Trang chủ » Tin văn và...

ĐÀI RFI TRANNHUONG.COM: GIẢI ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN Ở VN DÀNH CHO VĂN XUÔI

RFT
Thứ hai ngày 6 tháng 12 năm 2021 11:27 AM


ĐÀI RFI

Cuối tháng 9 vừa qua, trong giới văn chương ở Việt Nam có một sự kiện đáng chú ý. Đó là sự xuất hiện của trannhuong.com - giải thưởng tư nhân đầu tiên dành cho các tác phẩm văn xuôi. Vì sao giải trannhuong.com tháng 9/2011 lại được trao cho hai tác phẩm « Bão táp triều Trần » và « Thời của thánh thần » ? Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn học Việt Nam hiện nay ?
Đối với các quốc gia hiện đại, giải thưởng văn học do tư nhân tổ chức là chuyện rất phổ biến, tuy nhiên, ở Việt Nam, chí ít kể từ sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên cả nước cho đến những năm rất gần đây, các giải thưởng như vậy hoàn toàn vắng bóng trong sinh hoạt văn chương.
Giải thưởng mang tên trang web trannhuong.com, do nhà văn Trần Nhương tổ chức, đã được trao cho hai nhà viết truyện, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả bộ tiểu thuyết dài 6 tập « Bão táp triều Trần » và nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả cuốn « Thời của thánh thần ».
« Cái quan trọng là được người đọc yêu mến ! »
Trả lời phỏng vấn RFI, nhà văn Trần Nhương - người tổ chức giải - chia sẻ một số suy nghĩ của ông về lý do của việc ông lập nên giải thưởng văn học độc lập trannhuong.com và kể lại những điều khiến ông tâm đắc trong sự kiện này :
« Trần Nhương : Tôi nghĩ rằng, mình đặt cái giải đó để vinh danh các tác giả mà mình yêu mến. Cái quan trọng là người đọc người ta yêu mến ! Hôm đó, ngày 28/9, rất mừng là, các bạn bè, các văn nghệ sĩ và các trí thức lớn của Hà Nội cũng đều có mặt : Văn Như Cương, Phạm Toàn, Huệ Chi, Trần Văn Thủy, ... và rất nhiều nhà văn có tên tuổi : Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, … cũng đến tham gia lễ trao giải của chúng tôi. Điều ấy là một phần thưởng rất quý cho trannhuong.com.
Nhưng cái quý hơn nữa là, các tác giả như Hoàng Quốc Hải và Hoàng Minh Tường, họ đã chấp thuận cái giải này, mà họ chấp nhận một cách vui vẻ, rất chân thành, và thậm chí họ sung sướng nữa. Họ kéo cả bà con, con cháu đến để cùng dự.
Tôi nghĩ, đấy là một điều rất mừng cho mình. Mình đã làm được một cái gì đó được cộng đồng, một số người ở cộng đồng hưởng ứng, thì mình cảm thấy đó là một điều vinh dự, vui cho mình, vừa là với trang web, vừa là với việc mình muốn tôn vinh theo nghĩa là người đọc đón nhận tác phẩm này, chứ không phải là do ai định đoạt. Có những giải hoặc có những tác phẩm tưởng là ghê, nhưng người đọc không đọc thì cũng là thất bại. Vậy, cuối cùng nhà văn chỉ trông vào bạn đọc.
RFI : Thưa anh, trong giải thưởng này, anh – nhà văn Trần Nhương – là người tổ chức, cũng chính là bạn đọc « đầu tiên » … anh có thể giải thích, vì sao anh lại chọn hai tác phẩm này để trao giải không ạ ?
«Trần Nhương : Cái thứ nhất là hai ông nhà văn này là hai ông rất đáng trọng. Họ có cốt cách của họ. Rồi họ viết hai cái tác phẩm « Bão táp triều Trần » và « Thời của thánh thần » ở mỗi thời điểm khác nhau, nhưng họ đều nói đến một tính cách Việt, nhân cách Việt.
