Mấy hôm nay, khi dư luận ồn lên những chuyện “dở cười dở khóc” về các Danh hiệu NHÂN DÂN, ƯU TÚ, Tuấn cận tôi chợt nhớ một chuyện:
Có lần, mang cuốn truyện mới in tới tặng một ông thầy gần gũi là Giáo sư-Nhà giáo ND, thấy tôi đang định cầm bút ghi lời tặng, thầy mỉm cười rồi bảo nhẹ: “Này T, đừng đề các danh hiệu - chức danh loảng xoảng làm gì, chỉ cần ghi “Kính tặng Thầy” một cách giản dị và thân thiết là được, thầy sẽ rất vui… “ Rồi cả hai thầy trò cùng cười, bởi một sự đồng cảm kèm sự thấu hiểu về một điều khá tế nhị mà cho tới hôm nay lại trở thành điều bức xúc khiến thiên hạ bỉ bôi, chế riễu, thậm chí phẫn nộ…
Không hiểu số phận có trớ trêu không, chỉ ít lâu sau cuộc gặp gỡ mà tôi được một bài học “luân lý” thấm thía đó, tôi đã “rơi” vào một cảnh ngộ đáng nhớ, trong một cuộc chấm thi văn bằng hai đạo diễn… Tại các bàn của Ban Giám khảo có các biển đề chức danh,danh hiệu từng giám khảo, toàn là các NSND, NSƯT, Giám đốc, Phó Giám đốc các Hãng phim - rồi mới tới nghề nghiệp của thành viên GK là “Đạo diễn”. Riêng biển của T cận tôi chỉ có trơn mỗi nghề nghiệp là “Đạo diễn NAT”. Nhưng từ lúc đó cho hết cuộc chấm thi, bản thân tôi không cảm thấy một chút tự ty, mặc cảm gì cả; còn các đồng nghiệp của tôi cũng coi như đó là điều không đáng kể, không đáng chú ý. Và điều quan trọng nhất là toàn bộ thí sinh cũng không cảm thấy điều gì khác biệt, lạ kỳ gì hết: điều thu hút tâm trí của họ là đoán bắt và tìm cách giải đáp những lời phản biện khiến họ toát mồ hôi hột, dù của thầy BGK là NSND, NSƯT hay chỉ là nghệ sĩ trơn. Và những biển hiệu nọ chỉ là một hình thức mang tính quy định tuy cần thiết, nhưng vô hồn, có chăng làm “nhân chứng câm lặng” cho cuộc đấu trí âm thầm căng thẳng giữa những “Thầy cả” và các “Thợ học việc” sắp “Vượt Vũ Môn”!…
Có lần, một vài sinh viên tìm đến tôi đề nghị làm giảng viên hướng dẫn làm phim Tốt nghiệp, tôi nói vui: “Thầy không phải là NSND, NSƯT, sao các em không tìm đến các thầy khác…” Một cậu bảo: “Thầy ạ, em tìm đến thầy là qua một thầy khác trong trường giới thiệu, và cũng bởi, qua các phim và bài viết của thầy, em cảm thấy thầy sẽ cảm thông được với suy nghĩ của em…” Tôi trả lời ngay: “Nếu em so sánh thầy với các thầy khác để đề cao thầy, thì xin lỗi nhé, thầy sẽ từ chối thẳng thừng đấy, nhưng vì em đã nghĩ như vậy, thầy vui lòng nhận hướng dẫn TN cho em…” Một cậu sinh viên chuẩn bị ra trường hôm đó cũng chợt hé mở cho tôi hiểu thêm một điều khá quan trọng: Khán giả, trong đó có học trò của mình đã coi trọng cái giá trị thực của Suy tưởng & Sáng tạo, chứ không coi các chức danh, danh hiệu dù cao siêu lộng lẫy đến đâu làm tiêu chuẩn chân lý, đánh giá.
Ở nghề của tôi, hôm nay tôi càng thấm thía: Khán giả vào rạp xem phim, hay dừng mắt trước màn hình nhỏ gia đình, điều họ quan tâm là bộ phim đó đã giúp họ có thêm được điều gì có ý nghĩa trong cảm xúc và suy nghĩ, chứ họ không cần quan tâm là tên của các nghệ sĩ Điện ảnh trên màn chữ phim có gắn các danh hiệu gì…
Còn riêng tôi, không dám có ý kiến gì về những chuyện lùm xùm quanh chuyện “danh hiệu”, chỉ mạnh dạn nêu một ý kiến của nghệ sĩ Trần Nhương; và nếu tôi có thêm cái biệt danh Mai An là tên con gái mình vào đầu tên ghi trên générique phim hoặc đầu bài viết, chỉ là để các danh nhân (và có cả sát nhân) trùng tên khỏi phải kiện tôi sau này mà thôi!
Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn
( Ảnh minh họa chỉ để chống trôi)