Nadim Hítmet viết: "Có một lọai người vừa là kép hát vừa là Hoàng đế. Đó là nhà văn".
Là kép hát bởi anh ta chẳng có chức tước quyền lực gì. Là Hoàng đế thậm chí hơn cả Hoàng đế bởi tư tưởng của anh ta có thể vượt không gian đến các quốc gia khác. Vượt thời gian lưu truyền mãi mãi.
Đúng vậy. Mọi thứ đều sẽ mục nát hết.
Chỉ văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung là vĩnh hằng.
Nhà văn để lại tác phẩm. Tức là để lại cuộc sống của mình. Trái tim, khối óc của mình. Người đời không được gặp lúc nhà văn còn sống. Không nhìn thấy phần mộ khi qua đời. Nhưng vẫn cảm nhận được sự rung động của trái tim, những suy nghĩ và tư tưởng của nhà văn qua từng trang sách lưu truyền cho hậu thế.
Văn Thiên Tường triều Nam Tống viết: "Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử. Lưu thủ đang tâm chiếu hãn thanh" (Con người tự cổ ai không chết. Lưu lại lòng son với sử xanh).
Ở đời, từ xưa tới nay, lắm người quyền cao chức trọng, phú quý giàu sang. Nhưng thanh danh không dễ lưu truyền. Chức tước và tiền bạc không giúp họ việc ấy được.
Nhưng nhà văn làm được.
Người bình thường gặp bất hạnh trong đời. Hoặc tìm đến cái chết. Hoặc phải nghiến răng nén chịu nuốt nỗi đau vào tâm. Nhưng nhà văn lại biết dồn nỗi đau ấy vào tác phẩm của mình. Tìm ra triết lý và gửi gắm triết lý vào mỗi con chữ để giãi bày, trang trải cùng nhân sinh thế sự.
Biết bao tác phẩm bất hủ của các thiên tài được ra đời trong nỗi bi thương, uất hận. Như "Ly tao" của Khuất Nguyên, "Thoán từ" của Chu Văn Vương, "Sử ký" của Tư Mã Thiên, "Tôn Tẫn binh pháp" của Tôn Tẫn...
Thực ra nhà văn cũng như mọi người khác. Có hay, có dở. Có tinh khiết, có cặn bã. Có cao thượng và thấp hèn. Bởi thế nhà văn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để có nhân cách xứng đáng với nghề cầm bút cao quý. Nhà văn phải biết chắt lọc những tinh tuý của mình và của đời. Để tạo ra những viên ngọc là tác phẩm. Giúp cho chính mình và cho bạn đọc thải bỏ cặn bã thấp hèn. Tiếp nhận tinh khiết cao thượng. Còn người khác thì không làm việc ấy. Sự hỗn tạp lẫn lộn tốt xấu khi còn sống cho đến lúc chết. Đều theo họ xuống mồ.
Có hai khái niệm "Chức" và "Danh".
"Chức" gắn với quyền lực và tiền bạc. Nên có thể mua, bán được. Còn "Danh" (hiểu theo nghĩa "Chính danh") gắn với nhân cách, đạo đức và tài năng. Nên không thể mua bán. Mà phải do chính mình làm ra.
"Chức" khả biến nay còn mai mất.
"Danh" bất biến.
Người dẫu đã chết nhưng "Danh" vẫn tồn tại. Nhiều kẻ giàu có và đầy quyền lực. Nhưng không được kính trọng. Thậm chí bị người đời khinh bỉ. Trong khi nhiều lương dân rất nghèo khó, cũng chẳng chức quyền. Nhưng ít ai dám coi thường.
Hơn nhau là ở Nhân cách, Đạo đức.
"Danh" là căn bản. "Chức" là phù hoa. "Danh" quý hơn "Chức".
"Danh" của nhà văn khác hẳn danh của người làm chính trị bằng quyền lực.
"Danh" của nhà văn do đức tài của chính nhà văn tạo ra thông qua tác phẩm của họ. Được xã hội và bạn đọc chấp nhận một cách tự nguyện.
"Danh" của người làm chính trị bằng quyền lực không hẳn như thế. Mà do được người khác "ban", "cử" hoặc "bầu". Thậm chí bằng mọi thủ đoạn để đoạt lấy.
"Danh" của nhà văn là "Trường danh" tồn tại mãi mãi. Không có "nguyên" hay "cựu".
"Danh" của người làm chính trị bằng quyền lực. Dù đứng đầu quốc gia. Hay thủ lĩnh một tổ chức chính trị độc quyền lãnh đạo đất nước. Cũng là "Đoản danh". Có "nguyên" hay "cựu".
"Danh" của nhà văn không ngụy tạo hoặc tranh cướp được. (Những kẻ dám làm điều ấy như "đạo văn". Thì đó không phải nhà văn).