Anh biết triều Trần là một triều rất oanh liệt của đất nước chúng ta. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết tới sáu tập với gần 4.000 trang sách. Thì tôi nghĩ đấy là một công trình mà ông ấy đã bỏ ra một tâm huyết rất lớn. Ngoài cái đó, vẫn phải căn cứ vào lượng bạn đọc. Đây là một quyển sách có kỷ lục về tái bản.
Hai là, cuốn « Thời của thánh thần » chỉ in được 1.000 bản thì nhà nước tạm dừng, chưa cho tái bản vội. Trong khi đó, các đầu nậu – những người in lậu, họ đã in đến hàng chục vạn bản, chứ không phải một vạn. Hai thống kê này cho thấy, hai tác phẩm được bạn đọc yêu mến nhất.
Cho nên, tôi đã tổ chức một buổi trao giải, có thể nói là cũng khác thường so với ở Việt Nam, rất giản dị, trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, cây cối rất đẹp. Bạn đọc đánh giá, đây là một giải sang trọng, mà cách tổ chức rất gọn nhẹ. »
Giải thưởng của bạn đọc mang lại một cảm giác ngạc nhiên, thú vị ...
Về giải thưởng trannhuong.com, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết lý do vì sao, giải thưởng này là một hiện tượng đáng chú ý trong đời sống văn học tại Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh các giải thưởng thuộc hệ thống chính thống của Nhà nước hầu hết rơi vào tình trạng bê bối và mất uy tín :
« Lai Nguyên Ân : Tôi nghĩ cái giải thưởng, đặt tên là trannhuong.com, do một nhà văn, là nhà văn Trần Nhương chủ trì, nó gây một cảm giác thú vị, và một cái gì ngạc nhiên. Nó có một yếu tố hơi có một cái gì đó trái khoáy một chút. Có lẽ là vì, cái giải đó không hề có hội đồng chấm giải gì cả, mà là người chủ trang blog điện tử, tự anh ấy chọn và quyết định trao. Anh ấy cho biết là, giải đó được trao không căn cứ vào các đánh giá chính thống, hay thậm chí của giới phê bình, dù là của chính thống hay dư luận của một giới hẹp nào đó, mà anh ấy căn cứ vào sự yêu mến của bạn đọc đối với các tác phẩm đó. Một nét nữa là giá trị của giải thưởng cực kỳ là tượng trưng (tức là chỉ một đồng tiền 1.000 VND).
Đặt [hiện tượng này] vào không khí của Việt Nam hiện nay, theo tôi, điều thú vị ở chỗ là : giải này nằm trong một loạt các giải mang tính cá nhân, hay tập thể, mà không thuộc về hệ thống của nhà nước. Ví dụ như, ở Việt Nam có những giải thưởng thơ mang tên Lá Trầu, có những giải thưởng mang tên Bách Việt, rồi có những giải thưởng khác,… Đó là một loạt các giải thưởng mà người ta gọi là « xã hội hóa », có nghĩa là của « dân sự », của ngoài xã hội đánh giá lẫn nhau. Cái hệ thống này tồn tại bên cạnh một hệ thống của các giải thưởng chính thống, trên thực tế đều sử dụng ngân sách của nhà nước, tức là tiền thuế của dân để trao giải.
Những năm gần đây, việc xét các giải [chính thống] đó, nó đang bộc lộ những điều có thể nói là gây dư luận hết sức là không tốt. Người ta thấy là, những người đáng trao giải lại không được đưa vào xét trao giải. Thế rồi, trong việc trao giải, tưởng như là những dịp để vinh danh một cách xứng đáng các văn nghệ sĩ có những đóng góp cho nền văn học, thì nổi lên trong quá trình trao giải lại là cái quyền của bộ máy quan liêu, thao túng cái đời sống văn hóa, văn nghệ. Những cái giải đó, ngay trong khi đang xét, cho thấy là cái bộ máy quan liêu đó lên mặt cửa quyền hơn hẳn, thậm chí át hẳn vai trò của các văn nghệ sĩ xứng đáng được nhận các giải đó.
