Trang chủ » Tài liệu tham khảo

PHAN KHÔI NÓI VỀ NGHỀ THƠ

Theo FB Lại Nguyên Ân
Thứ ba ngày 7 tháng 11 năm 2023 9:43 AM

PHAN KHÔI NÓI VỀ NGHỀ THƠ
[.........]
Tiện đây tôi xin nói qua một vài cái phương pháp trong nghề làm thi. Ấy là cái sở đắc riêng về thi học của tôi từ ngày còn đeo đuổi theo nghề ấy. Dầu vậy đến nay tôi vẫn một hai từ chối rằng tôi không phải một nhà thi sĩ. Mà tôi từ chối như vậy không phải là khách tình đâu. Vì tôi tự xét ra tôi không có thiên tài về nghề nầy, làm được đôi bài nên hình chẳng qua nhờ ở công phu học vấn cả. Không có thiên tài thì học cả đời cũng chẳng lành nghề nổi, cũng chẳng sắp hàng với Yên Đổ, Tú Xương nổi, thì đeo đuổi làm chi cho mệt?
Cái phương pháp tôi sắp nói đây là không phải nói với những người mới vỡ lòng học làm thi, song nói với những người đã biết làm thi ít nhiều.
Trong thi, trọng nhất là ý cảnh. Chữ cảnh nầy không phải là phong cảnh mà là cảnh giới. Ý cảnh nghĩa là cái cảnh giới do cái ý của tác giả sắp đặt ra hay là gây dựng nên. Mọi sự vật bày ra trước mắt ta vốn lộn xộn, mà ta làm cho nó có thứ tự trong một bài thi của ta, ấy là sắp đặt cảnh giới. Mọi sự vật ngầm ngấm ở đâu, con mắt nạc không thấy được, mà ta làm cho nó phô bày ra trong một bài thi của ta, ấy là gây dựng cảnh giới. Mà sắp đặt hay gây dựng, cũng đều do ở ý của ta cả.
Cái chỗ trọng yếu nhất trong thi tức là ý cảnh đó thuộc về phương diện tinh thần; chỉ có học lâu, làm nhiều, thì tự nhiên hiểu được, chớ không có thể lấy phương pháp mà cai trị nó. Lấy phương pháp mà cai trị được, là duy có những vết mực đen nằm trên tờ giấy trắng mà thôi.
Cái phương pháp nầy đơn sơ lắm, chỉ nên biết bốn điều, là: tự pháp, cú pháp, chương pháp và thiên pháp.
Tự pháp là cái phép tắc trong từng chữ; cú pháp là cái phép tắc trong từng câu; chương pháp là cái phép từng bài; thiên pháp là cái phép tắc trong một thiên gồm có nhiều bài.
Nay theo thói quen mà nó về thể thất ngôn luật cho dễ nghe.
Một câu thi chỉ có bảy chữ mà thôi, thì không nên có chữ nào là hà rứa, là thừa, là trùng điệp được cả: cho nên phải chú ý về tự pháp.
Một bài thi như một sợi dây chuyền, phải xâu suốt với nhau mà không được rời rạc ra: cho phải chú ý về chương pháp.
Khi mình làm nhiều bài cùng một đầu đề thì trong mỗi bài phải đứng vững một mình nó đã đành, mà lại các bài cũng phải xâu suốt với nhau như sợi dây chuyền nữa: cho nên phải chú ý về thiên pháp.
Xin cử ra đây một bài làm ví dụ. Bài nầy là của một người bạn tôi ở Hà Nội năm trước, làm ra trong khi ngủ tại nhà cô đào, đầu đề là “Đùa một cô đào”:
Tri kỷ đâu ta? ở cạnh mình.
Tỉ tê bên gối lúc tàn canh.
Nói mơn gì tớ ba câu chuyện?
Buộc chặt chi nhau một mối tình?
Nhọ lắm! đừng khoe đây má phấn,