Nhưng "Danh" của người làm chính trị bằng quyền lực thì có thể ngụy tạo và tranh cướp được.
Vậy mà vẫn không ít người liệt kê tất cả mọi thứ "Chức" vào "Danh thiếp". (Kể cả những thứ "nguyên" với "cựu" đã bị phế bỏ từ lâu. Cốt phô trương). Khi sử dụng quyền lực của những "Chức" ấy. Họ bỏ qua cả đạo lý, tình nghĩa, sẵn sàng huỷ hoại "Danh".
Rồi đến khi hết "Chức".
"Danh" cũng chẳng còn. Nếu còn thì đó là "Ô danh", "Bỉ danh", "Tà danh".
"Danh" không chỉ quý hơn "Chức".
Mà quý hơn cả "thân" sống của mình.
Ở đời có bốn loại.
- Thứ nhất: "toàn danh" và "toàn thân" như Phạm Lãi, Tiêu Hà, Trương Lương.
- Thứ hai: "toàn danh" nhưng "không toàn thân" như Hàn Tín, Bành Việt, Nguyễn Trãi.
- Thứ ba: "toàn thân" nhưng "không toàn danh" như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
- Thứ tư: "không toàn danh" cũng "chẳng toàn thân" như Đổng Trác, Tần Cối, Kiều Công Tiễn.
Những kẻ thuộc loại thứ ba, thứ tư thì chỉ là đồ phế thải.
Một người đã tự nguyện suốt đời hiến dâng cho "Nghiệp Văn chương". Thì không ham hố tham gia bất kỳ một tổ chức chính trị hay bộ máy quyền lực nào. Họ không muốn chịu sự ràng buộc.
Trái tim, khối óc nhà văn chỉ thuộc về Tổ Quốc và Nhân Dân.
Nhà văn luôn tự hào được đứng cùng hàng với những "Người bình thường" trong xã hội. Đặc biệt tầng lớp cần lao.
Nhà văn phải luôn tỉnh táo, vững vàng. Quyết không uốn cong ngòi bút tự biến mình thành loại nô tài hèn hạ.
Nhà văn coi trọng chính nghĩa. Bảo vệ chính nghĩa. Coi khinh và đấu tranh đến cùng mọi thứ phi nghĩa, dù nấp dưới bất kỳ lốt vỏ nào, chức tước quyền lực nào, giàu sang phú quý đến đâu.
Nhà văn phải luôn tu dưỡng để Đạo đức không tỳ vết. Nhân cách không hoen ố. Trí tuệ uyên bác. Lối sống bình dị. Có như thế văn chương của mình mới trong sáng, mới có ích cho đời. Bởi tiền nhân dạy: "Văn là nhân" (Văn là người).
Đề tài: nhà văn phản ánh bao trùm mọi lĩnh vực đời sống.
Nội dung: nhà văn thể hiện là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa "Cái thiện" và "Cái ác". Cuối cùng, theo quy luật "Cái thiện" sẽ thắng.
Đó chính là chỗ đứng và thiên chức cao quý của nhà văn.
Nhà văn sống với tác phẩm. Sống vì tác phẩm. Sống bằng tác phẩm.
Chứ không phải chức tước, quyền lực.
Nhà văn coi nhẹ, thậm chí không màng "Chức".
Nhưng rất trọng "Danh".
"Danh" nhà văn là kết quả tu rèn và lao động đầy vất vả để có tác phẩm. Nhà văn phải chịu trách nhiệm trước bạn đọc, trước xã hội và trước lịch sử về tác phẩm của mình.
Bởi thế đó là "Thực danh" chứ không phải "Hư danh". "Chính danh" chứ không phải "Tà danh". "Đích danh" chứ không phải "Mạo danh". "Trọng danh" chứ không phải "Bỉ danh". "Vinh danh" chứ không phải "Ô danh". "Trường danh" chứ không phải "Đoản danh".
Ý nghĩa và giá trị cái "Danh" của nhà văn là vậy.
Phải chăng vì thế mà bố tôi nói: "Văn chương là nghề cao quý".
Cao quý thì rõ rồi. Bố tôi còn nói: "Gian truân vất vả lắm mà khó thành đạt".
Không chỉ "gian truân vất vả khó thành đạt". Mà còn phải chấp nhận cuộc sống vật chất rất nghèo khó.
Không chỉ "gian truân vất vả khó thành đạt". Mà nhiều khi còn mang họa vào thân. Biết bao tài năng phải chịu oan ức trong chốn lao tù. Chỉ vì những vụ "án văn chương" rất vô lý, rất tàn bạo không qua xét xử đó sao?
"Văn chương là nghề cao quý". Nhưng vô cùng khắc nghiệt.
Để đạt được vô cùng khó. Khó nhất là làm sao luôn giữ được:
CÁI "DANH" CỦA NHÀ VĂN.