Có không ít các văn nghệ sĩ đã nhẫn nhục, bởi vì những giải đó cũng có một khoản tiền kha khá, mà có khi người ta phải lao động trong một vài năm, hoặc vài ba năm mới có được, cho nên người ta nhẫn nại để cho mọi thứ nó qua, để được một cái giải. Nhưng cũng có những người đã bực mình và đã từ chối, bởi vì không chịu được mặt thiếu tôn trọng và tỏ ra bất công rõ ràng, cho thấy quyền uy quá đáng, vô lý của bộ máy quan liêu tham gia xét giải thưởng.
Thành ra, đặt trong không khí ấy, thì những giải thưởng, như kiểu giải thưởng Trần Nhương, có một sức kích thích, để cho dư luận thấy là : Nên nhìn như thế nào về vấn đề giải thưởng đối với các hoạt động nghệ thuật. »
Trannhuong.com là giải thưởng "lành mạnh", "độc đáo" và thể hiện "sự công tâm hơn của công chúng"
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả bộ tiểu thuyết 6 tập « Bão táp triều Trần », một trong hai người nhận giải thưởng trannhuong.com cho biết cảm nghĩ của ông :
« Hoàng Quốc Hải : Giải thưởng trangnhuong.com là một giải hết sức độc đáo, lần đầu tiên có ở Việt Nam. Nó là giải phi lợi nhuận và là giải mà độc giả trao cho tác giả. Nói một cách khác, độc giả tri ân tác giả. Về phía người viết, thì theo tôi, chiếm được cảm tình của người đọc không phải là dễ. Khi người đọc, đọc rồi, quay trở lại tri ân với tác giả, thì cái này nó là một vinh dự cho tác giả. Nó có tác dụng khuyến khích tác giả làm việc nghiêm túc hơn, và làm sao để có được những tác phẩm được công chúng đón nhận hơn.
Một cái tốt hơn nữa là, cái giải thưởng này khi nó ra đời, đã được các văn hữu hết sức nồng nhiệt hưởng ứng. Hiện nay, trên các trang mạng và trên các báo, tôi không thấy có phản ứng trái chiều nào cả. Tôi nghĩ rằng, việc đó có lẽ nó thuận nhất trong lúc này. Như anh biết, ở Việt Nam, bây giờ đang đi theo cơ chế thị trường, dường như trong nhiều việc, người ta nghĩ đến lợi nhuận đầu tiên, nhưng giải văn chương này không hề dính líu gì đến cái lợi nhuận cả. Hôm trao giải cũng thế. Tất cả mọi người đến đều rất ngạc nhiên, vì buổi trao giải rất đơn giản, đơn giản mà thân mật. Theo tôi, việc làm này là một sinh hoạt văn chương hết sức lành mạnh và độc đáo ở Việt Nam, và hình thức này theo tôi, nếu có thể được, nên khuyến khích ».
Cũng giống như người tổ chức giải và người đồng nhận giải, nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả « Thời của thánh thần », nhận thấy sự đón nhận từ phía độc giả đối với người sáng tác là điều có giá trị đặc biệt, mà giải thưởng này mang lại. Ông tâm sự :
« Hoàng Minh Tường : Tôi rất vui mừng, vì như vậy, không khí văn chương thực sự cởi mở. Đây là lần đầu tiên một giải văn học tư nhân, được trao cho hai tác giả. Nó làm cho không khí văn chương được dân chủ hơn. Chúng tôi cảm thấy là, lâu lắm rồi … Không phải là giải văn chương của nhà nước, của quốc gia gì nó mới là to lớn. …
Trang mạng trannhuong.com là một trang mạng có rất nhiều người đọc. Tôi nghĩ, mỗi ngày có hàng vạn lượt người truy cập, nên sức lan tỏa và có những ảnh hưởng xã hội nhất định. Đây là sự ghi nhận của giới văn chương nói riêng. Trang mạng trannhuong.com được các văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam và hải ngoại [chú ý]. Tôi đã từng sang Paris, sang Thụy Điển và sang Canada, và thấy rằng, rất nhiều Việt kiều đã vào trang mạng này.