Bạc mà! Chớ trách bọn râu xanh.
Thôi thôi các chị đừng thương tớ,
Tớ có gì đâu, khố một manh!
Nói về chương pháp bài nầy:
Mở ra hỏi: Tri kỷ đâu ra? Rồi đáp ngay rằng chẳng đâu xa hết mà ở bên cạnh mình, đương tỉ tê với mình đây. Tuy hạ chữ “tri kỷ”, song tri kỷ một cách dễ dàng như vậy thì đã có ý rẻ rúng lắm rồi. Cho nên tiếp luôn mà hỏi gay rằng: mơn trớn làm chi? Buộc chặt mối tình làm chi? Hết hỏi gay, lại mắng mát: mình là nhọ mà chớ có khoe; mình là bạc mà đừng có trách. Đã nhọ đã bạc thì cái tình tri kỷ lúc nãy chẳng qua vì tiền mà thôi, cho nên câu kết nói toang ra rằng: Đừng thương tôi làm chi, tôi không có tiền!
Chương pháp như vậy là được lắm, có thứ tự mà ý nó không đứt.
Nói về cú pháp: Trong câu mở, hỏi rồi đáp liền, ấy là một kiểu mới. Tam tứ cũng là câu hỏi mà không trùng với ý câu mở, vì câu mở mình hỏi lấy mình mà câu nầy là hỏi cô đào. Ngũ lục điệu đổi mà ý cũng đổi. Câu kết nẩy ra một ý khác nữa, là ý ngậm từ hồi mới mở mà bây giờ mới nói ra.
Ấy là cú pháp cũng được.
Nói về tự pháp: Thường thường hát cô đào, khi uống rượu xong gần sáng mới tình tự với nhau, cho nên chữ “tàn canh” đó không phải là thừa. Nói mơn cũng là nói nịnh, nói hót, song riêng dùng về đôi nhân tình vỗ về tưng bốc nhau, không thể đổi chữ gì vào đấy cho hơn chữ mơn được. Một mối tình, chữ mối ăn lên chữ buộc, nếu đổi làm “một chữ tình”, cũng có nghĩa, song không bằng. Nhọ là tiếng thường dùng giữa cô đào, không thể đổi làm chữ tệ được. Chữ nhọ đó ăn xuống chữ phấn; còn chữ bạc vế kia ăn xuống chữ xanh, đều là cái khéo trong sự dùng chữ. Cái hay của bài nầy hình như nó nhóm lại ở nơi một chữ thương. Người đàn ông mà được đàn bà thương, là sự đáng lấy làm hân hạnh lắm mới phải; cái nầy lại van xin từ chối, bảo đừng có thương, tự nhiên rõ ra cái thương nầy là cái hại.
Ấy là tự pháp cũng được.
Nói về thiên pháp, tôi không có sẵn ở đây để đem ra làm ví dụ. Song tôi nhớ đại lược mười bài liên hoàn của bà phi vợ đức Thành Thái, mẹ đức Duy Tân: mười bài ấy kể cú pháp và chương pháp đều được cả; nhưng thiên pháp thì chưa được, vì có hơi lộn xộn và trùng điệp, trùng điệp cả chữ và ý.
Như trong một bài trước đã có câu:
Mộng điệp vì ai nên lẽo đẽo?
Trong một bài sau lại có câu:
Chiêm bao lẽo đẽo theo hồn bướm,
thì thật là khó nghe đi thôi!
Thi cũng như đồ nhấm rượu, người ta quý cái ngon, không ai quý cái nhiều. Gặp một đầu đề nào mà minh có ý dồi dào lắm mới nên làm hai bài trở lên; còn không thì thôi, không nên ráng sức mà làm cho nhiều làm chi.
Hễ đã làm nhiều bài thì khi bố cuộc phải nhớ đến thiên pháp.
C. D.
Nguồn:
Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 783 (18 Octobre 1928); s. 803 (8 Décembre 1928)