàng trong cơ chế thị trường (A1) và TKT (A2) không đáp ứng yêu cầu của TTLĐ thì giáo dục thất bại.
NHÀ NƯỚC cần có dự báo, định hướng cho phát triển TTLĐ, giúp cho mỗi cá nhân biết định hướng đầu tư vào TKT nào là phù hợp nhu cầu, yêu cầu của TTLĐ trong nước và quốc tế. Điều này rất khó vì TTLĐ luôn biến động và GD&ĐT phải trải qua một thời gian khá dài mới có được TKT ở trình độ cao. Nhưng SLĐ gắn với con người nên nó có sự năng động đặc biệt, có khả năng biến đổi, thích ứng nhanh với những thay đổi của TTLĐ. (Khác với việc nông dân trồng cao su, cà phê sau 10 năm không ai mua thì phá bỏ! ).
Để có nguồn nhân lực phục vụ cho CNH, HĐH đất nước phải có những hoạch định, chỉ rõ cần những loại lao động gì, trình độ TKT ra sao... từ đó sẽ tìm ra được những phương thức đào tạo để đáp ứng. Đặc biệt, chính sách của Nhà nước đối với SLĐ (sử dụng, bồi dưỡng, trả công, bảo hộ, tôn vinh) đúng đắn sẽ có tác động quyết định đến xu thế phát triển SLĐ của xã hội.
Tính nhân văn của GD&ĐT là đem lại cho con người một nhân cách phát triển, vững vàng; tính kinh tế của GD&ĐT là đem lại cho SLĐ (cụ thể là TKT) của con người có giá trị cao trên TTLĐ. Chính vì vậy, đối với mỗi gia đình, quốc gia, đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển lâu bền và có lợi nhất. Việc hình thành nhân cách con người ngày nay không thể tách rời quá trình xã hội hoá và nghề nghiệp hoá các cá nhân.
4. Nhà nước, nhân cách và thị trường.
Như trên đã đề cập, ta hình dung NHÂN CÁCH có hai mặt (A1 và A2) tương tác lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất, tồn tại trong xã hội, một bên là NHÀ NƯỚC và một bên là TTLĐ. (Xem phác đồ: Nhân cách giữa Nhà nước và Thị trường lao động).
NHÀ NƯỚC có nhiệm vụ: Giáo dục, bồi dưỡng, quản lý, tôn vinh, bảo vệ các giá trị... của A1 đối với mỗi cá nhân. Nhà nước làm đúng thì “nguyên khí quốc gia” ngày càng cao, đội ngũ lao động mới có “hùng tâm”, có những phẩm chất quý giá, chứ không chỉ lo “sinh kế”; Nhà nước làm sai thì “nguyên khí” suy giảm; đội ngũ lao động chỉ nhằm vào “sinh kế”, mờ mịt lý tưởng, khát vọng sáng tạo vì sự hưng thịnh của đất nước…Trí thức rơi vào cảnh “Hùng tâm, sinh kế lưỡng mang nhiên” - Nguyễn Du).
NHÀ NƯỚC có nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng, bổ dụng, trả lương xứng đáng, bảo hộ ... đối với A2 ... (Nếu Nhà nước bổ dụng không đúng, trả lương không thỏa đáng ..., A2 sẽ có nguy cơ thất thoát hết người tài).
THỊ TRƯỜNG: Chọn lọc, kích thích phát triển TKT, trả công thỏa thuận, thải loại khắc nghiệt đối với A2, tạo áp lực buộc SLĐ phải không ngừng đổi mới, thích ứng... (Đó là mặt tích cực của thị trường).
Mặt khác, thị trường tìm mọi cách kích thích, khêu gợi, tác động vào mọi ngóc ngách, tầng bậc của nhu cầu, ham muốn, khoái cảm, thị hiếu, lối sống của con người, không trừ một lứa tuổi nào.
Tóm lại, nó kích thích, khuếch đại mặt tiêu dùng trong A1, coi nhẹ các giá trị quý báu của A1, tạo ra sự phân hóa; A1 chạy theo lối sống tiêu dùng, tăng cường tiêu thụ những hàng hóa đang dư thừa trên thị trường. Đồng thời sự thải loại khắc nghiệt và những biến động khôn lường của TTLĐ sẽ gây ra hiện tượng thất nghiệp như một quy luật. (Đó chính là mặt trái của thị trường, luôn tiềm ẩn những nguy cơ làm tha hóa nhân cách). Vì thế Nhà nước cần có Luật thất nghiệp để bảo tồn nguồn lực quý báu của quốc gia.
TÓM LẠI, Nhà nước cần có những chính sách (pháp luật) về giáo dục, đào tạo, bảo vệ, tôn vinh, phát triển bền vững và sử dụng có hiệu quả tối ưu cả A1 lẫn A2 của các thành viên trong xã hội mới trọng dụng, phát triển được nhân tài; cần có chính sách bảo hộ người thất nghiệp, không để cho một nguồn lực vô giá của xã hội bị trôi nổi thất thoát; cần giúp họ bảo tồn được SLĐ và những điều kiện, cơ hội để bồi dưỡng, đào tạo lại, nâng cao chất lượng hàng hóa SLĐ, tái thích ứng với TTLĐ. Đồng thời, Nhà nước phải quản lý thị trường để phát huy các yếu tố tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của nó để xây dựng môi trường xã hội văn minh, tạo điều kiện cho phát triển những nhân cách lành mạnh trong cơ chế thị trường./.
======
PS. Nay nhìn lại, nếu Nhà nước thực hiện được như bài viết đề xuất từ 33 năm trước, thì GD&ĐT không mất phương hướng như hiện nay; các Nhân sĩ, Trí thức được trả lương xứng đáng, không phải lo “sinh kế” một cách đáng hổ thẹn, mà dành toàn bộ năng lượng cho “hùng tâm” thực hiện ước mơ, sáng tạo, làm nên những giá trị xứng đáng cho đất nước; ta có thể xuất khẩu SLĐ chất lượng cao chứ đâu đi làm cu li mãi!...
CHÚ THÍCH
(1) ... “Tất cả cái gọi là lao động cao cấp – như lao động trí óc, lao động nghệ thuật ... đều biến thành đối tượng mua bán và như vậy, chúng mất đi ánh hào quang trước kia của mình. Một sự tiến bộ to lớn biết bao” ... (C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập, Tập 6, NXB Chính trị quốc gia, H., 1983, tr.748).
(2) ... “Tiến công” = Giá cả hàng hóa (Sđd, tr 719).
(3) ... “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm, sinh kế lưỡng mang nhiên”... (Thơ chữ Hán của Nguyễn Du).
* (Bài đăng trong TC Tâm lý học, số 3 năm 1990, có biên tập lại chút ít)