Tôi cảm thấy rằng, đây là một sự đánh giá công tâm hơn của công chúng đối với những người viết như chúng tôi, và cũng là một sự khích lệ lớn cho những người sáng tác ».
Những giải thưởng như thế hết sức tốt cho văn học !
Nhà thơ Thanh Thảo, người chưa đọc hai tác phẩm được trao giải, cũng thừa nhận giá trị của giải văn chương trannhuong.com. Bởi, điều cốt yếu nhất, theo ông là, một giải thưởng như vậy sẽ khuyến khích độc giả tìm đến sách :
« Thanh Thảo : Thứ nhất là khó tiếp cận được văn bản, thứ hai là ít thờ giờ đọc sách. Việc đọc tiểu thuyết bây giờ rất khó khăn, chứ không dễ dàng gì. Vì thế, tôi nghĩ rằng, những tôn vinh như thế là để cho người đọc, người ta chịu khó đọc hơn các tác phẩm như thế. Những tác phẩm dày về số trang, không phải ai cũng có thời giờ để đọc, nhất là cái phong trào đọc sách ở Việt Nam bây giờ nó xuống thấp lắm, nói thật là như thế !
Tôi nghĩ, sắp tới sẽ có thể có thêm những trang web mang tính cá nhân đứng lên trao các giải thưởng mà họ tự chọn, hoặc họ tín nhiệm một hội đồng nào đó tuyển chọn giúp họ. Mọi cái cổ vũ cho văn học đều rất đáng quý, đều rất cần thiết. Vì những lý do như thế mà việc trannhuong.com trao giải cho những tác phẩm như thế, về mặt nào đó, cũng đánh động được người đọc. Với cách trao giải thưởng rất tượng trưng, rất vui vẻ như thế, người đọc có thể quan tâm hơn đến các tác phẩm đó. Điều đó hết sức tốt cho văn học !
Thêm được một người đọc sách là một điều rất quý. »
Không né tránh điều "kiêng kỵ", văn học phi chính thống đang cựa mình
Giải thưởng văn học độc lập đầu tiên do một cá nhân dành cho các tác phẩm văn xuôi đặt sự yêu mến của các độc giả lên hàng cao nhất. Như chúng ta biết, cả hai tác phẩm kể trên đều có ấn bản rất cao. Điều đáng chú ý là, bên cạnh số lượng độc giả cao, giá trị thực sự của các tác phẩm còn phải bắt nguồn từ những gì độc đáo. Chúng tôi đặt câu hỏi với nhà văn Hoàng Quốc Hải về tác phẩm « Thời của Thánh Thần », bởi số phận éo le của cuốn sách, bị thu hồi ngay trong lần xuất bản đầu tiên năm 2008 :
RFI : Anh có thể cho biết, cái nét gì là tiêu biểu nhất trong tác phẩm ‘‘Thời của Thánh thần’’ ?
«Hoàng Quốc Hải : Cái tiêu biểu thì không thể quy vào một điểm được, bởi vì chủ đề của tác phẩm là rất lớn, mà lại trải dài trong một thời kỳ lịch sử, non một thế kỷ. Cho nên có rất nhiều cái mốc của lịch sử.
Có những cái thuộc phạm vi kiêng kỵ, mà tác giả Hoàng Minh Tường đã không kiêng kỵ, mà dám … ngòi bút của mình vào, mà phơi trần nó ra một cách thiện chí. Tôi lấy ví dụ, như là cải cách ruộng đất, rồi cái thời kỳ mà đồng bào ta phải di tản. Cái sự cay đắng xót xa, thậm chí đau đớn của những người phải bỏ nước ra đi. Rồi tất cả những gì thuộc phạm trù mà xưa vẫn kiêng không nói đến, các tác giả khác không nói đến, hoặc đề cập đến một cách nửa vời.
