"Khi đọc đến những dòng cuối cùng, mình có cảm giác bâng khuâng tiếc nuối. Tiếc vì thời gian của mình vụn quá, trong khi "Một và nhiều" xứng đáng để được đọc một mạch dù nó khá dày (500 trang). Trước đây, khi chưa đọc Một và nhiều, những hình dung của mình về nhà văn Hà Phạm Phú có phần đơn giản hơn. Ông là người đa tài và là nhà văn trưởng thành từ quân ngũ. Nhưng đọc xong cuốn tiểu thuyết đậm chất tự truyện thì suy nghĩ của mình về ông thay đổi khá nhiều."
Đoạn văn để trong ngoặc kép là được trích từ bài viết của nhà văn Tống Ngọc Hân về tiểu thuyết MỘT VÀ NHIỀU của tôi vừa được nhà văn Vũ Quốc Khánh thông báo gỡ khỏi KỈ YẾU phát hành trong hội thảo nghề nghiệp của chi hội văn học, hội Văn nghệ Phú Thọ. Lý do chính trị chính em chăng? Thưa rằng, không. Rất lãng xẹt. Vì tôi KHÔNG PHẢI HỘI VIÊN Hội Văn Nghệ Phú Thọ.
Việc có vẻ lằng nhằng, để tiện các bạn theo dõi, tôi xin đăng nội dung thư tôi gửi chủ tịch hội VN Phú Thọ. Xem như THƯ NGỎ.
THƯ NGỎ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH HỘI VĂN NGHỆ PHÚ THỌ
Kính gửi: Ông Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ
Tôi là Hà Phạm Phú năm nay 81 tuổi, nhà văn. Là Hội viên của các Hội:
Hội viên Hội Văn nghệ Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) từ năm 1975
Hội viên Hội nhà văn Hà Nội
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam
Quê quán Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ.
Năm 1978, từ Vĩnh Phú chuyển về công tác ở Hà Nội, Hội Văn nghệ Vĩnh Phú đã giới thiệu tôi về sinh hoạt tại Hội Văn nghệ Hà Nội. Sau khi nghỉ hưu tôi đã chuyển về sinh hoạt tại Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ.
Năm 2022, tôi chuyển đảng về sinh hoạt tại quê nhà, Hội Nhà văn Hà Nội đã giới thiệu tôi về sinh hoạt tại Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ.
Tôi nghĩ về thủ tục như vậy là suôn sẻ, và ông chủ tịch đã có thể làm thủ tục cho tôi sinh hoạt. Nhưng mới đây bà chánh văn phòng hội gọi điện cho tôi, nói rằng tôi phải làm lí lịch có dấu đỏ của xã chứng thực, có hai người giới thiệu thì mới có quyết định kết nạp. Theo bà chánh văn phòng, đấy là thủ tục không thể vượt qua. Rồi bà nói thêm, tôi có giấy giới thiệu của Hà Nội thì thôi không cần hai người giới thiệu.
Tôi nghĩ, tôi không phải làm đơn xin vào hội vì tôi là hội viên lớp đầu tiên, có thể coi là hội viên sáng lập.
Khi tôi nói chuyện với nhà văn Vũ Quốc Khánh về việc tôi về sinh hoạt với chi hội, nhà văn đã vui vẻ nói tôi gửi tác phẩm và chuyển để nhà văn Tống Ngọc Hân đọc viết bài giới thiệu. Thế nhưng hôm nay, Chi hội trưởng chi hội văn học Vũ Quốc Khánh lại thông báo, do tôi không phải hội viên nên không được mời dự sinh hoạt chi hội, bài viết của nhà văn Tống Ngọc Hân về tiểu thuyết của tôi cũng bị rút ra khỏi kỉ yếu.
Tôi hơi bị bất ngờ. Tôi chưa rõ lí do mà ông chủ tịch gây khó dễ cho tôi trở về sinh hoạt với anh em văn nghệ sĩ quê hương, trong đó có nhiều bậc tôi kính mến quí trọng như nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà thơ Kim Dũng; có nhiều bạn bè tài năng như nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, Tống Ngọc Hân...
Tôi vẫn nhớ, hồi đầu năm khi tôi gặp trực tiếp ông chủ tịch hội để hỏi tại sao tôi chậm được chấp nhận sinh hoạt thì ông nói không úp mở, sợ các bác về làm khó dễ cho anh em, để tôi hỏi lại dưới chi hội. (Thú thực khi đó với tính nhạy cảm, tôi thấy rất bị xúc phạm, nhưng đã kiềm chế được). Và có thể còn những lí do gì khác đằng sau đó, tôi sẽ xin được nói kĩ sau, vào một dịp khác khi bàn về các hội nghề nghiệp địa phương.
Tôi luôn phản đối hành chính hóa một cơ quan của một hội nghề nghiệp, nó không thể biến thành một “vương quốc khép kín” của một nhóm người được nuôi bằng tiền thuế của dân, hơn nữa lại là Hội văn học nghệ thuật.
Thật đáng tiếc, nhưng tôi phải nói rõ rằng, tôi năm nay đã ngoài 80, tôi không muốn trông thấy sự tha hóa và sự xuống cấp đạo đức xã hội nhanh như thế này. Tôi tự hào và trân trọng những gì mình viết ra. Có thể tôi sẽ không bao giờ sinh hoạt trong một cơ quan như thế, nhưng tôi mãi mãi là một nhà văn Việt Nam có quê gốc Phú Thọ.
Nhà văn Hà Phạm Phú