Thì bây giờ, trên tất cả các bình diện ấy, nhà văn Hoàng Minh Tường đều đi sâu vào phân tích một cách hết sức có lý. Nếu ta đi vào từng giai đoạn lịch sử một, thì nhà văn Hoàng Minh Tường đều đề cập đến một cách thỏa đáng, mà theo tôi, không có phương hại gì đến cho cái gọi là cái « mỹ học » cả.
Và, ở đây cái tính nhân văn hoàn toàn được đề cao, tính hiện thực không bị trốn tránh, dù là những hiện thực đau đớn. Thì, tôi nghĩ rằng, ở đây phải tính đến sự dũng cảm của ngòi bút này. Đây là một ngòi bút hoàn toàn tiến bộ. [Hiện thực được thể hiện trong tác phẩm] là một cái hiện thực, mà tôi muốn nói, là đôi khi hết sức đau đớn, phải cầm dao mà mổ xẻ cái vết thương của chính mình, tác giả cũng không né tránh. Mà cái việc đó, ở Việt Nam, không phải nhà văn nào cũng làm được đâu ! » [Nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu một bài phân tích được đánh giá là rất tốt về tác phẩm "Thời của thánh thần" của nhà văn Đặng Văn Sinh, mang tựa đề "Thời của thánh thần dưới góc nhìn phản biện xã hội"].
Giải thưởng văn chương trannhuong.com là một hiện tượng độc đáo trong đời sống văn học tại Việt Nam hiện nay. Giải thưởng này đã dựa vào sự yêu mến của độc giả để tôn vinh những người sáng tác, và giải đã chọn ra được hai tác phẩm giá trị, trong đó đặc biệt phải nói đến « Thời của thánh thần ». Đây là tác phẩm đã dũng cảm đi vào các vùng hiện thực « kiêng kỵ », như nhà văn Hoàng Quốc Hải ghi nhận.
Trannhuong.com là một dấu hiệu cho thấy một bộ phận văn đàn tại Việt Nam đã bắt đầu khẳng định được tiếng nói độc lập của mình. Tuy nhiên, tương lai của sự độc lập này sẽ ra sao, trong một xã hội vốn vẫn còn bị một ý thức hệ độc đoán đè nặng ?
Sau đây là một số nhận xét của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.
RFI : Thưa anh, anh nghĩ tương lai của những hình thức trao giải thưởng như vậy sẽ như thế nào ? Có một số ý kiến cho rằng, việc các giải thưởng tư nhân hay của một nhóm nhỏ kiểu như vậy vẫn còn có vẻ nhỏ bé quá, phản ánh một xã hội dân sự ở Việt Nam vẫn còn ở tầm rất bị co hẹp, anh nghĩ gì điều này, thưa anh ?
« Lại Nguyên Ân : Vâng, tôi nghĩ rằng, cái khu vực mà người ta gọi là khu vực nhân dân, cái khu vực ngoài nhà nước đó, thì ở Việt Nam, cho đến bây giờ vẫn rất là teo tóp, hoạt động một cách rất là khó khăn. Cho nên, nó [các giải thưởng như thế] nay xuất hiện ở dạng này, mai có thể sẽ không còn như thế được nữa, do lực nó kém, thậm chí nếu nó khỏe, nó cũng sẽ bị ngăn chặn.
Thành thử ra là, những giải thưởng ở khu vực dân sự đã và vẫn đang [tồn tại] theo kiểu teo tóp. Tôi lấy ví dụ, cách đây mấy năm, có giải thưởng Lá trầu, trao cho các bạn làm thơ, nhưng cho đến bây giờ không còn nữa. Hay là giải thưởng Bách Việt, nhưng mà nó cũng lúc có, lúc không, và một số giải khác … cũng rất được chăng hay chớ.
Có thể là hình ảnh về 7 người và mọi người đang đứng
Thái A Trần, Duc Lehong và 4 người khác
1 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